Các tu sĩ tự nguyện khấn ba lời khấn như một cách thức thể hiện lòng yêu mến của mình dành cho Đức Giêsu. Nhưng không nên hiểu rằng lời khấn chỉ dành cho những ai đã có đời sống hoàn thành thánh thiện như các Thiên Thần rồi. Ai cũng có thể khấn, miễn là trong khuôn khổ được Giáo Hội ngang qua Hội Dòng xác chuẩn. Cũng không nên hiểu ba lời khấn như những phép màu. Thật ra, khi khấn xong, các khấn sinh chẳng cảm thấy có chút gì đổi khác nơi bản thân mình cả. Vẫn còn đầy dẫy những thói hư tật xấu, những điểm mạnh điểm yếu; cả núi tội vẫn như chất đống trên khối thịt nặng nề. Người ta khấn để nhờ việc giữ lời khấn, họ trở nên giống Đức Giêsu hơn, chứ bản thân những lời khấn không làm cho người khấn trở thành những vị thánh ngay tức thì. Nói đến đây, ta ngay lập tức nhận ra rằng chính Đức Giêsu là mục tiêu mà các khấn sinh hướng đến. Ngài là mẫu mực để các tu sĩ nỗ lực noi theo, đến mức có thể trở thành hiện thân của Ngài ngay giữa lòng nhân thế.
Ta chẳng thấy nơi đâu trong Kinh Thánh nói một cách rõ ràng về ba lời khấn. Trong tất cả các bài giảng của Đức Giêsu, chẳng có chỗ nào ta thấy Ngài chia sẻ cách minh nhiên về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục như ba điều kiện cốt yếu để trở nên giống Ngài. Tuy vậy, ta có thể dễ dàng nhận ra điều này khi nhìn về cuộc sống và sứ mạng của Ngài, như truyền thống Giáo Hội vẫn xác tín. Là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, Đức Giêsu đã cho thấy những điều tốt đẹp hội tụ nơi mình. Ngài là con người hoàn hảo nhất, là người con yêu quý của Chúa Cha. Qua việc chiêm ngắm Ngài cách không ngừng nghỉ, các bậc cao nhân trong Giáo Hội đã tóm lược tất cả những điều tinh tuý nơi Đức Giêsu thành ba yếu tố giúp người ta có thể noi theo mà trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Ba yếu tố này không tách rời nhau, nhưng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Sống trọn vẹn điều này thì cũng giúp sống tốt hai điều kia. Cả ba làm nên chiếc kiềng, giúp cho đời tu được vững chãi.
Ta thấy một Đức Giêsu vô cùng khó nghèo từ biến cố nhập thể. Chấp nhận làm người chính là chấp nhận cái nghèo khó, nhỏ bé, thấp hèn của kiếp nhân sinh. Ngài lại chọn cho mình một cách thế ra đời của người nghèo, trong một nơi đồng không mông quạnh, làm bạn với những người mục đồng cô thế cô thân. Ngài lớn lên trong một gia đình nghèo, phải lao động để kiếm sống. Trong suốt quá trình công khai để rao giảng Nước Trời, Ngài cũng thực thi sứ mạng theo một cách thức đơn sơ giản dị. Ngài chủ động cất tiếng, làm quen, bắt chuyện, chữa lành. Đức Giêsu không nghèo theo kiểu đói ăn đói mặc, thiếu thốn trăm bề. Cái nghèo của Giêsu không phải là cái nghèo xã hội. Nhưng đó là một thái độ không xem trọng vật chất, không bị cám dỗ bởi danh vọng hay đồng tiền, không coi vàng bạc là mục tiêu phấn đấu của mình. Ngài thanh thoát với hết tất cả những gì mình có. Nhờ đó, Ngài mới có thể tiếp cận với mọi lớp người, hiểu được những tâm tư của họ và rồi lôi kéo họ đến những giá trị chân thực của Tin Mừng.
Đức Giêsu đã chọn cho mình một lối sống độc thân, vốn là điều rất khó hiểu vào thời của Ngài lúc bấy giờ. Nhưng đây không phải là một kiểu cô độc, càng không phải là thái độ xem thường giá trị của hôn nhân. Đức Giêsu có một sự quan tâm đặt biệt dành cho phụ nữ. Ngài bênh vực họ khi họ bị người ta hăm he doạ giết (x.Ga 8). Ngài sẵn sàng giúp đỡ họ (x.Mc 16,9). Ngài đã quan sát và dùng hình ảnh bà goá nghèo để dạy dỗ các môn đệ của mình (x.Lc 21,1-4). Ngài sẵn sàng nhận sự giúp đỡ từ lòng hảo tâm của những phụ nữ đạo đức (x.Lc 8,1-3). Nhưng Ngài không để mình bị ràng buộc trong mối dây tình cảm với bất cứ ai. Đức Giêsu không đi ngược lại với xu hướng tự nhiên. Ngài chỉ biểu lộ khả năng vượt trên xu hướng ấy, khi toàn tâm toàn ý chăm lo công việc Cha giao. Đây là một sự khiết tịnh vì Nước Trời, một sự khiết tịnh biểu lộ hạnh phúc Thiên Đàng. Nhờ không thuộc về ai, Đức Giêsu trở thành người của tất cả, để tất cả đều có thể đụng chạm đến Ngài.
Sự vâng phục của Đức Giêsu được biểu lộ rõ nét nhất trong cuộc Khổ Nạn. Trình thuật Đức Giêsu cầu nguyện ba lần trong Vườn Dầu xin Cha cất khỏi chén đắng khỏi mình (x.Mt 26,36-46) dễ khiến chúng ta hiểu lầm rằng Đức Giêsu đã vâng phục Cha một cách miễn cưỡng. Tuy nhiên, khi đọc kỹ cũng như khi quan sát thái độ của Đức Giêsu trong suốt hành trình sứ mạng, ta mới thấy được sự vâng phục của Đức Giêsu dành cho Cha xuất phát từ một lòng yêu mến sâu đậm không gì có thể chia cắt được. Thánh ý của Cha là lương thực của Ngài (x.Ga 4,34), là sinh mạng của Ngài. Sự vâng phục không làm cho Đức Giêsu đánh mất bản thân mình, không biến Ngài thành một con rô-bốt. Trái lại, nó giúp cho đời sống của Ngài luôn hoà quyện với Cha, luôn kết hiệp với Cha và cũng nhờ đó, mọi công việc Ngài làm, mọi lời Ngài nói đều đẹp ý Cha, luôn được Cha yêu mến. Sự vâng phục nối kết Ngài với Cha; cả hai trở nên một như vốn dĩ cả hai chỉ là một trên bình diện bản thể.
Nếu đi sâu vào tận cốt tuỷ, thì ba lời khấn này gặp nhau một điểm chung. Đó chính là mầu nhiệm tự huỷ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã khoét rỗng chính mình để trao ban cho nhân loại, thì những ai muốn nên giống như Ngài cũng phải khoét rỗng mình như thế. Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục đều đòi buộc người ta phải hy sinh chính mình, phải bỏ đi cả “cái có” và “cái là”, phải buông trôi đôi bàn tay, không nắm giữ gì cả. Tự huỷ là thái độ tự đặt mình vào chỗ không an toàn, nhưng nó lại là cái giúp con người có được sự tự do thực thụ. Càng buông ra, con người càng thanh thoát. Càng bỏ đi cái tôi, con người càng thấy bình an. Càng để tâm trí mình thoải mái, con người càng sáng suốt, minh mẫn. Nếu không có mẫu gương từ Đức Giêsu, chẳng ai có thể chọn cho mình một lối sống như vậy cả. Nếu Thiên Chúa không tự hạ mình trước, ta sẽ chẳng tìm thấy được lý do và động cơ để làm điều này.
Ngoài những giá trị tốt đẹp mà ba lời khấn mang lại, ta có thể nói rằng, người tu sĩ sống sự khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục chính là vì Đức Giêsu đã sống như vậy. Chỉ đơn giản là họ noi theo Đức Giêsu mà thôi. Ý nghĩa của ba cụm từ “khó nghèo”, “khiết tịnh”, “vâng phục” luôn bị con người đặt vấn đề, đặc biệt là xã hội ngày nay, khi người ta luôn đề cao giàu có, khoái lạc và tự do cá nhân. Cũng có lúc do không hiểu rõ, người ta đặt những điều này trên hai trục đối lập để chê bai điều này, ủng hộ điều kia. Kỳ thực, khó nghèo không có nghĩa là không sở hữu gì; sống khiết tịnh không phải là một kiểu cố sức đè nén các xung động của thân xác; vâng phục cũng không hề đối nghịch với tự do cá nhân. Vì người tu sĩ luôn lấy Giêsu là mẫu mực cho mình, nên ba lời khuyên Phúc Âm này cần được hiểu trong sự quy chiếu đến Ngài, dựa trên thái độ và cung cách hành xử của Ngài, chứ không nên được hiểu chỉ trên bình diện ngữ nghĩa của chính những từ ngữ này. Hay nói cách khác, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong đời tu phải được đọc và được hiểu trong bối cảnh của một sự dâng hiến và của sứ mạng, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nước Trời.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ