MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG
Nói đến truyền thông, người ta có thói quen chỉ giản lược vào khía cạnh thông tin, nghĩa là làm sao cũng được, miễn là tin tức được truyền tới đối tượng nhắm đến. Một bức hình, một logo, một biểu ngữ, một châm ngôn, một sứ điệp truyền thanh, một tường thuật truyền hình, một tin nhắn hay một vidéo clip… Tất cả đều liên quan đến truyền thông. Thực ra, trong truyền thông, thông tin không phải là tất cả mà chỉ là một khía cạnh tiêu biểu, giúp hình dung ra cả một chuỗi những công đoạn đan xen giữa “thinh lặng và lời nói”, luôn có sự phối hợp hài hòa giữa khối óc và con tim, cũng như cần đến sự tương tác làm phong phú cho nhau giữa hai đầu “truyền đi” và “nhận về”. Truyền thông chính là gặp gỡ, và đây có lẽ là điều cần nhấn mạnh trong mục vụ truyền thông. Một cách dễ hiểu, khi nhắc đến mục vụ truyền thông, cũng nên ghi nhận vài động từ liên hệ được khởi đầu bằng chữ “truyền”:
1. Truyền đạt
Lần giở mục từ “truyền thông” trong các bộ tự điển phổ thông, người ta được biết một cách tổng quát đó là hành trình của một sứ điệp có điểm phát và điểm nhận, giống như nhịp cầu có một đầu nơi bờ bên này và đầu khác ở bờ bên kia. Cầu chỉ thông khi để cho kẻ qua người lại, tương tự như thế, sứ điệp chỉ gọi là truyền thông khi người ta nhận được nội dung đã phát đi. Vấn đề đặt ra ở đây trước hết thuộc lĩnh vực đạo đức truyền thông, cần phải truyền đi chân lý và làm sao để chân lý đạt đến đối tượng đang chờ đón. Tất cả tuỳ thuộc vào con người, vừa là chủ thể vừa là đối tượng của truyền thông.
Nếu chân lý được phóng đại tô màu hoặc bị sàng lọc gọt giũa khi truyền đi thì rõ ràng tính khách quan đã bị thương tổn, có nguy cơ bóp méo sự thật hoặc làm biến dạng chân lý. Một nửa chiếc bánh mì vẫn còn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đã đồng nghĩa với sự lừa dối. Đó là ở phía “truyền đi”. Còn ở đầu “nhận về”, chân lý dù tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố hoặc chủ quan của người nhận hay tương quan của môi trường, nhưng tựu trung vẫn tuỳ thuộc khuôn định của phía “truyền đi”. Qua hành trình truyền đi như thế mà chân lý vẫn đến được người nhận một cách tròn đầy, thì phải nói: đó là sự truyền đạt thành công hay truyền thông đồng nghĩa với truyền đạt.
Hiệu quả trái chiều của truyền thông cũng lẩn khuất ngay giữa những công đoạn truyền thông, như bóng tối ở ngay dưới chân đèn, nên xin hết sức tỉnh táo để việc truyền đi được trọn vẹn thì việc nhận về mới mong được vẹn tròn. Về khía cạnh khách quan của chân lý truyền đạt, xin lấy trường hợp “tin đồn” như một kinh nghiệm: từ “đồn” khó đứng một mình, mà thường đi kèm với một từ nữa cho thấy sự chủ quan tệ hại: “đồn đoán”, đồn vì đoán thế thôi; “đồn đại”, đồn không cần biết đến trách nhiệm; “đồn thổi”, khi đồn còn thổi phồng sự kiện thêm lên.
2. Truyền tải
Nếu động từ truyền đạt gợi lên trách nhiệm của người làm việc truyền thông đối với chân lý, thì động từ truyền tải lại hướng tới những yếu tố kỹ thuật nhiều hơn. Trước Công đồng Vatican II, truyền thanh chiếm ưu thế; sau Công đồng truyền hình từ từ lên ngôi, và hôm nay nhiều phương tiện truyền thông mới mẻ kỹ thuật số đã ra đời, từ hình dạng nhỏ xíu đến mô hình vĩ đại hoành tráng khiến ở đầu “nhận về” người ta cảm thấy choáng váng. Kỷ nguyên số đã khởi đầu và thời kỳ bùng nổ thông tin đã phát huy tầm ảnh hưởng. Vấn đề đặt ra tiếp theo là phải sử dụng phương tiện nào và phải sử dụng ra sao để áp dụng vào lĩnh vực mục vụ truyền thông.
Thực ra, Giáo Hội rất nhạy cảm với việc vận dụng các phương tiện kỹ thuật để thực thi sứ mạng của mình. Từ thời Đức Giáo hoàng Piô XII, thế giới Công giáo đã biết đến những thông điệp truyền thanh, sang thời của các Giáo hoàng cận đại, người ta lại được xem chương trình truyền hình trực tiếp về những biến cố hay những cử hành trong đời sống Giáo Hội năm châu. Và cũng không lâu, nhất là vào dịp đại hội giới trẻ thế giới, Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng có cả địa chỉ email cá nhân hay Twitter để gặp gỡ giao lưu với những con người thế hệ số hóa và cũng để truyền tải đến họ những giáo huấn khích lệ hợp thời.
Ngày xưa người ta phải vất vả để tra cứu hoặc xác minh một điều gì thuộc Giáo hội Công giáo toàn cầu hay địa phương, ngày nay xem ra nhẹ nhàng hơn nhiều, với những phương tiện lớn nhỏ trong tầm tay, như người ta nói, “chỉ cần nhắp chuột” là mọi sự được phơi bày ra trước mắt. Vấn đề xem ra đã dịch chuyển, không phải lo lắng kiếm tìm nữa mà là biết định hướng những chọn lựa của mình sao cho phù hợp. Trong hướng truyền tải này, lĩnh vực của mục vụ truyền thông thật mênh mông rộng lớn, vừa đáp ứng đòi hỏi của phương tiện kỹ thuật mỗi ngày mỗi nâng cao, vừa thoả mãn nguyện vọng của tín hữu cũng mỗi ngày mỗi đa dạng.
3. Truyền rao
Không phải vô tình mà ngày truyền thông thế giới lại rơi vào ngày Lễ Thăng Thiên, nhưng do một sự chọn lựa có chủ ý. Khi Chúa Giêsu lên trời, Người để lại cho các môn đệ lệnh truyền “hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), để khởi đi từ đó, các Tông đồ lên đường truyền giáo, cộng đoàn Giáo Hội được thiết lập và những bước chân không mệt mỏi của người loan báo Tin Mừng đã làm nên lịch sử Giáo Hội. Có truyền giáo là có truyền thông, và bởi vì có truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng nên mới có những người lắng nghe, đón nhận đức tin và được sống trong ơn cứu rỗi.
Sứ điệp Phục Sinh vắn tắt chỉ là một lời vừa loan báo vừa làm chứng “Chúa đã sống lại thật” đã trở thành khuôn mẫu cho mục vụ truyền thông, một mặt cho thấy khi làm việc truyền thông cũng canh cánh bên lòng sứ mạng phải truyền rao chân lý Chúa Kitô, và mặt khác kêu gọi duy trì một sự quân bình giữa tin tức và Tin Mừng để đời được dẫn đến với đạo và cũng để đạo luôn có cơ hội để lan toả vào đời. Truyền giáo là nghĩa vụ “thông truyền điều đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1,3) để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa truyền thông xã hội và truyền thông Công giáo. Trong khi truyền thông xã hội khai thác thông tin theo quy luật cung cầu của thị trường, thì truyền thông Công giáo lại xác định hướng đi của mình là mùa màng trong đời sống đức tin.
Kỷ niệm Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 46, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố sứ điệp mang tựa đề “Thinh lặng và Lời nói”, trong đó nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội qua công tác truyền thông: “Học truyền thông là học lắng nghe và chiêm ngắm hơn là học nói; điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào sứ vụ truyền giáo: thinh lặng và lời nói là những yếu tố thiết yếu, gắn liền với công việc truyền thông của Hội Thánh để đổi mới việc loan báo Đức Kitô trong thế giới ngày nay”. Ước mong mỗi người khi tham gia mục vụ truyền thông cũng quan tâm hơn nữa đến kênh truyền rao Tin Mừng vốn thuộc bản chất của Giáo Hội và là ưu tư cấp bách trong mục vụ của mỗi địa phương.
+ Gm. Giuse Vũ Duy Thống