Mừng Chúa Giáng Sinh
Ca khúc này được viết ở âm thể Trưởng nhưng lại không vui rộn ràng, cũng không trĩu buồn, mà giai điệu lại nghe rất giống Thánh ca với những ca từ rất Công giáo ngay cái tựa đề: “Mừng Chúa Ra Đời”.
NS Tô Thanh Tùng dẫn thính giả đi từ Thành Thánh: “Thành phố Giêrusalem trong một đêm lạnh giá giăng đầy, nghìn ánh sao trời bỗng một vì sao rơi ngời sáng. Mẹ Maria nơi hang đá Belem, vinh danh Chúa sinh ra đời, Thiên thần chắp cánh vây quanh”.
Ông có tầm nhìn của các Đạo Sĩ: “Nghìn ánh sao trời bỗng một vì sao rơi ngời sáng”. Mùa sao sáng nên có rất nhiều sao lấp lánh trên nền trời tối đen, nhưng đặc biệt có một ngôi sao sáng nhất, đó là “ngôi sao lạ” dẫn đường các Đạo Sĩ đến hang Belem để thờ lạy Vương Nhi Giêsu. Thấy trong hang đá có Mẹ Maria và các thiên thần, và ông thầm nguyện: “Vinh danh Chúa sinh ra đời”.
Dòng nhạc cứ chảy, ca từ giản dị mà sâu lắng. Ông có niềm vui như một nốt nhạc trầm: “Mùa Giáng sinh năm nay tôi lại vui mừng Chúa ra đời, mừng Chúa ra đời có muôn màu hoa đăng ngập lối”. Lòng người vui hòa chung với hoa đăng muôn màu giăng khắp các ngả đường, nhưng niềm vui trong lòng người khác lạ vì đó là niềm vui của niềm tin Kitô giáo, niềm tín thác vào một Thiên Chúa toàn năng và bất biến: “Một niềm tin Chúa ở ngôi cao, Chúa luôn ban phép cho người muôn đời mãi mãi thương nhau”. Là Thiên Chúa và mệnh danh Tình Yêu, Ngài cũng làm cho mọi người mãi mãi thương nhau. Dù là người bình thường, không có niềm tin tôn giáo thì cũng vẫn luôn muốn yêu và muốn được yêu.
Ca khúc này được ông viết trong thời chiến, vì thế ông đặt mình vào vị trí một người lính đang trấn giữ biên cương để bảo vệ tổ quốc và giữ hòa bình cho người dân, ông cầu nguyện: “Chúa ơi, Chúa ơi, mùa đông nghe giá lạnh về, con đang trấn miền biên giới xa xôi. Đêm nay, đêm nay, Chúa sinh ra đời, con nhìn từng hỏa châu rơi, từng vì sao rơi, con nguyện cầu hai tiếng “Chúa ơi!”.
Trong chiến tranh, người lính đang làm nhiệm vụ luôn mang nhiều tâm sự, nhất là trong đêm Chúa giáng sinh, nhìn những ánh sao mà tưởng những ánh hỏa châu, nhìn những ánh hỏa châu mà tưởng những ánh sao. Sự lẫn lộn đó nói lên niềm khao khát hòa bình của con người. Nhưng con người bất lực, chỉ còn biết hướng tâm lên, tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa, và thân thưa: “Chúa ơi!”. Lời cầu nguyện giản dị và ngắn gọn, nhưng chứa đầy nỗi niềm. Thiên Chúa chỉ chờ con người tâm phục khẩu phục như vậy để Ngài ban ơn bình an.
Cuối cùng, ông cầu nguyện cho quê hương Việt Nam: “Lạy Chúa ban ơn cho Việt Nam bền vững muôn đời, hạnh phúc lâu dài, xây đắp một quê hương đổi mới”. Đổi mới là canh tân, điều này luôn cần thiết trong cuộc sống đời thường, nhất là trong đời sống tâm linh. Có tích cực đổi mới thì mọi sự mới khả dĩ hanh thông và tốt đẹp: “Và từ đây trên khắp nơi nơi vang tiếng ca non nước thanh bình, quên những ngày chinh chiến điêu linh”.
Hòa bình luôn cần thiết, hòa bình trong tâm hồn, trong gia đình, trong xã hội, trong đất nước, trong thế giới. Muốn có hòa bình đích thực thì công lý phải được tôn trọng triệt để. Vẫn còn cảnh áp bức, bóc lột, gian lận, tham nhũng, hối lộ, kỳ thị,… thì chưa có hòa bình đích thực.
Đất nước hòa bình, xã hội hòa bình, gia đình hòa bình,… nhưng lòng người chưa hòa bình thì cũng chưa có hòa bình đích thực. Mỗi cá thể phải hòa bình với tập thể, với cộng đồng, và mỗi con người phải hòa bình với Thiên Chúa, đó mới là hòa bình đích thực.
Lạy Chúa Hài Đồng, chúng con hân hoan và rộn ràng mừng Chúa ra đời, xin giúp chúng con biết trang trí hang-đá-tâm-hồn bằng những dây kim-tuyến-nhân-đức và ánh-sáng-đức-tin để Ngài giáng sinh và ở lại mãi mãi, đồng thời xin giúp chúng con biết sống trong tình liên đới hòa bình đích thực ngay tại thế gian này, hôm nay và suốt đời. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp giáng sinh và cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Giáng Sinh 2012
_______________________________
Năm 1971, ông quen một cô gái ở Sa Đéc, ông đưa cô này lên Saigon để hát thử bài “Giã Từ”. NS Quốc Dũng đã phối âm, nhưng khi đem trình cho nhạc sĩ Lê Dinh (lúc đó là trưởng phòng văn nghệ Đài phát thanh Saigon), NS Lê Dinh không đồng ý cho phát trên đài. Tuy nhiên, sau khi nghe băng cassette, NS Lê Dinh lại đồng ý cho phát vào “giờ vàng” Chủ nhật. Bài hát lập tức gây chú ý cho khán giả Saigon lúc bấy giờ. Nhà xuất bản Minh Phát lập tức ký độc quyền phát hành bài “Giã Từ”. Sau đó, Tô Thanh Tùng viết tiếp một loạt bài như: Xót Xa, Mừng Chúa Ra Đời, Sao Anh Nỡ Đành Quên, Nhớ Người Tình Phụ,… Bài “Sao Anh Nỡ Đành Quên” nói về một mối tình khác của ông.
Sau năm 1975, ông được giữ chức Trưởng ban văn nghệ thị trấn Hồng Ngự 3 năm. Sau đó khó khăn ông phải bán đủ thứ, từ xà bông, dầu gió, nước mắm,… cho đến phụ tùng xe đạp, để sống qua ngày. Năm 1979, ông cho phát hành album cassette “Tình Ca Hương Lúa” với một số bài như: Người hàng xóm, Hồng Ngự mang tên em,… do Nhật Trường và Bảo Yến hát. Có thể nói Tô Thanh Tùng là nhạc sĩ nhạc vàng đầu tiên trong nước sau năm 1975 đã phát hành album nhạc ngợi ca quê hương. Album bị nhiều người cho là “nhạc vàng đội mồ sống dậy” nhưng vẫn được Sở VH-TT Đồng Tháp đồng ý cho phát hành. Hiện nay, ông vẫn chưa lập gia đình và sống ở Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Một số ca khúc khác của ông cũng được biết đến nhiều: Người Hàng Xóm (phổ thơ Nguyễn Bính), Mẹ Của Tôi, Giăng Câu, Về Miền Tây, Xót Xa,…