Chữ “talent” có nghĩa là tài năng hoặc năng khiếu. Talent còn có nghĩa là đơn vị trọng lượng ngày xưa, là đơn vị tiền tệ Hy Lạp cổ đại. Việt ngữ không có khái niệm liên quan giữa nén bạc và tài năng. Chúng ta xem lại dụ ngôn này qua hai bản văn…
Trình thuật Mt 25:14-30 và Lc 19:12-26 cho biết chuyện ông chủ sắp đi xa nên ông gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến (nén), người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.
Người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.
Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác. Ông chủ nói khen đầy tớ này tài giỏi và trung thành. Được giao ít mà trung thành thì sẽ được giao nhiều hơn. Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và đưa hai yến khác. Ông chủ cũng khen người này tài giỏi và trung thành, và cũng sẽ được giao nhiều hơn.
Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần, không đưa phần lời mà còn nói ông chủ là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Người này viện cớ là sợ hãi nên đem chôn giấu yến bạc. Ông chủ nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”. Thế là ông chủ lấy lại yến bạc khỏi tay hắn mà đưa cho người đã có mười yến.
Chúa Giêsu nói rạch ròi: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi”.
Ai cũng có chí ít là một tặng phẩm, có thể có người có hai hoặc ba tặng phẩm. Tuy nhiên, mọi tặng phẩm đều bằng nhau. Tất cả tặng phẩm đều bằng nhau trước mặt Thiên Chúa. Chúng bằng nhau về giá trị trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Không tặng phẩm nào cao hơn hoặc thấp hơn tặng phẩm khác. Mỗi tặng phẩm đều góp phần vào việc thể hiện chức năng tập thể của Nhiệm Thể Đức Kitô. Nếu một tặng phẩm nào không hoạt động thì có sự thiếu sót, khiếm khuyết.
Bất cứ bạn được trao tặng phẩm thúc đẩy nào thì vẫn là tặng phẩm tốt nhất mà Thiên Chúa đã trao cho bạn để hoạt động theo mục đích của Ngài trong cuộc sống và để sinh ích lợi cho những người giao tiếp với bạn. Hãy tận hưởng năng khiếu của mình, hãy sử dụng năng khiếu của mình để sinh lợi, hãy phát triển tài năng của mình tối đa theo Ý Chúa, và hãy ghi nhớ điều này: “Chúng ta có là gì thì cũng là hồng ân Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, chúng ta tạo nên cuộc sống thế nào thì cũng là tặng phẩm chúng ta dâng lên Thiên Chúa”.
Thánh Phêrô nhắc nhở: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4:10). Còn Thánh Phaolô phân tích: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì phải chân thành. Ai chủ toạ thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12:6-8).
Nói về số mệnh, căn nghiệp, thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều (Đoạn trường Tân Thanh, nghĩa là “tiếng kêu bi ai của tâm hồn tan nát”) với ý tưởng chứa đựng triết lý sống thâm thúy:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Với người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, đó là Thiên Ý. Mà quả thật, đó chính là Thánh Ý Chúa. Ngài muốn sao thì chúng ta nên vậy. Ngôn sứ Giôna bướng bỉnh và ương ngạnh cũng không thoát khỏi “lưới trời lồng lộng”.
Chắc chắn “Thiên Chúa không thiên vị ai” (Lc 20:21; Cv 10:34; Rm 2:11; Ep 6:9). Thật lạ, cụ Nguyễn Du cũng nhận định tương tự:
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Có tài có thể là “cái may” theo cách nhìn của người đời, nhưng thật ra cũng chẳng sướng gì. Tại sao? Vì có tài thì dễ kiêu ngạo, dễ ảo tưởng, dễ khinh suất, dễ coi thường người khác. Thế thì “chết chắc”. Thiên tài hay thiên tai? Nhân tài hay nhân tai? Người có tài là người có “nghiệp chướng”, chắc chắn phải chịu nhiều gian truân hơn người bình thường. Cụ Nguyễn Du tiếp tục chiêm niệm:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Một danh nhân đã nói: “Tài năng thường được tỏa sáng trong sự im lặng, kém cỏi thường tự lan tỏa bằng âm thanh”. Nhưng ký giả Frank Tyger (1929-2011, Hoa Kỳ) có nhận xét độc đáo: “Một trong những tài năng lớn lao nhất là tài nhận ra và phát triển tài năng ở người khác”. Vâng, đúng vậy, chỉ có người giỏi mới chân nhận cái giỏi của người khác. Còn người tài “nửa vời” (ảo tưởng hoặc mạo nhận) sẽ chê bôi, ghen tị, gièm pha, trù dập,… người có tài.
Cả chương 13 trong thư I gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô nhấn mạnh: Dù bạn có hành động theo tặng phẩm thúc đẩy, tặng phẩm sứ vụ hoặc tặng phẩm biểu lộ hay không, nếu bạn không yêu mến Chúa – tình yêu siêu thoát (agape love) của Thiên Chúa – thì bạn vẫn chẳng làm gì cả. Đó là lời cảnh báo đáng ghi nhớ suốt đời!
Có bảy tặng phẩm. Và mỗi chúng ta đều đã nhận được một hoặc vài tặng phẩm trong các tặng phẩm đó. Vậy bạn đã và đang làm gì với (các) tặng phẩm đó?
Có một câu nói của Chúa Giêsu mà người viết rất thích và thường dẫn chứng: “Không có Thầy thì anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Rõ ràng chúng ta có làm được gì thì cũng là bởi ơn Chúa, từ khởi sự cho đến hoàn thành. Đừng bao giờ ảo tưởng! Còn nếu chúng ta không làm được gì là vì Thiên Chúa không muốn, có thể sẽ bất lợi cho chính chúng ta hoặc bất lợi cho người khác, thế nên Thiên Chúa “khóa cửa”.
Chắc chắn tặng phẩm là muối, là men, thì ai cũng có. Đó là “nén bạc” mà Chúa Giêsu trao cho mọi người, không trừ ai: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5:13-14).
Cuối cùng, hãy biết run sợ và nguyền rủa chính mình nếu không dùng “nén tài năng” mà sinh lời, như Thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó” (1 Cr 9:16-17).
Hãy để Chúa Thánh Thần tác động, và hãy làm theo mọi hướng dẫn của Ngài để cho Danh Chúa rạng sáng hơn!
TRẦM THIÊN THU
Cuối Năm Phụng Vụ 2015