Melissa Swyer là nữ lực sĩ Úc, từ lâu cô mơ đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội trước khi từ bỏ giấc mơ để thành nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái Canossian.
Xơ Melissa nhớ lại: “Khi còn nhỏ, mẹ tôi phải kéo lê tôi ra xe để đi nhà thờ”. Vào thời đó, giờ đi lễ trùng với giờ đài truyền hình chiếu các chương trình thể thao cô mê: bóng chuyền, bóng bầu dục, quần vợt và nhất là điền kinh, bộ môn cô giỏi nhất.
Cô không phải là người tài giỏi nhất của thế hệ mình. Nhưng là người tập luyện dữ dội, dưới cơn mưa và ngay cả ngày lễ Giáng Sinh! Trong phòng của cô gái tuổi vị thành niên, thay vì treo hình các ngôi sao nhạc rock, cô viết một câu khẩu hiệu chữ thật to: “Đứng thứ nhì là người thua đầu tiên!”
Khi cô không tập luyện thì cô học để thành giáo sư thể thao! Một con đường chuẩn bị cho một đời sống xã hội tốt đẹp. Chỉ trừ là cô cảm nhận một cảm giác trống rỗng, mất mát kỳ lạ. Bây giờ cô nói: “Nếu ai nói tôi sẽ là nữ tu, tôi sẽ cười vào mũi họ…!”
Một cuộc trở lại theo kiểu chạy nước rút
Dù vậy, qua tuổi vị thành niên, cô bắt đầu đi nhà thờ lại và làm thiện nguyện ở Dòng Nữ tử Bác ái Verona. Năm 2000, cô được cử đi truyền giáo một tháng ở Phi châu.
19 tuổi, Melissa Swyer ở giữa dòng nước sâu, vì cô bị kẹt vào ngày Thế Vận Hội Sydney 2000, cô phải chọn giữa hai đam mê. Cô nhớ lại: “Tôi nghĩ tôi còn nhiều năm để tập luyện thể thao. Cuộc đời tôi đã thay đổi mãi mãi từ đó”.
Lời kêu gọi của những người không có gì
Ở Tanzania, cô gặp những hoàn cảnh khốn cùng nhất, như hoàn cảnh của em Neema, từ khi mới sinh, em đã bị cha mẹ bỏ trong một cái thúng. Trong lúc đau khổ, em xin cô đem em về Úc với cô để “làm người làm, cột giày và xách ví cho cô”. Bao nhiêu là cảnh đau khổ làm cho Melissa giận Chúa… Cô hỏi Chúa vì sao Chúa không làm gì để giúp em bé này. Cô nhớ lại: “Chúa đã trả lời cho tôi rất rõ ràng, có một vài việc tôi có thể làm. Tôi có thể để cả đời tôi để phục vụ Ngài”.
Cô rời các sân vận động để vào Dòng Nữ tử bác ái Canossian. Một cú sấm sét như giáng xuống cho bạn bè, gia đình và các huấn luyện viên của cô! Năm năm sau, năm 2005, cô khấn lần đầu, cô bỏ giấc mơ huy chương vàng Thế Vận!
Giáo hội cần người trẻ hơn bao giờ hết
Cô cho biết, ơn gọi của mình không phải là một trường hợp cá biệt, cô lấy làm tiếc: “Rất nhiều phụ nữ trẻ cảm nhận mình được gọi nhưng không có can đảm dấn thân”. Các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời là các lời khấn làm cho cô được tự do đối với các chiếm hữu trần thế, cho phép cô yêu không điều kiện, chứng nghiệm một lòng tin tưởng tuyệt đối vào ý Chúa.
Cô nói: “Ai cũng có một đời. Tôi dùng đời tôi để loan truyền Tin Mừng”.
Marta An Nguyễn dịch