Tin Giáo hội Giáo huấn Mùa vọng là thời điểm để nhận ra những khoảng trống cần...

Mùa vọng là thời điểm để nhận ra những khoảng trống cần được lấp đầy trong cuộc sống

Il presepe in piazza San Pietro (Siciliani)

Mùa vọng là thời gian để chúng ta nhận ra những “trống rỗng” cần phải lấp đầy trong cuộc sống, để san bằng những hố sâu của kiêu căng, hống hách và dọn chỗ để Chúa Giêsu ngự đến. Đó là những điểm chính trong bài chia sẻ với cộng đoàn kitô hữu khắp nơi trên thế giới, sáng Chúa nhật thứ II mùa vọng, tại quãng trường thánh Phêrô.

Anh chị em thân mến.

Hang đá tại quãng trường Phêrô (Siciliani)

Chúa nhật trước chúng ta đã bắt đầu mùa vọng bằng lời mời gọi tỉnh thức. Hôm nay, Chúa nhật thứ II mùa vọng là thời gian chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, phụng vụ chỉ ra cho chúng ta thấy những nội dung chính của thời gian này: Đây là thời gian để nhận ra những khoảng trống cần được lấp đầy trong cuộc sống của chúng ta, để san bằng những hố sâu của kiêu căng và dọn chỗ để Chúa Giêsu ngự đến.

Tiên tri Isaia (Is 40,1-5.9-11) đã loan báo cho dân biết việc kết thúc cuộc lưu đày ở Babylon và sự trở về Giêrusalem. Ông nói : “Có tiếng kêu trong hoang địa: “hãy chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa… Mọi thung lũng hãy lấp cho bằng (40,3). Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, chúng tượng trưng cho tất cả mọi trống rỗng của chúng ta khi đứng trước mặt Thiên Chúa, đó là những tội lỗi và thiếu sót của chúng ta. Sự trống rỗng trong cuộc sống có thể là do chúng ta không cầu nguyện hay cầu nguyện quá ít. Vì vậy, Mùa vọng là thời điểm thuận lợi để cầu nguyện mạnh mẽ hơn, để chúng ta biết dành riêng cho đời sống thiêng liêng một vị trí quan trọng và xứng đáng. Một sự trống rỗng khác nữa có thể là do chúng ta thiếu đức ái đối với tha nhân, nhất là đối với những người bé mọn nhất đang cần sự trợ giúp không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần. Chúng ta được kêu mời sống chú ý đến nhu cầu cần thiết của người khác, gần gũi với họ hơn. Như Thánh Gioan Tẩy giả đã làm, bằng cách này chúng ta có thể mở ra con đường hy vọng trong sa mạc của những tâm hồn khô cằn nơi nhiều người.

Tiên tri Isaia còn nói : Mọi núi đồi gò nỗng phải bạt xuống. Những núi đồi và gò nỗng phải được san bằng, chúng là sự hống hách, kiêu căng, ngạo mạn. Ở đâu có kiêu căng thì Thiên Chúa không thể ngự vào, bởi vì khi con tim đầy dẫy hống hách, kiêu căng, ngạo mạn, thì Thiên Chúa không thể ngự vào. Vì thế, chúng ta phải san bằng sự kiêu căng này. Chúng ta phải chấp nhận với thái độ nhẹ nhàng và khiêm tốn, không phàn nàn trách mắng, nhưng biết lắng nghe, ăn nói dịu dàng để chuẩn bị cho Đấng Cứu thế đến. Ngài là đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (x. Mt 11,29). Sau nữa, chúng ta được mời gọi loại bỏ tất cả mọi trở ngại để hiệp nhất với Thiên Chúa : “Con đường quanh co hãy làm cho thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng, và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa”.

Tuy nhiên những hành động này cần phải được thực hiện với niềm vui, bởi vì những điều chúng ta làm là để chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến. Khi chúng ta mong đợi một người thân đến viếng thăm nhà mình, chúng ta chuẩn bị mọi thứ bằng sự ân cần và hạnh phúc. Cũng vậy chúng ta muốn chuẩn bị cho mình mọi sự để đón chờ Chúa đến : Mỗi ngày chúng ta mong đợi Người bằng sự ân cần, để khi Chúa đến, Ngài sẽ đổ đầy ân sủng của Ngài cho chúng ta.

Đấng Cứu Thế mà chúng ta mong đợi có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta bằng ân sủng của Người, bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sức mạnh của tình yêu. Thật thế, Chúa Thánh Thần làm cho lòng chúng ta tràn ngập tình yêu thương của Thiên Chúa, suối nguồn không cạn hao của sự thanh tẩy, của cuộc sống mới và của tự do.

Đức Trinh nữ Maria đã sống trọn vẹn thực tại này, bằng cách để mình được “chịu thanh tẩy” nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã đổ tràn ngập trên Mẹ bằng quyền năng của Ngài. Mẹ đã chuẩn bị để Chúa Kitô đến với toàn thể cuộc sống Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng ta bước theo mẫu gương và hướng dẫn mọi bước chân của chúng ta đển gặp gỡ Thiên Chúa đang ngự đến.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Exit mobile version