Mùa Xuân của Mẹ

221

Mùa Xuân của Mẹ

01Nói tới Mùa Xuân, người ta thường nghĩ ngay tới Mẹ. Có Mẹ là có Mùa Xuân. Mồ côi Mẹ là điều bất hạnh khôn cùng của những đứa con, vì Mẹ không chỉ là Mùa Xuân, mà Mẹ còn là tất cả của những đứa con – dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, thậm chí là dù đã luống tuổi, như Thi sĩ Chế Lan Viên nhận định:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng Mẹ vẫn theo con

NS Trịnh Lâm Ngân (*) đã trải nỗi niềm tâm sự và nỗi nhớ Mẹ của người con xa nhà qua nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ”. Ca khúc này được viết ở âm thể Trưởng mà nghe có cảm giác như âm thể Thứ, cách chuyển âm của ca khúc này khá lạ.

Tuy được viết theo tâm sự xa Mẹ của một người lính thời chiến, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu sự xa cách nhớ thương của những người con phải xa Mẹ khi Xuân về. Có thể đó là những người con phải tha phương cầu thực suốt năm mà không có tiền về quê ăn tết với Mẹ, có thể đó là những người con đang vướng vòng lao lý,… Họ nhớ Mẹ lắm, và rồi chính người Mẹ cũng không thể vui Xuân trọn vẹn vì thương nhớ con yêu. Ai cũng đáng thương lắm!

Nỗi nhớ thương Mẹ đong đầy trái tim người con, thế nên người con cảm thấy ngậm ngùi, gọi mẹ trong nước mắt: “Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi, đời con giờ đây đang còn lênh đênh, đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn, áo trận sờn vai bạc màu, nhìn Xuân về lòng buồn nao nao”. Buồn mà nao nao, cách dùng chữ thật hay. Đúng vậy, buồn vì nhớ mẹ nhưng vẫn thấy nao nao với cảm xúc Xuân.

Người con nhớ lại lời hứa với Mẹ, cũng là lời an ủi Mẹ khi người con phải bước chân đi xa: “Ngày đi, con hứa Xuân sau sẽ về, mà nay đã bao Xuân rồi trôi qua, giờ đây tóc mẹ già chắc bạc nhiều, sớm chiều vườn rau vườn cà, Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai”. Không phải người con thất hứa, nhưng vì hoàn cảnh mà người con đành chịu lỗi hẹn với Mẹ. Nỗi nhớ thương con và gian nan tháng ngày đã biến mái tóc Mẹ nhuộm màu thời gian, sức khỏe yếu dần mà con không được ở bên Mẹ để đỡ đần, chăm sóc. Nỗi nhớ thương ấy cứ trào dâng ngập lòng trong con như thủy triều đầu tháng, Mẹ ơi!

Xuân về rồi. Thế mà người con vẫn phải sống kiếp tha phương như đời lãng tử: “Đêm nay, núi rừng gió nhẹ sang Xuân, thoáng mùi mai nở đâu đây, ru hồn lạc loài chơi vơi”. Cảm xúc dạt dào, ký ức xa xăm, nỗi niềm xốn xang: “Khi xưa, những ngày binh lửa chưa sang, bếp hồng quây quần bên nhau, nghe mẹ kể chuyện đời xưa”. Xuân xưa thật hạnh phúc, Xuân này sao buồn quá, buồn vì cảnh đời, buồn vì số kiếp lận đận, buồn vì trăm mối tơ vò, nhưng buồn nhất là vì con phải xa Mẹ!

Nhưng dù hoàn cảnh thế nào thì con vẫn vững lòng tin, chắc chắn Mẹ con sẽ sum họp vào một ngày không xa. Niềm tin cao dâng, người con lại thề hứa: “Mẹ ơi, con hứa con sẽ trở về, dù cho, dù cho Xuân này đi qua, dù cho én từng bầy bay về ngàn, dẫu gì rồi con cũng về”. Tại sao người con có thể dám hứa như thế? Vì một lý do rất đơn giản: “Chỉ bên Mẹ là mùa Xuân thôi”.

Một câu nói quá bình thường mà thâm thúy, chứa đựng cả một triết lý về Tình Mẫu Tử: “Chỉ bên Mẹ là Mùa Xuân thôi”. Mẹ con quấn quýt bên nhau, không chỉ con có mùa Xuân mà Mẹ cũng được vui Tết.

Thật may mắn và hạnh phúc cho những ai còn Mẹ, nhất là được cùng Mẹ vui Xuân, mừng Tết. Nếu bạn còn Mẹ, bạn hãy tỏ niềm hãnh diện được làm con để Mẹ vui trong những ngày Tết này, và bạn hãy cầu nguyện cho những người không còn Mẹ, nhất là những đứa trẻ mồ côi.

Với người Công giáo, chúng ta có một người “Mẹ của các người mẹ”. Người Mẹ đó là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Mẹ của nhân loại. Quả thật, “được sống dưới sự che chở của Đức Mẹ là một hạnh phúc lớn lao” (Thánh Ðamianô). Còn Thánh Phanxicô Salê (Giám mục, Tiến sĩ Giáo hội) khuyên: “Hãy chạy đến với Đức Maria, ngã vào vòng tay Mẹ với lòng tin tưởng hoàn toàn”.

Không chỉ vậy, Đức Maria còn yêu thương các tội nhân, như Thánh Denis cho biết: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là hy vọng của những người không còn hy vọng”. Mẹ là thế, Mẹ thấy con khổ một, nhưng lòng Mẹ đau mười. Đứa con nào cũng được Mẹ yêu hết lòng, nhưng đứa con nào càng yếu đuối hoặc lận đận thì Mẹ càng yêu thương nhiều. Đó không là thiên vị, mà là sự công bằng, vì Tình Mẹ muốn lấp đầy khoảng đau khổ con.

Thánh sử Luca cho biết: Sau ba ngày cha mẹ lạc mất con yêu dấu, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.

Cậu Giêsu “số dzách”, trẻ người mà không non dạ, đúng là Number One (số một) mà! Khi thấy con trai, hai Cô Chú sửng sốt, vì mấy ngày nhớ thương con rồi còn gì, thế nên Cô Maria nói ngay: “Con ơi là con, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48). Câu Giêsu thản nhiên: “Mẹ này, sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Nghe vậy, Cô Maria và Chú Giuse ngớ người ra và nhìn nhau, chẳng hiểu con mình nói gì (Lc 2:50).

Nói thì nói vậy thôi, Chúa Giêsu vẫn đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục cha mẹ. Riêng Đức Mẹ thì “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2:51). Còn Đức Giêsu thì “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52).

TRẦM THIÊN THU

Vọng Xuân và nhớ Mẹ – Quý Tỵ 2013

_______________________

00(*) NS Trịnh Lâm Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân sinh năm 1942 tại Thanh Hóa, lớn lên tại Ðà Nẵng, là con út trong một gia đình sáu người con. Cha mất, ông theo mẹ vào Saigon từ thập niên 1950. Ông là cựu cán bộ Tâm lý chiến, thuộc Trung tâm Huấn luyện Quang trung. Ông theo học nhạc với giáo sư Ðỗ Thế Phiệt về violon và piano. Khởi nghiệp sáng tác từ 1959. Ngoài những ca khúc ký tên Nhật Ngân, ông còn một số sáng tác chung với NS Trần Trịnh. Vì cả hai “chơi thân” với Lâm Ðệ (con rể chủ hãng dĩa Sóng Nhạc) nên đã khai sinh ra tên Trịnh Lâm Ngân. Ông định cư tại Hoa Kỳ từ 1982. Một số ca khúc được ông ký tên con gái là Nhật Khánh.

Một số ca khúc phổ biến: Tôi Đưa Em Sang Sông (viết chung với Y Vũ, nhạc phẩm đầu tay viết năm 1960), Bao Giờ Ta Gặp Lại, Cuộc Tình Bể Dâu, Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ, Đêm Nay Ai Đưa Em Về, Em Vẫn yêu Anh Hoài, Ngày Vui Qua Mau, Lời Đắng Cho Cuộc Tình, Hai Trái Tim Vàng, Hát Cho Mai Sau, Hồn Trinh Nữ, Một Mai Giã Từ Vũ Khí, Xuân Này Con Không Về, Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu, Xuân Nào Con Sẽ Về, Qua Cơn Mê, Xin Chia Buồn, Mùa Xuân Của Mẹ, Người Tình Và Quê Hương, Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giả Phóng Anh, Ngày Đá Đơm Bông, Cả Nhà Làm Thơ (phổ thơ Trần Mộng Tú), Hương (phổ thơ Nguyễn Long), Kiếp Sau (phổ thơ Trần Mộng Tú),…

Trong chương trình “40 Năm Cho Âm Nhạc Việt Nam”, khi ông 58 tuổi, ông nói: “Tôi không bao giờ than vãn cuộc đời. Tôi vẫn mang trái tim của tôi, mang sự yêu mến cuộc đời của mình để bước vào cuộc đời”.

Ông tâm sự: “Thích thì tôi viết, không thích thì thôi”. Máu nghệ sĩ là thế, phải phóng khoáng, không thích gò bó, phải tự do mới viết được. Phải chăng vậy mới là nghệ sĩ đích thực?

Xem và nghe ca khúc “Mùa Xuân Của Mẹ”: