Mùa Xuân ở đâu ?

48

Mùa Xuân ở đâu ?

x3Chẳng ai biết mùa Xuân ở đâu, vì mùa Xuân vô hình. Mùa Xuân có thể ở gần, ở xa, ở trên cao, ở dưới thấp, ở xung quanh,… Tùy cảm nhận của mỗi người. Mùa Xuân có thể là ánh nắng, là đóa hoa, là miếng mứt, là miếng bánh, là ly rượu, là chiếc áo mới,… Mùa Xuân lạ thật!

Với cảm nhận của NS Trầm Tử Thiêng (*), mùa Xuân của ông có vị trí riêng, ông trả lời bằng cách viết ca khúc “Mùa Xuân Trên Cao”. Mùa Xuân trên cao vì mùa Xuân cao thượng, hy vọng và yêu thương. Ca khúc này được viết ở nhịp 4/4, âm thể La Thứ. Ca khúc mùa Xuân mà ông lại dùng âm thể Thứ, nhưng tạo cảm giác da diết và lắng đọng, chứ không trĩu nặng. Giai điệu cũng trầm chứ không “bay bổng” như các ca khúc khác viết về mùa Xuân.

Từ hồi còn tuổi thiếu niên, không hiểu sao tôi đã cảm thấy thích âm nhạc của NS Trầm Tử Thiêng. Theo tôi, ông viết giai điệu lạ, cấu trúc lạ, quãng nhạc không cầu kỳ, ca từ lạ, cách diễn tả cũng lạ… Nói chung là cách nghĩ của ông “khác người” nên có nhiều cái lạ – lạ mà hay, chứ không “kỳ dị”. Những cái “lạ” đó được ông lồng trong một cấu trúc phổ biến: A – A’ – B – A”. Và cho tới nay, tôi vẫn thích những cái “lạ” của ông.

Mở đầu, ông nói những điều rất bình thường, như chuyện dĩ nhiên, thế mà vẫn có cái “lạ” độc đáo của riêng ông: “Trời bây giờ trời đã sang Xuân, anh và mai ngủ bên bìa rừng, chờ giấc ba mươi mộng ảo, mùa Xuân vẫn đẹp vô cùng, nếu Xuân này môi em còn hồng”. Từ mùa Xuân thiên nhiên, ông chuyển sang Xuân trên môi cô gái. Tuy nhiên, “cô gái” ở đây không hẳn là một cô gái đương xuân thì (theo nghĩa đen), mà có thể là bất kỳ ai (nam, phụ, lão, ấu), cứ môi ai biết cười là còn “hồng”, nghĩa là còn có mùa Xuân.

Thời chiến, những người yêu nhau rất khó gặp nhau, vì chàng nơi tiền tuyến, còn nàng nơi hậu phương. Không xa lắm mà như ngàn trùng cách trở: “Tình yêu nào chợt về đêm Xuân, ta cần nhau gặp nhau vài lần, nhìn én bay qua đầu núi thì Xuân đã ngập trong lòng”, Thấy én đưa tin Xuân mà chộn rộn trong lòng, và nỗi thương nhớ cũng ngập đầy con tim. Cô nàng thổ lộ: “Thương anh vào những ngày lập Đông”. Người lính ngoài biên cương hoặc chiến tuyến, hẳn là lạnh lắm trong những ngày Đông giá. Thương lắm!

Em gái hậu phương tự nhủ: “Quê hương trong thời đau thương, mùa Xuân chia ly là thường, bao nhiêu khổ nhục tủi hờn”. Cô gái như muốn gào thét to lên cho thấu trời xanh, và cô kêu gọi mọi người: “Hát lên nhân loại, trả buồn cho Đông”. Cứ trả hết nỗi buồn cho mùa Đông để có thể tận hưởng trọn niềm vui khi mùa Xuân đến.

Khi được gặp người yêu, anh chàng tâm sự: “Trời bây giờ trời đã sang Xuân, ta nhìn em tình yêu thành gần”. Được gặp người yêu là hạnh phúc, được nhìn thấy người yêu là thỏa lòng, trong thời chiến mà được tâm sự với người yêu giữa mùa Xuân thì thật là may mắn. Nhưng lòng vẫn chưa yên, thế nên mới có những ước vọng cho tương lai: “Mộng ước xanh như màu cỏ, dù bao lửa Hạ, Đông buồn, mong Xuân này em vẫn còn Xuân”. Chàng cũng thương nàng lắm nên cầu chúc cô người yêu vẫn mãi được hưởng mùa Xuân vui tươi.

Mùa Xuân là mùa mà ai cũng mong ước, người giàu mong Xuân nhiều hơn người nghèo. Người càng nghèo khổ càng “sợ” Xuân về, Tết đến. Tại sao? Người ta có của ăn, của để, “vi vút” vui Xuân, người nghèo tủi thân lắm. Tục ngữ nói: Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giàu có Ba mươi Tết mới hay”, hoặc: “Có, không: mùa Đông mới biết; giàu, nghèo: Ba mươi Tết mới hay”. Quả thật, Xuân “vô tình” làm người nghèo khổ thêm, như ca dao “than thở” thế này.

Bây giờ tư Tết đến nơi

Tiền thì không có sao nguôi tấm lòng

Thật đáng thương những con người nghèo khổ! Ước vọng “mãi còn mùa Xuân” dành cho tất cả mọi người, dù trong hoàn cảnh nào, không chỉ riêng ở Việt Nam hoặc ở các quốc gia Đông Nam Á, mà còn dành cho mọi người trên thế giới, ở bất kỳ quốc gia nào.

Với người Công giáo có một Mùa Xuân tuyệt vời và đáng mơ ước hơn là Mùa Xuân Cứu Độ, và Mùa Xuân Vĩnh Hằng này chỉ có ở tại Thiên Quốc. Nhưng ai có thể hưởng Mùa Xuân này?

Tất nhiên là phải sám hối, ai cũng vậy, ngay cả người công chính, vì người công chính mỗi ngày phạm tội 7 lần” (Cn 24:16), và tuyệt đối tin vào Thiên Chúa. Nên công chính là nhờ đức tin (Rm 1:17; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:1; Rm 10:6). Đồng thời còn phải yêu thương mọi người, nhất là người nghèo khổ, những người nhỏ mọn, những người bị khinh miệt, những người bị xã hội ruồng bỏ,…

Hai tiếng “yêu thương” quá ngắn gọn và đơn giản, nhưng vô cùng phức tạp và không dễ thực hiện vuông tròn cho đúng Tôn Ý Chúa – cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Yêu thương được nhắc nhở rất nhiều, hầu như hằng ngày. Mà Luật Chúa cũng chỉ tóm gọn bấy nhiêu thôi. Có thể chúng ta chẳng muốn nghe biết vài câu nhắc nhở như thế này:

– Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi (Mt 5:42)

– Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10:8)

– Hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô. Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình (Gl 6:2-3).

– Không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa (Ep 5:5).

Và còn nhiều câu Kinh thánh khác “chạm” đến tận chỗ yếu nhất của chúng ta…

Ai cũng phải “siêng năng cầu nguyện, tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn” (Cl 4:2), cầu nguyện liên lỉ. Nhờ đó, chúng ta có thể xác định: Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39).

Tóm lại, ai cũng phải tâm niệm mà định hướng cuộc đời: Sống tuyệt vời cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô – Vivere Summe Deo in Christo Jesu.

Và như vậy, mùa Xuân không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng mỗi người vậy!

TRẦM THIÊN THU

Trong không khí nô nức đón Xuân Quý Tỵ – 2013

________________________

o(*) NS Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 1-10-1937 tại Đại Lộc (Quảng Nam). Ông bắt đầu ca hát từ năm lên 10 ở các thôn quê miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1949). Sau đó ông vào Saigon tiếp tục học và tham gia hoạt động âm nhạc ở các học đường và các đoàn thể trẻ.

Năm 1958, ông tốt nghiệp trường Sư Phạm và bắt đầu dạy học. Cũng năm đó đó ông bắt đầu viết nhạc, trong đó có bản “Bài Hương Ca Vô Tận” được sáng tác trong thời kỳ đầu nổi tiếng qua giọng hát Thái Thanh.

Năm 1966, ông nhập ngũ, ở Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thời gian đó, ông viết các bản nhạc về lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như: Quân Trường Vang Tiếng Gọi, Đêm Di Hành, Mưa Trên Poncho,… Tết Mậu Thân (1968), ông sáng tác bài “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy” nói về cầu Trường Tiền trên sông Hương bị giật sập. Năm 1970, ông viết ca khúc “Tôn Nữ Còn Buồn” nói về trận bão tàn phá miền Nam. Từ năm 1970, ông làm việc trong ngành Phát thanh Học đường cho đến 30-4-1975. Ông cũng là thành viên Phong trào Du ca Việt Nam.

Các sáng tác của Trầm Tử Thiêng khá đa dạng, từ âm hưởng dân ca đến tình ca. Một số ca khúc nổi tiếng từ trước 1975 như: Kinh Khổ, Chợt Nghĩ Về Hai Nơi, Mười Năm Yêu Em, Tình Ca Mùa Đông, Mây Hạ,…

Sau 1975, sau nhiều lần vượt biên không thành, ông có bị tù một thời gian. Ông đến Hoa Kỳ năm 1985, định cư tại Little Saigon, California. Ông là cố vấn ban chấp hành Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại 2 nhiệm kỳ (1996-2000). Cuối năm 1999, ông cùng các bạn văn nghệ sĩ sáng tác lập Thư Viện Việt Nam tại Little Saigon.

Tại Hoa Kỳ, ông hợp tác làm việc với Mây Productions, Hollywood Night và Asia. Ông đã cùng NS Trúc Hồ sáng tác nhiều ca khúc cho thể loại nhạc đồng ca như: Bước Chân Việt Nam, Việt Nam Niềm Nhớ, Một Ngày Việt Nam, Tình Đầu Thời Áo Trắng, Cám Ơn Anh,… và những tình khúc như Cơn Mưa Hạ, Đêm, Đã Qua Thời Mong Chờ,… Ca khúc Đêm Nhớ Về Saigon được ông viết năm 1987 cũng được nhiều người biết đến.

Tháng 8-1996, ông viết ca khúc “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” nhân sự kiện một làng Việt Nam được xây dựng ở Philippines dành cho người Việt lưu vong. Bài hát đó đã nổi tiếng với tiếng hát ca sĩ Khánh Ly.

Ông mất tại bệnh viện Anaheim West Medical Center ngày 25-1-2000. Trong chương trình Paris By Night tưởng niệm ông do trung tâm Thúy Nga tổ chức, Khánh Ly đã hát lại ca khúc “Mây Hạ” cùng tiếng hát của ông được ghi âm trước đó.

Một số ca khúc khác của NS Trầm Tử Thiêng: Ai Biểu Anh Làm Thinh, Bài Tình Ca Mùa Đông, Bảy Ngàn Đêm Góp Lại, Biệt Khúc, Cách Biệt, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Con Quốc Việt Nam, Đêm Nhớ Về Saigon, Đêm Trên Quê Hương, Đò Dọc, Đời Không Như Là Mơ, Đưa Em Vào Hạ, Hành Khúc Cho Quê Hương, Hạt Mưa Trên Poncho, Hòa Bình Ơi! Việt Nam Ơi!, Kinh Khổ, Lời Tiền Thân Của Cát, Mùa Xuân Không Đợi, Mười Năm Yêu Em, Nếu Xuân Này Hòa Bình, Người Hùng Cô Đơ, Người Tình Mùa Hạ, Người Vợ Nghèo, Ta Hát Tình Thương Về Biển Đông, Tám Nẻo Đường Thành, Thầm Thì, Tình Đầu Tình Cuối, Tống Biệt Hành, Trên Đỉnh Yêu Đương, Trộm Nhìn Nhau, Từ Tiếng Hát Tiếp Nối, Tưởng Niệm, Vùng Trước Mặt,…