Này tôi là tôi tớ Chúa – Chúa nhật IV mùa vọng.

171

Này tôi là tôi tớ Chúa – Chúa nhật IV mùa vọng.

2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16; Rm 16, 25-27; Lc 1,26-38

maria22

Anh chị em thân mến

Chúng ta có thể nói được rằng, Chúa nhật thứ IV mùa vọng là Chúa nhật của Đức Maria, bởi vì đoạn Tin mừng hôm nay giúp chúng ta suy tư về vai trò rất quan trọng của Mẹ đối với mầu nhiệp nhập thể của Con Thiên Chúa. Đoạn Tin mừng của Chúa nhật hôm nay thánh sử Luca trình bày cho chúng ta cái nhìn về sự kiện truyền tin, khi sứ thần Gabriel loan báo cho Đức Maria một tin trọng đại, qua đó sứ thần mạc khải cho Mẹ biết chương trình của Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Mẹ.

Thánh Bernardo, trong một tác phẩm nổi tiếng của mình, đã diễn tả rất hay về biến cố này, khi nói rằng tất cả tạo vật treo lơ lững trên miệng của người thiếu nữ khiêm tốn này: vận mệnh của thế giới, ơn cứu độ của nhân loại tùy thuộc vào lời thưa “vâng” của Mẹ. Thiên Chúa muốn ràng buộc chương trình tình yêu của Ngài với lời “xin vâng” của người thiếu nữ, qua đó làm cho chúng ta hiểu rằng Ngài thích sự tự do cộng tác của các thụ tạo của mình. Vì thế, những lời tạ ơn của chúng ta phải được hướng về Mẹ, người nữ tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa, vì với sự khiêm tốn và vâng phục của Mẹ, đã góp phần đem lại ơn cứu độ cho loài người chúng ta.

Đoạn Tin mừng hôm nay có rất nhiều điểm để chúng ta suy gẫm. Trước hết là lời chào của sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Cái tên thực sự của Đức Maria được Sứ thần Gabriel gợi ra là: Mẹ “đầy ân sủng”, ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ. Mẹ vô nhiễm. Nên Mẹ “đầy tràn ân sủng”, và bằng việc Thánh Thần ngự xuống nơi Mẹ cùng với ơn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đón nhận sự tràn đầy còn lớn lao hơn thế nữa.

Sứ thần nói với Đức Maria : “này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1, 31). Mẹ đã tin vào lời sứ thần, nhưng một cách khiêm tốn, Mẹ đã hỏi cách thức để có thể thực hiện được: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1, 31). Từ những lời trên chúng ta hiểu rằng Mẹ đã ước muốn giữ mình đồng trinh, và thánh Giuse cũng thế. Thực vậy, câu trả lời này có lẽ vô lý, nếu Đức Maria và thánh Giuse không có ý hướng sống đời sống hôn nhân cách khiết tịnh. Khi sứ thần Gabriel truyền tin, Đức Maria đã “hứa hôn” (Lc 1,27). Một số giáo phụ khác của Giáo hội đã thấy được nơi câu trả lời của Đức Maria, lời khấn hứa giữ mình đồng trinh thực sự, một dấu hiệu mà Mẹ đã thực hiện ngay từ khi còn trẻ.

Từ câu hỏi này của Đức Maria, sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Những lời ấy giúp chúng ta hiểu được rằng Chúa Giêsu đã thụ thai trong cung lòng Đức Mẹ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Cho nên, đó là việc thụ thai nhiệm lạ và trinh khiết, đi sau sự thụ thai đó là việc sinh nở cũng trinh khiết, như lời của tiên tri Isaia đã nói : “này trinh nữ sẽ thụ thai, và sinh hạ một con trai” (Is 7,14). Đức trinh nữ Maria, trước và sau khi sinh, là dấu chỉ rạng ngời của thần tính Chúa Giêsu, như các giáo phụ đã nói. Thật cần thiết để Thiên Chúa làm người giáng sinh theo cách lạ lùng như thế.

Cuộc đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel kết thúc với những từ ngữ tuyệt vời thốt ra từ môi miệng và đặc biệt là từ trong thẳm sâu của tâm hồn người thiếu nữ khiêm nhường: “Này tôi là tôi tá Chúa: xin hãy thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Với những lời ấy, ơn cứu độ đã đi vào thế gian. Sự vâng phục của Đức Maria đối với lời truyền của sứ thần đã tháo gỡ nút thắt do sự bất phục tùng của Eva gây ra, người đã trót nghe lời satan. Đức Maria đã giải phóng cho Eva và Đấng cứu chuộc thế gian đã giải thoát nhân loại tội lỗi. Từ một người nữ là Eva, sự hư hỏng đã đột nhập trần gian; thì giờ đây từ một người nữ khác là Maria, ơn cứu độ đã đến. Con người đầu tiên bất tuân phục vì bị con rắn dụ dỗ là nguyên nhân của sự đổ vỡ; người thứ hai khi lắng nghe lời sứ thần, đã vâng phục Thiên Chúa, và Đấng cứu thế đã được ban cho thế gian.

Với tiếng thưa “vâng” của Đức trinh nữ Maria đã hoàn tất lời của các tiên tri của Cựu ước, đặc biệt, hôm nay được nhắc lại trong bài đọc I, khi tiên tri Nathan nói với vua Đavít rằng dòng dõi của vua sẽ mọc lên và vương quốc của vua sẽ được kéo dài mãi mãi. Đây là dòng dõi của Đavít, theo xác thịt, là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là con Đức Maria.

Với lời “xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria đã làm vang lên cho thế giới tin vui của ơn cứu độ, và Tin mừng “được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay được thông báo cho muôn dân biết” (x. Bđ II, Rm 16, 25-26).

Cũng như Đức Maria, mỗi người kitô hữu cũng phải biết nói lời “xin vâng” trước những đề nghị của Thiên Chúa, nói những lời ấy bằng sự vui vẻ và nhẫn nại từng ngày trong đời sống của mình. Đức Maria đã đón nhận thánh ý của Thiên Chúa trong từng phút giây của cuộc đời, ngay cả lúc đau thương nhất, nơi đỉnh đồi Golgotha, khi nhìn thấy người Con yêu dấu của mình chết vì con người tội lỗi. Và chúng ta cũng có thể noi gương Mẹ bước đi trên con đường ấy, nói lời vâng phục thánh ý Chúa ngay cả trong mọi nghịch cảnh, để hy sinh cho điều tốt đẹp nhất. Vì vậy, Thiên Chúa, vì sự cộng tác khiêm tốn của loài người, Ngài đã thực hiện điều nhiệm lạ, đó là ơn phúc cho toàn thể Giáo hội và toàn thể thế giới.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, luôn đồng hành và dạy cho chúng ta biết thưa vâng như Mẹ, để cùng với Mẹ chúng ta góp phần vào công trình tạo dựng và cứu chuộc của Con Thiên Chúa.

Giuse Võ Tá Hoàng