TIN TỨC Tin thế giới Nelson Mandela và bài học hòa giải

Nelson Mandela và bài học hòa giải

Dù đã biết trước và cũng được chuẩn bị trước, chắc chắn người dân Nam Phi vẫn cảm thấy hụt hẫng, mất mát, đau buồn khi hay tin ông Nelson Mandela qua đời. Và không chỉ người dân Nam Phi mà tại nhiều nơi khác trên thế giới, nhiều người cũng có cảm giác ấy khi biết tin này.

Nelson_MandelaCựu Tổng thống Nam Phi là một chính khách có một không hai. Ông không chỉ được người dân Nam Phi kính phục, tôn trọng mà nhiều người trên thế giới – từ các nhà lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tôn giáo đến người dân thường – đều dành cho ông một sự kính trọng đặc biệt.

Thậm chí các ngôi sao, những người nổi tiếng, thành công – thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh, giải trí đến thể thao – cũng ngưỡng mộ, thần tượng ông, coi ông như là nguồn cảm hứng cho công việc, sự nghiệp của mình.

Có thể nói, ít có một chính khách hay một nhân vật nào được vinh danh nhiều như ông. Ông đã được trao đến hơn 250 giải thưởng quốc tế khác nhau, trong đó có Giải Nobel Hòa Bình năm 1993.

Tại sao ông lại được quý mến, ngưỡng mộ như vậy?

Vì nước vì dân

Cũng giống như những nhà cách mạng đương đại khác, ông dấn thân vào con đường chính trị, cách mạng vì ông là một người yêu nước, thương dân, không chấp nhận bất cứ sự phân biệt, khinh miệt, cai trị, đàn áp của một thể chế, một chế độ nào.

Nhưng ông khác với các nhà cách mạng khác ở rất nhiều điểm. Trong đó có việc ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ trên bước đường lý tưởng, trên con đường đấu tranh của mình. Với 27 năm tù, ông đã nếm trải tất cả mọi cực nhọc của lao tù, trong đó có những năm biệt lập.

Chính bằng những năm tháng cực nhọc, chính bằng sự kiên trì đấu tranh không mệt mỏi ấy, ông Nelson Mandela đã giúp chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi– một hình thức phân biệt đối xử của người da trắng đối với người da đen đã tồn tại từ lâu và được hợp thức hóa từ năm 1948.

Qua cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên tại Nam Phi vào năm 1994, ông Nelson Mandela không chỉ trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của đất nước này mà còn giúp thiết lập nên một nền dân chủ đa chủng tộc tại đất nước của mình.

Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, đất nước và người dân Nam Phi – đặc biệt là những người da đen, những người chiếm đa số quốc gia này – được cảm nhận hương vị của tự do, bình đẳng.

Được bầu lên làm Tổng thống, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là thiết lập các thể chế, hệ thống luật pháp để củng cố, duy trì sự tự do, bình đẳng ấy. Và khi đã tạo được nền móng để Nam Phi xây dựng một xã hội dân chủ, tự do, bình đẳng ông đã tự nguyện rút lui. Đây cũng là một điểm khác biệt nổi bật nơi ông.

Vì dấn thân cho đất nước, đấu trành tìm lại sự công bằng, tự do cho người dân của mình, chứ không phải đi tìm quyền lợi riêng của mình, ông chỉ giữ chức tổng thống một nhiệm kỳ (1994-1995). Lướt qua các nhà ‘cách mạng’ đang sống hay đã chết sẽ thấy rằng ông thực sự là một nhà lãnh đạo, một người cách mạng thực sự vì, nước vì dân.

Chẳng hạn, ở Cuba, khi giúp giải phóng được đất nước, Fidel Castro đã hàng thập kỷ duy trì quyền lãnh đạo của mình và khi không còn đủ sức nắm quyền ông mới ‘nhường ngôi’ cho em trai của mình. Ở Bắc Hàn, nhà ‘cách mạng vĩ đại’ Kim Nhật Thành đã ‘truyền ngôi’ cho con là Kim Jong-il và giờ ‘ngôi’ ấy lại được truyền sang cho Kim Jong-un.

Điều đáng nói hơn, khi giúp đất nước, người dân của mình thoát được sự nô lệ, cai trị của ngoại bang, có không ít nhà ‘cách mạng’ lại quàng lên đất nước, người dân của mình một ‘ách’ hay hình thức nô lệ, cai trị khác.

Nelson Mandela không ham quyền, cố vị như vậy. Đó là cũng điều làm người dân Nam Phi và thế giới ngưỡng mộ, kính phục, tôn trọng ông.

Coi trọng hòa hợp, hòa giải

Nhưng có một điều khác – nếu không muốn nói là điểm nổi bật nhất – biến ông trở thành một chính khách đặc biệt, có một không hai là ông rất coi trọng việc hòa hợp, hòa giải.

Thay vì giữ mối thù hằn với những người bất công đối xử, bỏ tù giam giữ mình trong suốt gần 30, khi được thả tự do và khi lên nắm quyền ông đã khởi xướng và đẩy mạnh tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Hàn gắn những vết thương quá khứ do chiến tranh, xung đột để lại không phải là chuyện dễ, không phải ai cũng muốn tiến hành hay có thể làm được.

Lịch sử cho thấy rằng vì hận thù, vì ham muốn quyền lực sau khi loại trừ, dẹp bỏ được một ‘kiểu apartheid’ này, người ta lại tạo nên một ‘kiểu apartheid’ khác, bằng nhiều hình thức khác nhau. Những ‘trại cải tạo’ được dựng lên đây đó cho những người thuộc ‘chế độ cũ’ là một ví dụ.

Do đó, bất công đối xử, hay những kiểu phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính trị, giai cấp vẫn cứ xảy ra – và vì vậy có những quốc gia dù đã được giải phóng, thoát cảnh nô lệ của thực dân vẫn không phát triển được, vẫn không thể tiến tới tự do, dân chủ, bình đẳng.

Nelson Mandela đã giúp chấm dứt vòng luân hồi ấy tại Nam Phi. Ông đã làm được điều mà nhiều người khác, nhiều nhà ‘cách mạng’ khác không làm được hay không muốn làm. Đây cũng là điểm làm nhiều người trên thế giới – thuộc nhiều chính kiến, tôn giáo, nghề nghiệp khác nhau – ngưỡng mộ, vinh danh ông.

Chính vì ông thực sự một lòng vì nước, vì dân và đặc biệt chính nhờ việc ông chú tâm đến việc hòa hợp, hòa giải dân tộc, Nelson Mandela không chỉ giúp đa số người dân Nam Phi thoát cảnh bị bất công đối xử mà còn đưa đất nước này tới dân chủ, giàu mạnh.

Nam Phi dân chủ, giàu mạnh

Mọi chuyện tại Nam Phi thời hậu apartheid không phải là đều tốt đẹp, hoàn hảo. Quốc gia này phải đối đầu với không ít thách đố, khó khăn, trong đó có tình trạng bạo lực, tội phạm hay nạn thất nghiệp.

Nhưng những giới hạn, tệ nạn, thách đố đó không thể làm lu mờ được những thành công mà đất nước này đạt được kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc cách đây 20 năm.

Nam Phi là nước châu Phi đầu tiên được trao quyền tổ chức Vòng chung kết Bóng đá thế giới (World Cup) năm 2010, dù về chuyên môn, trình độ bóng đá Nam Phi không phải cao hơn các quốc gia khác ở Phi châu. Có thể nói Nam Phi được trao vinh dự ấy là vì đất nước này có một Nelson Mandela.

Ngoài vinh dự là quốc gia Phi châu đầu tiên được đăng cai một kỳ World Cup, Nam Phi cũng là nước châu Phi duy nhất có mặt trong nhóm G20 – nhóm 20 nước mạnh nhất hay có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Nam Phi còn là một trong năm nền kinh tế quan trọng đang lên (BRICS) – đó là Brazil, Nga, India, Trung Quốc và Nam Phi.

Nam Phi vượt xa các nước châu Phi khác và nhiều nước khác trên thế giới về mặt kinh tế. Theo Ngân hàng thế giới, sản lượng quốc gia (GDP) của Nam Phi năm 2012 là 384.3 tỷ USD. Trong khi đó với gần 90 triệu dân (Nam Phi chỉ có hơn 50 triệu dân), GPD của Việt Nam năm 2012 chỉ có 141.7 tỷ USD.

Về mặt dân chủ, tự do, Nam Phi cũng vượt trội các nước Phi châu và nhiều quốc gia khác. Chỉ số dân chủ của The Economist Intelligence Unit năm 2013 xếp Nam Phi ở thứ 31 – cao hơn cả những nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu như Ý (thứ 32) hay Ba Lan (44) và cao hơn rất nhiều các nước ASEAN như Indonesia (53), Thái Lan (58) và Việt Nam (144).

So với những nước đang phát triển khác, có thể nói Nam Phi đã đạt được những thành công vượt bậc. Và người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Nam Phi từ một nước sống trong chế độ apartheid tới một quốc gia ổn định, tương đối phát triển và được thế giới nhìn nhận, đánh giá cao là ông Nelson Mandela.

Vì vậy hơn ai hết, khi chứng kiến và được sống trong một đất nước giàu mạnh, dân chủ ngày hôm này, người dân Nam Phi thấy rõ được những đóng góp, hy sinh của ông.

Nhưng không chỉ người dân Nam Phi mà cả thế giới này đều ghi nhận những đóng góp của ông. Việc lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tôn giáo đã đồng loạt lên tiếng tỏ lòng cảm phục, khen ngợi, thương tiếc ông khi biết ông qua đời là một ví dụ.

Cảm kích, kính phục ông vì ông là một biểu tượng cho dân chủ, tự do, hòa giải. Trong một thế giới có nhiều xung đột chỉ vì thiếu sự hòa giải, tha thứ, thái độ hòa giải của ông thật đáng trân trọng, thật đáng noi theo.

Và trên hết mọi người tỏ lòng kính trọng ông vì ông đã để lại cho thế giới – đặc biệt cho những người lãnh đạo các quốc gia – một bài học thật quý giá. Đó là phải biết coi trọng sự hòa giải vì điều đó rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của một quốc gia và của cả thế giới nói chung.

Một cộng đồng, một dân tộc, một xã hội, một quốc gia và cả thế giới chắc chắn sẽ yên bình, phát triển hơn nếu có những người lãnh đạo như Nelson Mandela – một người biết dẹp bỏ hận thù quá khứ hay những tính toán, vụ lợi cá nhân, phe nhóm và biết xây dựng, cổ vũ sự công bằng, lẽ phải, tự do, dân chủ.

Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc

 

Exit mobile version