Năm sắc màu của tình yêu trong hôn nhân

154
Tình yêu đối với mọi người bấy lâu nay luôn gắn liền với màu đỏ nồng nàn và mãnh liệt. Bông hồng nhung, trái tim hay ngọn lửa, tất cả đều trở thành biểu tượng của tình yêu với điểm chung mang tính ước lệ là sắc đỏ nồng nàn, ấm nóng, cuồng nhiệt. Đây cũng là màu sắc thể hiện sự thăng hoa của tình yêu khi bước qua những dịu ngọt ban đầu để đến với cung bậc của si mê. Nhưng sau khi kết hôn, liệu tình yêu có còn giữ được gam màu nồng nhiệt ấy? [1]
Có một phim ngắn có tựa đề “Màu Tình Yêu” kể lại câu chuyện của phần đông cặp đôi trẻ về những khó khăn, bất đồng sau khi kết hôn. Đến với nhau bằng tình yêu, cùng nhau trải qua những say đắm, ngọt ngào nhưng cuối cùng, họ vẫn phải đương đầu với thực tế đầy khó khăn và trách nhiệm.
Tình yêu vốn dĩ thuộc về cảm xúc và không chỉ dừng chân ở những mê đắm. Cũng chính vì lẽ đó mà tình yêu là thứ muôn màu muôn vẻ. Bản thân tình yêu trước khi bước đến những sắc đỏ nồng nàn, cháy bỏng, cũng phải trải qua những cung bậc hồng phớt thuở mới chớm hẹn hò, đen thẫm của những hờn ghen, và sau này là tím biếc trong sự viên mãn, thủy chung. [1]
Quả thực, khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, chắc chắn đôi bạn sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, bởi “Hôn nhân luôn là một chiến trường chứ không phải là một luống hồng” (Danh ngôn). Và “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Thực tế hôn nhân sẽ không như chúng ta mơ tưởng ban đầu, nó đầy những khó khăn, phức tạp và nhiều nguy cơ khiến hạnh phúc gia đình trở nên mong manh, có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, ngày nay người ta dùng thuật ngữ “Ly hôn xanh” để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng chưa cần tới 5 năm, họ đã vội vã ly hôn. Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết rằng tình trạng ly hôn xanh ngày một gia tăng và điều đáng nói ở đây là có tới 70% nữ giới là người đứng đơn ly hôn.
Tính chung, theo số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, kết quả nghiên cứu đã cho thấy cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì lại có 3 cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Một điều đáng chú ý là 70% số vụ ly hôn sẽ thuộc về những gia đình trẻ mà vợ và chồng trong độ tuổi từ 18 – 30; trong đó 60% các cặp vợ chồng ly hôn sau khi kết hôn từ 1 – 5 năm, nhiều trường hợp mới chỉ cưới nhau được vài tháng.
Nói như thế để chúng ta thấy rằng tình yêu trong hôn nhân không phải lúc nào cũng sáng như màu vàng, thắm như màu đỏ, tươi như màu cam, dịu dàng như sắc xanh. Tình yêu sẽ biến đổi sắc màu của nó theo thời gian, theo hoàn cảnh, theo biến cố, theo những sóng gió nổi trôi của cuộc đời, theo những đổi thay của lòng người. Như vậy, tình yêu có lúc sẽ mang màu trắng, có lúc sẽ đượm màu đen, có lúc sẽ tô thắm sắc hồng, có lúc sẽ dịu dàng màu xanh, có khi ấm áp màu tím…
Mỗi sắc thái trong tình yêu sẽ là một thông điệp cho ta biết cuộc hôn nhân của ta đang ở trong giai đoạn nào, đang như thế nào và chúng ta phải làm gì để cải thiện tình trạng hôn nhân của mình.
Tình yêu màu Trắng
Màu trắng của tình yêu biểu lộ một cuộc hôn nhân vô cảm và vô trách nhiệm.
Khi mới lấy nhau thì tình yêu cháy bỏng, nhưng sau một thời gian kết hôn, người ta trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và nhàm chán nhau. Người này kêu ca, oán trách người kia. Sự mâu thuẫn, bất đồng ngày một gia tăng. Đôi bạn sống hoàn toàn vô cảm với nhau, ngay cả khi một trong hai đang cần sự đồng cảm để vượt qua những khó khăn bản thân. Một khi sự vô cảm gia tăng thì người ta trở nên bi quan, tiêu cực, dễ dàng buông xuôi, bỏ cuộc.
Nói cách nôm na, đó là một cuộc hôn nhân “Đồng sàng dị mộng!”. Nghĩa đen là cùng nằm một giường mà mộng tưởng khác nhau. Và nghĩa bóng là sống gần nhau, nhưng không cùng một chí hướng. Lúc này, hai trái tim không cùng một nhịp đập nữa. Sự vô cảm trong hôn nhân là dấu hiệu đầu tiên của sự mất hiệp thông trong gia đình. Và từ đây kéo theo hệ lụy là vợ chồng chia rẽ, xung khắc, bất hòa, ly thân, ly dị.
Màu trắng cũng biểu hiện một hôn nhân vô trách nhiệm. Ai cũng biết trong một cuộc hôn nhân bình thường thì quyền lợi của hai vợ chồng phải chịu thiệt đi mỗi người một nửa, trong khi nghĩa vụ của họ cần phải nhân đôi lên. Quả thực, khi lập gia đình, đôi bạn nam nữ không còn sống cho mình và chết cho mình nữa, trái lại họ phải sẵn sàng chu toàn nhiều bổn phận nặng nề trong gia đình, phải hy sinh vì người khác, cho người khác. Vậy mà trong nhiều trường hợp, họ sống không liên đới và vô trách nhiệm. Người chồng quên rằng mình là gia trưởng. Người vợ quên rằng mình là nội tướng. Họ dành thời gian, công sức, tiền bạc cho những mục đích riêng tư cá nhân hơn là cho gia đình. Một khi hai người không còn quan tâm đến gia đình, đến bổn phận vợ chồng nữa thì hậu quả sẽ là nghèo túng, thiếu thốn, mâu thuẫn, bất đồng và ly tán…
Lúc này, chúng ta sẽ suy nghĩ giáo huấn sau đây: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (x. Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn “Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu” số 21).
Tình yêu màu Đen
Trong đời thường, màu đen chỉ sự u uất, đen tối, bi ai và chết chóc. Người ta sử dụng màu đen trong tang lễ chỉ sự mất mát đau thương. Người ta nói đến đêm đen bao phủ, mây đen trong giông bão, cảm giác sợ hãi trong trời tối đen như mực…
Tâm lý học hiện đại coi màu đen là tất cả những gì ta sẽ cảm nhận khi không còn chút ánh sáng nào cả. Nó có khả năng hấp thu tất cả các màu sắc khác trong dải màu. Màu đen đem lại cảm giác bất an, tội lỗi và được xem là biểu tượng của cái ác, luôn gắn với tính cách của những nhân vật phản diện. Ở nhiều nơi, màu đen còn là biểu trưng của sự mê hoặc, quyến rũ. Màu đen khiến người ta nghĩ đến sự chết chóc, nỗi ham mê nhục dục và những điều bất hạnh.
Quả thực, trong hôn nhân, rất nhiều khi màu của tình yêu chỉ nhuộm toàn màu đen u tối, thất vọng. Người ta cũng coi đó là thời kỳ hôn nhân hỏa ngục.
Một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là con đường dắt ta vào địa ngục hay đưa ta vào thiên đàng” (Balzac). Những ai đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình đều có chung một kinh nghiệm này là hôn nhân đối với nhiều người không hơn gì hỏa ngục. Chính vì vậy mà có người đã khẳng định: “Hôn nhân giống như cái lồng chim, con ở trong thì muốn bay ra, còn con ở ngoài thì muốn bay vào” (Montaigne). Người muốn thoát ra khỏi cuộc hôn nhân vì đối với họ đó quả thực là một bi kịch.
Hôn nhân đen, hôn nhân địa ngục chính là một thứ hôn nhân đau đớn, thảm họa và ngục tù. Những ai rơi vào tình cảnh một cuộc hôn nhân như thế đều có chung một cảm nghiệm là “Có chồng như gông đeo cổ”, hoặc “Lấy vợ như mang nợ vào thân”.
Bên cạnh những cuộc đổ vỡ “hữu hình” là các vụ ly hôn, còn có những “thảm kịch vô hình” trong các gia đình khi mà vợ chồng sống với nhau như người dưng nước lã, hay tệ hơn như kẻ thù. Lúc đó người ta sẽ than thở: “Hôn nhân là mồ chôn tình ái” (Chamfort). Một khi hôn nhân không còn đem lại cho ta hạnh phúc nữa thì đó chẳng khác gì ngục tù giam hãm trái tim con người. Người ta mơ mộng khi yêu nhau và đã vỡ mộng khi sống chung với nhau.
Nếu phải ở tình huống này, chúng ta đừng vội thất vọng. Hãy can đảm nhìn lại con đường mình đang đi và hãy bình tĩnh đối phó với mọi khó khăn. Thiết nghĩ, để thoát ra khỏi một cuộc hôn nhân u ám, đau đớn và địa ngục, chúng ta phải thức tỉnh và cảnh giác. Thức tỉnh để tái khám phá bản chất, ý nghĩa, mục đích đích thực của hôn nhân là gì. Cảnh giác để khỏi bị lôi kéo vào quỹ đạo của nếp sống vô cảm, vô trách nhiệm và vô đạo đức. Đời sống vợ chồng không tránh khỏi sóng gió, nhưng nếu chúng ta biết lấy tình yêu chân thành mà đối xử với nhau thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Vì “Tình yêu chiến thắng tất cả!”.
Tình yêu màu Xanh
Màu xanh (dương) là màu được nhiều người ưa thích. Nó đem lại cảm giác thanh thản, yên bình và chín chắn. Trong hôn nhân, màu xanh tượng trưng cho sự bình yên, dịu dàng, thanh thoát. Đây là kết quả của một cuộc hôn nhân vì nhau, cho nhau và với nhau.
Đôi bạn thường xuyên quan tâm đến nhau: Khi yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau và cho nhau. Việc quan tâm đến nhau phải được coi là một trong những “hạng mục ưu tiên” hàng đầu để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc. Quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi người coi nhau như đối tượng chăm sóc thường xuyên. Không phải chỉ có kiểu lãng mạn “nâng khăn sửa túi” lúc ban đầu, mà suốt cả cuộc hành trình đời sống lứa đôi, hai bạn phải chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ nhau cách tận tình và chu đáo. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ hâm nóng tình yêu, vốn rất mong manh, nhờ đó hai bạn vững vàng yên tâm đi tới đích. Có một ý kiến thế này: “Sẽ bớt đi những vụ li dị nếu quý bà tân thời ngày nay chăm lo cho chồng con hơn là chăm sóc các món hàng hạ giá ở siêu thị”.
Đôi bạn tạo điều kiện để có thể làm việc chung với nhau: Có người đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Hoặc, “Chết cho người mình yêu còn dễ hơn là sống chung với người ấy” (Byron). Đúng vậy. Khi đã sống với nhau một thời gian, tình yêu sẽ nhạt dần và hai người dễ dàng “bỏ rơi” nhau. Họ cảm thấy không còn muốn đồng hành với nhau nữa. Mỗi người đi một lối riêng. Họ có thể coi nhau là “kẻ xa lạ” trong cùng một ngôi nhà. Lúc đó thì khó tránh khỏi tình trạng “đồng sàng dị mộng” (cùng nằm một giường mà có những giấc mơ khác nhau).
Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”.
Đôi bạn giúp nhau thực hành 5 chữ “Hòa”: Đó là hòa thuận, hòa hợp, hòa hoãn, hòa bình và hòa đồng. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không xây dựng trên nền tảng tiền bạc hay điều kiện vật chất này nọ mà là trên mối tương quan êm ấm giữa hai vợ chồng. Mối tương quan ấy có được là do đôi bạn luôn biết tùng phục, yêu thương và kính trọng nhau, căn cứ lời khuyên nhủ của thánh Phaolô, như sau:
Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Eph 5,21-33). “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ…” (Cl 3,18-19).
Tình yêu màu Hồng
Chúng ta biết rằng màu hồng là màu của tình yêu và sự lãng mạn. Nó có tác dụng đem lại hạnh phúc, bình an, vui mừng. Có thể nói màu hồng biểu hiện sự toàn hảo và thành công của một cuộc hôn nhân đích thực, cuộc hôn nhân mà nền tảng vững chắc của nó là tình yêu và sự chung thủy.
Hôn nhân màu hồng là hôn nhân trong đó đôi bạn thực lòng yêu kính nhau: Người ta thường nói: “Tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng luôn phải kính trọng nhau như người khách. Điều này xem ra có vẻ khó thực hiện. Vì trên thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, người ta trở nên nhàm chán nhau, dẫn đến tình trạng coi thường nhau. Tình yêu phai nhạt theo thời gian cộng với những khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống chung sẽ trở thành nguyên nhân gây “bùng nổ chiến tranh” giữa hai vợ chồng. Do đó, để giữ mãi tình yêu nồng ấm đối với nhau như thủa ban đầu, hai bạn không ngừng nuôi dưỡng tình yêu bằng sự lắng nghe, kính trọng và hòa thuận nhau. Thực vậy, “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton).
Hôn nhân màu hồng là hôn nhân trong đó đôi bạn nhận ra ưu điểm của nhau và giúp nhau thăng tiến: Trải qua nhiều năm tháng sống chung, vợ chồng dễ dàng xích mích, mâu thuẫn nhau chỉ vì những chuyện cỏn con “bé xé ra to”. Họ không thấy những cố gắng, những mặt tích cực của nhau mà chỉ chăm chăm vào những sai sót của bạn đời. Nhân vô thập toàn, khuyết điểm thì ai cũng có. Nhưng không vì thế mà chỉ nhìn thấy điểm yếu mà không nhận ra điểm mạnh của nhau. Có thể người nữ quen tật nói nhiều nhưng bù lại họ rất hăng hái nhiệt tình phục vụ. Có thể người nam chậm chạp ù lì nhưng bù lại họ rất cần mẫn chu đáo việc nhà cửa.
Vậy thì phải làm sao cho những ưu điểm che lấp khuyết điểm, từ đó giúp nhau phát huy thế mạnh và giảm bớt sai sót. Hãy tin vào những mặt mạnh của nhau và bỏ qua những mặt yếu của nhau. “Hãy khen vợ: ‘Hôm nay em đẹp quá!’, thế nào nàng cũng sẽ đãi bạn một bữa ăn tối thật là ngon!”. Cánh đàn ông đều đồng ý rằng: “Bất kỳ sự thành công nào của người đàn ông cũng đều có bóng dáng người phụ nữ ở đằng sau” (Danh ngôn).
Hôn nhân màu hồng là hôn nhân trong đó đôi bạn biết giúp nhau can đảm vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Có câu: “Yêu, tức là ký kết với đau khổ” (Mme de Cohin). Hoặc “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên khúc nhạc cuộc đời” (David Sarnoff). Khi bước vào đời sống hôn nhân, hai bạn sẽ nhắc nhở nhau điều này, đó là phải sẵn sàng đối phó với những sóng gió trong đời. Bởi vì, “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull).
Vậy thì đôi bạn phải là những người mạnh mẽ, can đảm và có bản lãnh vững vàng để có thể giúp nhau vượt qua những thử thách, khó khăn xảy đến từng ngày. Trong đời sống vợ chồng, các bạn phải đấu tranh với đủ mọi khó khăn lo lắng, nào là về tiền bạc, công việc, nơi ăn chốn ở, nào là về vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục con cái vv. Nhiều lúc các bạn sẽ mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, hãy xác tín điều căn cốt này là: “Hôn nhân là một chiến trường chứ không phải là một luống hồng” (Danh ngôn). Người chiến thắng trong cuộc chiến là người biết kiên trì chiến đấu một cách anh dũng đến cùng.
Tình yêu màu Tím
Phần đông phụ nữ rất thích màu tím, vì nó diễn tả sự duyên dáng, đằm thắm và kín đáo. Trong hôn nhân, màu tím của tình yêu gợi cho ta về sự chịu đựng, tinh tế và khoan dung. Ở đây, chúng ta sẽ nói tới nghệ thuật nhượng bộ trong đời sống hôn nhân gia đình.
Ngày nay, người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ” trong đời sống hôn nhân gia đình, coi đó như là một giải pháp rất hiệu quả nhằm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa hai vợ chồng. Nhượng bộ không phải là thái độ yếu thế, buông xuôi tiêu cực, không dám đương đầu với bất kỳ khó khăn hay rắc rối nào. Nhưng đó là thái độ và phản ứng có chọn lựa, có cân nhắc, có suy nghĩ. Ngạn ngữ Anh có câu: “Nhượng bộ không phải là hạ mình; nhận lỗi không phải là nhục nhã”.
Nhượng bộ, hiểu theo nghĩa tích cực và đơn giản, là nhường nhịn, là chấp nhận ý kiến khác biệt của người khác, là lui một bước để hai người cùng song hành… Ông bà ta thường nói: “Thương nhau chín bỏ làm mười” hay “Một sự nhịn chín sự lành”. Nhượng bộ không có nghĩa là thất thế mà là do tình yêu giữa hai người đủ lớn mạnh để có khả năng xóa bỏ mâu thuẫn, giảm bớt xung khắc, giải quyết bất đồng.
Mục tiêu của nhượng bộ chính là xây dựng sự hòa hợp giữa đôi bạn, bởi vì chỉ có hòa hợp người ta mới duy trì được cuộc hôn nhân bền vững lâu dài được. Tục ngữ VN có câu “Dĩ hòa vi quý”. Khi hai vợ chồng nhượng bộ nhau thì họ sẽ tìm được tiếng nói hòa hợp chung nhờ đó họ có thể sát cánh bên nhau suốt cuộc hành trình lâu dài. Một tác giả đã viết: “Hòa hợp là sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau…là sự thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau”.

Ông bà ta thường nói “Một sự nhịn chín sự lành”, điều đó có nghĩa là chỉ cần một sự nhường nhịn nhau thôi cũng đủ đem lại chín sự thiện lành cho đời sống vợ chồng. Có nhiều người không muốn nhường nhịn, vì họ tự ái hay nghĩ rằng điều đó có thể là khiến cho người kia lấn lướt, áp đảo mình. Trong khi nhường nhịn là chấp nhận cái “Tôi” của mình bé nhỏ đi để đón nhận cái “Tôi” khác biệt của người kia. Đó là hy sinh, đó là bao dung, đó là vị tha.

Thực vậy, sự nhường nhịn trong đời vợ chồng chính là cách cư xử bao dung mà hai người phải thực hành. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.

Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu và sự bao dung trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor: “Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hy sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài. Đó cũng là thành quả của một thái độ bao dung luôn biết nhường nhịn nhau và nâng đỡ nhau. Màu tím tình yêu trong hôn nhân quả thực rất đáng yêu và mang nhiều ý nghĩa vậy./.

Aug. Trần Cao Khải
– – – – – – – – –