Mùa Chay suy niệm sự trở về

99

trove2Trong số các mùa của năm phụng vụ thì Mùa Chay luôn gợi lại trong tâm trí chúng ta ấn tượng về điều gì đó dường như là khô khan, sầu buồn: Không có lễ cưới, bàn thờ không trưng hoa, không đọc Halleluia sau Phúc Âm, lại năng ngắm đàng Thánh Giá, ngắm Sự Thương Khó Chúa Giêsu v.v… Tất cả những hình thức ấy tất nhiên phải chứa đựng một ý nghĩa nào đó mà theo tôi chính là để nhắc nhở cho ta sự trở về. Thật vậy ai cũng biết Lễ Tro là khởi đầu của Mùa Chay. Trong Thánh Lễ có lời Chúa nhắc nhở: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành từ bi nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về các tai họa. Biết đâu Người sẽ trở lại mà hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ dâng lên Chúa  là Thiên Chúa các ngươi” (Ge 2, 12 -14).

Tại sao trở về với Chúa lại phải diễn ra trong nước mắt và than van? Lý do bởi vì Thiên Chúa là Đấng Cha, nội tại ở trong ta. Quả thật Thiên Chúa là Cha nhưng vì vô minh nên con người không một ai nhận biết ngoại trừ Đức Kitô: “Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” (Mt 11, 27). Đức Kitô xuống thế mạc khải Đấng Cha có nghĩa là Ngài đã chỉ cho chúng ta một sự thật và sự thật ấy vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người nhưng không một ai nhận biết.

Tôn giáo cũng gọi là đạo, tức con đường tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên việc tìm kiếm ấy không phải là tìm cái chi đó ở bên ngoài nơi thế giới ngoại vật nhưng nó đã sẵn đủ ở nơi mình, chỉ cần quay về là gặp. Đức Kitô đã diễn tả ý này qua dụ ngôn “Người con hoang đàng trở về”. Người con ấy có một người cha giàu có vô lượng và đầy tình thương yêu. Thế nhưng bởi không nhận thức được điều ấy nên người con mới đòi chia gia tài để ra đi tìm kiếm hạnh phúc mà anh ta tưởng rằng sẽ có ở một nơi nào đó. Có mớ tài sản trong tay, người con mặc tình ăn chơi phung phí cho đến khi hết tiền, hết bạc hết cả bạn bè, đói khổ đến nỗi muốn xin cả cám heo để ăn mà người ta cũng không cho. Quá ư đau khổ, người con mới ngộ ra một điều rằng biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật mà ta đây lại phải chết đói” (Lc 15, 17).

Nhận biết khổ là bước đầu cần thiết trong tiến trình tìm kiếm chân lý. Nhận biết khổ cũng có nghĩa là nhận ra sự phù phiếm của thế gian đồng thời không còn có chỗ nào nữa để bám víu nương tựa. Bước thứ hai là nhận biết tội lỗi mình: “Cha ơi, con đã lỗi phạm với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin hãy đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” (Lc 15, 18).

Nhận biết tội và thành tâm hối lỗi đó là ý nghĩa của nước mắt và than van… Mặt khác việc hối lỗi ấy chỉ thành thật khi nào con người nhận thức được nỗi khổ mà mình đang gánh chịu. Nỗi thống khổ thật sự của con người trong mọi thời mọi nơi không phải là vì đói cơm rách áo nhưng là bởi vô minh không nhận biết sự thật. Phật Thích Ca nói: Nỗi khổ bị thiêu đốt ở địa ngục. Nỗi khổ của con lạc đà chở nặng. Nỗi khổ đói khát của loài quỷ đói chưa gọi là khổ. Ngu si không biết lối đi mới thật là khổ” (Kinh Lời Vàng). Khổ vì bị thiêu đốt trong địa ngục, khổ vì đói khát của ngạ quỷ… chưa thực là khổ bởi vì đó chỉ là hậu quả của cái nhân vô minh. Bao lâu còn bị vô minh trói buộc thì còn gây tội mà tội đã gây thì không có cách chi thoát khỏi khổ não. Chính bởi lẽ đó ta thấy vấn đề khổ đau của con người chỉ có thể giải quyết bằng cách diệt trừ cái nhân vô minh ấy đi. Mùa Chay là cơ hội vô cùng quý báu để giúp ta trở về với Đấng ở nơi mình. Trở về chỉ có thể là về với Đấng ở nơi mình. Cũng chính bởi vậy Chúa mới đòi ta cần xé lòng chứ không phải xé áo. Ý nghĩa của việc xé lòng ở đây chính là con đường từ bỏ của Đức Kitô.

I- Con đường từ bỏ

Vô minh hình thành bởi hai cái chấp, một là chấp xác thân là mình, hai là chấp tâm tưởng là mình. Để có thể trở về với Đấng Chúa ở nơi mình thì nhất thiết cần trừ bỏ hai cái chấp ấy đi. Đức Lão Tử nói: “Ta sở dĩ có nỗi lo lớn là vì có thân. Nếu ta không có thân thì chẳng có lo” (Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn – ĐĐK chương 13). Người ta không ai mà không có thân xác nhưng cũng chính vì vậy nên mới khổ. Lý do bởi vì có thân thì phải lo cho nó cái ăn cái mặc. Không ăn thì đói lả bước đi không nổi. Không có áo quần thì không có cái gì che thân, rét mướt  chịu không thấu. Lại nữa có thân thì  có bệnh, có già, có chết, chẳng tránh đi đâu được. Có thân thì phải lo cho thân, điều ấy rất tự nhiên không có chi để nói. Tuy nhiên, cái thật sự làm nên tội ở đây không phải là vì có thân nhưng do chấp xác thân là mình. Chính bởi chấp xác là mình nên mới làm đủ cách để cung phụng cho nó mọi thứ đặc sản cao lương mỹ vị. Mặc cho nó lụa là gấm vóc, làm nhà cao cửa rộng với đầy đủ tiện nghi cho nó. Một khi đã lo như thế thì phải làm sao có thật nhiều tiền, nhiều thế lực để bảo đảm không những cho bản thân mà còn cho con cái cháu chắt, kể cả các… đồng chí của mình nữa!!! Lo thì lo như vậy đấy nhưng rồi vẫn bệnh vẫn già vẫn chết có được gì đâu? Người đời có ngàn vạn nỗi lo, có vẻ như không lo không được nhưng Đức Kitô lại nói: “Vậy nên Ta nói cùng các ngươi, đừng lo lắng về mạng sống mình, phải ăn gì uống gì hoặc về thân thể mình phải mặc gì. Mạng sống há chẳng hơn đồ ăn và thân thể hơn đồ mặc sao?” (Mt 6, 25).

Chúa nói đừng quá ư lo lắng cho thân xác bởi vì có lo đến đâu thì nó cũng phải có ngày tan hoại. Với Chúa thì điều đáng cần lo là lo tìm kiếm Nước Trời, cái không bao giờ hư hoại: “Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho” (Mt 6, 33). Nước Trời cần tìm kiếm ấy, mầu nhiệm thay lại chẳng ở đâu xa mà đã sẵn đủ ngay ở nơi mình, chỉ cần quay về là gặp. Bởi vì Nước Trời là một thực tại tâm linh thế nên mới cần quay về và việc quay về ấy chính là để làm hòa với Đấng ở nơi mình. Có tinh thần làm hòa như thế thì việc ăn chay mới có ý nghĩa. Trái lại thì đáng bị phê phán: “Khi các ngươi ăn chay chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình vì họ nhăn mặt để tỏ vẻ kiêng ăn với với người ta. Quả thật Ta nói cùng các ngươi họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi khi ăn chay hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt hầu không tỏ vẻ kiêng ăn với người ta nhưng chỉ tỏ cho Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” (Mt 6, 16-18).

Bởi Thiên Chúa là Đấng ở nơi ẩn mật tức trong chốn thẳm sâu tâm hồn thế nên cần phá chấp mới có thể vào (ngộ nhập) với Ngài được. Tuy nhiên trong hai cái chấp cần phải phá ấy thì chấp tâm là khó phá hơn cả bởi vì đó chính là ý riêng cái làm cho ta xa cách Thiên Chúa: “Không sự gì cũng không ai có thể làm ta xa cách Thiên Chúa, dù cả loài người hay dù cả các quỷ trong Hỏa Ngục hợp lại. Không một sự gì có thể, chỉ trừ ý riêng thôi. Theo lời Thánh Benado nói gỉa  sử trong loài người khỏi được cái tai vạ này, tức không còn ai theo ý riêng tất sẽ không còn Hỏa Ngục. Nó là kẻ thù phá tiệt mọi nhân đức” (Thánh Alphongse – Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện).

Tại sao ý riêng lại là thứ tai vạ lớn như thế? Xin thưa là vì đó là mưu chước của Sa Tan nó khiến nguyên tổ xưa  kia bị đuổi khỏi Địa Đàng (Paradis) và  con người ngày nay đã quên mất đường về.

II- Đường về Nhà Cha

Nhân loại hôm nay như đang ở bên bờ của sự diệt vong mà nguyên nhân đưa đến cho nó theo Heidegger – triết gia hàng đầu của thế kỷ 20 nói là do đã Lãng Quên Tính Thể (Oublie de L’ETRE). Nói “Tính Thể” là theo triết học còn thần học gọi là Thiên Chúa. Triết học “Quên” Bản Tính còn thần học thì… khai tử Thiên Chúa (Theologie de la mort de Dieu). Quên Thiên Chúa cũng tức là quên mất phẩm tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Một khi đã “ Quên” như thế thì con người mặc nhiên trở thành những đứa con hoang, sống mà không biết  mục đích sống để làm gì. Người có đạo là người có con đường  tâm linh để bước đi nhưng bước đi thế nào được nếu không có Đức Kitô dẫn đường chỉ lối: “Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Câu này là một mệnh đề hoàn chỉnh gồm có hai vế không thể tách rời. Tách đi một vế thì vế còn lại trở nên vô nghĩa. Thần học ngày nay với chủ trương Qui Kitô (Christocentrisme) đã tách đi vế hai để chỉ còn vế một “Ta là đường là sự thật và là sự sống”. Tách như thế thì  đường tâm linh đương nhiên trở thành… đường cụt, tức đã mất đường về với Cha.

Con đường trở về ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, một là trở về với Đấng Cha nội tại tức Bản Tính Con Thiên Chúa nơi mình, Để có thể theo được nghĩa này thì chỉ có những bậc đại triệt đại ngộ như tiên tri Isaia thời Cựu hoặc Thánh Antôn ẩn tu, Thánh Phanxicô Assisi thời Tân Ước mới có thể thực hiện. Còn với tuyệt đại đa số thì đường về ấy là về Quê Thật là Nước Thiên Đàng đời sau. Mặc dầu vậy, cả hai con đường này đều rất chân thật đồng thời đòi hỏi mỗi người cần thực hiện đầy đủ cả ba nhân đức Tin Cậy Mến. Tin ở đây trước hết là tin vào lượng từ bi nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa Đấng quả thật là Cha mình. Đấng Cha ấy như trong dụ ngôn là người cha đầy lòng thương xót “Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha. Khi còn ở đàng xa cha thấy nó thì động lòng thương xót chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn riết” (Lc 15, 20).

Mùa Chay còn gọi là Mùa Đại Phúc với hàm ý đây là quãng thời gian vô cùng quý báu dành cho mỗi người, bất kể người ấy đã xa lìa Chúa bao lâu, phạm những tội lỗi gớm ghiếc nào… Hơn nữa tội càng nhiều bao nhiêu lại càng được thứ tha nhiều bấy nhiêu nếu thực lòng sám hối ăn năn. Bởi lẽ chính những con người ấy mới là đối tượng của lòng xót thương “Bởi Con Người  đến để cứu vớt kẻ bị hư mất” (Mt 18, 11).

Trà Cổ, Mùa Chay Thánh 2014
Phùng Văn Hóa