Mùa Vọng – Tiếng Vọng

114

Mùa Vọng là thời gian Hội thánh đã xếp đặt dựa trên chương trình cứu độ của Thiên Chúa, để mỗi người được diễn tả tâm tình mong đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Chúa Kitô. Tôi tự hỏi lòng: “Mùa là thời gian, còn vọng là gì? “Vọng” phải chăng là một tiếng vang ở trên cao xuống hay ở dưới vực sâu lên?

Theo lịch Phụng vụ của Giáo hội, Mùa Vọng có bốn tuần, hơn hai mươi ngày trở lại. Với riêng tôi, có một Mùa Vọng khác dài hơn hai mươi năm. Đó là tiếng vọng trong tâm hồn với những ước mong và tất cả niềm hy vọng mà người khác dành cho tôi hay của chính tôi. Khi còn nhỏ, tôi rất hay được nghe tiếng gọi vọng đi vọng lại của mẹ thức tỉnh tôi. Mỗi lần mẹ đi chợ về, mẹ đều cất tiếng vang vọng gọi tôi. Mẹ luôn mong đợi là tôi sẽ ở nhà ngoan hơn, làm việc bổn phận tốt hơn ngày hôm qua. Theo năm tháng, tiếng vọng đó ngày một nhiều hơn. Tôi nhận thấy điều tôi đáp lại hoàn toàn đối lập với niềm hy vọng, chờ mong của mẹ dành cho tôi. Tôi nhận được tiếng vọng không chỉ từ nơi mẹ mà cả nơi những người khác, khi họ dành tình yêu thương của họ cho tôi, mong mỏi tôi đáp lời yêu thương một cách tốt đẹp. Nó cũng ở trong chính cõi lòng của tôi khi tôi như một con ếch ngồi trong đáy giếng, “coi trời bằng vung”, “coi thùng bằng bằng niêu”. Tiếng vọng luôn ngân vang trong sự hiểu biết hạn hẹp của tôi. Tôi không dám đi ra ngoài, chỉ cậy dựa sức riêng bản thân nên tôi cứ giậm chân tại chỗ. Tôi không dám tin vào ai mà ở đó một mình vang tiếng kêu sầu buồn, sợ hãi. Tiếng vọng đó càng nhiều càng lâu vì tôi không biết, không tin rằng có một Đấng ở trên cao luôn âu yếm nhìn và lắng nghe tôi.

Tôi lại tự hỏi lòng: “Tại sao lại có tiếng vọng hay thời gian vọng?” Thiết nghĩ, đó là vì sự đối lập trong mọi tình yêu bắt nguồn từ hai chiều và trở nên một, như người nam với người nữ trở nên một xương một thịt (x.St 2,24). Thiên Chúa cũng nên một với chúng ta trong tình yêu của con Ngài, dù cho sự đối lập có xảy ra. Thiên Chúa đã vọng lên tiếng gọi: “Ngươi ở đâu? Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn nên con lẩn trốn” (x.St 3,9-10). Thiên Chúa không đánh mất sự nên một với chúng ta. Ngài đã ban Con Một, để ta được kết hợp với Ngài trong bí tích Thánh tẩy. Sự nên một được diễn tả thật đẹp trong tình yêu: Tình yêu của mẹ nên một với tôi khi tôi biết ngoan ngoãn vâng lời; Tình yêu của người khác nên một với tôi khi tôi yêu thương, tôn trọng, quý mến và chân thành với họ… Tất cả đều diễn tả tình yêu nên một với Thiên Chúa khi tôi chưa được trực tiếp giáp mặt với Người.

Tiếng vọng là sự mong mỏi của một người khi họ muốn chính mình hay người khác được hạnh phúc và bình an. Như một ai đó bị lạc lối hay phải chạy trốn trong vùng đất hoang mạc, trong những khu rừng, những hang động không người ở, nó chính là sự chờ đợi để được gặp gỡ trong hy vọng và yêu thương. Sự chờ đợi đó, bạn có không? Trong niềm tin vào Thiên Chúa, tôi cảm nếm niềm hạnh phúc khi được Ngài dựng nên, được ban món quà tự do để tôi tìm kiếm Ngài. Ngài biết tôi yếu đuối nhưng Ngài vẫn nghe tiếng vọng của tâm hồn tôi, vì đó là tôi và là chính Ngài. Thời gian sẽ minh chứng cho tất cả, dù tiếng vọng của tôi có dài bao lâu nữa thì nó vẫn phải kết thúc vì con người tôi có hạn nhưng Thiên Chúa tồn tại mãi. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Trời đất sẽ qua đi nhưng Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21,33).

Tiếng vọng phải chăng cũng gây ra sự nghi ngờ vì tôi phải kiên nhẫn đợi chờ mà chưa được giáp mặt? Tôi đã ngồi chờ đợi tiếng vọng và hoài nghi không biết đây có phải là tiếng vọng thật của Thiên Chúa và tiếng vọng để loan báo sự hiện diện của Ngài không, giống như người ta thường thắc mắc: “Có Thiên Chúa sao sự dữ vẫn hoành hành khắp thế gian?”. Những Tiếng vọng đó là thời gian để tôi kiên nhẫn chờ đợi và tôi luyện lòng tin của tôi vào Thiên Chúa cứu độ duy nhất, là thời gian tôi ý thức được sự nhỏ bé, yếu đuối của con người cùng sức mạnh quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bạn có nghe tiếng vọng trong tâm hồn bạn? Lắng nghe lại tiếng vọng trong tâm hồn mình khiến tôi rất thích, vì đó là thời gian minh chứng tình yêu hùng hồn nhất của tôi dành cho Thiên Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa cho vầng đông soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và dẫn ta bước vào đường nẻo bình an (x. Lc 1,78-79).

Bạn có thích tiếng vọng của tâm hồn bạn và muốn cảm nếm xem nó có ý nghĩa gì không? Còn tôi, tôi rất vui vì tiếng vọng mà Thiên Chúa đã hoạch định cho tôi. Gần hai mươi năm ở bên cạnh cha mẹ, tôi vẫn nghe âm vang tiếng vọng của các ngài vì tôi chưa nên một với các ngài trong tình yêu. Cả tôi và Thiên Chúa đều có những tiếng vọng dành cho nhau. Nhờ ân thánh của Thiên Chúa, tôi sẽ được đáp lại tiếng vọng trong tâm hồn, vì Ngài muốn tôi: “Đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1,76), cũng như Ngài đã sai các môn đệ đi trước vào các nơi mà chính Người sẽ đến (x.Lc 10,1).

Maria Nguyễn Huệ, Tập sinh MTG. Thủ Đức