Mùa chuyển xứ

56

MÙA CHUYỂN XỨ !

Đã đến thời gian hay gọi là mùa thuyên chuyển. Những ngày này, ít nhiều gì ở vài giáo phận có sự bổ nhiệm mới, có sự thuyên chuyển từ Đấng Bản Quyền.

Từ cái gọi là Văn Thư Bổ Nhiệm hay quen dùng ngôn ngữ bình dân đó là Bài Sai.

Thật sự cái tên nó cũng đúng với ngữ vựng. Có những bài gọi là bài sai mà thật sự nó sai chứ không phải là đúng vì lẽ sai về xứ đó sống chưa được bao lâu thì chuyện giữa cha và con xảy ra chuyện không lành. Có xứ thì con kiện Cha, có xứ Cha kiện con để rồi bài sai nó thành bài sai thật.

Kém may mắn cho ai nào đó xích mích nhau để rồi Cha lặng lẽ rời xứ và con cũng có khi là mở tiệc ăn mừng vì từ nay không còn thấy “cái mặt thấy ghét” đó nữa.

May mắn cho đời tu nếu như bài sai đó được gửi đến và đúng với hiện thực. Đúng nghĩa là sau thời gian phục vụ, Cha ra đi khỏi xứ thì Cha và còn trào tràn những dòng lệ chua xót.

Đời linh mục là đời tận hiến cho Chúa ngang qua phục vụ đoàn chiên mà Chúa trao phó.

Mang trong thân phận làm người, làm sao ai có thể sống tròn vẹn được sứ vụ, bổn phận và trách nhiệm của mình. Họa hoằn lắm mới có người sống trọn vẹn và ta có thể nói đó là người may mắn.

Đa phần, không thể nào sống làm vừa lòng mọi người trong giáo xứ được. Người ta vẫn thường nói là ai nào đó làm hài lòng mọi người đó là việc vừa khó và vừa ngu.

Thật vậy ! Trong một gia đình, chắc gì tất cả anh chị em đã thuận hòa với nhau dẫu rằng gia đình đó có người đi tu. Thế cho nên trong một giáo xứ hay một cộng đoàn chắc chắc không xảy ra chuyện này cũng xảy ra chuyện kia cũng như đụng độ giữa người này và người kia.

Trong cộng đoàn tu cũng thế ! Đã là tu rồi nhưng đôi khi người ta ăn cùng mâm đó nhưng khác múi giờ ! Cả Cha Xứ và Cha Phó có khi cũng như thế đó ! Cơm cùng mâm, ăn cùng bàn đó, nấu cùng một bếp đó nhưng lại khác múi giờ với nhau.

Giữa Cha với nhau, anh em tu với nhau còn có những trục trặc chứ huống hồ chi là giữa Cha Xứ và giáo dân.

Thật vậy ! Đi tu đã là khó mà còn khó hơn là khi được gửi về làm dâu ở chốn nào đó. “Nhà chồng” cảm thông thì “nàng dâu” được hưởng lợi và ngược lại. Một khi cái “Nhà chồng” mà có chuyện thì “nàng dâu” có mà chết chứ không phải là chuyện đùa.

Có những giáo xứ mà dường như chả có “nàng dâu” nào có thể chịu đựng được “Mẹ chồng” bởi lẻ trong xứ không có một “mẹ chồng” mà có quá nhiều “mẹ chồng”. Nếu “nàng dâu” làm vừa lòng “mẹ chồng” này sẽ mất lòng “mẹ chồng” khác.

Nếu “nàng dâu” giảng dài một tí thì sẽ bị những “mẹ chồng” cay nghiệt phàn nàn và đi nói từ đầu làng đến cuối xóm là “cha giảng dài”.

Nếu “nàng dâu” giảng ngắn thì “mẹ chồng” bảo là “chà lười quá ! Cha không chịu soạn bài giảng”

Nếu “nàng dâu” chơi với nhà giàu để kiếm tiền xây sửa Nhà Thờ hay cho người nghèo thì “mẹ chồng” quất ngay : Làm cha cứ chơi với nhà giàu ! Rõ chán !

Nếu “nàng dâu” lang thang với người nghèo thì “mẹ chồng” quất luôn : Làm cha gì cứ la cà với cái đám nghèo đó ! Cha chả ra Cha ! Cụ chả ra cụ ! Cứ lang thang với mấy người đó ! Rách việc

Nếu “nàng dâu” hài hài lên phây búc diễu diễu tí thì “mẹ chồng” bảo “nàng dâu” không chỉn chu ! Suốt ngày lên mạng

Nếu “nàng dâu” khép cửa phòng thì “mẹ chồng” bảo : Cha gì mà tu kín thế ! Khinh người thế !

Nếu “nàng dâu” hay la cà ăn uống thì “mẹ chồng” bảo : Ồ ! Cha gì mà suốt ngày chỉ ăn với nhậu !

Nếu “nàng dâu” gom tiền về giữ thì “mẹ chồng” kiện Tòa Giám Mục là “nàng dâu” bo bo giữ tiền

Chung chung là nhất cử nhất động “nàng dâu” mà động đậy là có thư lên Tòa Giám Mục ngay.

Có những “nàng dâu” phải rút êm để bảo toàn “sinh mạng”.

Xét cho bằng cùng, thì dù sao cũng là người cả. Thế nhưng cũng tiếc, có khi có những “nàng dâu” quá quắt quá để rồi “mẹ chồng” chịu hết nổi nên có xứ “mẹ chồng” “bê” “nàng dâu” trả về “nơi sản xuất”.

Thật vậy, giáo xứ như một gia đình, khó để mà hòa thuận với nhau vì lẽ ai sống đời gia đình cũng hiểu mà ! Gia đình nào không có vấn đề. Chén ở trong chạn còn khua cơ mà !

Cũng trong một giáo xứ ! Hay tin Cha chuyển xứ thì kẻ buồn người vui. Người hòa hợp với Cha xứ và làm việc ăn ý với Cha xứ thì có vẻ tiếc nuối vì từ nay “con mất Cha rồi”, từ nay “Cha đã ra đi thật rồi”. Còn với người bất đồng và không ăn ý thì thầm vỗ tay và cũng có khi mở tiệc để ăn mừng.

Thôi thì trong cái thân phận con người. Cả đời tu cũng thế ! Có khi chuyện thuyên chuyển cũng là chuyện may rủi của con người mà thôi. Nếu Đấng Bản Quyền biết vị nào đó mà về xứ đó bị bể thì có cho thêm tiền Đấng Bản Quyền cũng chả cho về đâu bởi lẽ khi dân chúng gào thét thì Đấng Bản Quyền cũng mất ăn mất  ngủ chứ không đùa.

Có xứ thì có “đứa” nó hăm dọa : “Con mà lên Tòa Tổng là Cha chết với con !”.

Nghe thế ai mà chả sợ !

Như một gia đình, nên chăng chúng ta bao dung với nhau để dễ sống. Cha này đến, Cha khác đi là chuyện bình thường mà. Chúng ta cũng có ở mãi ở trần gian này đâu. Trần gian cũng chỉ là quán trọ mà thôi.

Như một gia đình, may mắn thì thuận hòa. Kém may mắn thì lục đục với nhau tí. Thế nhưng mỗi chúng ta nên nhớ rằng chúng ta là người Công Giáo để rồi dù có tức, có giận đi chăng nữa thì ta cũng nên phản ứng với nhau một cách có nhân bản, nhân cách Kitô  giáo chút xíu. Tiếc thay là có những hình ảnh không vui xảy ra ở giáo xứ này giáo xứ kia tung lên mạng. Làm như thế chỉ thỏa lòng thỏa dạ một lúc nào đó thôi nhưng để lại những ấn tượng không đẹp gì cho những anh chị em sống chung quanh nhất là những người chưa vào Đạo Công Giáo.

Mùa thuyên chuyển mà ! Lúc nào cũng có nụ cười và nước mắt ! Thôi thì trong cái phận người, chúng ta đón nhận nhau để cùng nhau góp phần xây dựng giáo xứ của chúng ta cách tốt nhất có thể. Nếu như không đóng góp được gì cho giáo xứ thì cũng xin đừng phá hoại giáo xứ.

Cha Xứ của gia đình chúng tôi ở cũng thay đổi. Gia đình chúng tôi biết ơn Cha Xứ và trân trọng tình cảm Cha Xứ dành cho gia đình chúng tôi dẫu rằng gia đình chúng tôi nghèo, cũng chả đóng góp gì cho Giáo Xứ. Dù sao đi chăng nữa chúng tôi vẫn vui, vẫn hãnh diện vì dẫu  rằng không góp gì cho Xứ nhưng cũng không phá bĩnh giáo xứ và Cha Xứ.

Mỗi khi có dịp, Cha Xứ vẫn ân cần với gia đình như người Mẹ ủ ấp đàn con với gia đình chúng tôi và cộng đoàn giáo xứ.

Hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương, hãy thêm lời cầu nguyện cho nhau chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa hay lên án.

Rồi lần lượt từng người tình sẽ bỏ chúng ta đi thôi. Hãy sống sao để dù ra đi rồi lòng vẫn nhớ về nhau vì dù sao cũng một thời chung sống với nhau trong cùng một xứ đạo.

Lm. Anmai, CSsR