“Này bà, bà tìm ai?”

293
Brian Purfield
nhPhụ nữ luôn góp phần trong mỗi giai đoạn cuộc đời của sứ vụ Chúa Giêsu trong các Tin Mừng[1] và đặc biệt là khi cận kề cái chết: Mátta và Maria nổi bật lên trong câu chuyện Lazarô được làm cho sống lại; một phụ nữ lấy dầu quý xức cho Chúa Giêsu; Chúa Giêsu nói với các phụ nữ thành Giêrusalem trên con đường vai mang thập giá; và lúc chết, Maria mẹ ngài đã được các phụ nữ tháp tùng. Song trong suốt dòng lịch sử Kitô giáo, sự đóng góp của phụ nữ thường bị xem nhẹ, bất cần biết đến và hay bị nhầm lẫn. Chẳng hạn, Maria Mađalêna đã thường bị đồng hóa với một cô điếm dù rằng chẳng có bằng chứng nào về điều này trong Tân Ước.

Trong Tin Mừng Marcô, các nam môn đệ chẳng hiểu gì về lời của Chúa Giêsu nói về chính mình như là một đấng cứu thế phải chịu đau khổ. Họ phủ nhận ý tưởng này và cuối cùng đã bỏ rơi ngài. Còn các phụ nữ theo ngài từ Galilê cho đến Giêrusalem, đột nhiên nổi bật lên như là những môn đệ thật sự trong trình thuật Khổ Nạn. Họ hiểu rằng sứ vụ của ngài không là quyền bính hay vinh quang mà là diakonia, ‘phục vụ’ (Mc 15,41). Trong khi Phêrô và các nam môn đệ nói rằng họ sẽ trung thành và không bao giờ chối thầy (Mc 14, 31), thì các phụ nữ có vẻ trung thành hơn với Chúa Giêsu khi cái chết của Ngài ngày càng đến gần. Đó là sự khác biệt giữa nói và làm. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ trước tiên.[2]

Phụ nữ cũng là những người tin đầu tiên. Đầu triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nói: “Các tông đồ và môn đệ thấy khó tin vào Đức Kitô phục sinh. Tuy nhiên, các phụ nữ thì không![3] Đức Phanxicô đã hiểu điều này, nhưng có thể đây là sự thật chẳng mấy dễ chịu đối với nền văn hóa gia trưởng của Giáo Hội sơ thời.

Tin Mừng Thánh Gioan (20, 1-18) nói rằng vào sáng sớm ngày đầu tiên trong tuần, Maria Mađalêna đi đến mộ một mình và nhìn thấy tảng đá bị đẩy sang bên. Bà chạy về báo tin cho Phêrô và người môn đệ Chúa yêu. Bối rối, cảnh giác, bà nói rằng cái xác đã biến mất. Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ. Người môn đệ Chúa yêu đến trước, nhìn vào trong, nhưng không vào. Phêrô đến, vào trong mộ và thấy các tấm vải liệm. Người môn đệ Chúa yêu cũng vào, “đã thấy và đã tin”.

Nhưng ông đã tin gì vào lúc này? Tin lời của Maria Mađalêna chăng (xác đã bị đem đi khỏi mộ)? Hay chỉ tin rằng ngôi mộ đã trống? Các môn đệ có tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh? Tác giả Tin Mừng còn úp mở nói rằng họ không hiểu lời Kinh Thánh tiên báo rằng Chúa Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết. Có thể đây là lý do khiến tác giả Tin Mừng nói thêm rằng họ đã trở về nhà.

Thế còn Maria ở đâu? Bà “đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc?” Nhiều người cho rằng bà khóc vì không muốn tin điều mà người môn đệ Chúa yêu đã tin, nhưng có thể đây là dấu hiệu nói lên tình yêu lớn lao mà bà dành cho Chúa Giêsu. Chỉ trong một câu ngắn ngủi mà Thánh Gioan nói bà Maria khóc hai lần (Ga 20, 11). Chắc là có ý nhắc về chuyện Chúa Giêsu khóc trước mộ Lazarô (Ga 11, 35-36), dường như Gioan muốn nhắc lại để nói rằng: “Hãy xem bà ấy thương yêu Chúa Giêsu dường nào!

Vừa khóc bà vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ và thấy hai người mặc áo trắng. Lưu ý rằng các thiên thần không hiện ra với Phêrô hoặc người môn đệ Chúa yêu nhưng với một người phụ nữ. Họ hỏi bà “Này bà, sao bà khóc?” Bà trả lời “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!

Nói xong, Maria quay lại và từ bóng tối của ngôi mộ bà nhìn vào ánh sáng của bình minh. Bà thấy Chúa Giêsu nhưng không nhận ra Ngài. Chúa Giêsu hỏi bà cùng một câu hỏi như các thiên thần: “Này bà, sao bà khóc?” và hỏi thêm: “Bà tìm ai?” – câu hỏi vang vọng lại lời mà Ngài đã hỏi Anrê và các môn đệ khác lúc bắt đầu sứ vụ ở phần đầu Tin Mừng Thánh Gioan  (1, 38). Chúa Giêsu phục sinh hiểu nỗi buồn của Maria và nhẹ nhàng tìm cách giúp bà. Thế rồi xuất hiện một dòng chữ hơi kỳ lạ: “Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20, 15).

Làm sao mà Maria không nhận ra người mà bà đã đi theo suốt một thời gian dài như vậy? Bà bị nỗi buồn che mắt đến nỗi không còn có thể suy nghĩ gì sao? Hay cặp mắt bà ngấn đầy lệ (lại ba lần nữa nhắc đến chuyện bà khóc)? Hoặc vị trí đứng của bà làm cho bà chỉ thấy loáng thoáng? Maria đã cúi gập người nhìn vào trong mộ và khi nghe tiếng Chúa Giêsu, bà ngoái nhìn ra ngoài. Có lẽ bà đã nhìn ngược vào ánh rực rỡ của buổi bình minh và thân thể của Chúa Giêsu thì cắt bóng trên nền sáng cho nên khó nhận ra được. Hoặc là có sự giải thích thần học ở đây? Thân thể vinh quang không còn dáng vẻ gì với thân thể trần thế trước đây của Ngài. Chúng ta không thể nào biết được tại vì sao, chỉ biết rằng Maria nghĩ Chúa Giêsu là người làm vườn.

Dù Maria không nhận ra Chúa Giêsu vì bất cứ lý do gì, phần tiếp theo mới là những đoạn êm dịu nhất của toàn bộ Tin Mừng: Đức Giêsu gọi bà: “Maria! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”).[4] Hãy tưởng tượng xem bà cảm thấy như thế nào khi nghe một tiếng nói thân quen gọi tên mình. Kinh nghiệm này thật khó quên. Chắc chắn bà đã từng lập đi lập lại những từ này khi kể lại câu chuyện, trước tiên là cho các môn đệ, có lẽ là cho tác giả Tin Mừng Gioan, và cho tất cả những ai lắng nghe bà kể, có lẽ là bà đã kể mãi kể hoài câu chuyện này cho đến lúc chết.

Chỉ khi Chúa Giêsu gọi ngay tên mình thì Maria mới nhận ra Ngài. Thoạt tiên bà không nhận ra Ngài cho đến khi bà nhận ra tiếng nói đó không lẫn vào đâu được: tiếng nói ấy đánh thức bà khi nó xua đi hết thảy những gì mà ma quỷ đã làm bà hoang mang; tiếng nói ấy đã mời gọi bà đi vào trong vòng bạn hữu thân quen; tiếng nói ấy đã từng nói rằng bà được Thiên Chúa quý trọng; tiếng nói ấy đã từng trả lời bà hay cười đùa trong bữa ăn; tiếng nói ấy đã thốt lên đau đớn trên thập giá. Maria đã nhận ra tiếng nói ấy vì nó được nói với bà trong yêu thương. Thế là bà nhận ra người đó là ai. Đôi khi thấy không phải là tin mà yêu mới chính là tin.[5]

Thường thì chúng ta sẽ dần nhận ra tiếng Chúa trong đời sống chúng ta. Thánh Ignatiô Loyola nói rằng người ta nhận ra tiếng Chúa vì nó nâng đỡ, an ủi và khích lệ. Đến lúc nào đó, chúng ta sẽ biết nhận ra tiếng nói ấy trong tâm hồn; và khi nghe rõ ràng thì dễ dàng đáp trả hơn. Chúa gọi chúng ta như chính con người chúng ta. Phêrô được gọi từ đống lưới bên Biển hồ Galilê, Matthêô từ bàn thu thuế, Bartimêô từ bên vệ đường, Giakêu từ trên cây sồi – và Maria Mađalêna từ những gì đã trói buộc bà. Người mục tử nhân lành gọi con chiên bằng tên và nó nhận ra tiếng gọi ấy (Ga 10, 11-16).

Khi Maria chạy đến ôm lấy Chúa Giêsu, Ngài nói: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17). Điều này lại càng làm Maria bối rối hơn. Chúa Giêsu ám chỉ đến ngày Thăng Thiên của mình với sự chứng kiến của đầy đủ các môn đệ. Khi hiện ra với Maria, Chúa Giêsu chưa hoàn toàn ở trong trạng thái để được đụng chạm vào – nhưng điều này sẽ thay đổi khi Ngài hiện ra với các môn đệ sau này. Lúc ấy, Chúa Giêsu sẽ chứng tỏ mình có thân có xác khi ăn cá trước mặt họ và mời gọi họ: “Hãy nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39) Chúa Giêsu sẽ mời gọi Tôma đặt ngón tay vào lỗ đinh trên tay, chân và cạnh sườn mình. Nhưng không phải ngay lúc này.

Đừng giữ Thầy lại”, câu này có một ý nghĩ khác. Maria yêu mến Chúa Giêsu và chỉ muốn ôm lấy Ngài, nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở bà rằng có một nhiệm vụ còn cấp thiết hơn nhiều,  đó là loan báo Tin Mừng. Theo một nghĩa nào đó, khi chúng ta gắn bó với một kinh nghiệm thiêng liêng sâu thẳm nào đó thì thường là cần phải chia sẻ nó. Chúa Giêsu đã trao cho Maria một nhiệm vụ. Bà chạy về với các môn đệ để thực hiện nhiệm vụ ấy và loan báo rằng: “Tôi đã nhìn thấy Chúa”. Bà thuật lại tất cả những gì mình thấy. Bà là “Tông Đồ của các Tông Đồ”. Bà là người được sai đi loan báo Tin Mừng cho những người được sai đi.

Maria Mađalêna nhắc chúng ta rằng công cụ loan báo Tin Mừng mạnh mẻ nhất không phải là kiến thức cũng chẳng phải là kinh nghiệm. Có đủ chỗ cho cả hai. Học thuật và kiến thức cung cấp những nguồn liệu quý giá cho đức tin. Thế nhưng người môn đệ đích thực không đơn thuần chỉ nói rằng: “Tôi đã nghiên cứu về Chúa Giêsu”, mà phải nói như  Maria Mađalêna: “Tôi đã nhìn thấy Chúa

 Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ 

[1] Mc 5, 25-34; 7, 24-30; Mt 9, 18-26; 27, 55-56; Lc 7, 11-17; 8, 1-3; 13, 10-13; Ga 11, 1-44; 12, 1-8.
[2] Elisabeth Schüssler Fiorenza, In Memory of Her: A Feminist Theological Reconstruction of Christian Origins (New York: Crossroad, 1983), xiv.
[3] ĐGH Phanxicô, Buổi tiếp kiến chung ngày 3 tháng Tư, 2013.
[4] Tên mà Chúa Giêsu gọi Maria và câu đáp trả của bà là tiếng Aram được phiên âm ra tiếng Hy Lạp, mặc dù tác giả Tin Mừng nói rằng đó là tiếng Hípri. Cf. Francis J. Moloney SDB, The Gospel of John, Sacra Pagina series (Collegeville MN: Liturgical Press, 1998), tr. 528.
[5] James Martin SJ, Jesus: A Pilgrimage (New York: HarperCollins, 2014), tr. 406.