“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”
(Cố NS Trịnh Công Sơn).
Cuộc sống một kiếp người trăm năm tưởng dài nhưng nó chỉ thoảng qua như chớp mắt. Bao nhiêu năm trong cái đời sống trăm năm ấy ta vẫn ra đi, dẫu biết rằng chỉ là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” mà thôi. Hành trình đó là hư vô vì không đầu, không cuối. Nó loanh quanh như một chu trình khép kín nhưng ta vẫn đi. Bởi ta cũng chỉ là con người đâu biết hết mọi lẽ vô thường của cõi đời.
.
Đời người là một chuyến đi. Chuyến đi cuộc đời có nhiều điều lạ. Giống như mọi chuyến đi, nó cũng có một điểm khởi hành và một điểm đến. Nhưng không ai chọn lộ trình mình đi cả; nó là bắt buộc cho mọi người như nhau. Sinh ra là người ta đã được đặt vào lộ trình rồi. Cây số xuất phát mang tên SINH, cây số của nơi kết thúc mang tên TỬ. Một điều lạ khác là con đường tuy là như nhau nhưng lại dài ngắn khác nhau, và cũng không tùy thuộc nơi ý muốn hay ước mơ của khách lữ hành. Con đường hầu như luôn luôn được cảm nhận là quá ngắn ngủi. Một thoáng đã hết! Dù người sống lâu trăm tuổi vẫn coi cuộc đời chỉ là “kiếp phù du”.
Hành trình của ta đi về một cõi cũng là để trải tất cả mọi ái, ố, hỷ, nộ ở đời. Mọi thứ vô thường và bản thân ta vô ngã nên ta cứ đày mình trong một hành trình vô lượng, để chịu khổ, trả khổ cho đời. Cuộc sống ở trần gian chỉ là một cuộc sống tạm bợ thế mà tại sao chúng ta cứ lo đi tìm hết cái này rồi đến cái kia, mà không biết rằng rồi mình sẽ trở về với cát bụi với hai bàn tay trắng mà thôi.
Thời gian là chiều kích tự nhiên của đời người. Thời gian gắn liền với thân phận mỗi người. Sống trong thời gian là có một khởi đầu và sẽ có một kết thúc. Thánh Vịnh 90 nói đến cái mau qua của thời gian:
“Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!” (câu 4)
“Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.”
Không chỉ vài đoạn Thánh Vịnh như thế này nhắc ta về sự sống, về cái chết của con người nhưng phảng phất và trải dài trong Thánh Kinh và ngay trong những biến cố đời thường ta vẫn thấy hạn chế của con người trước sự sống. Cái chết đến vào lúc con người không ngờ và vào giờ con người cũng chẳng biết. Nhìn những biến cố như thế để không phải là ta bi quan chán nản buông xuôi cuộc đời của ta, nhưng nhìn đó để thấy cái phận người hạn hẹp và mong manh của ta. “Hôm nay người người vui cười rồi mai đây lệ rơi, đời là giấc điệp qua mau nuối tiếc chi bóng sầu…” Tâm tình bài hát tiễn đưa nhắc nhớ phận của con người là như vậy.
Khi nhìn về phận người, về sự sống, về sự chết như vậy để ta nhìn lại cái phận người nhỏ bé và mong manh để rồi kịp nhận ra rằng cuộc đời ta hết sức vắn vỏi và hãy sống đẹp với những ngày tháng mà mình đang có. Và, trong cái đẹp nhất của đời người vẫn là tình yêu thương, vẫn là lòng mến mà Thiên Chúa đã trao ban và mời gọi. Hãy yêu thương khi còn có cơ hội để lỡ may cơ hội vụt mất mà ta không kịp yêu thương cũng là điều đáng tiếc. Ta đâu biết được ta sẽ sống được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày trên đời để rồi ta phải bận lòng và tính toán thiệt hơn. Biết đâu được ngày hôm nay là ngày cuối cùng của ta sống trên cõi tạm này thì sao?
Theo truyền thống tốt lành của Mẹ Giáo Hội ngày mồng hai tháng mười một là ngày lễ dành để cầu cho các Đẳng Linh hồn, trong đó có ông bà, cha mẹ của chúng ta đã khuất. Chúng ta tự hào là những con người có truyền thống đạo Hiếu, vậy chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân của mình đã làm gì cho cha mẹ chúng ta, khi các ngài còn sống cũng như khi các ngài đã qua đời. Thật ra các ngài qua đời nhưng các ngài vẫn hiện diện với chúng ta, chứ không phải là đi vào cõi hư vô. Như vậy, giữa âm và dương thật gần gũi, như trong bài hát nối vòng tay lớn mà chúng ta vẫn hát: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Vì thế, mỗi lần giỗ chạp, hay kỷ niệm ngày ông bà cha mẹ qua đời, đặc biệt là trong tháng 11 này, chúng ta cùng ôn lại lại lòng Hiếu thảo của chúng ta đối với các ngài. Ca dao tục ngữ của cha ông ta đã dạy:
“Ai mà phụ nghĩa quên công,
thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”.
Qua Thánh lễ cầu cho các Đẳng Linh hồn hôm nay, chúng ta hãy ý thức năng tưởng nhớ đến các linh hồn đang còn phải chịu thanh luyện trong nơi luyện ngục, xin cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.
Sr. Therese Phương Chinh
Học viện Mến Thánh Giá Thủ Đức