Mùa lá rụng

72

download (3)“Ta mắc nợ Mùa Thu

Bài thơ lá rụng sương mù”

(Trích bài thơ “Mắc Nợ” của Nguyễn Văn Thiên)

Vẻ đẹp của Mùa Thu làm ngẩn ngơ tâm hồn thi sĩ. Làn sương mỏng giăng ngang phía chân trời khi hoàng hôn về, cùng với gió chớm lạnh như hơi thở của mùa thu tạo một vẻ đẹp huyền bí, vừa thiêng liêng vừa trần tục. Mùa Thu và thi sĩ gắn kết với nhau để rồi mỗi khi thu về là thi sĩ “tức cảnh sinh tình” như một món nợ truyền kiếp. Không có thơ ca tụng mùa thu, thi sĩ như thiếu vắng điều gì rất thân thiết trong đời. Dường như mùa thu cũng mang món nợ đối với thi sĩ, nên mỗi năm lại mang một nét đẹp mới, tinh khôi, cao thượng làm nguồn gợi hứng vô tận để thi sĩ trả món nợ đời mình.

Mùa Thu cũng là mùa lá rụng. Những chiếc lá thường tươi xanh là thế, qua một thời gian tô điểm cho đời, nay đến lúc lìa cành rụng xuống. Dường như lá lưu luyến với cành, đến nỗi khi rụng còn chao đảo niềm thương đau, cố vẫy vùng như nói lời chia tay sau một thời gắn bó. Khi còn mang màu xanh, lá giống như cánh phổi cho con người, giúp con người tìm được không khí trong lành để hít thở. Nay, khi đã ngả màu vàng, lá đã hoàn thành nhiệm vụ, ra đi để nhường chỗ cho những tán lá non sẽ mọc khi đông qua xuân về. Mỗi lần trút lá cũng là dịp để cây thêm tuổi, phương phi mạnh mẽ như chàng trai trẻ đến tuổi trưởng thành, vững chãi trước bão tố của thời gian. Những cành lá, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, lặng lẽ rụng về cội, âm thầm trước quy luật của thời gian, trở thành phân bón cho cây, để rồi từ chất phân bón ấy, cây thêm xanh, cành thêm lá để rì rào cất tiếng hát ru cho đời.

Mùa lá rụng giúp ta nghĩ đến thân phận con người. Khi bước vào đời, ta mỏng manh yếu đuối như một cây non mới nảy mầm. Một con sâu cũng có thể cắn chết cây mới mọc, một con kiến cũng có thể giết chết em bé sơ sinh. Khi còn nhỏ, cây phải được chăm sóc đặc biệt. Lúc tuổi thơ, ta cần cha mẹ chở che. Nhờ sự dạy dỗ của cha mẹ và những người có trách nhiệm đạo đời, ta được lớn lên từng ngày về thể xác cũng như trí tuệ. Khi trưởng thành bước vào đời, ta giống như cây vững chắc đủ sức chống chọi với sự khắc nghiệt của thời gian. Thế rồi, “sinh ký tử quy”, “sống gửi thác về”, dù giàu hay nghèo, cuộc sống con người đều có lúc kết thúc, như con thuyền cần một bến đậu; dù văn minh hay lạc hậu, kiếp nhân sinh đều có điểm dừng, như chuyến tàu cần một sân ga. Khi kết thúc cuộc đời dương thế, người ta nhắm mắt xuôi tay, tạm biệt cuộc đời như một người lính chiến đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, dù phải trải qua những gian nan thử thách. Như chiếc lá vàng chao đảo vẫy vùng trước khi rơi xuống đất, kẻ ở người đi đều quặn đau khi đến buổi giã từ. Tuy nhiên, kiếp nhân sinh là vậy, có hợp thì có tan, có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Người tin vào Chúa không coi sự chết là vĩnh biệt, chỉ là chia tay tạm thời vì sẽ có ngày gặp nhau.

Tin vào sự sống sau khi chết là mẫu số chung của đa phần tín ngưỡng, tôn giáo. Người theo Đạo Ông Bà tin rằng chết là về với tổ tiên; người theo Đạo Phật tin rằng sau cuộc sống trần gian, con người trở về cõi Niết bàn; người Kitô hữu tin có Thiên Đàng là phần thưởng Chúa dành cho người công chính. Cuộc sống trần gian như một hành trình, có khởi đầu và có kết thúc. Ở đích điểm, có Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Con người không phải “chết là hết” như nhiều người lập luận. Cụ Nguyễn Du trước đây gần 300 năm đã nói thay cho những người đương thời về linh hồn bất tử: “Chết là thể phách, còn là tinh anh” (Truyện Kiều). Sau khi chết, con người vẫn tồn tại, dù ở một hình thái khác. Con người không bị tiêu diệt và bị “xóa sổ” hoàn toàn khi họ trút hơi thở cuối cùng, nhưng đó là sự biến đổi nhiệm màu. Thánh Phaolô, một nhà thần học Kitô giáo đã giải thích với chúng ta về việc người chết sẽ sống lại trong vinh quang: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí. Nếu có thân thể có sinh khí, thì cũng có thân thể có thần khí” (1 Cr 15, 42-44).

Mùa lá rụng nhắc chúng ta sự mỏng giòn của kiếp con người. Lá nào rồi cũng phải rụng xuống, người nào cũng có lúc lìa đời. Tác giả Thánh vịnh đã cảm nhận rất sâu sắc về điều này, khi ông viết:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong,

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình. (Tv 103, 15-16).

Mùa thu cũng gắn liền với màu vàng của hoa cúc, một loài hoa gợi ta nhớ đến sự cao thượng của con người. Có lẽ để tôn vinh sự cao thượng đó mà hoa cúc thường đặt trên những ngôi mộ của người thân, như để tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất. Người xưa yêuhoa cúc vì đó là loài hoa biểu lộ đặc tính “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (nghĩa là lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô, vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt đời trung thành, theo đuổi lý tưởng chân chính của mình). Khi trân trọng đặt trên ngôi mộ của người đã khuất, người ta mượn ngôn ngữ của hoa cúc để nói lên cái dũng khí của người nằm dưới mộ, đồng thời cũng khẳng định rằng họ không bao giờ bị lãng quên.

Cuộc đời này như làn sương buổi sớm, sẽ tan nhanh khi mặt trời lên, nhắn nhủ ta đừng bon chen hận thù. Hãy làm cho cuộc sống này thật có ý nghĩa, vì “hổ chết để lại da, người ta chết để lại tiếng”. Khi ta qua đi rồi, điều còn lưu lại là những điều tốt đẹp ta đã làm cho tha nhân. Cuộc sống này chỉ có ý nghĩa khi biết cho đi và đón nhận trong tình liên đới thân thương, vì “không ai nghèo khó đến nỗi không có gì để cho đi và cũng không ai giàu có đến nỗi không có thể lãnh nhận được gì thêm nữa”. Một nụ cười bao dung hay môt lời khích lệ dành cho người xung quanh luôn là món quà tặng quý giá. Hãy biết tận dụng thời gian, vì cuộc sống này đang trôi đi như dòng sông chảy không ngừng. Chẳng có người nào sống mãi để hận thù; không có ai tồn tại mãi mà giữ của. Một tác giả đã nhắn nhủ: “Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên