Mùa báo hiếu – Mùa hiệp thông

33

imagesNgười ta thường sợ hãi gọi tháng bảy âm lịch là tháng cô hồn vì lo lắng các linh hồn sẽ về phá quấy. Giáo Hội Việt Nam thì hân hoan, vui mừng gọi tháng 11 là tháng của “Mùa báo hiếu – mùa hiệp thông”. Bởi lẽ, đây là tháng Giáo Hội nhớ đến các bậc tổ tiên, những người đã gửi lời vĩnh biệt thế gian.

Bước vào tháng 11, ngày 01-11 là ngày lễ kính trọng thể các Thánh Nam Nữ. Các ngài đã được vinh hiển, được hưởng niềm sung mãn nhờ vào lòng từ bi nhân lành của Thiên Chúa. Các ngài hằng ngự trước tôn nhan Cha và luôn chuyển cầu cho chúng ta đang lữ hành tiến về quê Trời, để một ngày không xa chúng ta được sum họp với các ngài mà chiêm ngưỡng nhan thánh Cha Chí Thánh.

Nhưng còn bao linh hồn chưa đủ “thánh thiện” thì sao ? Đó là lí do mà Giáo Hội đặt để tháng 11 và cử hành Thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho họ vào ngày 02-11. Ấy là các  linh hồn đang phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ rất có thể là những bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị hay bạn bè, người quen của chúng ta. Họ đang khao khát những lời cầu nguyện, hy sinh và nhất là Thánh lễ mà chúng ta chuyển cầu  cho họ, để linh hồn họ sớm nên “thánh thiện”. Chính việc chúng ta thương nhớ, tưởng niệm, hiệp thông để cầu nguyện trong lòng tin, thể hiện niềm thảo kính ấy là việc làm rất đạo đức và thánh thiện.

Tôi nhớ tháng 11 ở quê tôi. Sau Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời ở nhà thờ, tất cả mọi người từ những bậc lão niên chống gậy đến những đứa con nít hồ hởi cùng nhau hướng về khu đất nghĩa trang. Không ai bảo ai, họ tự trang hoàng lại những nấm mộ của người thân ; họ thắp nến, đốt nhang và cùng nhau dâng lời cầu nguyện tha thiết cho linh hồn những người đã ra đi trước họ. Khung cảnh ấy đã đẹp lại thêm huyền ảo trong nền trời tối đen. Những cây nến cháy sáng lung linh, những làn hương thơm nhè nhẹ và cả những lời kinh, tiếng hát ngân vang làm nổi bật, đánh tan bầu khí vắng lặng.

Hướng về các linh hồn để tưởng nhớ, nhưng cũng là dịp để báo hiếu. Bao nỗi lòng ân hận, day dứt của những đứa con khi chưa sống trọn chữ Hiếu lúc ông bà, cha mẹ còn sống. Những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào với bao kỉ niệm xưa dồn về trong kẻ sống khi đứng trước nấm mộ kẻ chết…tất cả đã không còn nữa. Kẻ sống chỉ còn con đường bày tỏ niềm nhớ thương, lòng thảo kính qua những ánh nến, làn hương và những lời kinh, hy sinh cầu nguyện, với niềm hy vọng linh hồn những người thân yêu ấy sớm được hưởng tôn nhan Cha Chí Thánh trên trời. Cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta đang làm trọn Đạo Hiếu, Đạo Yêu Thương mà các ngài đang khát khao mong đợi… để ngày sau, trên quê hương Nước Trời, chúng ta sẽ sum họp cùng các Thánh, gia tộc thiêng liêng, những người thân yêu, mà ca tụng lòng từ bi lân tuất Chúa không hề ngơi…

Đứng trước những nấm mộ, hẳn lòng chúng ta không khỏi rung động, rung động trước một huyền nhiệm rất sâu thẳm nhưng cũng rất đỗi hiện thực : sự sống và sự chết không có ranh giới. Cái chết là ngưỡng cửa mở ra cho chúng ta bước vào cuộc sống mới, sự sống chân thật, sự sống vĩnh cữu… nhưng cái chết đến khi nào, nơi nào, cách nào thì không ai biết, chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi. Vậy nên, chúng ta cần ý thức hơn ngày tận thế của đời mình mà sống như đầy tớ khôn ngoan và trung tín đợi giờ chủ về. Nếu đời này con người sống trong tình yêu tha thứ, khoan dung, nhân hậu… thì đời sau, khi bước qua ngưỡng cửa sự chết, con người cũng sẽ ở trong tình yêu sung mãn, trong cung lòng của Đấng Tình Yêu. Như vậy, cái chết không còn là nỗi sợ hãi nhưng trở nên một mối lợi tuyệt vời cho mỗi Kitô hữu chúng ta.

Vậy, để đáp lại ân sâu nghĩa nặng và lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân, chúng ta hãy tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, hy sinh, cũng như quyết tâm sống xứng đáng với những công đức và di sản các vị để lại. Và hãy cùng nhau xây dựng đời sống thiện hảo, phát huy sản nghiệp đức tin Công giáo cho tình yêu gia tộc ngày thêm vững mạnh và thắm thiết. Chúng ta hãy cùng nhau bồi đắp tình yêu tha nhân thêm mặn mà, để đem lại cho nhau niềm hy vọng, tin yêu vào cuộc sống hơn. Có như vậy, ngọn nến chúng ta thắp, nén hương chúng ta dâng lên trong “Mùa Báo Hiếu-Mùa Tình Hiệp Thông” mới có ý nghĩa thực sự.

Khi các linh hồn được thanh luyện nên “thánh thiện” sẽ về Quê hương Vĩnh Hằng,  các vị sẽ cầu nguyện và chờ đợi chúng ta trong niềm Hiệp Thông, gắn bó Yêu Thương, củng cố cho chúng ta là Giáo Hội lữ hành, được kiên vững trong đức tin mà nỗ lực sống thánh thiện, để mai này, chúng ta sẽ sum họp cùng các đấng mà ca tụng lòng từ bi lân tuất Chúa.

Rô-sa Na, Thanh tuyển sinh MTG Thủ Đức