Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng

47

Aline Laschine

Khám phá mười hai lời khuyên mà Đức Phanxicô đã đưa ra trong bài giáo lý của ngài về “Niềm say mê truyền giáo: lòng nhiệt thành tông đồ của các tín hữu” để khuyến khích mọi Kitô hữu làm chứng cho Chúa Kitô.

Kể từ tháng 1 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành những buổi tiếp kiến ​​chung của mình cho một chu kỳ dạy giáo lý về loan báo Tin Mừng. Trong suốt cuộc hành trình này, ngài đã đưa ra nhiều lời khuyên cho việc truyền giáo, đồng thời nhắc nhở rằng Giáo hội, và do đó, mỗi người đã được rửa tội, được mời gọi tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng cho thế giới.

  1. Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi loan báo Tin Mừng

Đức Thánh Cha nói: trong Dân Thiên Chúa, “không có sự phân công trách nhiệm cho những người này là rao giảng Tin Mừng bằng cách này hay cách khác, và những người kia thì im lặng […], cũng không có những người này thì hoạt động tích cực và những người kia thì không”. Bởi vì, mỗi người đã được rửa tội đều được mời gọi loan báo Tin Mừng, bất kể chức vụ hay trình độ kiến thức đức tin của họ. Để không nhốt mình trong sự tĩnh lặng, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi Kitô hữu nhận ra vẻ đẹp và sự nhưng không của món quà đã được trao cho mình và mang món quà này đến cho người khác: “Các con đã nhận được nhưng không, hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10, 8).

  1. Đừng chờ đợi biết mọi thứ

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta không được đợi cho đến khi chúng ta hoàn hảo và đã đi một chặng đường dài theo Chúa Giêsu để làm chứng cho Ngài”. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta “bắt đầu từ hôm nay”. Bản thân các tông đồ cũng không hoàn hảo và họ không chờ đợi để trở nên hoàn hảo hoặc biết hết mọi sự trước khi bắt tay vào sứ mạng này. Chúa Giêsu đã sai họ “trước khi hoàn tất việc chuẩn bị của họ”, Đức Thánh Cha giải thích và đồng thời nhắc lại rằng kinh nghiệm truyền giáo “là một phần của việc đào tạo”.

  1. Loan báo rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta

Thiên Chúa là ai?», Đức Thánh Cha hỏi trong bài giáo lý của mình, và giải thích: Người là “Đấng gần gũi, dịu dàng, thương xót”. Đây là thực tại của Thiên Chúa và nó phải được công bố cho mọi người, bởi vì “tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ mà dành cho tất cả mọi người”. Tất cả chúng ta đều là con cái yêu dấu của Chúa, bất chấp lỗi lầm và khuyết điểm, và Người luôn yêu thương chăm sóc mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha thốt lên: “Thật tuyệt vời biết bao khi được chia sẻ ánh sáng này với người khác”. “Anh chị em có coi cuộc sống của mỗi người chúng ta là một cử chỉ của tình yêu không? Đó có phải là một lời mời gọi yêu thương không? “.

  1. Loan báo rằng Thiên Chúa tha thứ

Chúa Giêsu đến để giải thoát những người bị áp bức và do đó là những người cảm thấy bị đè bẹp bởi những sai lầm và tội lỗi mà không phương thuốc nào của con người có thể chữa lành được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại: “Tin vui là với Chúa Giêsu, sự dữ cổ xưa này, tội lỗi, dường như bất khả chiến bại, không còn có tiếng nói cuối cùng nữa”. “Lời cuối cùng là bàn tay của Chúa Giêsu sẽ nâng bạn dậy khỏi tội lỗi.” Chúa Giêsu tha thứ, nâng đỡ, chữa lành và trấn an tâm hồn khi chúng ta đến với Ngài. “Chúng ta chỉ cần đến gần Chúa và Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta mọi sự.”

  1. Có cái nhìn như Chúa Kitô

Khi chúng ta loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta có cùng một cái nhìn như Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu đi đến với con người, đến với trái tim, đến với điều chính yếu. Giống như khi Người nhìn Mátthêu, người thu thuế. Người ta coi ông là kẻ cộng tác, kẻ phản bội dân tộc. Giờ đây, trong mắt Chúa Giêsu, Mátthêu là một con người với những đau khổ và sự cao cả của mình. Ngài thực sự nhìn mỗi người với lòng thương xót và ưu ái. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cái nhìn này của Chúa Giêsu – rất đẹp, nhìn người khác như người nhận được tình yêu, dù họ là ai  – là khúc dạo đầu cho niềm say mê loan báo Tin Mừng.”

  1. Thường xuyên đến với Chúa

Việc loan báo Tin Mừng bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa. Đức Thánh Cha nhắc nhớ: loan báo Tin Mừng có nghĩa là có thể chiếu tỏa Chúa Kitô, nhưng “nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Người, chúng ta sẽ bị dập tắt. Nếu chúng ta không thường xuyên đến với Người, chúng ta sẽ mang chính mình thay vì Người và điều đó sẽ hoàn toàn vô ích”. Chính Chúa Kitô đã lánh riêng ra trong đêm, để cầu nguyện với Chúa Cha. “Chúng ta có thể tự hỏi: ‘Chúng ta có noi gương Người bằng cách uống nước từ suối cầu nguyện, để tâm hồn chúng ta hòa hợp với Người không?’ Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với các môn đệ của mình: “Không có Thầy các con không thể làm gì được””.

  1. Thông truyền Tin Mừng mà chúng ta đã nhận được

Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Galata: “Nếu chính chúng tôi, hoặc nếu thiên sứ từ trời truyền cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người ấy đáng bị nguyền rủa!” (Gl 1, 8). Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “cám dỗ tiến hành “một mình” luôn hiện hữu, đặc biệt khi con đường trở nên bế tắc”. Ngài giải thích rằng chính cơn cám dỗ này “đi theo những con đường giả Giáo hội dễ dàng hơn, chấp nhận logic thế gian, trông cậy vào sức mạnh của các ý tưởng, chương trình, cơ cấu của chúng ta”. Để tránh điều này, mọi Kitô hữu đều được mời gọi cầu xin Chúa Thánh Thần để có thể công bố sự thật về Chúa Giêsu Kitô và tính xác thực của Lời Người.

  1. Không được chiêu dụ tín đồ

Loan báo Tin Mừng không giống như chiêu dụ tín đồ, hay tìm cách thuyết phục người khác. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta không loan báo một đảng phái chính trị, cũng không một hệ tư tưởng, không: chúng ta loan báo Chúa Giêsu”. Truyền giáo có nghĩa là đưa “Chúa Giêsu tiếp xúc với mọi người, không thuyết phục họ, nhưng để Chúa thuyết phục”. Như người tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđictô XVI cũng đã dạy, “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Đúng hơn, Giáo hội phát triển thông qua “sự thu hút””.

  1. Làm chứng cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc loan báo Tin Mừng trước hết phải là chứng tá cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Đó thực sự là một chứng từ không thể thiếu bởi vì thế giới cần “những người loan báo Tin Mừng nói với thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và quen thuộc với họ”. Như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói, “người đương thời sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, […] hoặc nếu họ nghe các thầy dạy, đó là vì các thầy dạy này là những chứng nhân”. Để việc loan báo Tin Mừng có kết quả và hữu hiệu, chứng tá cá nhân là điều kiện thiết yếu.

  1. Trở thành một Kitô hữu vui tươi

Chúa Giêsu tuyên bố: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi […] Ngài đã sai tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18). Vì Tin Mừng là lời loan báo về niềm vui và hạnh phúc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời để chia sẻ”. Không có niềm vui, việc loan báo Tin Mừng là vô ích. Đức Thánh Cha nói: nhưng làm chứng cho Chúa Giêsu, với niềm vui, thực hiện những hành động nhân danh Người, với niềm vui, là để chứng tỏ rằng “chúng ta đã nhận được một món quà quá đẹp đến nỗi không lời nào có thể diễn tả được”.

  1. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Nhân vật chính thực sự của việc loan báo Tin Mừng là Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói: “Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng”, “chúng ta chỉ có thể quảng cáo cho Giáo hội”. Do đó, ngài mời gọi các Kitô hữu hãy để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tin tưởng vào hành động của Người, ngay cả khi Người thúc đẩy chúng ta vượt qua những rào cản, giới hạn và biên giới của mình. Đức Thánh Cha nhắc lại: nếu Giáo hội không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ “tự quay lưng lại” và “ngọn lửa truyền giáo sẽ vụt tắt”. “Đây là lý do tại sao thánh Phaolô Tông đồ khuyên điều này: “Đừng dập tắt Thánh Thần” (1 Th 5, 19) […] chúng ta hãy cầu khẩn Người, cầu xin Người mỗi ngày thắp lên ánh sáng của Người trong chúng ta.”

  1. Bắt chước các thánh truyền giáo

Để tái khám phá niềm say mê loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu khám phá và để mình được truyền cảm hứng từ nhiều vị thánh truyền giáo. Thánh Têrêsa thành Lisieux, thánh Phanxicô Xaviê, thánh Josephine Bakhita… và rất nhiều người khác đã loan báo Tin Mừng ở đất nước của họ và khắp bốn phương trên thế giới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích, chúng ta hãy đến gần những nguồn sống động và những chứng nhân này, “những người đã làm sống lại niềm say mê Tin Mừng trong Giáo hội, để các ngài có thể giúp chúng ta nhen nhóm lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần luôn muốn đốt cháy trong chúng ta”.

Tý Linh
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (19.10.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (20.10.2023)