Mục Tử Nhân Lành và Đoàn Chiên – Chúa nhật III Phục sinh. Năm B

64

Mục Tử Nhân Lành và Đoàn Chiên

(Ga 10,11-18)

Hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất quen thuộc với người Do Thái và những độc giả của Kinh Thánh. Mục tử ngày đêm rong ruổi cùng đoàn chiên trên những thung lũng và đồi núi để tìm đồng cỏ, tối đến cùng trú trong những hang động, hay những ràn chiên ở ngoài trời. Mối nguy hiểm thường xuyên đe dọa đàn chiên là thú dữ, kẻ trộm, và có thể ngay cả từ những mục tử chăn dắt chúng. Chúa Nhật hôm nay phác họa cho chúng ta chân dung của người Mục Tử Nhân Lành, chân dung này có ý nghĩa gì trong thời đại chúng ta?

Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành. Người Mục Tử đến cho chiên được sống và sống dồi dào (c.10,10). Mầu nhiệm Vượt Qua minh chứng cho giáo huấn về người Mục Tử Nhân Lành. Thánh Gioan gợi lại khung cảnh của một bữa ăn bằng lời diễn giải: Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (13,1). Nghi thức Rửa Chân của ngày Thứ Năm Tuần Thánh phác họa chân dung Mục Tử, Đấng đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống vì đoàn chiên (Ga 10,11; x. Mt 20,28). Hơn thế nữa, việc rửa chân còn cho thấy Đức Giêsu muốn cho các môn đệ được dự phần với Ngài (Ga 13,8), để Ngài ở đâu thì họ cũng ở đó (Ga 17,24). Mục Tử ở đâu thì chiên ở đó. Vinh quang của Mục Tử cũng chính là phần phúc của đoàn chiên. Cái chết của Mục Tử là vì sự sống của đoàn chiên.

Người Mục Tử Nhân Lành còn là người biết chiên của mình, không chỉ biết con số, biết cách chung chung nhưng là biết từng con một, biết tên và gọi tên từng con một (c.3-5). Biết tên cũng chính là biết tính cách, sự riêng biệt, nét độc đáo, và cả những giới hạn của từng con chiên. Mối tương quan này mang tính cá vị và mật thiết đến nỗi được Chúa Giêsu ví như tương quan của Ngài với Chúa Cha “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha” (c.14.15). Tương quan giữa Mục Tử Nhân Lành và chiên là tương quan hai chiều. Mục Tử biết chiên và chiên biết, nghe tiếng và theo Mục Tử của mình.

Chân dung người Mục Tử Nhân Lành đã soi sáng vấn đề phân định của chúng ta trong thời đại này, một thời đại của siêu công nghệ thông tin, chỉ cần ngồi trong phòng riêng, bằng những cú nhấp chuột, chúng ta có thể tiếp cận với hầu hết mọi luồng thông tin và kiến thức trên toàn thế giới. Vấn đề là lấy tiêu chuẩn nào để phân định nguồn thông tin nào đáng tin cậy, đâu thực sự là tiếng nói của người Mục Tử Nhân Lành và đâu là những tiếng giả giọng của sói dữ? Hơn bao giờ hết, người ta thấy sự lẫn lộn rất khó biện phân giữa giả và thật: hàng giả, người giả, ngay cả linh mục, tu sĩ cũng bị giả. Làm sao để phân biệt? Ngày lễ Chúa Chiên Lành hôm nay cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân định. Người Mục Tử Nhân Lành sẽ luôn là người sống hết mình vì và cho đoàn chiên đến sẵn sàng hy sinh bản thân và cả mạng sống để đem lại cho đàn chiên sự sống dồi dào.

Chân dung Người Mục Tử Nhân Lành cũng cho chúng ta thấy thế nào là chiên thuộc về đàn của Ngài. Chiên phải gắn bó với mục tử để biết mục tử, nghe được tiếng và bước đi theo sự hướng dẫn của mục tử. Chúng ta không thể thuộc về Đàn Chiên của Chúa nếu không gắn bó với Giáo Hội, với vị Chủ Chăn của mình. Chúng ta không thể lãnh nhận sức sống dồi dào từ Thiên Chúa nếu không đến với Vị Chủ Chăn để nhận nơi Ngài nguồn sức sống thần linh cho linh hồn qua Thánh Lễ, các Bí Tích, sự giảng giải về Lời Chúa và chăm sóc mục vụ.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, con cầu xin cho các Mục Tử trong Giáo Hội trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày. Xin cho các ngài mang lấy tâm thức của Chúa để luôn chăm sóc và yêu thương đoàn chiên Chúa trao phó.

Xin cho chúng con trung thành gắn bó với các Mục Tử trong Hội Thánh, để qua các ngài chúng con được chăm sóc, hướng dẫn và dưỡng nuôi linh hồn bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Amen.

Sr. Anna Nguyên Hiệp

HD. MTG Thủ Đức