GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Năm Mục vụ Gia đình 2017 – Gặp gỡ IV: Với Bí...

Năm Mục vụ Gia đình 2017 – Gặp gỡ IV: Với Bí tích Hôn phối

Năm Mục vụ Gia đình 2017:
Chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống Hôn nhân
Gặp gỡ IV: VỚI BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Mục đích:

Đi sâu vào ý nghĩa của việc cử hành hôn phối qua việc học biết quý trọng các yếu tố khác nhau đặc trưng của hôn ước. Hôn nhân được nhìn nhận như là một trong những thời cơ của ơn cứu độ và ân sủng Chúa ban cho những người cầu xin Người đến hiện diện với họ.

Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:

Lời dẫn:
Đức Giêsu hoàn thành lịch sử của Giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Người hiến thân trọn vẹn vì yêu thương và cứu độ nhân loại, qua việc kết hợp với nhân loại như hiền thê của Người. Người là Đấng Phu Quân của Hội thánh. Trong Đức Giêsu anh chị có thể khám phá và sống sự thật sâu xa nhất của hôn nhân: hôn nhân của các tín hữu (của các người đã rửa tội) là hình ảnh thực và sống động của Giao ước mới và vĩnh cửu ký kết trong máu Đức Kitô. Tình yêu phu thê của các đôi bạn Kitô hữu, bởi hành động của Chúa Thánh Thần, trở thành nơi Chúa Phục sinh hiện diện, là dấu chỉ hữu hiệu và hằng ngày của tình yêu Người đối với chúng ta.

Lời Chúa: trích Thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêsô

“ Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep 5,1-2.21-33).

Linh mục: Khi học biết và chiêm ngắm sự cao cả kỳ diệu của bí tích hôn phối, chúng ta hãy dâng lên Chúa lời ca tụng và tạ ơn. Xin mọi người cùng lặp lại:

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.
Cđ.:Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.
Người nam: Chúa đã thiết lập với dân Chúa một Giao ước mới để trong Đức Kitô, Người đã chết để cứu rỗi chúng ta và Phục sinh trong vinh quang, nhân loại trở nên được dự phần vào đời sống bất tử của Ngài và đồng thừa hưởng vinh quang trên trời.

Cđ.:Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.
Người nữ: Trong Giao ước giữa người nam và người nữ Chúa đã ban cho chúng con hình ảnh sống động của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội thánh, và trong bí tích hôn phối xin hãy tỏ cho chúng con thấy tình yêu nhiệm mầu khôn dò của Ngài.
Cđ.:Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.

Câu hỏi giúp suy tư:

– Thế nào là các bí tích?
– Chúng ta biết nghi lễ hôn phối Kitô giáo có những ý nghĩa gì?
– Hai người tín hữu quyết định kết hôn với nhau trước mặt Chúa, việc đó có khác biệt gì so với những người khác kết hôn theo các “nghi lễ” khác?

Suy tư:

Con đường đã đi qua cho thấy trong quyết định kết hôn người Kitô hữu không vô tâm vô tình nhưng đánh dấu trước hết chặng đường đính hôn và quyết định sau cùng của họ. Bởi thế hai người Kitô hữu đính hôn không chỉ đơn thuần “kết hôn” với nhau, nhưng còn có ý hướng và xin được “kết hôn trong Hội thánh”, nghĩa là chia sẻ đức tin của Hội thánh.

Bí tích hôn phối: dấu chỉ hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô

“Hôn nhân Kitô giáo, phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, được thực hiện một cách trọn vẹn trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, họ thuộc về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh, họ được thánh hiến bởi bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội” (Amoris Laetitia 292; HĐGMVN, Thư gửi các Gia đình công giáo, 1).

Khi dùng chữ “Bí tích” người ta muốn nói ngay đến một nghi lễ cử hành bởi Hội thánh và trong Hội thánh. Sâu xa hơn, với từ ngữ ấy chúng ta muốn nói rằng, qua hành động cử hành nghi thức đặc thù này (dù là Rửa tội hay Thêm sức, Hòa giải hay Thánh Thể, Xức dầu bệnh nhân hay Hôn phối hoặc Truyền Chức thánh) chính Chúa Giêsu hành động, Người ban ơn cứu độ cho con người bằng cách hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua cho chúng ta tại đây và hôm nay. Bằng cách đó, Người cho ta có thể dự phần vào Thập giá và Phục sinh của Người. Trong những thế kỷ đầu của đời sống Hội thánh, hôn phối đã được cử hành không có nghi lễ đặc thù riêng, mà chủ yếu theo tập tục của xã hội trong đó đôi bạn Kitô hữu đang sống. Nhưng kể từ đó, trước mỗi dịp kết hôn, các Kitô hữu đã ý thức mình sống trong một thực tại “thánh thiêng”: người ta biết đó là hai người tín hữu kết hôn “trong Chúa”. Lời ưng thuận kết hôn mà hai người Kitô hữu tuyên bố “được biến hình” từ bên trong nhờ phép Rửa tội họ đã lãnh nhận. Đôi tân hôn Kitô hữu biết rằng họ kết hợp nên một trong Đức Kitô. Từ ý thức này Hội thánh đi đến chỗ nhìn nhận giá trị của hôn nhân như là một bí tích. Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Êphêsô (5,22-30) đã xét đến kinh nghiệm vợ chồng cụ thể này và nhấn mạnh rằng: quan hệ giữa vợ và chồng là một quan hệ “trong Chúa”; vợ phải “tùng phục” chồng như Hội thánh tùng phục Đức Kitô; chồng phải yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu thương Hội thánh. Khi ấy, mầu nhiệm phải được hiểu như là hành động cứu độ của Thiên Chúa,Đấng đã sai Con của Người đến mạc khải cho ta dung mạo Thiên Chúa là Cha của Người, cũng như là hành động của Đức Giêsu Kitô. Như thế hôn nhân là bí tích và trong bí tích đó Chúa Thánh Thần Đấng được tuôn tràn ban cho đôi bạn một quả tim mới và làm cho người nam và người nữ có khả năng yêu mến như Chúa Kitô đã yêu mến chúng ta. Tình yêu vợ chồng, vì thế, phải hướng đến mức viên mãn của nó như đã được tiền định tự bên trong: tình bác ái phu thê. Đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô còn nhấn mạnh một điểm cốt yếu khác nữa về nội dung của bí tích hôn phối. Nó xuất phát từ chính tình yêu vợ chồng cụ thể diễn tả trong đời sống đôi bạn và gia đình. Chính thực tại đặc thù của đôi bạn tín hữu đã rửa tội (toàn thể con người, nam cũng như nữ, với xác thân của người nam và người nữ, họ trao đổi yêu thương và hiến dâng cho nhau cách trọn vẹn, duy nhất, bất khả phân ly và phong nhiêu) được biến đổi thành “bí tích”. Trung tâm điểm của cử hành hôn phối là lời tuyên bố ưng thuận đôi tân hôn trao cho nhau . Thực tế có một nguy cơ là lời tuyên hứa ưng thuận giữa một người nam và một người nữ diễn ra khá thường ấy có thể hơi bị xem nhẹ. Trong khi, thực ra chúng ta đang đối diện với một phép lạ, đó là một người tự nguyện hiến chính mình cho một người khác, dám trao phó con tim mình, cuộc sống mình, số phận mình cho người ấy, phó thác cho mầu nhiệm của một nhân vị khác.
Hôn phối một “bí tích thường xuyên”

“Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ nhưng là thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân” (HĐGMVN, Thư Chung 2016).

Nói hôn nhân là một bí tích có nghĩa là nhìn nhận rằng qua hành động của đôi hôn phối nói lên sự ưng thuận chính Đức Kitô hoạt động: Người mạc khải và thực hiện cái gì đó thuộc tình yêu của Người cho Hội thánh và cho con người. Hẳn là Đức Kitô sẽ hiện diện cả trong những hoàn cảnh khác thường nhật hơn của đời sống; nhưng công bố sự ưng thuận vẫn là một hành động biệt loại, không ở trên cùng một bình diện với tất cả các hành động khác của tình yêu đôi bạn trao cho nhau về sau. Hôn phối có thể được xếp vào loại “bí tích thường xuyên”: suốt cuộc sống hôn nhân của họ, trong những hoàn cảnh nhất định, đôi bạn có thể tái hiện lại bí tích hôn phối qua việc tạo ra những hiệu quả của ân sủng và ý nghĩa sâu xa ấy vốn đã được thực hiện trong thời điểm cử hành lễ cưới. Điều đó xảy ra trong mọi hành động đặc thù của tình yêu giữa đôi vợ chồng – kể cả hành động kết hợp tính dục vợ chồng – để trải nghiệm trong sự tự do và ý thức, một cách chân thật, như những hành động đích thật của tình yêu.

Hôn nhân, Thánh Thể và bước theo Chúa Kitô

Thế nên, nói hôn nhân là “bí tích” điều đó có nghĩa là khẳng định rằng chính hôn nhân là một âm vang vọng của lời “xin vâng” của tình yêu được loan báo và sống trên Thập giá của Đức Kitô. Chính vì thế, hôn nhân được mời gọi họa lại theo khuôn mẫu tình yêu của Giêsu và tái hiện lại những gì diễn ra nơi tình yêu thập giá ấy trong ngày hôm nay. Quy chiếu bí tích hôn phối đến tình yêu của Chúa Kitô trên Thập giá còn gợi sự liên hệ chặt chẽ giữa Hôn nhân và Thánh Thể: Mình Thánh trao ban, Máu Giao ước đổ ra của Chúa Kitô trở thành cơ sở, nguyên mẫu và sức mạnh cho đời sống bác ái của mỗi Kitô hữu, của các đôi bạn và gia đình Kitô hữu. Chính trong hy tế này đôi bạn Kitô hữu tìm thấy nguồn mạch không ngừng tuôn trào và định dạng cho Giao ước phu thê của mình.

“Đức Giêsu gõ cửa các gia đình chia sẻ với họ bữa tiệc Thánh Thể (x. Kh 3,20). Ở đó, vợ chồng luôn luôn có thể ký kết lại giao ước Vượt Qua vốn là giao ước đã kết hợp họ và phản ảnh Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trên thập giá[1]. Thánh Thể là bí tích của Giao Ước Mới, trong đó công trình cứu chuộc của Đức Kitô được thực hiện (x. Lc22,20). Như thế mối liên kết sâu xa giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể càng trở nên càng rõ nét hơn[2]. Lương  thực Thánh Thể là sức mạnh và động lực cần thiết cho đôi vợ chồng để sống hôn ước mỗi ngày như một ‘Hội thánh tại gia’” (Amoris Laetitia 318).

Khi ấy, người ta có thể kết luận rằng đối với hai bạn đính hôn Kitô hữu, kết hôn trong Hội thánh nhằm mục đích cuối cùng là gia tăng tình yêu Chúa Giêsu Kitô hơn, bằng cách sống như Người, hay bước theo ơn gọi nên thánh của mình.

Bí tích hôn phối xây dựng Hội thánh

Sự hiện diện của linh mục chứng hôn cho đôi bạn kết hôn trong Hội thánh diễn tả sự kiện hôn phối liên hệ đến toàn thể Hội thánh. Thể thức công khai và hình thức Hội thánh của lễ Hôn phối không chỉ là một thủ tục bên ngoài. Nó hàm chứa một sự nhìn nhận và bảo vệ cho quyết định này và nói lên rằng cộng đoàn Kitô hữu cảm thấy mình đồng trách nhiệm hoàn thành cuộc hôn nhân này. Hơn nữa, tình yêu của đôi vợ chồng góp phần hiệu quả để xây dựng Hội thánh. Đôi vợ chồng góp phần trước hết qua việc đón nhận và giáo dục con cái mà Chúa sẽ ban cho họ và còn qua gương mẫu sống đức tin, sống tinh thần hiếu khách và cởi mở đón nhận tha nhân khi trở nên những tế bào sống động của Giáo hội.

Hôn nhân và “những thực tại cánh chung”

Hôn nhân Kitô giáo loan báo, tiên trưng và báo trước niềm vui và sự viên mãn của thời cánh chung. Nhưng hôn nhân không phải là một giá trị tối hậu, và như thế, người ta không thể phóng chiếu trên hôn nhân những mong đợi và những kỳ vọng quá đáng. Không người nào có thể ban cho người bạn đời kia “thiên đàng tại thế”. Hạnh phúc hai người có được trong tình yêu của họ chỉ là một hình ảnh bất toàn và còn khiếm khuyết của niềm hạnh phúc sau cùng mà chỉ một mình Chúa mới có thể ban cho.

“Quả thật, trên thực tế không gia đình nào là hoàn hảo và được kiện toàn một lần dứt khoát; nhưng đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương của mình. Có một tiếng gọi không dứt, phát xuất từ sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự kết hợp kỳ diệu giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, từ cộng đoàn kiều diễm là Gia đình Nadarét, và từ tình huynh đệ vô tì tích giữa các thánh trên thiên quốc. Tuy nhiên, việc chiêm ngắm sự viên mãn mà chúng ta chưa đạt tới cũng giúp chúng ta biết tương đối hóa trong khi nhìn lại cuộc hành trình lịch sử mà chúng ta đang thực hiện trong tư cách là gia đình, để rồi chúng ta không còn đòi hỏi các mối tương quan liên vị của chúng ta phải hoàn hảo, phải tinh tuyền trong ý hướng, và phải nhất quán – điều mà chúng ta chỉ có thể gặp thấy trong Nước Trời mai sau” (Amoris Laetitia 325)

Thảo luận theo nhóm:
– Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?
– Suy nghĩ về chi tiết một vài lời nói, cử chỉ trong nghi thức hôn phối (những câu hỏi của người chứng hôn trước lời ưng thuận, chính lời công bố sự ưng thuận, sự kiện trao nhẫn cho nhau) anh chị có thể cùng rút ra được một vài ý nghĩa trọng yếu nào?
– Đâu là những hệ quả từ những điểm nhấn quan trọng trên đây có thể đem lại cho cuộc sống hằng ngày?
–––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio 57.
[2] Chúng ta cũng không được quên rằng giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài được diễn tả như một sự đính hôn (x. Ed 16,8. 60; Is 62,5; Hs2,21-22), và giao ước mới cũng được trình bày như một hôn ước (x. Kh 19,7; 21,2; Ep 5,25).

Exit mobile version