Kết thúc để có một khởi đầu mới. Năm Phụng vụ dành cho những ai sống kết hợp với Chúa. Năm Phụng vụ được bao hàm trong Ân thánh của Chúa Kitô, Người đã sống và hoàn tất chương trình cứu độ trong thánh ý Chúa Cha.
Khi một năm kết thúc một năm cũ và bắt đầu năm mới, mọi người bận rộn hoàn tất những gì trong năm cũ để đón để đón một năm mới với những dự tính, các chương trình trong niềm hạnh phúc trong ước mong sang năm mới mọi điều sẽ tốt đẹp hơn: “Vạn sự như ý, tỉ sự như mơ”. Thế mà, năm Phụng vụ kết thúc và khởi đầu một năm Phụng vụ mới thì mọi người vẫn “bình chân như vại”, vẫn hân hoan với những kế hoạch riêng như không có chuyện gì xảy ra. Họ bận rộn đến quên cả ngày lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ. Ngày lễ long trọng họp mừng toàn thể triều thần ở trên Thiên quốc, nơi lữ hành trần thế và trong luyện tội. Tôi còn nhớ sự chuẩn bị cho năm mới của mẹ tôi. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, nhà mình còn một mảnh đất chưa kịp trồng”. Mẹ tôi trả lời: “Không sao con ạ. Cứ để sang năm mới ta làm, bởi nó hợp thời vụ thì kết quả thu hoạch sẽ tốt hơn”. Cả trong những dự tính của mẹ tôi: sang năm mẹ cho em A đi Nhật rồi sau đó cho em B đi luôn. Tôi lo sợ khi các em đi xa nhà, xa đất nước. Mẹ tôi thì tràn đầy hy vọng. Tôi tự hỏi: “Sao mẹ không dự tính cho em A, em B đi tu Đan viện Biển Đức hay Sitô, Phanxicô hay Dòng Tên, còn em C làm linh mục của Chúa. Tôi nghĩ: “Ôi thật can đảm cho nhưng người mẹ khi mang nặng đẻ đau, rồi nhìn con trải nghiệm với bao thử thách của nhân gian”. Nhìn vào sâu thẳm tấm lòng của mẹ, tôi cảm nhận mẹ cũng muốn cho các em đi tu. Nhưng hiện thực của cuộc sống mưu sinh, phải “có thực mới vực được đạo”, mẹ chỉ biết cậy trông vào dự tính, thánh ý Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi các con của mẹ trong tình yêu nên một với Con của Người. Hiểu được tấm lòng mẹ, tôi cũng chỉ biết cầu xin Chúa chúc lành cho ơn gọi của các em. Có phải vì cuộc sống mưu sinh mà không có những người mẹ dám để con chiến đấu cho những thử thách của Nước Trời? Tôi thiết nghĩ và đã thấy, có những người mẹ sẵn sàng chuẩn bị cho con một năm mới ngập tràn thánh ân như người mẹ dũng cảm trong sách Macabê quyển thứ hai đã diễn tả. Bà là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm cậy trông bà đặt nơi Đức Chúa (x. 2Mcb 7, 20).
Một ít gợi nhớ để tôi nhìn vào những chọn lựa của chính mình. Không phải do mẹ dự tính hay do ai, nhưng chính là lời đáp trả của tôi đối với tình yêu của Chúa Giêsu trong ơn gọi hiện tại. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5, 18). Trong Phụng vụ, nhiều khi chúng ta đã cảm thấy như là Lề luật bắt buộc: phải đi lễ ngày Chúa nhật hay phải ăn chay kiêng thịt… Nhưng tất cả những việc làm đó không qua đi vì ân sủng mà Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta. Năn Ân thánh chỉ là thay đổi để ta được nhìn lại hay bắt đầu lại: những ước mơ nên thánh, một tấm lòng vị tha, sự chân thành,… đặc biệt hơn là sự hoán cải để trở về với Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu quả quyết: Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng cũng sẽ được tha, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha (x. Mt 12, 32).
Bạn có muốn được sống chìm ngập trong Ân thánh của Thiên Chúa không? Tôi cũng muốn điều đó và đang cố gắng học yêu như Chúa từng ngày trong từng hơi thở của tôi. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc biết bao khi mọi tế bào trong tôi đang rung nhịp để hân hoan tiến bước. Niềm hạnh phúc đó cũng ở trong bao người, dù không may mắn vì đang phải chịu đau khổ do bệnh tật hay họ đang nên thánh trong mọi tình trạng khác để diễn tả sự phong phú của Ân thánh Nước Trời. Một năm thường có bốn mùa. Ở miền Trung quê tôi, thời tiết vần xoay rất rõ nét, tách biệt và bổ túc cho nhau. Mùa thu rụng lá để mùa đông cây nghỉ ngơi; mùa xuân đâm chồi nẩy lộc để mùa hè ve mang muôn tiếng reo hò trong đất trời bình an.
Năm Ân thánh còn hơn cả bốn mùa, dù kết thúc hay bắt đầu thì vẫn tiếp diễn năm mùa Phụng vụ, diễn tả trọn vẹn hành trình cứu độ của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và nhân loại. Bạn và tôi được mời gọi tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô* như tâm tình của thánh Phaolô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh (Cl 1, 24).
Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, không ai mà không có đau khổ hay không ai mà không đạt được hạnh phúc. Làm sao để sức sống của Chúa Giêsu triển nở luôn mãi? Tôi cảm nhận, khi tôi có đầy tràn lòng mến Chúa Kitô, Đức Mến sẽ giúp tôi và đưa tôi đi trong Ân thánh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Đức Mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 8).
Maria Nguyễn Huệ, Tập sinh MTG.Thủ Đức
*Bức tâm thư, tuyển tập Bút tích (Di cảo)