GÓC SUY TƯ MÙA CHAY - PHỤC SINH Một mình và cô đơn

Một mình và cô đơn

Một mình là đơn độc, nhưng chưa chắc là cô đơn hoặc cô độc. Người ta ngồi một mình vì muốn có khoảng lặng để suy tư, để sáng tác, để cầu nguyện, để thưởng ngoạn cái gì đó,… Như vậy, dù ở một mình nhưng họ không hề cô đơn.
Cô đơn có thể là chỉ một mình, nhưng người ta vẫn có thể cô đơn ngay khi đứng giữa hàng trăm người. Anh ngữ cũng phân biệt “alone” (một mình) khác với “lonely” (cô đơn, cô độc), Pháp ngữ tương đương là “seul” và “solitaire”. Nhưng nếu vừa một mình vừa cô đơn thì thật trĩu nặng – trĩu nặng cả tâm hồn và thể lý, vì nỗi cô đơn quá lớn!

Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là mong ước, mà điều mình mong ước chẳng xảy đến. Cô đơn là chờ đợi, mà người mình chờ đợi không đến. Chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu thấu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn như ta. Cô đơn là cảm giác khó diễn tả, không thể gọi tên. Cô đơn là một dạng đau khổ!

Cô đơn cũng có thể là khi một mình lang thang trong mưa, một mình lê bước trên đường đời, khi một mình trong phòng, khi không ai hiểu mình, khi bị gièm pha, khi bị chỉ trích, khi bị đố kỵ, khi bị ghét bỏ,…

Nỗi cô đơn khiến người ta u buồn, và ngược lại, nỗi buồn khiến người ta cô đơn!

Chiều tối Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi dùng Bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Chúa Giêsu đi vào Vườn Dầu một mình cầu nguyện với Chúa Cha. Có 3 môn đệ thân cận nhất đi theo nhưng các ông lăn ra ngủ khò, chả nước non gì!

Cả chương 17 (gồm 26 câu) trong Phúc Âm theo Thánh sử Gioan là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi Ngài cô đơn đến tột cùng với bao điều trăn trở, như những lời trăng trối dành cho mọi người – trong đó có chính mỗi chúng ta.

Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-Làm-Người, thế nên Ngài có hai bản tính: Thần tính và nhân tính. Về nhân tính, Ngài cũng là một con người bình thường – ngoại trừ tội lỗi. Nghĩa là Ngài cũng cảm thấy vui và buồn như chúng ta. Thế nên, khi biết đến giờ phải chịu khổ hình, Ngài cũng muốn tâm sự nỗi lòng với các môn đệ để được cảm thông, vì nói ra cũng nhẹ lòng phần nào: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26:38; Mc 14:34).

Nỗi buồn của Chúa Giêsu quá lớn, quá nặng, mà không chỉ buồn mà còn sợ, đến nỗi tưởng chừng có thể chết đi được. Chúng ta cũng chỉ có thể cảm nhận phần nào dù chúng ta cũng đã từng mất người thân yêu nhất.

Nỗi cô đơn chồng chất, nỗi u buồn chồng chất. Sức người phải cố gắng hết sức mới có thể vượt qua. Vì không thể vượt qua cú sốc quá lớn nên một số người đã tìm đến cái chết bằng cách này hay cách nọ: Treo cổ, uống thuốc độc, nhảy sông, nhảy lầu, lao vào xe, tự cắt mạch máu hoặc tự đâm mình,… Một số người khác không tự tử thì bị tâm thần, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nói chung, nỗi buồn quá lớn khiến người ta bị nhiều dạng tâm bệnh.

Có lần Chúa Giêsu nói: “Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở” (Ga 16:25), các môn đệ khoái chí lắm. Rồi Ngài nói tiếp: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16:27-28), thế là các ông nhao nhao giành nhau nói: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16:29-30).

Thật may mắn cho các môn đệ còn kịp nhận biết Sư Phụ là ai trước giờ sinh ly tử biệt. Nghe vậy, Đức Giêsu xác định bằng cách nói nghi vấn: “Bây giờ anh em tin à?” (Ga 16:31). Như một lời trách. Ngài buồn lắm, vì các ông ở bên Thầy suốt mấy năm trời, ăn dầm nằm dề với nhau, đi khắp nơi, thế mà bây giờ mới nói được một câu “nghe lọt tai”. Nhưng Ngài biết đám học trò mình chỉ nói miệng thôi, thế nên Ngài nói trước: “Này đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình” (Ga 16:32).

Và quả thật, ai cũng “bỏ của chạy lấy người”, chạy như ma đuổi, chạy mất dép, chạy đến rơi cả áo vẫn không dám quay lại nhặt, tất cả đều bỏ rơi Chúa khi Chúa cần họ nhất. Chúng ta cũng là những người đã từng đối xử với Chúa Giêsu như vậy. Do đó mà nỗi buồn của Chúa Giêsu quá lớn, nỗi cô đơn của Chúa Giêsu quá sâu!

Vừa mới thề sống thề chết, nói mạnh và chắc như đinh đóng cột, thế mà chỉ nghe mấy đứa đầy tớ gái bàn tán thôi, giáo hoàng tiên khởi Phêrô đã thẳng thừng chối Chúa (x. Mt 16:26-31; Mt 26:30-35; Lc 22:31-34; Ga 13:36-38). Vì không hề còn chút tình nghĩa nào đọng lại nên Phêrô mới dễ dàng chối leo lẻo như thế, và cũng như vậy nên các môn đệ khác mới trốn chạy. Môn đệ nào có “can đảm” lắm cũng chỉ dám đứng xa xa mà thôi. Không thể biện hộ!

May mà ông Phêrô kịp hối hận khi nhìn thấy ánh mắt sâu thẳm của Chúa Giêsu. Đó là ánh mắt cảm thông, yêu thương và tha thứ, có sức xoáy sâu vào tận đáy lòng Phêrô. Chỉ có mỗi chàng trai trẻ Gioan còn dám đứng gần Thánh Giá với Đức Maria.

Thấy các trò như vậy, thấy những người thân đối xử tệ như thế nên nỗi buồn của Chúa Giêsu càng tăng gấp bội, và nỗi cô đơn của Ngài càng căng phồng như sắp nổ tung vậy.

Phàm nhân quá yếu đuối, đầy tội lụy, quá xấu xa, như người-môn-đệ-Chúa-yêu đã nhận định: “Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác Thần” (1 Ga 5:19). Thời nào cũng có sự giả dối có ở khắp nơi, với hàng giả đã đành, đến cả người cũng có nhiều người giả: “Có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4:1).

Sự giả dối của con người khiến xã hội xáo trộn, làm cho người thật cảm thấy buồn và hóa cô đơn. Tại sao? Người chân thật sẽ khó nói chuyện với người giả dối, bị người giả dối ghét, bị người giả dối khinh miệt, bị người giả dối trù dập, bị người giả dối chơi khăm, bị người giả dối thù hằn, bị người giả dối lừa bịp, bị người giả dối cô lập, bị người giả dối chơi gác,…

Những người giả dối còn vào hùa với nhau để hại người chân thật bằng nhiều thủ đoạn và mánh lới. Vì thế, người chân thật không chỉ có một mình mà còn chịu cảnh cô độc.

Chúa Giêsu đã bị bọn thủ ác cô lập, gài bẫy và bị sát hại đến chết. Những người chân thật theo tinh thần Đức Kitô cũng sẽ luôn bị như vậy: “Tôi tớ không lớn hơn chủ” (Ga 13:16; Ga 15:20). Nhưng ai dám giữ vững lập trường, không a dua, không sợ “lạc bầy”, cứ là chính mình, không sợ một mình, chẳng ngán cô đơn,… đó mới là môn đệ đích thực của Đại Sư Giêsu vậy!

Quả thật, chỉ có ai cùng chết với Đức Kitô thì mới xứng đáng được sống lại với Ngài: Đó chính là niềm tin của chúng ta (Rm 6:8).

TRẦM THIÊN THU

Exit mobile version