Năm đức tin, cần nuôi dưỡng và sống đức tin thế nào?

77

Năm đức tin, cần nuôi dưỡng và sống đức tin thế nào?

Như Đức Thánh Cha Bê-nê-đich-tô 16 đã quyết định và loan báo, ngày 11 tháng 10 tới đây, Lễ khai mạc Năm Thánh sẽ được Đức Thánh Cha long trọng cử hành tại Công Trường Thánh Phêrô, Rôma. Năm Thánh sẽ chắm dứt ngày 24 tháng 11 năm 2013.

     Nhân dịp này, Đại Hội Đồng Giám Mục Thế giới (Assembly of the Synod of Bishops) sẽ họp phiên thứ 13 thường lệ  với chủ đề” Tân Phúc Âm hóa để loan truyền Đức tin Kitô-Giáo”. (New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith).

     Là người tín hữu Chúa Kitô sồng trong thế kỷ 21 này, chúng ta phải canh tân và sống đức tin cách nào để không những mưu ích cho chính mình mà còn mời gọi thêm những người khác chưa biết và tin Chúa Kitô được nhận biết Chúa để cùng hưởng Ơn cứu Chuộc đã mua bằng giá máu Chúa đổ ra trên thập giá năm xưa.

     Thật vậy, Đức tin là một quà tặng nhưng không và vô giá (gratuitous and invaluable) mà Thiên Chúa đã ban để giúp ta nhận biết Người là Cha Toàn năng, Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật hữu hình và vô hình. Đặc biệt, Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh của mình” (St 1:27) và muốn cho “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1Tm 2:8).

     Thiên Chúa  tạo dựng  và mong muốn cho con người  được hạnh phúc chỉ vì tình thương vô vị lợi của Người dành cho tất cả chúng ta, những con người được sinh ra trên trần thế này và có diễm phúc được biết Chúa qua ơn mặc khải mà  Chúa Kitô đã cảm tạ Thiên Chúa Cha thay cho chúng ta về quà tặng đức tin quí giá này:

        “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này,nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lậy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc 10: 21 )

Như thế có nghĩa là nếu Thiên Chúa không tự mặc khải Người (revealed Himself) cho ai thì không ai có thể tự mình nhận biết có Thiên Chúa và tin yêu Người.

     Tại sao những bậc thông thái, khoa học gia biết cắt nghĩa sự hình thành của vũ trụ và mọi qui  luật chi phối đời sống của con người và mọi loài động vật , thực vật, và thảo mộc, nhưng lại không khám phá ra được Thiên Chúa là chính Đấng dựng nên mọi loài mọi vật đó?

     Lý do duy nhất  để trả lời câu  hỏi này là vì họ không được Thiên Chúa mặc khải hay ban quà tặng đức tin vô giá nên họ không thể  biết gì về Thiên Chúa với kiến thức tuy  rộng lớn đối với con người nhưng  lại  quá hạn hẹp đối với Thiên Chúa là Đấng thượng trí vô song.

      Vậy đối với những ai đã được diễm phúc biết Chúa nhờ đức tin thì phải bồi dưỡng và sống đức tin ấy ra sao đặc biệt trong Năm Đức Tin này?

1 –  Trước hết, phải làm gì để bồi dưỡng đức tin cho lớn mạnh thêm nữa?

     Kinh nghiệm đơn sơ của bất cứ người làm vườn (gardener) nào đều  cho biết là khi trồng một loại cây trái  mới nào, người ta phải lựa giống tốt của cây đó. Nếu là hạt thì phải đặt vào nơi đất đã bón phân sẵn và chờ cho hạt đó nẩy mầm rồi tiếp tục nuôi dưỡng với nước và phân bón thích hợp.Nếu không chăm lo vun tưới đều đặn thì hạt sẽ chết khô trong lòng đất, dù là hạt của giống cây tốt.Nhưng từ lúc hạt nẩy mầm cho đến khi mọc thành cây và sinh hoa trái thì người làm vườn phải tốn nhiều thì  giờ và công sức chăm bón mới có kết quả tốt để hưởng dùng.

     Cũng tương tự như vậy, đức tin được gieo vào tâm hồn con người như hạt giống được gieo xuống đất. Một em bé, sau khi sinh một hai tháng, được rửa tội để được tái sinh trong sự sống mới. Nhưng sau khi rửa tội, nếu cha mẹ và thân nhân sống gần em mà không giúp nuôi dưỡng đức tin đó cho em  thì chắc chắn khi lớn lên em bé sẽ không thể tự biết gì về Chúa và tin yêu mến Ngài. Do đó, cha mẹ em phải là người trước hết trực tiếp nuôi dưỡng con mình không những về thể lý cho con lớn lên mạnh khỏe mà đặc biệt còn về mặt thiêng liêng để giúp con cái lớn lên trong đức tin đã lãnh nhận khi được rửa tội.Nghĩa là, trong gia đình cha mẹ phải là thầy dạy đức tin cho con mình bằng cách dạy cho con cái biết có Thiên Chúa là Cha nhân lành, yêu thương hết mọi người.Sau nữa, bằng gương sáng trong gia đình, cha mẹ dạy con cái biết đọc kinh, cầu nguyện  và đem chúng đi dự lễ chung với mình các ngày Chúa Nhật để được nghe giảng về Chúa.Tiếp theo là cho con cái đi học các lớp giáo lý để lãnh các bí tích Thánh Thể, Hòa Giải  và Thêm sức, giúp cho con cái lớn lên trong niềm tin có Chúa.

     Khi trẻ đã lớn đủ và những người đã trưởng thành ý thức được mình có đức tin, tin có Thiên Chúa, có sự sống đời đời thì đó là lúc họ cần phải chứng tỏ ý muốn sống đức tin ấy bằng hành động cụ thể. Kinh nghiệm thực tế khác cũng cho biết là khi người ta đã có một kỹ năng (skill)  nào như biết bơi, biết lái xe, hay biết chơi một loại nhạc cụ nào như đàn guitar hay piano   thì muốn phát triển kỹ năng đó, người ta phải năng luyện tập để đạt mức hoàn hảo chuyên nghiệp.Nếu không thì kỹ năng đó sẽ mai một theo thời gian.Thí dụ, người biết bơi mà không tập luyện mỗi ngày hay mỗi tuần thì không những sẽ không bao giờ bơi giỏi được mà còn mất dần kỹ năng này theo thời gian nữa..

     Cũng tương tự như vậy, tin có Chúa vì sinh ra trong một gia đình có Đạo, hay có cảm nghiêm riêng về Thiên Chúa, thì phải tiếp tục bồi dưỡng cho ánh sáng đức tin ban đầu đó được cháy sáng lên trong tâm hồn đến mức đủ soi sáng cho mình bước đi trên con đường dẫn đến sự sống đời đời. Nghĩa là phải bồi dưỡng đức tin ban đầu với cố gắng  học hỏi thêm về giáo lý của Giáo Hội, đọc Kinh Thánh để hiểu và sống Lời Chúa và nhất là năng lãnh nhận các bí tích quan trọng như Thánh Thể và Hòa giải để được luôn sống trong tình thân với Chúa. Thêm vào đó, phải siêng năng cầu nguyện luôn, vì “Không có Thầy anh  em sẽ chẳng làm gì được.” (Ga 15:5 ).

     Không có Thầy nghĩa là không có ơn Chúa phù giúp nâng đỡ thì  không ai có thể tự mình lớn lên trong đức tin và có đủ sức để chống lại những yếu đuối của bản năng, nhưng dịp tội đầy rẫy trong môi trường sống và nhất là những cám dỗ của ma quỷ, thù  địch của chúng ta luôn ngày đêm rình rập như “sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1Pr 5:8)

     Vì thế, cẩn thiết phải bồi dưỡng đức tin bằng nỗ lực cá nhân như siêng năng cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, giáo lý của Giáo Hội và năng lãnh nhận hai bí tích rất quan trọng là Thánh Thể và Hòa giải để được thánh hóa và lớn lên trong đức tin.

     Nhưng cho được sống đức tin cách vững chắc và cụ thể, ta phải ý thức đầy đủ về nội dung và đòi hỏi của niềm tin là phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự  thể hiện qua quyết tâm xa tránh những gì mâu thuẩn hay đị ngược lại với đức tin có Chúa là cội nguồn của mọi sự tốt lành, thánh thiện, công bình, bác ái, nhân đạo, vị tha. Nghĩa là người có niềm tin nơi Chúa thì không thể cho phép mình làm những sự xấu, sự độc ác như giận ghét, căm thù ai, nói xẩu, vu cáo ai những điều vô bằng cớ, trộm cắp, gian tham, lừa đảo, thay vợ đỗi chồng, cờ bạc, dâm đãng nhất là thâm độc giết hại người khác về thể  lý hay tinh thần… Đây là bộ mặt của sự trống vắng niềm tin, khinh chê mọi giá trị tinh thần, luân lý ,đạo đức. Đây là thực chất của xã hội vô luân, vô  đạo,  của “văn hóa sự chết” (culture of death) đang bành trướng ở khắp nơi trên thế giới ngày nay, đặc biệt là ở những quốc gia tự do quá trớn, tôn thờ  chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) tôn thờ phái tính (sex worship) tôn thờ vật chất, tiền bạc, và mọi vui thú phi  luân, vô đạo như thực trạng ở các nước Âu Mỹ hiện nay.

     Ở bên kia thái cực, là bộ mặt của xã hội vô thần, vô tôn giáo, hay nói rõ hơn là  thù địch của những ai có niềm tin vào Đấng toàn năng làm chủ vũ trụ và sự sống của con người và   của mọi loài động vật, thưc vật và thảo mộc.Thực trạng ở đây còn đáng sợ hơn nữa vì người ta không tin có một Quyền lực thiêng liêng nào thưởng phạt, nên họ mặc sức làm những sự dữ như hà hiếp bóc lột, giết hại những ai chống đối, vơ vết tài sản công để làm giầu cho cá nhân và tập thể cai trị, trong khi quay lưng lại hay dửng dưng trước sự nghèo đói  của người dân và suy thoái đạo đức nặng nề  của xã hội.

     Thêm vào đó, chế độ còn dung dưỡng cho các băng đảng  của xã hội đen lộng hành để cướp bóc ,hãm hại người dân lành, cô thân, cô thế.Đây là  tội ác mà xã hội dung dưỡng để chất thêm thống khổ lên đầu lên cổ  người  dân đã phải chịu nhiều tai ương khác của xã hội vô luân, phi nhân, vô đạo.

2 – Phải sống đức tin cách nào đặc biệt trong Năm Đức Tin này?

     Sống trong  xã hội  với các thực trạng trên đây, người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo  hơn bao giờ hết  phải có can đảm  tuyên xưng  đức tin của mình bằng đời sống thực sự công bình, bác ái, thánh thiện, xa tránh mọi quyến rũ của xã hội vô luân vô đạo đang  lôi kéo con người vào hố diệt vong  vì đam mê của cải và mọi vui thú phi luân, nhắm mắt  bịt tai  trước sự đau khổ, nghèo đói của người khác.Trước thực trạng này, người có đức tin – và đặc biết sống đức tin ấy trong Năm Đức Tin này- cần nêu cao những giá trị của niềm tin  vào Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian để vạch rõ con đường dẫn đến sự sống và con đường đưa đến hư mất đời đời , như Chúa  đã dạy sau đây:

          “Hãy qua cửa hẹp mà vào vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người  lại đi qua đó.Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” ( Mt  7: 13-14)

     Con đường rộng rãi thênh thang mà nhiều người muốn đi và đang đi là con đường của văn hóa sự chết, con đường đưa đến các sòng bạc, nhà điếm, nơi giải trí với mọi thú vui vô luân vô đạo, con đường  tham nhũng, ăn cắp của công, bóc lột và bách hai người dân lành vô tội để  làm giầu cho cá nhân và tập đoàn thống trị gian ác, đang  vơ vét tiền của để gửi  ra nước ngoài  phòng thân. Đó cũng là con đường của bọn tài phiệt tư bản chuyên thao túng thị trường chứng khoán để vơ vét tài sản của bao người đầu tư và thua lỗ vì những kỹ thuật tinh vi của bọn cầm đầu kỹ nghệ xảo quyệt này.

     Vì thế, đứng trước một thế giới gian tà từ Đông sang Tây  hiện nay, người tín hữu Chúa Kitoo,-cách riêng người có sứ mạng rao giảng chân lý đức tin và tin Mừng Cứu Độ-hơn lúc nào  hết  phải có can đảm mạnh mẽ bênh vực cho sự thật, cho công bình xã hội và lành mạnh hóa con người để chống lại những suy thoái, tụt hậu của xã hội về mặt luân lý ,đạo đức.Nếu làm ngơ, – hay tệ hại hại hơn nữa – thỏa hiệp với kẻ cầm quyền để mưu cầu tư lợi cho mình và bịt tai nhắm mắt trước mọi bất công, sự dữ,  thì đã tự đánh mất niềm tin và chức năng thiêng liêng của người ngôn sứ trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội đương thời. Mặt khác, sống đức tin cách hữu hiệu và có sức thuyết phục người khác thì cũng không cần thiết  phải xây thêm hay sửa sang nhà thờ, nhà xứ cho khang trang lộng lẫy khiến phải lặn lội đi xa một năm mấy lần để kiếm tiền. Điều tối cần và quan trọng là phải có và sống tinh thần nghèo khó của Phúc Âm  để noi gương Chúa Kitô,“Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh  em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em trở nên giầu có.” (2Cor8:9)

     Người phục vụ cho Tin Mừng mà không noi gương Chúa Kitô trong cuộc sống thì không thể  làm gương đức tin cho ai và thuyết phục được ai tin và thực hành những điều mình giảng dạy cho  người khác nhân danh Chúa Kitô.

     Về phần  người tín hữu Chúa Kitô, người Công giáo chân chính cũng phải làm gì cụ thể để phân biệt mình với những kẻ không có niềm tin, chỉ biết sống với vui thú hiện tại và không thắc mắc gì về một  tương lai mai hậu, khi mà mọi sự ở đời này sẽ mau chóng trôi qua kể  cả sự sống của con người có hay không có niềm tin nào.

     Nếu người có đức tin dám  can đảm sống đức tin của mình cách dũng cảm là xa lánh mọi thói hư tật xấu của xã hội  như cờ bạc, lường đảo, dâm ô và vui chơi sa đọa, nhẩy nhót, hút xách,.. thì đã nêu cao giá trị của niêm tin trước mặt người đời. Ngược lại,  nếu người có đức tin mà cũng a dua với kẻ không có niềm tin để cùng nhau làm những việc vô luân ,vô đạo, như gian  tham ,trộm cắp, lương gạt, bất công và bóc lột người khác, vô liêm sỉ, vô lương tâm bỏ vợ già để cưới vợ trẻ, “bồ nhí”, thì chắc chắn họ đã chối bỏ đức tin của mình bằng chính đời sống cụ thể trước mặt người khác. Và như thế thì dù họ có kêu cầu ngoài môi miệng “Lạy Chúa, lạy Chúa! cả trăm ngàn lần thì cũng vô ích mà thôi! đúng như lời Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ xưa như sau:

    “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa!, Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21)

     Trong mấy ngày qua, theo dõi tình hình thế giới, chúng ta thấy những người Hồi Giáo đã rầm rộ biểu tình chông Mỹ ở các quốc gia Hồi Giáo chỉ vì một cuốn phim chế riễu Mohammad được sản suất ở Mỹ và trình chiếu trên trang mạng Facebook, Youtube. Có thể chúng ta không đồng ý về cách thức phản kháng của anh em Hồi Giáo, nhưng chúng ta phải khen họ về thái độ hăng say bênh vực cho tôn giáo của họ, tuy đó là hình thức  khá khích và bạo động không nên làm.

     Anh em Hồi Giáo hăng say bảo vệ tôn giáo của họ như vậy, còn chúng ta thì sao? Chắc chắn chúng ta không được mong đợi  phải xuống đường để đánh phá những ai nhạo bang Thiên Chúa của chúng ta, nhưng chúng ta được mong phải đợi sống đức tin cách cụ thể bằng tư tưởng và hành động, bằng việc bác ái vị tha, và nhậy cảm (sensitive) trước sự đau khổ, nghèo đói của người khác. Đồng thời, phải xa tránh mọi điều gian ác, tội lỗi, xấu sa của những kẻ  không có niềm tin hay có mà không dám sống niềm tin ấy trước mặt người đời.

     Ai không có can đảm sống niềm tin của mình trước mặt người khác, thì hãy nghe lại Lời Chúa Giêsu đã nói với đám đông xưa như sau:

     “Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì Ta và những lời Ta dạy, thì Con Người (tức Chúa Giêsu) cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần trong vinh quang của Cha Người.” (Mc 8: 38)

     Như thế có nghĩa là chúng ta phải có can đảm tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của mình giữa bao người khác để làm nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người để  hiến mạng sống mình “làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20: 28)

     Tóm lại, Năm Đức Tin là thời điểm thuận lợi để mỗi người tín hữu chúng ta dừng chân để nhìn lại cách sống đức tin của mình trong bao năm qua để canh tân lại những gì còn thiếu sót, cần đổi mới cho thích hợp. Cụ thể, nên học hỏi kỹ lời Chúa trong Kinh Thánh và các tài liệu giáo lý, tín lý, thần học của Giáo hội để bồi dưỡng thêm cho đức tin được vững mạnh thêm nữa  hầu có sức để đương đầu với những thách đố của thời đại  trống vắng niềm tin. Hơn thế nữa, đây cũng là thời gian thuận lợi để chúng ta lập lại quyết tâm sống đức tin vào Chúa Kitô cách cụ thể và sống động hơn nữa để giữa bao người không có đức tin và đang làm những sự xấu, sự gian ác, chúng ta phải sống sao cho phù hợp và  xứng đáng với lời khuyên dạy của Thánh Phaolô sau đây:

        “Như thế, anh  em sẽ trở nên trong sạch , không ai chê trách được điều  gì  và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên  Chúa giữa một thế hệ gian tà sa dọa. Giữa thế hệ đó, anh  em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” ( PL 2: 15)

Ước mong mọi người tín hữu chúng ta suy gẫm và thực hành lời dạy trên đây của Thánh Phaolô  trong Năm Đức Tin này.

Lm Phanxicô  Xaviê Ngô Tôn Huấn

 Nguồn: dunglac.org