Ronald Rolheiser, 2012-04-08
Chiều hôm đó tôi đi dạo nhưng không khí mùa xuân, nắng ấm và lễ Phục sinh chẳng làm tôi vui, nếu có chăng thì chúng chỉ làm tôi cảm thấy cô độc thêm mà thôi. Nhưng có nhiều cách khác nhau để tỉnh dậy. Như Leonard Cohen nói, cái gì cũng có một kẽ nứt và ánh sáng sẽ lọt vào. Tôi chỉ cần một chút tỉnh thức nhỏ thôi và tôi đã có. Hôm đó tôi thấy một người ăn mày đang ngồi ở lối vào công viên với một tấm biển để trước mặt: Bây giờ là mùa xuân mà tôi lại bị mù! Tôi như thấy điều oái ăm đó nơi tôi: Tôi cũng mù như ông ấy! Với những gì tôi đang thấy thì cũng y như ngày Thứ sáu tuần thánh, mưa và lạnh lẽo. Còn ánh nắng, mùa xuân và lễ Phục sinh thì tôi đã phí hoài.
Đó là giây phút ân sủng, và từ đó, rất nhiều lần tôi nhớ lại giây phút này, nhưng lúc đó thì tâm trạng tôi không hề thay đổi. Tôi tiếp tục đi bộ, vẫn bứt rứt và rồi tôi về nhà ăn tối. Trong suốt năm học đó, tôi là tuyên úy cho nhà dòng, dòng có một ký túc xá thanh niên bên cạnh và luật của nơi này là tuyên úy phải ăn một mình, trong phòng ăn riêng của mình. Vì thế, dù chuyện ăn riêng một mình chắc bác sĩ sẽ không kê đơn cho một thanh niên đang bứt rứt, đang nhớ nhà, vậy mà tôi vẫn phải ăn một mình vào tối chủ nhật Phục sinh đó.
Nhưng sự sống dậy đã đến với tôi vào ngày Chủ nhật Phục sinh năm đó, dù hơi muộn: Trước đó, hai sinh viên cao học khác và tôi đã lên kế hoạch sẽ gặp nhau trên bãi biển khi đêm xuống, đốt một đống lửa lớn, và sẽ mừng lễ Vọng theo kiểu riêng của chúng tôi. Thế là, ngay trước khi trời xẩm tối, tôi đi xe buýt đến bãi biển và gặp hai bạn của tôi (một nữ tu và một linh mục). Chúng tôi châm một đống lửa lớn (hồi đó vẫn được phép làm như vậy), ngồi quanh đống lửa trong vài giờ, và cuối cùng thú nhận với nhau rằng mỗi đứa đều có một ngày lễ Phục sinh buồn. Ngọn lửa đó đã làm cho chúng tôi điều mà lời chúc lành của ngọn lửa đêm vọng Phục sinh đã không làm được. Nó làm sống dậy trong chúng tôi cảm thức về năng lượng và một sự tươi mới vốn ở trong chính trái tim cuộc sống. Khi chúng tôi nhìn ngọn lửa và trò chuyện linh tinh trên trời dưới đất, tâm trạng tôi bắt đầu chuyển biến, tôi bớt bứt rứt, và tâm trạng nặng nề như được cất dỡ. Tôi bắt đầu cảm thấy mùa xuân và lễ Phục sinh.
Trong Phúc âm của thánh Gioan về việc Chúa sống lại, ông kể chuyện vào buổi sáng đầu tiên của Phục sinh, Người Môn Đồ Đức Giêsu Thương Mến chạy đến mộ Người và ghé mắt nhìn vào. Ông thấy hầm mộ trống và tất cả những gì còn lại là băng vải liệm đã được xếp gọn. Và, bởi vì ông là người môn đồ nhìn với đôi mắt của tình thương yêu, nên ông hiểu ý nghĩa của tất cả những điều đó, ông hiểu được sự phục sinh và biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Ông thấy được mùa xuân. Ông hiểu được bằng đôi mắt của mình.
Hugo của Thánh Vícto từng nói một câu nổi tiếng: Tình yêu là mắt nhìn. Khi chúng ta nhìn với tình yêu thì chúng ta không chỉ thấy thẳng và rõ, chúng ta còn nhìn thấy được chiều sâu và ý nghĩa. Điều ngược lại cũng đúng. Chẳng phải tự nhiên mà sau khi Chúa Giêsu sống lại, một số người có thể thấy, một số khác không thể thấy. Tình yêu là mắt nhìn. Những ai kiếm tìm cuộc sống qua đôi mắt của tình thương, như Mary Magdala kiếm tìm Giê-su trong Vườn vào sáng Chủ nhật Phục sinh, thì thấy được mùa xuân và sự sống lại. Nếu nhìn bằng bất kỳ loại mắt nào khác thì chúng ta mù ngay giữa mùa xuân.
Khi tôi đi dạo vào buổi chiều mùa xuân Phục sinh đó ở San Francisco cách đây bao nhiêu năm, tôi không phải là Mary Magdala đang đi tìm Chúa trong khu vườn, cũng không phải là Người Môn Đồ Yêu Dấu với ngọn lửa thương yêu nung nấu đang chạy đi để nhìn qua khe vào hầm mộ của Chúa Giêsu. Trong nỗi bất an thời thanh niên, lúc đó tôi đang đi kiếm tìm chính tôi, và tôi chỉ gặp được cái tôi đang lo lắng của mình. Đó cũng là một loại mù.
Không có đôi mắt của tình thương yêu thì chúng ta mù, không thấy mùa xuân lẫn sự sống lại. Tôi đã học được bài học thần học đó, không phải trong nhà thờ hay trong lớp học mà vào một ngày chủ nhật Phục sinh cô đơn ở San Francisco khi tôi tình cờ gặp người ăn xin mù rồi đi về nhà và ăn bữa ăn tối Phục sinh một mình.
J.B. Thái Hòa dịch