Này con xin đến!
Ai trong chúng ta cũng mong hạnh phúc. Là người chọn sống bậc tu trì tôi cũng muốn được hiến thân trọn vẹn cho Chúa và hạnh phúc trong tình yêu dâng hiến.
Ngày đầu mới vào cộng đoàn tôi ngố lắm, chẳng biết cái “mô tê chi” hết. Có nhiều thứ tôi chẳng biết phải dùng thế nào, như cái bếp ga tôi loay hoay mãi cũng không biết sử dụng. Nghĩ lại, thấy mình cứ ngô ngố làm sao! Nhưng qua những cái ngố đó tôi lại mở mang được đầu óc, và “thông minh” ra phần nào.
Mới bắt đầu vào tôi như một con rối, quay bên này, quay bên kia mà không kịp. Trong công việc, vì chưa quen nên có lúc tôi làm việc này chưa xong thì lại có thêm việc mới. Các chị đã bắt tay làm việc từ lúc nào, còn tôi thì cứ loay hoay mãi với công việc cũ. Nhiều lúc mệt mỏi, chán nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự quan tâm của các chị em trong nhà, lời động viên của quý Dì, nên tôi cũng nguôi ngoai đi phần nào. Thời gian cứ qua đi, công việc thì vẫn thế. Đúng là “Trăm hay không bằng tay quen”. Theo ngày tháng, giờ đây tôi đã quen với công việc và không còn như con rối giống ngày đầu nữa.
Ngoài gia đình, tôi chưa khi nào sống trong một tập thể đông người mà lại từ khắp mọi miền đất nước. Nhiều lúc tôi nghĩ, chị em ruột trong nhà còn không hợp nhau huống chi … Lúc đầu tôi cũng hơi sợ, bao nhiêu câu hỏi được đặt: liệu mình có sống được với mọi người không ? Phải sống làm sao để không làm mất lòng người này hay người kia ?… Mà con người thì đâu ai giống ai, đời sống cộng đoàn thì không tránh khỏi sự va chạm, đấy là điều tôi bận tâm và lo sợ. Và thế là tôi lên kế hoạch cho mình. Trước tiên là phải từ bỏ. Nhưng làm sao để “từ bỏ” được khi mà “cái tôi” của tôi nó quá lớn. Để thực hiện được điều này đòi hỏi trước tiên tôi phải khiêm nhường, mà khiêm nhường phát xuất từ đâu ? Phải tập luyện thôi chứ ở đâu ra mà có – tôi tự nhủ. Thời gian đầu với tôi khó khăn, có khi làm việc được các chị nhắc nhở, một lần thì không sao nhưng nhiều lần là tôi bắt đầu phát “ khùng” , “cái tôi” lúc đó chiến đấu mãnh liệt, nó không muốn cho tôi ở dưới sự chỉ đạo của người khác. Phải làm sao để vượt qua được? Hít một hơi thật sâu, cố gắng mỉm cười và lấy lại bình tĩnh… Rồi tôi cũng vượt qua, cứ như thế tôi tập luyện mỗi ngày và tôi cũng không ngừng dâng lên Chúa những lời cầu nguyện để xin Chúa ban ơn thêm sức cho tôi. Giờ đây thì mọi sự cũng đã ổn, “cái tôi” phần nào được “bé” lại. Kế đến là sự khiêm nhường, đây là một đức tính quan trọng với mọi bậc sống, đặc biệt là trong đời sống cộng đoàn dòng tu. Ngoài ra, cởi mở, hòa đồng cũng là một yếu tố cần thiết cho mối tương quan giữa con người với con người. Kinh nghiệm khi tôi đang mệt mỏi mà gặp một người nhìn mình với ánh mắt thiếu cảm tình, thân thiện, lúc đó tôi thấy đã mệt lại còn mệt hơn, có khi còn lẩm bẩm trong miệng: người đâu mà khó tính thế không biết, khó ưa quá ! Hoặc thà đừng gặp thì hơn, hôm nay là ngày gì mà xui xẻo quá …
Thế đấy, trao ban niềm vui đến cho mọi người là điều tốt và nên làm. Bạn hãy cùng tôi, ta cùng nhau trao ban niềm vui, nụ cười đến cho mọi người bạn nhé! Vì: “ Không ai giàu đến nỗi không cần một nụ cười duyên, không ai nghèo đến nỗi không thể cho một nụ cười …”. Tôi rất biết ơn những vòng tay yêu thương, nụ cười thân thiện, lời động viên khích lệ … của quý Dì, các chị em trong nhà đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Qua đó giúp tôi càng thêm gắn bó ngôi nhà Thanh Tuyển hơn, vững vàng hơn mỗi ngày trong ơn gọi sống đời dâng hiến.
Tôi tin rằng bên tôi luôn có Chúa, có quý Dì, các chị em và mọi người thân yêu. Mọi người luôn ở trong trái tim tôi. Giờ đây tôi sẽ lên tiếng đáp rằng: “LẠY CHÚA, NÀY CON XIN ĐẾN ĐỂ THỰC THI Ý NGÀI.”
Anna Trần
Thanh tuyển viện MTG. Thủ Đức