Với tất cả tâm tình, trong tư cách của người kế vị Thánh Phêrô có nhiệm vụ củng cố đức tin cho anh em mình (x.Lc 22,32), nhưng còn trong tư cách người cha, người anh (vì Ngài cũng là một tu sĩ) nhắn gửi cho anh chị em của mình: “Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta theo Chúa Giêsu bằng việc hiến dâng toàn vẹn cho Tin Mừng và để phục vụ Giáo hội, và đổ vào lòng chúng ta Chúa Thánh Thần, nguồn cội của niềm vui và làm chứng cho tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa giữa lòng thế giới (lời mở đầu)”.
I. MỤC TIÊU CỦA NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
1. Những định hướng căn bản
Ở đây thiết tưởng chúng ta cần nhớ lại 05 nguyên tắc cho cuộc canh tân thích nghi của các hội dòng theo sắc lệnh “đức ái trọn hảo” của công đồng Vatican II, ban hành ngày 28.10.1965 như sau:
– Bước theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu trì, nên tất cả các hội dòng phải coi tiêu chuẩn này như quy luật tối thượng.
– Lưu tâm đến thế giới mình đang sống. Tìm hiểu đầy đủ hiện trạng của con người trong thế giới ngày nay dưới ánh sáng đức tin và biết nung nấu nhiệt tâm tông đồ để nâng đỡ con người cách hữu hiệu hơn.
– Mỗi người phải canh tân về mặt thiêng liêng. (x. DT 2-4)
2. Trở về nguồn
a. Suy gẫm về nguồn gốc và lịch sử của Hội Dòng
Ôn lại lịch sử của Hội Dòng là điều cần thiết để chúng ta bảo tồn bản sắc để tăng cường sự đoàn kết như một gia đình và có cùng cảm thức là chúng ta thuộc về nhau. Trong thời điểm này các dòng của chúng ta đều có những cột mốc lịch sử, đánh dấu sự hình thành và phát triển của mình, cụ thể như: Dòng Đa Minh đang tiến hành việc kỷ niệm 800 năm hiện diện trên thế giới, dòng Tên vừa bế mạc 400 năm hiện diện tại Việt Nam, dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc vừa kỷ niệm 50 năm thành lập, dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục cũng vừa mừng 30 năm thành lập…
b. Tri ân Chúa
Tất cả các dòng tu của chúng ta đã thừa kế một lịch sử phong phú của đặc sủng. Tại đây chúng ta nhìn thấy bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Biết bao công khó của các vị đàn anh đàn chị, các vị tiền bối… đã vất vả gian nan của giai đoạn khởi đầu. Đúng là thiên nan vạn nan… vượt qua những thử thách viết nên trang sử hào hùng của Hội Dòng.
c. Sám hối
Năm Đời Sống Thánh Hiến cũng là cơ hội để thú nhận những yếu đuối của chúng ta, mà ở đó chúng ta đã trải nghiệm về lòng thương xót Chúa.
3. Sống hiện tại với niềm say mê: (I,2)
a. Sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Hãy chăm chú lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội để thực hiện trọn vẹn hơn nữa năm khía cạnh thiết yếu mà Sắc lệnh Đức Ái Trọn Hảo đã nêu ra.
Đối với những người thánh hiến lý tưởng là Chúa Kitô. Họ tìm được ý nghĩa trong sự kết hợp mật thiết với Ngài và do đó có thể nói như Thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Các lời khấn thể hiện cụ thể của tình yêu say mê này.
b. Chứng nhân đức tin
Năm nay là dịp làm chứng mạnh mẽ và vui tươi trước thế giới về sự “thánh thiện và sức sống” qua sự hiện diện giữa các hoàn cảnh khác nhau: thành phố thôn quê hoặc nơi anh chị em dân tộc thiểu số.
– Tin Mừng có thực sự là cuốn cẩm nang cho đời sống dâng hiến của chúng ta không?
– Trước những thách đố của Tin Mừng, đời sống và các hoạt động của chúng ta có tính đột phá hay vẫn chỉ co cụm tại nơi ở cố hữu của mình?
c. Kiểm điểm
Năm đời sống thánh hiến mời gọi kiểm điểm lòng trung thành của chúng ta cho sứ vụ được trao phó.
Tự vấn:
– Chúng ta có chung niềm say mê với dân Chúa và có gần gũi họ để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với họ, để thật sự thấu hiểu nhu cầu của họ và giúp đỡ họ không?
– Chúng ta có dám đi đến các biên cương mới: những người nghèo khổ, những người bệnh tật kể cả nơi những người siđa, đến với các anh chị em sắc tội xa xôi?
d. Xây dựng cộng đoàn
Noi gương cộng đoàn giáo hội sơ khai, các tu sĩ cố gắng thể hiện “một trái tim một tinh thần và vui mừng trong sự hiện diện của Chúa” (DT,15). Đời sống tu trì đang thể hiện mô hình cụ thể của cộng đoàn giáo hội sơ khai qua việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, lắng nghe nhau, chia sẻ niềm tin yêu hy vọng và đón nhận nhau như anh chị em của nhau. Đời sống huynh đệ cộng đoàn là lời rao giảng Thánh.
4. Hướng về tương lai với niềm tin yêu hy vọng: (I,3)
– Trước những thách đố của thời đại: ảnh hưởng của phong trào tục hoá, đặt Chúa ra ngoài được cũng như tràn lan trên thế giới lối sống hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa…, những đe doạ của chủ nghĩa tương đối và một cảm giác cô độc và không tương thích của xã hội… nhưng chính trong bối cảnh bất chấp ấy mà chúng ta chia sẻ với những con người thời đại. Chúng ta được mời gọi thể hiện đức cậy, hoa trái của đức tin trong Thiên Chúa, Đấng đã nói với chúng ta “Đừng sợ…, vì Ta ở với ngươi” (Gr 1,8).
– Thông điệp Spe Salvi của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã viết về Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như là một chứng nhân của niềm hy vọng. Ngài viết: Có niềm hy vọng nào mạnh mẽ hơn, xác tín hơn và người hơn niềm hy vọng của tù nhân Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Có giảng dạy của giáo triều nào tràn ngập sức sống đức tin hơn một giảng dạy về hy vọng được viết từ ngục tù? Có bức thư luân lưu của một giám mục nào ngập tràn đức tin và đức cậy hơn lời khuyên nhủ của cố Tổng giám mục hiệu tòa Vadesi này? (số 5)
Đức Cố Hồng Y Phanxicô là người thấm nhuần Tin Mừng hy vọng. Chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục của Ngài là: Vui Mừng và Hy Vọng. Suốt đời Ngài đã sống đúng khẩu hiệu đó.
– Niềm hy vọng này không dựa trên những số liệu thống kê hay những thành tích nhưng dựa trên Đấng mà chúng ta đặt niềm tin nơi Ngài (x.2Tm 1,2), Đấng mà nơi Ngài “không có gì là không thể” (Lc1,37). Niềm hy vọng cho phép đời sống thánh hiến tiếp nối viết nên lịch sử tuyệt vời của nó trong tương lai. Và hãy nhớ lời Thánh Phêrô: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em hằng ấp ủ” (1 Pr 3,15).
II. NHỮNG MONG ĐỢI TRONG NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
1. Sống niềm vui: (II,1)
Sứ điệp viết: “Ở đâu có người tu sĩ, ở đó có niềm vui”. (II,1) Niềm vui được thể hiện qua nụ cười thân thiện và nhân ái. Cha Frederick-William Faber (1814-1863) đã viết như sau: “Nụ cười tạo ra niềm vui trong cộng đoàn, nâng đỡ khi lao tác, và là dấu hiệu hữu hình của tình bạn. Nụ cười làm vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, đổi mới lòng can đảm trong những thử thách, là linh dược lúc buồn phiền. Nếu bạn gặp người nào không biết tặng nụ cười, thì bạn hãy quảng đại biếu họ một cái : không ai cần nụ cười cho bằng kẻ không biết trao tặng nó”.
Chúng ta có thể lấy một gương điển hình nơi thánh Thomas More, người Anh (1478-1575), đùa cợt cho tới khi chết. Ngài được kính như thánh tử đạo (lễ 22/6), vì bị kết án tử hình bởi đã phản đối việc ly khai của vua Henri VIII khỏi Giáo hội Công giáo. Khi bị dẫn lên đoạn đầu đài, ngài giỡn với lý hình: “Này ông ơi, làm ơn dắt tôi lên đi; còn việc đi xuống thì ông khỏi lo!”. Sau khi đã dọn mình xong, ngài ôm hôn lý hình và chúc: “Can đảm lên, đừng sợ ! Cổ tôi ngắn lắm; chặt sao cho khéo kẻo thiên hạ cười cho đấy!”. hi đã đút cổ vào bục, ngài còn dặn dò lý hình lần chót : “Nhớ chặt đầu, chứ đừng chặt râu nhé, nó chẳng có tội tình gì đâu !”.
2. Đánh thức thế giới: (II,2)
Tác giả thánh vịnh 56 với niềm tin yêu và hân hoan chào buổi sáng:
Thức dậy đi hồn tôi hỡi,
Thức dậy đi hỡi đàn sắt, đàn cầm,
Tôi còn đánh thức cả bình minh.
Thánh Augustinô đã nói: “Chúng ta hãy hát Halleluia ở dưới thế này khi còn đang lo âu, ngõ hầu một ngày nào đó chúng ta sẽ hát ở trên thiên đàng, khi chúng ta thoát khỏi mọi nỗi băn khoăn” (Thánh Augustinô, Sermon 256).
Hãy sống thực tại cánh chung giữa lòng cuộc sống hôm nay. Thánh Ambrôsiô đã nói với các trinh nữ: “Cái được hứa với chúng tôi, các chị đã được hưởng rồi. Cái còn là ước nguyện nơi chúng tôi, các chị đã đạt tới rồi. Các chị đang ở trong thế gian, nhưng coi như các chị đã ra khỏi nó. Thế gian hân hạnh đón nhận các chị, nhưng thế gian không giữ các chị được.”
Sứ điệp năm Đời Sống Thánh Hiến đã viết: “Cha mong đợi các con ‘đánh thức thế giới’ vì dấu hiệu phân biệt của đời thánh hiến mang tính ngôn sứ. Như Cha nói với các bề trên: sống truyền giáo không chỉ dành cho bậc tu trì, đó là nhu cầu của tất cả mọi người. Nhưng các tu sĩ theo Chúa cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ”. Có đôi khi, như ngôn sứ Elia và Giôna, các con cảm thấy muốn trốn chạy, muốn từ bỏ trách nhiệm ngôn sứ vì công việc quá mệt nhọc, quá chán ngắt hoặc không thấy sinh hoa trái. Nhưng các ngôn sứ biết rằng họ không bao giờ một mình. Như Chúa đã làm với ngôn sứ Giêrêmia, vì thế Ngài khích lệ chúng ta: “đừng sợ hãi những điều đó, vì Ta ở cùng con để giải thoát con” (Gr 1,8).
3. Tu sĩ là những chuyên gia trong sự hiệp thông: (II,3)
Cha chắc chắn rằng trong năm nay các con sẽ cố gắng để làm cho ý tưởng tình huynh đệ của những vị sáng lập được lan rộng khắp nơi, như những vòng tròn đồng tâm.
Cha cũng hy vọng là có sự lớn mạnh tình hiệp thông giữa các thành viên của những Hội Dòng khác nhau. Mong rằng năm nay sẽ là dịp để chúng ta dũng cảm bước ra khỏi sự giam hãm nơi nhà dòng mình và cùng hợp tác, ở phương diện địa phương và toàn cầu, với những công việc liên quan đến đào tạo, truyền giáo và hoạt động xã hội. Không ai có thể đóng góp xây dựng tương lai một mình, chỉ bằng nỗ lực của bản thân họ, nhưng còn bằng sự hỗ trợ của cộng đoàn, xã hội. Trong tình hiệp thông đòi chúng ta biết lắng nghe nhau, cùng nhau nhìn về một hướng. Sự hiệp thông như thế ngăn ngừa chúng ta khỏi căn bệnh say mê chính mình.
4. Đi tới các biên cương mới: (II,4)
Cả thế giới chờ đợi chúng ta: Họ là những người đã mất tất cả hy vọng, gia đình gặp khó khăn phải rời bỏ con cái, người trẻ không có tương lai, người già cả bệnh tật và bị bỏ rơi, những ai giàu có về vật chất nhưng thiếu thốn tinh thần, những người tìm kiếm mục đích sống, khao khát Thiên Chúa.
Chỉ bằng cách quan tâm đến nhu cầu của thế giới và nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, năm đời sống thánh hiến này sẽ thực sự “Kairos”, năm dạt dào hồng ân của Thiên Chúa, năm của sự biến đổi.
Lời nguyện kết thúc:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong năm Đời Sống Thánh Hiến.
Trong năm mới này, chúng con khẩn nài,
Xin biến đổi tâm hồn và cung cách hiến dâng của con.
Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Mỗi lần gặp Chúa, xin làm cho tâm hồn con trong sáng hơn.
Ước chi mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con.
Thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.
Thấy tấm lòng nhân hậu của Chúa qua những việc con làm.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở tâm hồn con,
Xin dẫn con đến với các em thơ, đến với những người cùng khổ.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm, cùng đi với Chúa và với tha nhân,
trên những nẻo đường gập ghềnh.
Xin Chúa thêm sức mạnh và nghị lực
Để con bước đi trọn vẹn đời dâng hiến của con. Amen.