Nào cùng đi Belem!

173
giangsinhCác mục đồng chăn chiên ở đồng quê Belem, ngay sau khi nghe sứ thần loan báo tin mừng trọng đại là Đấng Cứu thế ra đời, đã bảo nhau: “Nào ta sang Belem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2,15). Những người dân quê đơn sơ chất phác ấy đã nhận ra đây là một sự kiện trọng đại khác thường, đến nỗi họ khẳng định là Chúa đã tỏ ra cho họ, và thế là họ lên đường. Mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta, các Kitô hữu cũng hãy đến với Belem để cảm nhận niềm vui và nhất là để tôn vinh Thiên Chúa, vì yêu thương, đã làm người để cứu độ chúng ta.
 
Mầu nhiệm Nhập thể là điều kỳ diệu nhất trong những điều kỳ diệu, chỉ có Thiên Chúa mới làm được, vì tình thương đối với nhân loại. Đức Thánh Cha Bênêđitô đã viết: “Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm điều ấy: chỉ mình một Thiên Chúa đã tự ý đi vào lịch sử khi làm người và chịu đau khổ trong lịch sử. Chúng ta biết rằng vị Thiên Chúa ấy hiện hữu, và vì thế chúng ta biết rằng quyền năng xoá bỏ tội trần gian đang hiện hữu trong thế giới” (Thông điệp Spe Salvi, số 36).
 
Mô hình hang đá Giáng Sinh diễn tả một khung cảnh an hoà, thân thiện. Nơi đây, trời, đất và con người kết hợp hài hoà với nhau. Nơi Belem hoang vắng, cách xa đô thị ồn ào, Thiên Chúa âm thầm ngự đến, hoá thân nơi một Hài Nhi, bên cạnh những con vật dễ thương gần gũi. Người ta có thể thấy ở đây sự hài hoà của vườn Địa đàng đã bị đánh mất từ khởi đầu của lịch sử, khi con người phạm tội. Chúng ta đến Belem, để tuyên xưng Hài Nhi Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Người đã mặc lấy xác phàm vì yêu thương chúng ta. Ngày hôm nay, Đấng Cứu độ trần gian vẫn đang hiện diện trong cuộc sống này cách huyền nhiệm. Người vẫn đang âm thầm đến gõ cửa tâm hồn con người để mời gọi sống trong niềm vui, thánh thiện và an bình. Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và mở lòng đón nhận Người. Tại một số quốc gia đã in đậm nền văn minh Kitô giáo, xuất hiện khuynh hướng chủ trương “tự do” và “hoà đồng tôn giáo”, muốn loại trừ các biểu tượng của Kitô giáo khỏi trường học và những nơi công cộng. Đó là một thảm hoạ cho nhân loại và là một trong những nguyên nhân dẫn tới biết bao suy đồi đạo đức và bạo lực. Đức Thánh Cha Bênêđitô đã quả quyết: “Một thế giới không có Thiên Chúa là một thế giới không có hy vọng” (Thông điệp Spe Salvi, số 44). Quả vậy, khi cuộc sống này không còn biểu tượng của các tôn giáo, thì cái ác và bạo lực sẽ lên ngôi, con người sẽ đối xử với nhau theo luật của kẻ mạnh đàn áp người yếu thế. Thế giới này sẽ đi về đâu, khi không có Thiên Chúa là nền tảng cho mọi chuẩn mực đạo đức?
 
Chúa Giêsu không chọn lầu son gác tía để xuống đời, mà Người lại chọn một hang đá dành cho chiên bò trú đêm. Những người được vinh hạnh đón Chúa đầu tiên, không phải là những học giả uyên bác, mà là những người đơn sơ, khiêm tốn với tấm lòng rộng mở. Họ là Ông Giuse và Bà Maria, một cặp vợ chồng nghèo về vật chất nhưng lại vô cùng phong phú về lòng mến Chúa. Họ là những mục đồng chất phác, suốt đời quen với việc chăn chiên và canh tác, nhưng tâm hồn rất nhạy cảm và sẵn sàng đón nhận sứ điệp từ trời. Người Kitô hữu mừng lễ Giáng Sinh cần có tâm hồn đơn sơ như Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng. Cuộc sống hiện tại làm cho con người quá mải mê bận rộn với những lo toan vật chất và tiện nghi, vì vậy mà người ta ngày càng khô khan về tình cảm và xa cách nhau, dù đang sống chung trong một mái nhà. Tại một số quốc gia phương tây, nhiều bạn trẻ đã phát động phong trào “sống đơn giản” và được nhiều người hưởng ứng. Chấp nhận đơn giản trong chi tiêu, trong cách sống hằng ngày và trong sử dụng những phương tiện, sẽ làm cho chúng ta bớt quay cuồng trong những tham vọng. Bởi lẽ, mục đích của cuộc đời thực ra không phải là những tiện nghi, mà là những giá trị sống. Nói đến “giá trị sống” là nói ý nghĩa cuộc đời, đến niềm vui và hạnh phúc chúng ta đạt được, trong cuộc sống hằng ngày và mối tương quan với những người xung quanh. Một người tiện nghi đầy đủ, chưa chắc đã tìm thấy giá trị sống, vì có thể họ bị ràng buộc bởi những tiện nghi, trở thành nô lệ, thậm chí thành nạn nhân của những tiện nghi đó. Nhiều người trong xã hội chúng ta có khuynh hướng đánh giá người khác dựa trên những phương tiện họ sở hữu, trong khi những phương tiện ấy chỉ có mục đích giúp cho họ đạt được những giá trị sống. Vì thế mà người ta thêm chữ “siêu” vào các đồ vật, như một thứ thần thánh để họ tôn thờ. Khi suy ngắm mầu nhiệm thứ ba mùa Vui: Đức Giêsu sinh hạ tại Belem, chúng ta cầu nguyện để được “lòng khó khăn”, tức là biết sống đơn sơ, khiêm nhường mà lòng vẫn thanh thản an vui.
 
“Nào cùng đi Belem!”. Các mục đồng đã nói với nhau như thế, và họ đã mau mắn lên đường. Họ đã đến nơi, đã chiêm ngưỡng và thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Họ đã nhiệt tình kể lại cho mọi người về cuộc hiện ra lạ lùng của Sứ thần. Sau khi đã thờ lạy Hài Nhi, họ trở về trong tâm tình vui mừng và với lời ca tụng Chúa. Người tín hữu công giáo, khi mừng lễ Giáng Sinh cần có những tâm tình trên đây của những người mục đồng. Chứng từ của họ rất đơn sơ, không cầu kỳ uyên bác, nhưng là những chứng từ đáng tin, vì được kể lại bằng chính con tim rạo rực niềm vui và niềm xác tín chân thành. Họ kể lại những điều tai nghe mắt thấy, và chứng từ của họ được đón nhận.
 
Để có thể lên đường đi Belem, người tin Chúa cần dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ còn nhiều lỗi lầm. Quả thật, lý tưởng Kitô hữu là mỗi ngày nên hoàn thiện hơn trong cách sống. Nhờ được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, người tín hữu lớn lên trong ân sủng, trưởng thành trong Đức tin, với hy vọng đạt tới tầm vóc viên mãn như Chúa muốn. Mỗi ngày mới là một cuộc lên đường. Mỗi phút giây là một cơ hội. Người khôn ngoan biết nắm bắt cơ hội đó để nên thánh, kể cả trong những lúc bi đát hoặc thất bại trong đời. Có người đã lên đường mà không đến nơi, vì họ bị cám dỗ dừng lại trước những mệt mỏi chán chường, hoặc bị choáng ngợp trước những lôi kéo, làm cho họ lạc hướng.
 
Mỗi năm một lần chúng ta cử hành lễ Giáng Sinh. Sứ điệp của Đại lễ này không chấm dứt khi mô hình hang đá và đèn sao trang trí đã được tháo dỡ. Trái lại, lễ Giáng Sinh phải để lại dấu ấn nơi đời sống người tín hữu, giúp chúng ta thay đổi cách nhìn, cách suy tư và nhất là cách sống. Bởi lẽ Chúa Giêsu đã làm người để cho chúng ta được làm con Thiên Chúa. Đời sống của chúng ta phải phản ánh sự tốt lành của Đấng Tối cao.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên