GÓC SUY TƯ MÙA XUÂN Mùa Xuân bên nhau

Mùa Xuân bên nhau

 

Chiên Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Ngài hiến tế không chỉ để làm Của Lễ Đền Tội thay cho chúng ta mà còn để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:52). Và khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1:10).
Đó mới thực sự là “Mùa Xuân bên Nhau” của chúng ta, những người luôn cố gắng theo bước Đức Kitô và một niềm tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Mùa Xuân là khoảng thời gian đoàn tụ. Dù ai phải tha phương cầu thực, và dù nghèo rớt mồng tơi, người ta vẫn mong được về quê hương để quây quần bên những người thân chung một mái ấm gia đình trong ngày Tết Nguyên Đán.
NS Thanh Sơn đã viết ca khúc “Mùa Xuân Bên Nhau”. Được viết ở âm thể thứ nhưng ca khúc này không buồn não nuột, không trĩu nặng, mà lại thâm trầm tình cảm chân thành dành cho nhau.
“Bên nhau” là được đoàn tụ, nhưng mang nhiều ý nghĩa. Hai người yêu nhau, cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt, bạn bè, người thân, họ hàng,… Được gặp nhau là được ở bên nhau, được đoàn tụ để chia sẻ niềm vui với nhau. Đó là hạnh phúc trong mùa Xuân.
NS Thanh Sơn bắt đầu từ đóa Mai vàng, “biểu tượng” của mùa Xuân: “Tháng Giêng, Mai nở trước thềm mùa Xuân, một năm dẫu xa hóa được thành gần. Tình người gọi nhau quyến luyến, đón Xuân về gia đình hàn huyên, quyện hương khói đất trời thiêng liêng”.
Ông dẫn từ hoa Mai tới cảnh đoàn tụ. Thời gian có xa vì người ta phải bôn ba đây đó, nhưng rồi cũng hóa thành gần, mọi người cùng hàn huyên ríu rít đủ thứ chuyện vui, chuyện buồn, rồi cùng nhau hướng về khoảng tâm linh thiêng liêng: Nhớ tới Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư vị Thần Thánh, đồng thời cũng nhớ tới tổ tiên và những người đã khuất bóng trong gia đình.
Trẻ em luôn hồn nhiên, thể hiện rõ nét Xuân qua nụ cười hiền hậu, đơn sơ, thật thà, và nhất là tiếng nói cười rôm rả: “Mấy em nho nhỏ hát nhạc ngày xanh, còn em với anh mơ một ngày lành, gọi tình yêu mau chấp cánh, lễ tơ hồng cau trầu đầy mâm, đám cưới đẹp nhất vào mùa Xuân”.
Trẻ em vui kiểu khác, người lớn vui kiểu khác, người già vui kiểu khác, thanh niên vui kiểu khác,… Trăm người, trăm kiểu, không ai giống ai nhưng vẫn có một điểm chung: Vui Xuân hết mình.
Vui Xuân và ăn Tết thì không thể không có những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho nhau. Và tất nhiên ước mơ cũng ngập lòng mỗi người, dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo: “Năm mới chúc an khang, thịnh vượng làm ăn phát tài, tháng Giêng vẫn mơ ước hoài. Người người đón Xuân vui, bên nhau nâng chén rượu, quên những ngày vất vả ngược xuôi”.
Đời người không ai lại không khổ, chỉ khác nhau về mức độ. Nhưng dù cho hoàn cảnh mỗi người có thế nào thì cũng tạm gác mọi lo âu, dẹp nỗi ưu sầu mà tận hưởng những giây phút Xuân ngắn ngủi. Gọi là ba ngày tết nhưng thời gian trôi qua mau chóng lắm!
Không được mời thì Xuân vẫn về, không bị đuổi thì Xuân cũng giã từ. Xuân đến rồi Xuân đi, đó là quy luật của thiên nhiên: “Ngắm hoa Mai nở sắc khoe vàng tươi, đời vui có Xuân môi ngọt nụ cười. Mùa Xuân làm thơ hết ý, rót thêm tràn uống mừng cạn ly, ước mong gì Xuân về đừng đi”.
Không ai biết Xuân thế nào, nhưng Xuân sẽ giống như chính mỗi người thể hiện: Cười tươi, mê thơ, đắm nhạc, say men rượu. Chất “men” của mùa Xuân rất kỳ lạ, khiến người ta quyến luyến, thế nên ai cũng hy vọng: “Ước mong Xuân về đừng đi”. Tất nhiên mơ ước đó không thể hiện thực, nhưng còn ước mơ là còn hy vọng, còn hy vọng là còn sống, còn sống thì phải cố gắng không ngừng.
Xin cảm ơn mùa Xuân đã cho chúng ta khoảng thời gian quý báu là được ở bên nhau vào mùa Xuân này. Khi vui Xuân trần thế, chúng ta còn có niềm hy vọng lớn lao về Mùa Xuân Trường Sinh nơi Thiên Quốc theo Kế Hoạch Yêu Thương và Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa!
KHA ĐÔNG ANH

Exit mobile version