GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Nền tảng gia đình

Nền tảng gia đình

Chúa Giêsu đã minh định: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó.” (Mt 6:34) Ai cũng khổ, giai cấp nào cũng khổ, ngành nghề nào cũng khổ. Khổ cực, khổ sở, khổ đau, khổ tâm, khổ sầu,… đủ kiểu, đủ dạng, đủ mức, nhưng có cái chung là KHỔ. Tất nhiên đời sống gia đình cũng có “nét khổ” riêng.

Gia đình liên quan hôn nhân, không thể tách rời. Vì thế, gia đình liên quan nhiều vấn đề khác – đời thường và tâm linh. Thánh GM François de Sales phân tích: “Nhiều người có lẽ sẵn lòng chịu đau khổ miễn là chúng không gây bất tiện cho họ. Mỗi khi gặp gian nan và chống đối, anh em đừng cố gắng đánh tan, nhưng hãy dùng sự hiền lành và thời gian mà biến cải chúng. Hãy nhẫn nại với cả thế gian, nhưng trước tiên anh em hãy nhẫn nại với bản thân. Hãy chịu đựng và hiến dâng những rầy rà phiền toái, những bất tiện nhỏ mọn hằng ngày xảy đến với anh em – cơn đau răng, chứng nhức đầu, bệnh cảm lạnh, sự chê bai hoặc khinh thị,… Bậc gia đình là bậc sống đòi phải nhân đức và kiên trung hơn bất kỳ bậc sống nào khác. Đó là một cuộc thực hành khổ chế trường kỳ.”

Gia đình nhỏ bé nhưng là “tế bào gốc,” rất quan trọng cho quá trình phát triển, và có liên quan cả thế giới này. Mẹ Thánh Teresa Calcutta xác định: Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình.

Bày tỏ niềm hãnh diện về gia đình – mặc dù gia đình nghèo, Thánh GH Gioan XXIII viết trong chúc thư: “Sinh trưởng trong sự nghèo nàn, ở một gia đình giản dị nhưng được trọng kính, tôi rất sung sướng được chết trong sự nghèo nàn, vì theo sự đòi hỏi và các trường hợp sống đời giản dị và hèn mọn của tôi, tôi đã phân phát cho người nghèo và Giáo Hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì ít ỏi của tôi đã có, trong những năm làm linh mục và giám mục.”

Theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo dành riêng tháng Hai để tôn kính Thánh Gia, mẫu gương hoàn hảo về đời sống giáo dục đối với các tín hữu Công giáo. Khi cầu nguyện với Thánh Gia, chúng ta suy niệm về mẫu gương của Thánh Gia, cầu xin Thánh Gia nâng đỡ và che chở các gia đình, đồng thời xin Thánh Gia giúp mỗi thành viên gia đình biết trung thành với bổn phận của mình với lòng yêu thương.

Hơn nữa, thói quen thật tốt lành là cầu nguyện với Thánh Gia, nhờ vậy mà luôn cố gắng tập trung vào đời sống gia đình. Hiếu thảo là điều quan trọng vì đạo hiếu đã được Thiên Chúa chú trọng và đặt thành giới răn thứ tư trong Mười Điều Răn: “Hãy thảo kính cha mẹ.” (Hc 3:1-16) Người ta có thể chọn lựa cho mình nhiều thứ, kể cả cách sống, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ cho riêng mình. Vì vậy, dù cha mẹ có thế nào thì con cái vẫn phải làm tròn chữ hiếu.

Không ai biết mình sẽ từ giã cõi đời này vào lúc nào, thậm chí có thể chỉ trong vài giây phút nữa thôi, thế nên hãy cố gắng quý trọng sự sống và thời gian hạnh phúc bên người thân. Hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu, xin Ngài ban cho chúng ta được sự bảo vệ của Đức Mẹ Maria và của Đức Thánh Giuse khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng. Đó là lời cầu nguyện cần thiết, nhất là mỗi tối trước khi chúng ta đi ngủ, và hãy phó thác linh hồn cho Thánh Gia.

Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu có thể đến với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng Thiên Chúa lại chọn cách sai Chúa Con sinh vào một GIA ĐÌNH NGHÈO. Như vậy, Ngài đã đặt Thánh Gia làm mẫu gương cho tất cả chúng ta, và đề cao gia đình Kitô giáo hơn mức tự nhiên bình thường.

Với niềm thành tín, mỗi người hãy dâng chính gia đình của mình cho Thánh Gia – trong đó có Người Con hoàn hảo, Người Mẹ hoàn hảo và Người Cha hoàn hảo. Hãy xin Chúa Giêsu giúp sống vuông tròn bổn phận làm con cháu, xin Đức Mẹ giúp sống tròn bổn phận làm mẹ và làm vợ, xin Đức Thánh Giuse giúp sống tròn bổn phận làm cha và làm chồng. Nhờ Thánh Gia, chúng ta hy vọng cả gia đình sẽ được cứu độ và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi Thiên quốc như Thiên Chúa mong muốn.

Đề cập gia đình, ĐGH Leo XIII khuyên: “Thực sự không có gì có thể tốt lành và hiệu quả hơn đối với các gia đình Kitô giáo khi suy niệm về mẫu gương của Thánh Gia, vì Thánh Gia bao gồm các nhân đức gia đình.”

Ơn cứu độ không là hành động riêng tư, Chúa Giêsu ban ơn cứu độ cho nhân loại qua sự giáng sinh, tử nạn và phục sinh của Ngài. Chúng ta cũng phải cùng nhau làm cho ơn cứu độ trở nên hiệu quả, nhất là qua sự hợp tác của cả gia đình. Chính Thánh Augustinô đã quả quyết: “Chúa không cần hỏi ý kiến con khi Ngài dựng nên con, nhưng phải có sự hợp tác của con khi Ngài cứu độ con.”

Là một gia đình, mệnh danh tổ ấm, chúng ta muốn cùng nhau dùng bữa hoặc làm việc gì đó. Vậy chúng ta cũng hãy cùng nhau cầu nguyện mỗi tối để Ơn Thánh sưởi ấm gia đình chúng ta trở thành tổ ấm đích thực. Sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi, nhưng chúng ta chưa thực sự tôn trọng ơn gọi ấy đúng mức theo Thánh Ý Chúa, thậm chí đôi khi còn bị coi thường khi so sánh với các dạng ơn gọi khác!

Thiên Chúa không chỉ trở nên như chúng ta, mà Ngài còn sinh ra trong một gia đình có cha mẹ: Đức Maria là Mẹ, Đức Giuse là Cha. Gia đình phải là nơi thánh để con cái lớn khôn và chuẩn bị vào đời. Thiên Chúa truyền lệnh: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” (Xh 20:12) Đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa.

Giá trị của điều răn đó trở nên hiển nhiên với chúng ta, bởi vì chính chúng ta cũng là cha mẹ. Nhưng chúng ta đánh giá điều đó quá thấp khi chúng ta còn là con. Cha mẹ luôn muốn con cái thành nhân, và luôn hy vọng một ngày nào đó con mình cũng có con cái ngoan ngoãn và hiếu thảo.

Kinh Thánh cho biết rằng, sau khi được cha mẹ tìm thấy trong Đền Thờ, “Chúa Giêsu trở về và vâng phục cha mẹ.” (Lc 2:51) Thiên Chúa vâng lời hai thụ tạo do chính Ngài tạo nên, nhưng các thụ tạo đó là cha mẹ của Ngài, thế nên Ngài vâng lời cha mẹ để làm gương cho chúng ta.

Điều răn thứ tư đặt mệnh lệnh vào gia đình nhưng cũng đặt trách nhiệm lên đôi vai những người làm cha mẹ. Con cái phải vâng lời cha mẹ bởi vì cha mẹ thay mặt Thiên Chúa để nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Trách nhiệm đó phải cố gắng hoàn tất. Cha mẹ không là Thiên Chúa, nhưng cha mẹ phải phản ánh tình yêu thương của Ngài trong đời sống con cái.

Điều răn thứ tư truyền dạy phải “thảo hiếu cha mẹ” tức là phải sống đức ái. Thiên Chúa muốn con cái phải kính trọng cha mẹ vì cha mẹ sinh dưỡng và cho biết về Thiên Chúa. Con cái phải kính trọng cha mẹ vì cha mẹ được Thiên Chúa trao quyền.

Điều đó không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ kết hợp với Thiên Chúa mà chúng ta còn phải kính trọng những người mà Thiên Chúa trao quyền vì mục đích tốt của chúng ta. Dù đã khôn lớn, con cái vẫn phải kính trọng cha mẹ, và dù không còn ở chung với cha mẹ nhưng con cái vẫn phải vâng lời cha mẹ.

Không phải cha mẹ nào cũng đạo đức hoặc nêu gương sáng, nhưng vì trách nhiệm mà cha mẹ phải nêu gương cho con cái, đôi khi con cái cũng phải nêu gương cho cha mẹ, và cũng có thể có sự đối lập – nhất là trong những việc đạo đức. Ông bà thúc giục cha mẹ và con cháu đi nhà thờ, nhưng đôi khi bị phản đối, thậm chí còn bị ghét bỏ vì các giá trị đạo đức, nhưng con cái vẫn phải tôn trọng cha mẹ mặc dù không đồng ý với cha mẹ. Hãy cầu nguyện và yêu thương cha mẹ, cố gắng thể hiện lòng tôn trọng ngay cả khi có sự bất hòa.

Con cái kính trọng những người được Thiên Chúa trao quyền nghĩa là con cái phải vâng lệnh của Thiên Chúa. Khi con cái không vâng lời cha mẹ là không kính trọng cha mẹ, cũng có nghĩa là không tôn kính hoặc vâng lời Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã hứa không bỏ chúng ta mồ côi, Ngài đã trao quyền cho Giáo Hội hướng dẫn chúng ta. Sự quan phòng của Ngài được thể hiện qua sự hướng dẫn của Giáo Hội và các giáo huấn.

Nếu những điều đó đưa chúng ta vào con đường mà mình không muốn, có thể chúng ta đang tìm ra nơi để bắt đầu chữa lành tâm linh ngay trong gia đình mình. Cha mẹ không thể độc quyền đối với con cái mà bắt chúng vâng lời, nhưng rồi chính mình lại không vâng lời Cha trên trời.

Chúng ta không được bảo làm điều gì đó, nhưng chúng ta được trao trách nhiệm là phải hoàn tất điều răn thứ tư – một điều răn tích cực. Điều răn thứ tư còn liên quan đời sống, hôn nhân, lời nói, và những điều tốt lành khác ở trên thế gian. Mệnh lệnh này trực tiếp liên quan Thiên Chúa qua ba điều răn đầu tiên (điều răn I, II và III) – tôn kính Thiên Chúa trên hết mọi thứ, yêu mến Ngài hết lòng hết sức, không được kêu Danh Ngài vô cớ, và giữ Ngày Thánh (Chúa Nhật). Sau đó là đối với quyền của cha mẹ trước khi tiến hành các điều răn còn lại mà chúng ta gặp trong cuộc sống hằng ngày.

Giáo lý Công giáo cho biết: “Điều răn thứ tư được truyền cho con cái trong mối quan hệ với cha mẹ, vì mối quan hệ này phổ biến nhất. Điều răn này quan tâm hệ lụy thân thuộc giữa các thành viên trong gia đình và dòng tộc. Điều răn đòi hỏi lòng kính trọng, yêu thương, và biết ơn tổ tiên và những người lớn tuổi. Cuối cùng, điều răn này còn đề cập trách nhiệm của học sinh đối với thầy cô giáo, nhân viên đối với chủ nhân, người dưới đối với người trên, công dân đối với tổ quốc và những người lãnh đạo đất nước. Điều răn này bao gồm nhiệm vụ của cha mẹ, người hướng dẫn, người dạy dỗ, người lãnh đạo, quan tòa, người lãnh đạo, người có quyền trên người khác hoặc cộng đồng.”

Vì thế, con cái phải tôn kính cha mẹ cả khi các ngài đã khuất bóng. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy mình vẫn là con cái, và vẫn cần vâng lời. Đó là điều tốt lành, bởi vì chúng ta tự coi mình nhỏ bé. Vả lại, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18:3)

Lạy Thánh Gia, xin giúp chúng con luôn biết dấn thân, hy sinh và quên mình để biết yêu thương nhau, can đảm thực hiện trách nhiệm theo vai trò của mỗi thành viên gia đình cho đúng Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Exit mobile version