Người Công Giáo ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đỉnh cao nơi cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô nên để có thể dọn lòng và chuẩn bị xứng đáng, theo truyền thống được gìn giữ từ xưa, họ có 40 ngày để hoán cải đời sống, thực thi những việc bác ái, trở về với Chúa… Trong mùa Chay, chúng ta mang một tâm trạng có chút “u buồn”. Các linh mục mặc áo tím khi dâng lễ. Bàn thờ không trang trí hoa. Các bản thánh ca cũng gợi lên giai điệu da diết, với nội dung mời gọi “sám hối ăn năn”. Các bài đọc trong Thánh Lễ cố gắng đưa các tín hữu đi vào lòng mình, trở về với lời mời gọi yêu thương tha thiết của Chúa. Chúng ta được mời gọi sống sự “chay tịnh” trong mọi phương diện: ăn chay, uống chay, ngủ chay, nói chay, năng làm việc lành phúc đức, kiêng khem những xa hoa…
Mùa Chay năm nay dường như trở nên ảm đạm hơn bởi điều mà trong khoảng thời gian qua, dân mạng vẫn hay bàn tán: “sự viếng thăm của Cô Vi (virus Covid-19)”. Xuất phát từ một thành phố, nay Cô-Vi đã lan tràn khắp thế giới, trở thành nỗi khiếp sợ cho tất cả mọi người. Hiếm khi người ta cảm nghiệm được cái ám ảnh của Thần Chết đến vậy. Số ca nhiễm ngày một tăng, chẳng ai biết chính xác số người chết vì cơn dịch này là bao nhiêu. Có những lời oán trách và những “thuyết âm mưu diệt chủng” mang tính chính trị. Có những tiếng đồn về việc đã tìm ra được thuốc chữa… Nhưng tất cả cũng chẳng giải quyết được gì. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều bị con virus nhỏ nhoi này làm tổn hại, đến độ có thể phá sản. Ngay cả lĩnh vực tôn giáo cũng không ngoại lệ. Các nhà thờ phải đóng cửa… Không một người vô tư nào có thể không cảnh giác và không thực hiện những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình và người thân trước nguy cơ bị lây nhiễm.
Con Virus này đã trở thành đại hoạ cho nhân loại chỉ ngay khi chúng ta bước vào năm mới với biết bao lời khẩn cầu xin ơn bình an từ Tạo Hoá. Nhưng dưới góc nhìn nào đó, nó đã giúp nhân loại đi vào mùa Chay với một tâm thế thực tế nhất. Chưa bao giờ ta bỗng cảm thấy mình cần phải sống tinh thần mùa Chay một cách rõ ràng như lúc này: không phải chỉ một mình ta, không phải chỉ những người Công Giáo, mà là toàn nhân loại.
Mùa Chay nhắc nhở chúng ta về cái vô thường của cuộc sống. “Đời người như hoa sớm nở chiều tàn” là câu nói ta vẫn nghe rất nhiều lần. Nhưng chắc chưa có lần nào chúng ta cảm nghiệm được tính chân lý của nó như lúc này khi đọc tin tức trên báo đài, TV, thấy người ta “chết như rạ”. Trớ trêu thay, cho đến nay, những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Corona là những nước phát triển thuộc hạng nhất của thế giới. Bệnh nhân N bị nhiễm Virus khi bay từ Anh về Việt Nam đã ở khoang hạng VIP, giá một vé có khi bằng cả một gia tài. Bởi thế mới nói, công danh tiền tài không làm cho người ta miễn nhiễm với bệnh tật. Thần Chết chưa bao giờ nhận quà hối lộ từ con người. Cái chết có thể viếng thăm bất cứ ai. Ý thức về sự ngắn ngủi của kiếp người có lẽ chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy trong khoảng thời gian này.
Mùa Chay là thời gian tăng cường cầu nguyện và nài xin lòng thương xót của Chúa. Trước cơn đại hoạ, tất cả chúng ta bỗng dưng thấy cần có nhu cầu hướng về Chúa. Bao lâu nay, Kinh Thánh vẫn bảo chúng ta “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Nhưng có bao giờ ta lắng nghe và làm theo đâu! Giờ đây, bất lực trước Corona, ta mới thấy chốn nương tựa duy nhất của mình chỉ có thể là Thiên Chúa. Tất cả mọi tín đồ đều ngước nhìn về Thần Linh của mình, xin ơn khoẻ mạnh, bình an, xin cho các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc chữa trị. Có lẽ nếu không bị đặt vào tình thế bi đát, con người chúng ta vẫn cứ cứng đầu, ỷ lại vào lý trí, khả năng và phát kiến khoa học, gạt bỏ mọi nhu cầu tâm linh.
Mùa Chay bảo chúng ta “đừng ra ngoài nhiều nhưng hãy ở nhà”. Các chuyên gia khuyên người dân không nên tụ tập chỗ đông người, vì có thể làm lây lan dịch bệnh. Ở nhà thì tốt hơn. Bớt tiếp xúc trực tiếp cũng là điều nên làm. Người ta bị buộc về với vị trí “im lặng”. Một sự im lặng đúng nghĩa sẽ đưa người ta về “nhà” đích thực của mình là tận cõi lòng. Mùa Chay, ta bớt nói những lời xàm xí, bớt mở miệng vì có thể làm văng những “chất dịch” dơ bẩn từ mình sang người khác, làm tổn thương đến họ. Hãy đeo khẩu trang, một thứ khẩu trang đủ sức ngăn chặn những điêu ngoa, lọc lừa. Bịt miệng mình lại để suy nghĩ nhiều hơn là chỉ trích, cân nhắc nhiều hơn là phê bình, cảm nhận nhiều hơn là nói loạn xạ. Hãy ở nhà, ở lại với chính mình, về với lòng mình! Như thế, sẽ an toàn hơn rất nhiều so với việc cứ thích “trẩy đi phương xa” như người con thứ (x.Lc 15,13) hay “không chịu vào nhà” như người con trưởng (x.Lc 15,28).
Mùa Chay bảo chúng ta “phải sạch sẽ, ngăn nắp hơn trong cuộc sống”. Một trong những cách phòng ngừa bệnh dịch là phải bỏ đi lối sống dơ bẩn, cẩu thả, bừa bộn. Đôi khi ta cũng cần thời gian để nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống của mình, xem nó có cần phải được chỉnh sửa điều gì không, bỏ bớt cái gì không. Cơn lốc xoáy của mưu sinh đã đưa chúng ta vào những guồng quay vô tận, đến độ nhiều khi ta chẳng biết là mình có còn đang sống hay không, hay chỉ đơn giản là cố gắng để tồn tại cho qua ngày đoạn tháng. Đây là lúc ta được mời gọi để trả lời cho câu hỏi “đâu là giá trị và ý nghĩa sự hiện hữu của mình”. Có những tương quan đã bị ta bỏ quên, lại có những tương quan cứ làm ta phải đau đầu. Có những giá trị đang chờ ta theo đuổi, và cũng có những đam mê đang giết chết ta mà ta cứ lao vào như những con thiêu thân. Phòng dịch Corona, “sạch sẽ và ngăn nắp nhà cửa”, cũng là lúc ta ngồi xuống sắp xếp lại cuộc đời mình, đưa những giá trị vào đúng bậc thang của nó và định hướng cuộc sống của mình cho tốt hơn.
Mùa Chay khuyên chúng ta phải ý thức về hành vi “rửa tay” của mình. Philato đã “rửa tay” công khai như một hành vi thoái thác cho quyết định giết Đức Giêsu của mình (x.Mt 27,24). Đây là một kiểu rửa tay để phủ nhận, rửa tay mang tính tiêu cực. Để được miễn nhiễm với virus, giữ cơ thể sạch sẽ là điều rất cần thiết. Cái rửa đó phải mang tính tích cực. Không chỉ thể xác nhưng linh hồn cũng cần phải sạch. Hình ảnh “rửa sạch” để khỏi bị nhiễm bệnh mời gọi chúng ta đi đến một sự thanh tẩy trọn vẹn. Giao hoà với anh chị em, đến với toà giải tội chính là những phương thế giúp chúng ta được sạch sẽ theo nghĩa này. Chúng ta cần một thái độ như David (“Lạy Chúa, xin rửa con sạch mọi lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” – Tv 50 (51),4), hay như Phêrô (“Thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” – Ga 13,9). Rửa tay để phòng bệnh thì loại bỏ những thứ có nguy cơ mang virus độc hại vào cơ thể; còn rửa linh hồn thì cần một sự sám hối và ơn Chúa. “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,28). Chúa như đang nhắc nhở ta: Corona không phải là thứ quyền lực nhất, vì Corona chỉ có thể giết thân xác; Chúa mới là Đấng nắm toàn quyền sinh tử trên ta.
Năm nay, cả nhân loại cùng sống mùa Chay. Tất cả, dù muốn hay không, đều phải ở nhà, dọn dẹp lại nhà cửa, rửa tay cho sạch, đeo khẩu trang, bớt tiếp xúc… Tất cả những hành vi này vốn dĩ là thể lý và ngoại tại, nhưng cũng có thể được thực thi ở phương diện thiêng liêng và nội tại: trở về với lòng mình, xác định lại các giá trị cuộc sống, thanh tẩy tâm hồn, cầu nguyện và sám hối nhiều hơn… Con Corona đáng sợ thật, nhưng nghĩ kỹ lại, nó giúp người ta hiểu và cảm nhận ý nghĩa đích thực của mùa Chay cách rõ nét, sống động, thực tế và hiệu quả hơn bao giờ hết, phải không?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ