Một Ước Mơ

85

Theo sự phân công của Hội dòng, ngày đầu tiên đến cộng đoàn Thị Nghè và tiếp xúc với các em khiếm thị tại đây, tôi thật xúc động và ngỡ ngàng khi thấy các em với nhiều “kiểu mắt” khác nhau (lồi ra, lõm vào, xếch lên, xệ xuống, rung giật, đờ ra, khép chặt lại, mở tròn to không nhắm lại dược, không có hốc mắt…) thế mà các em vẫn vô tư vui cười, chạy nhảy, lên xuống cầu thang thật thành thạo. Khi tiễn chân dì giáo cũ đổi đi nơi khác, các em khóc thật nhiều. Tôi không biết phải làm gì khi thấy những dòng lệ của các em tuôn rơi lã chã, dỗ mãi không nín, tôi thầm mơ ước: Tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để bù đắp tình thương cho các em bằng cung cách phục vụ của tôi.

Sau bốn năm phục vụ, tôi thấy mình chẳng thực hiện được điều mình ước mơ. Vì tôi không có chuyên môn và cũng chẳng hiểu tâm lý trẻ khuyết tật một chút nào, nên việc tiếp xúc và giáo dục trực tiếp các em thật là khó đối với tôi. Tôi gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong thời gian này, vì thế tôi cảm thấy chán nản và vô cùng thất vọng, trong khi đó các chị em trong cộng đoàn vẫn hăng say vui vẻ làm việc. Không còn cách nào khác, mặc dù rất thương các em, tôi đành xin chuyển công tác khác. Có lẽ tôi chưa nhận ra ý Chúa hay là Chúa muốn dạy cho tôi bài học gì chăng? Dù sao tôi cũng tạ ơn Chúa đã cho tôi nhìn lại chính mình trong sự chán chường vô vọng ấy, nhờ đó, tôi thấy được giới hạn của mình trong những thất bại.

Tôi được chuyển đến cộng đoàn Nghĩa Sơn để phục vụ mảng giáo dục mầm non cho trẻ sáng mắt, nhưng vẫn có một động lực nào đó thúc đẩy tôi. Tôi suy nghĩ, cầu nguyện rất nhiều và cuối cùng tôi xin Bề trên cho tôi đi học ngành Giáo dục đặc biệt mặc dầu lúc đó tôi đã lớn tuổi, công tác mới cũng khá bề bộn và đường đi đến trường rất xa. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm đi học để thực hiện ước mơ phục vụ của tôi đối với các em khiếm thị. Sau bốn năm miệt mài trên ghế nhà trường, tôi tốt nghiệp Cao đẳng, và được Hội dòng trao công tác phục vụ các em khiếm thị ở cộng đoàn Đà Lạt. Tuy chỉ có sáu tháng phục vụ các em ở đây, nhưng dần dần tôi hiểu được phần nào về các em hơn, tôi cảm thấy vui hơn và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tạ ơn Chúa đã giúp tôi phục hồi tinh thần phục vụ và giúp tôi kiên trì huấn luyện bản thân, để hôm nay tôi thực sự có được một trái tim thương cảm, xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của những người bất hạnh.

Năm hai ngàn không trăm lẻ tám, tôi được chuyển công tác về cộng đoàn Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, một vùng đất xa xôi hẻo lánh với con đường toàn là những ổ voi, ổ gà và xình lầy nhơ nhớp. Tôi tiếp tục công tác giúp các em khiếm thị đa tật lớn đang làm nghề thủ công tại đây, đồng thời kiêm thêm công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thị ngay tại nhà của các em ở vùng Hố Nai, Gia Kiệm, Củ Chi. Tôi không buồn vì mình đã đến đây, vì trước tôi cũng đã có một số chị em vừa tốt nghiệp khóa âm nhạc xong cũng được đưa đến phục vụ các em khiếm thị, mặc dù hai mảng khác nhau hoàn toàn, nhưng các chị cũng vui vẻ đón nhận sứ mạng Nhà dòng trao phó. Còn tôi, không có lý do gì để buồn vì tôi đã được học chuyên ngành.

Tôi thầm tạ ơn Chúa vì nơi vùng đất hẻo lánh, vắng vẻ, yên bình này đã cho tôi cơ hội và thời gian nhìn lại mình, nhìn lại quá khứ để vươn tới tương lai. Nhất là ơn Chúa đến với tôi từng ngày qua gương sống của người chị lớn tuổi và chị em ở đây. Tôi đã học được nhiều điều ở cộng đoàn này: sự kiên nhẫn chịu dựng những khác biệt của các em, tinh thần phục vụ vui tươi trong âm thầm và khiêm tốn của chị em, sự hy sinh chấp nhận khó khăn vì đường xá xa xôi hẻo lánh, việc di chuyển không thuận lợi nên ít người tới thăm.

Năm hai ngàn không trăm lẻ chín, tôi trở về cộng đoàn Nhà Mẹ ở Thủ Đức một năm để chuẩn bị cho việc du học chuyên môn ở Mỹ. Sau thời gian học mười hai tháng, tôi được đến phục vụ ở Trung Tâm Bảo Trợ Khiếm Thị Nhật Hồng. Nơi đây, tôi tiếp tục làm công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thị tại trường. Chính tại cộng đoàn này, tôi học được tinh thần phục vụ hy sinh quên mình của chị Phụ trách và các chị em. Các chị đã thay tôi gánh vác công việc trong những ngày tháng tôi đi học xa… Mặc dù sức khỏe của chị Phụ trách cũng như các chị em không mấy khả quan, nhưng tinh thần hăng say phục vụ của các chị không hề giảm sút, điều đó làm cho tôi hết sức cảm động và muốn dấn thân phục vụ nhiều hơn nữa. Tôi cố gắng làm những gì có thể được, chia sẻ những gì đã được học để giúp đỡ các em thiếu may mắn này, và cộng tác đắc lực với chị em trong sứ vụ Chúa trao phó qua trung gian Hội dòng.

Một năm sau, năm hai ngàn không trăm mười hai, tôi được thuyên chuyển về cộng đoàn Suối Mơ, thành phố Bảo Lộc, một vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp. Ở đây, có biết bao trẻ em với đôi mắt mờ mờ ảo ảo, chập chà chập chững lê từng bước chân lên đồi, hoặc mò mẫm lên xuống cầu thang, ngọng ngà ngọng nghịu nói không thành lời, kỹ năng sống và kỹ năng tự phục vụ của các em đều bị trì trệ. Các em là những trẻ khiếm thị đa tật nặng, không thể hội nhập với các bạn sáng mắt ngoài trường nên được tập trung về đây để tập vận động và kỹ năng sống. Phục vụ các em này thật khó khăn và phức tạp, cần phải có một trái tim đủ lớn mới có thể kiên nhẫn, cảm thông và yêu thương để phần nào bù đắp những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu suốt cuộc đời các em.

Mỗi buổi chiều tà, khi công việc của một ngày đã xong, tôi thường đứng ngắm nhìn cảnh vật đồi núi bao bọc xung quanh vùng đất cao nguyên này, và tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa đã dẫn đưa tôi từ môi trường này đến môi trường khác, từ cộng đoàn nọ đến cộng đoàn kia, để tôi có cơ hội nhìn lại và khám phá những giới hạn của mình qua công việc hằng ngày, cũng như qua gương sáng phục vụ của các chị em, nhờ đó tôi cảm thấy luôn cần có Chúa và chị em đỡ nâng.

Chúa đã chọn gọi tôi sống đời thánh hiến trong Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức hai mươi bốn năm với hơn mười năm phục vụ trẻ khiếm thị. Ngài đã thương yêu dẫn dắt, gìn giữ tôi từng bước, để đến ngày hôm nay, tôi có thể thực hiện được phần nào ước mơ “phục vụ trẻ khiếm thị”. Tạ ơn Chúa về hồng ân năm mươi năm Hội dòng được thành lập. Đây cũng là dịp tôi tri ân Chúa, cám ơn Hội dòng đã huấn luyện và tạo cơ hội cho tôi được đi học chuyên môn, nhờ đó tôi có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc giáo dục và phục vụ các em khiếm thị. Để thể hiện tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn Hội dòng cách thiết thực, tôi sẽ cố gắng chu toàn nhiệm vụ được trao với thật nhiều tình yêu.

Nt. Maria Thanh Hương