Thường huấn 2009

72

MỘT VÀI KINH NGHIỆM HUẤN LUYỆN TU SĨ TRẺ HÔM NAY

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Dựa trên kinh nghiệm riêng khi tiếp xúc với một số Dòng Tu trong những năm qua, nhìn chung tu sĩ trẻ ngày nay có những ước mơ và những đòi hỏi về người huấn luyện.

Sau đây là chín nét mà họ thấy cần có nơi khuôn mặt nhà huấn luyện hôm nay.

1. Người huấn luyện  (NHL) là người có tự do nội tâm

NHL không còn bị hay ít bị chi phối bởi những đam mê hay tình cảm lệch lạc, không bị chi phối bởi tình cảm yêu hay ghét, thích hay không thích. NHL không quyết định vì có ác cảm hay bởi thù oán, ghen tỵ với ai. Như thế NHL là người trưởng thành về tình cảm. Sự trưởng thành này giúp NHL không có khuynh hướng lệch lạc với người dưới quyền, không lạm dụng, nhưng luôn giữ được sự chính trực và công bằng.

Hơn nữa, NHL là người trưởng thành về đời sống thiêng liêng, nghĩa là đã được giải phóng khỏi cái tôi, đã ra khỏi mình, đã “bình tâm” theo lối hiểu của thánh Inhaxiô Loyola, đã không còn muốn bám vào ý riêng của mình, vào kế hoạch của mình, dù điều đó là tốt. Nhưng NHL chỉ mong tìm ý Chúa và thực hiện, chỉ mong tìm ích chung cho cộng đoàn, cho sự lớn lên thực sự của từng thành viên. Như thế NHL là người say mê với cái hơn (MAGIS), thanh thoát và siêu thoát, không bị trói bởi ràng buộc nào, trừ những gì làm nên căn tính người tu sĩ của Dòng.

2. Người huấn luyện là con người thánh thiện

Người Thụ Huấn (NTH) trong đời tu rất mong gặp được, chạm được một mẫu mực thánh thiện đúng theo tinh thần Dòng tu của mình. Họ muốn gặp được một con người bằng xương bằng thịt đang sống trọn vẹn mẫu tu sĩ trong Hiến chương, để thấy rằng thánh thiện không phải là chuyện hoang tưởng, nhưng là một lý tưởng có thể đạt được với ơn Chúa. Thánh thiện đòi kết hiệp với Chúa liên tục trong mọi tình huống, gặp thấy Chúa trong mọi biến cố. NHL dĩ nhiên phải là con người cầu nguyện, con người luôn tìm kiếm ý Chúa và can đảm thực hiện, chứ không phải là người áp đặt ý mình trên người khác. NHL thánh thiện cũng là người biết nhận định cách khôn ngoan để phân biệt tác động của tà thần với tác động của Chúa.

NHL là người dạy dỗ và hướng dẫn không chỉ bằng lời, nhưng chủ yếu bằng gương sáng. Sống điều mình dạy, tránh nói mà không làm, gương mẫu về mọi mặt để người NTH có thể noi theo. Nơi con người của NHL, những NTH thấy sự thống nhất giữa các mặt khác nhau và cả các mặt đối nhau nữa, thí dụ như chiêm niệm và hoạt động, vâng phục và sáng kiến, cộng đoàn và tông đồ…

NHL là người có lửa và sẵn sàng chia lửa cho cộng đoàn. Sự thánh thiện của NHL còn được lộ ra qua mọi đức tính nhân bản mà mình đã tập được (Ph 4, 8-9). Sự giả hình và che đậy, sự dối trá quanh co, là những điều người tu sĩ trẻ hôm nay khó chấp nhận.

3. Người huấn luyện là người biết yêu quý từng thành viên thụ huấn

Tình yêu đối với từng người là điều quan trọng. Hơn nữa tình yêu ấy phải làm sao để được người thụ huấn (NTH) nhận ra. Tình yêu được diễn tả qua việc quan tâm đến sức khỏe, gia đình, đời sống tình cảm, học tập, cầu nguyện. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời gian NTH gặp khủng hoảng. Hỏi thăm là hình thức đơn sơ nhất và NTH nào cũng thích, miễn là biết cách để không có vẻ soi mói, điều tra. Con người là một giá trị phải được đặt lên trên công việc hay của cải vật chất.

Mỗi NTH có một lịch sử riêng, hoàn cảnh riêng, vấn đề riêng, tắt một lời, mỗi NTH là một thụ tạo độc đáo, nên cách gặp gỡ từng người cũng có phần khác nhau. Cũng nên biết NTH đang ở trong giai đoạn nào của chương trình huấn luyện, để từ đó không đòi hỏi quá đáng.

Đồng hành là thái độ ngày nay người ta thích nói đến trong việc huấn luyện. Đồng hành là cùng đi với NTH, đi cùng một nhịp nhanh chậm với người ấy, không hẳn là luôn luôn đi trước mở đường, dẫn đường như một người thầy, nhưng trở nên bạn đi chung với người ấy.

Dành giờ để gặp riêng từng người sẽ giúp tạo sự thông cảm, hiểu biết nhau, nhờ đó việc huấn luyện sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn.

Sự hiện diện khá thường xuyên của NHL tại cộng đoàn là điều cần thiết. Nó cho thấy NHL coi trọng việc huấn luyện và các NTH hơn các việc tông đồ hay những mối bận tâm khác. Phải cho các NTH thấy là mình rất hạnh phúc khi được sống bên cạnh họ. Huấn luyện là việc tông đồ ưu tiên của dòng tu vì qua việc này chúng ta sinh ra những nhà tông đồ mới để đáp ứng nhu cầu tông đồ. Tích cực tham dự các sinh hoạt cộng đoàn như lao động, giải trí, cầu nguyện, học tập, tĩnh tâm, picnic, nghỉ hè, thăm nhà nhau…cũng giúp tạo ra sự gần gũi và thấy được con người thật của NTH.

4. Người huấn luyện là người biết đối thoại, biết lắng nghe

Lắng nghe tích cực là một hành vi của trái tim. Chỉ trái tim yêu thương mới nghe được những điều nằm ẩn sau lớp vỏ của ngôn từ. Chỉ khi thực sự muốn nghe, ta mới nghe thấy điều cần biết. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, đó không phải chỉ là châm ngôn của Prudential, mà còn là của NHL. Chỉ khi hiểu một người từ bên trong, ta mới có thể huấn luyện người ấy. NHL hôm nay cần nỗ lực nghe nhiều mới hy vọng hiểu được lối suy nghĩ, lối nói và lối phản ứng của NTH. Nếu không, có nguy cơ hiểu lầm, từ đó tạo đau khổ cho mình và quyết định sai cho NTH.

NHL cần tránh thái độ vội vã xét đoán, vội vã kết luận. Cần kiểm chứng từ nhiều nguồn trước khi kết luận, nhất là cần nghe ý kiến biện hộ của người bị tố cáo. Được lắng nghe là quyền của NTH, chúng ta tôn trọng quyền này. Ngay cả những điều chúng ta thấy tận mắt cũng chưa thể dẫn đến một khẳng định nào, vì chúng ta không lường hết được mọi tình huống.

Lắng nghe tích cực là dám hỏi ý và nghe góp ý của người khác, dù là những điều rất khó nghe vì đòi mình phải thay đổi. NHL càng ít tự ái khi nghe những lời phê bình, càng ít tự mãn về hiểu biết của mình, thì càng dễ lắng nghe. Chúng ta tôn trọng tri thức chuyên môn của các NTH, chúng ta không cho rằng mình biết mọi sự nên chúng ta cần tham vấn chính các NTH về chuyên ngành của họ.

Đối với NHL, lắng nghe là tin Thiên Chúa nói với mình qua NTH và cùng với người NTH, NHL tìm ra con đường riêng tư mà Chúa muốn NTH đi.

5. Người huấn luyện là người biết tôn trọng người thụ huấn

Không dùng quyền một cách vội vã, dù chính đáng. Cần cân nhắc, đắn đo trước khi bắt tay hành động. Hơn nữa, còn phải xem nên làm gì, làm khi nào hay nơi nào thuận tiện, và làm cách nào để đạt kết quả tốt nhất. Nói chung càng ít ra lệnh càng tốt. Ít ra lệnh thì lệnh mới nghiêm.

Khi cần góp ý, tránh mắng nhiếc, mạt sát, làm nhục một người được Chúa gọi và chọn. Cần sửa lỗi NTH một cách bình tĩnh, không la lối, không nổi giận, kín đáo, tế nhị, thận trọng. Nên phê phán hành vi sai lỗi hơn là phê phán người phạm lỗi.

Tôn trọng NTH còn được thể hiện qua việc để họ được tự do trong những gì không mấy quan trọng, để họ được đưa ra sáng kiến, được thể hiện chính mình. Có khi chấp nhận để họ mạo hiểm áp dụng những cách xử lý mới. Dù họ có thể có những vấp váp, sai sót trong bước đầu, nhưng NHL giúp họ biết điều chỉnh và rút kinh nghiệm hơn là đưa ra những chỉ dẫn quá chặt chẽ, chi li, bóp chết mọi suy nghĩ và sáng tạo.

Như thế cần tin tưởng nơi từng người. Dò xét thường bị coi là thiếu tin tưởng. Vấn đề là làm sao NHL biết được NTH mà lại không có vẻ dò xét?

Người thụ huấn cần có một không gian riêng tư để thở, để là mình, để lớn lên.

Họ cũng cần có không gian riêng với nhau và chúng ta tôn trọng không gian ấy ở mức độ nào đó.

NHL là khí cụ của Thiên Chúa sử dụng nên cần tôn trọng Thiên Chúa. Ngài là NHL xuyên qua những biến cố Ngài cho phép xảy ra trong cuộc đời NTH. Thiên Chúa vẫn huấn luyện NTH qua những tiếng thì thầm, mách bảo, trách cứ, khích lệ… Là NHL, chúng ta phải thấy được và tôn trọng lối huấn luyện của Thiên Chúa cho từng con người.

Cộng đoàn cũng là một NHL. Nhận xét của cộng đoàn có thể uốn nắn và thay đổi NTH, nhất là khi nhận xét đó khách quan và xây dựng. Ngoài ra một số bạn thân của NTH cũng có thể giúp giải quyết những khó khăn nhỏ mà không cần đến NHL. Chúng ta được coi như thành công khi các NTH có khả năng nhắc nhở nhau, góp ý cho nhau, chứ không giữ thái độ dĩ hòa vi quý.

Chính NTH cũng là NHL cho bản thân mình. NTH cần biết mình phải chịu trách nhiệm về việc huấn luyện của mình, nghĩa là đồng trách nhiệm với NHL. Là NHL, chúng ta coi trọng sự cộng tác của NTH trong việc huấn luyện.

6. Người huấn luyện là người lạc quan và đầy hy vọng

Người huấn luyện buồn là người huấn luyện đáng buồn. Không cần phải buồn mới giữ được tính nghiêm túc. Thời gian huấn luyện là thời gian không dễ dàng, vì thế niềm vui và nụ cười trên khuôn mặt NHL làm vơi nhẹ đi rất nhiều cho NTH. Bầu khí nhà huấn luyện chịu ảnh hưởng bởi tính khí của NHL.

Lạc quan được diễn tả qua việc có cái nhìn tích cực, có lời nói tích cực, có việc làm tích cực đối với NTH. Lạc quan là nhìn ra những điểm sáng giữa bóng tối, là tin tưởng và hy vọng không ngơi vào lòng tốt, sự phục thiện và quyết tâm của NTH. Lạc quan là giũ bỏ mọi thành kiến để nhìn NTH bằng cái nhìn mới, là không kể tội quá khứ, là cho NTH một cơ hội nữa để làm lại từ đầu sau những vấp ngã.

Thái độ bi quan vội vã có thể bóp chết những cố gắng của NTH để bước một bước mới, đồng thời thái độ này cũng làm cho NHL ở trong tình trạng căng thẳng và chán nản thường xuyên.

7. Người huấn luyện là người nhẫn nại, bao dung, cảm thông, uyển chuyển

NHL lý tưởng thì không dễ nóng giận, có giận cũng biết làm chủ cơn giận của mình, và giận có lý do chính đáng tương xứng. Sự tự chủ của NHL được biểu lộ qua việc sống chữ nhẫn với NTH, như Thiên Chúa đã sống chữ nhẫn với mình.

Nhẫn đòi phải chờ đợi, có khi trong thời gian dài, tưởng như vô ích. Muốn nhẫn nại cần phải khiêm tốn, vì nhẫn là chấp nhận ở kèo dưới, chấp nhận chịu đựng đau khổ từ phía người dưới quyền, chấp nhận không dùng quyền dù có thể dùng. Có NHL sợ nhẫn nại sẽ làm hư NTH. Nhưng trong thực tế NTH sẽ bị đánh động nhiều và sâu xa trước sự nhẫn nại vô bờ của NHL.

Bao dung là không chấp nhất những điều nhỏ mọn, không tính toán chi li, không bắt bẻ những thiếu sót vô ý, không nhớ dai và hay nhắc lại chuyện cũ. Quảng đại là cư xử rộng rãi hơn mức NTH dám mơ, cho đi điều mà NTH không dám đòi.

NTH hôm nay mong sự cảm thông từ phía NHL. Họ mong chúng ta hiểu những thách đố, cám dỗ mà họ phải gánh chịu. Họ cũng mong chúng ta tha thứ những vấp ngã của họ. Tu sĩ trẻ bây giờ chịu sức ép lớn hơn và cũng mong manh hơn. Họ không thích chúng ta so sánh thời xưa của chúng ta với thời nay của họ, để chê bai hay để làm mẫu. Họ không thích lấy tiêu chuẩn của thời trước để đánh giá thời này, mà trước hết không nghĩ xem tiêu chuẩn đó có còn hợp hay không.

Uyển chuyển, mềm mại, nhu thuận: đó là nét quan trọng của NHL. Biết lúc cương lúc nhu, biết thích nghi với tình huống cụ thể, không cứng nhắc, chấp nhận nguyên tắc chung phải theo, nhưng cũng chấp nhận ngoại lệ cho cá nhân. Không huấn luyện theo lối làm gạch, đúc viên nào cũng như nhau, nhưng bảo trì bản sắc riêng của mỗi NTH, dù họ vẫn có nét chung của đặc sủng mỗi dòng tu.

8. Người huấn luyện là người có khả năng lãnh đạo

Có thể nói NHL cần có những phẩm chất của người lãnh đạo. Quản trị, điều hành một cộng đoàn huấn luyện còn khó hơn điều khiển một công ty, vì mục tiêu nhắm tới không chỉ là lợi nhuận, mà là sự triển nở nhân cách của người sống đời thánh hiến.

Lãnh đạo cộng đoàn cần sự cộng tác của mọi thành viên trong cộng đoàn. NHL coi trọng sự đóng góp độc đáo của từng người, tùy theo khả năng Chúa ban.

Nguyên tắc bổ trợ hay phân quyền có thể được áp dụng ở một mức nào đó trong đời tu. Các công việc trong cộng đoàn được chia ra để mỗi người đều có trách nhiệm. Tôn trọng người đảm trách một công việc, cho họ chút tự do để suy nghĩ xem làm sao có kết quả tốt nhất, đó là cách làm họ trưởng thành và gắn bó với cộng đoàn.

Làm công việc huấn luyện vừa là một nghệ thuật, vừa là một ơn ban. Cần có những khả năng tự nhiên và những khả năng có được nhờ kinh nghiệm và nhờ học hỏi liên tục. Làm sao để kiến tạo sự hiệp nhất nơi một cộng đoàn có nhiều cá tính đối lập và đang gặp xung đột? Làm sao để góp ý mà người nghe vui vẻ sửa mình? Làm sao để biết dùng người đúng chỗ, nhờ đó phát huy được toàn bộ tiềm năng của họ? Làm sao để cộng đoàn giữ được kỷ luật mà vẫn không bị căng thẳng? Làm sao để cộng đoàn đang nguội lạnh, được hâm nóng lại bởi ngọn lửa? Có biết bao vấn đề mà NHL phải khéo léo tìm ra cách trả lời.

NHL cần được huấn luyện nghiêm túc, cần có hiểu biết về tâm lý, sinh lý, thiêng liêng, linh đạo, triết học, thần học, Thánh Kinh và cả khoa học nữa. Tầm hiểu biết càng rộng, càng dễ đưa ra những nhận xét quân bình hơn về một con người.

9. Người huấn luyện là người phục vụ

Như Thầy Giêsu, NHL vừa là nhà lãnh đạo, vừa là người phục vụ cho cộng đoàn những NTH. “Thầy ở giữa anh em như người phục vụ (Lc 22, 27). Chỉ khi sống như người phục vụ thật sự, NHL mới có thể huấn luyện các NTH trở thành người phục vụ.

Phục vụ đòi cúi xuống, đòi rửa chân. NHL cũng phải đứng mũi chịu sào, chấp nhận con dại cái mang, và đón lấy thánh giá mỗi ngày không thể nào tránh khỏi.

Xin lỗi, cám ơn, hỏi thăm, khen ngợi, an ủi, giúp đỡ, cộng tác, chia sẻ, sẵn sàng dành giờ để gặp gỡ, hiện diện thường xuyên trong cộng đoàn…, đó là những cách diễn tả việc phục vụ của NHL hôm nay.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Mong bài chia sẻ này có được một điểm nhỏ nào đó khiến Quý Vị quan tâm khi chu toàn nhiệm vụ của người huấn luyện.