Hát cộng đồng là thực hành đúng đắn, phù hợp với những đòi hỏi của Giáo hội. Tuy nhiên khi quá đề cao việc hát cộng đồng sẽ có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực, vì tất cả mọi người khi tham gia phụng vụ đều có thể góp phần mình vào việc giúp người khác cầu nguyện, ca ngợi và thờ phượng Chúa. Tuy nhiên, nếu chỉ đề cao việc hát cộng đồng mà loại trừ ca đoàn hoặc ít nhiều lên án họ quá tham lam hoặc nói rằng họ dành hết phần của cộng đoàn thì cũng nên xét lại.
Chúng ta thường đồng hóa việc hát cộng đồng và bài hát cộng đồng thành một, nên nhiều cha sở cứ bắt phải hát chừng đó bài mà không bao giờ có thêm một bài mới nào khác hoặc nếu có thì cũng rất hạn chế. Tại một giáo xứ nọ trong giáo phận, lễ sáng Chúa nhật, bài ca nhập lễ duy nhất là bài Hát Lên Bài Ca của cha Kim Long. Điều này xảy ra rất thường xuyên. Sở dĩ như vậy là vì cha sở muốn cho cả cộng đoàn giáo xứ của ngài, từ lớn đến nhỏ có thể cùng hát rập ràng, mạnh mẽ và hơn nữa đó là bài hát cộng đồng.
Thực ra, không có tiêu chuẩn nào quyết định cho một bài hát trở thành bài hát cộng đồng ngoài tiêu chuẩn nó được nhiều người biết đến và hát lên trong buổi cử hành phụng vụ hoặc cầu nguyện. Thế nhưng người ta thường quên rằng, để được như vậy nó cần phải được hát lên, không chỉ một lần mà nhiều lần. Nhưng ai sẽ làm việc này nếu không phải là ca đoàn, thường là điểm xuất phát làm cho bài ca trở nên phổ quát.
Một giáo sư của nhạc viện Rôma, chuyên về các văn kiện của Giáo hội liên quan đến thánh nhạc nói rằng: người ta hiểu sai về việc hát cộng đồng được đề cập trong Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vatican II. Thật vậy, khi quá đề cao việc hát cộng đồng có thể làm cho thánh ca phụng vụ trở nên nghèo nàn, làm lu mờ vai trò của ca đoàn[1], lấy đi cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ, vẻ đẹp, nghệ thuật và sự tiến bộ của âm nhạc từ đó cũng tuột dần.
Trong khi đó một số văn kiện của Giáo hội “kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác đưa ra những tác phẩm mới để làm phong phú kho tàng Thánh nhạc”. Và “Hội Thánh vui mừng thúc giục các nhà sáng tác và các nhà soạn lời sử dụng tài năng đặc biệt của mình hầu Hội Thánh có thể tiếp tục làm tăng thêm kho tàng nghệ thuật Thánh Nhạc” (x.HDMV 76-77).
Về mặt lịch sử, không kể thời gian trước đó, nhưng trong khoảng thời gian giữa những năm 1600 và 1800, thánh nhạc bị ô nhiễm bởi phong cách của nhạc thính phòng và sau là opera. Trong thời kỳ này người tín hữu đến nhà thờ để “xem lễ”, “nghe nhạc” hơn là “tham dự” thánh lễ như ngôn ngữ chúng ta nói ngày nay. Với Tự sắc TRA LE SOLLECITUDINI của Đức Giáo hoàng Piô X, ngày 22 tháng 11 năm 1903, đã lên án việc lạm dụng trầm trọng, xem phụng vụ là thứ yếu và chỉ chú trọng đến âm nhạc, trong khi âm nhạc chỉ là nữ tỳ khiêm tốn của phụng vụ (x. số 23). Với tự sắc này bước đầu đã vạch ra những quy định rõ ràng và dứt khoát cho việc sử dụng âm nhạc trong phụng vụ, đồng thời định hình lại ca đoàn – Scholae Cantorum.
Tiếp bước Công đồng Vatican II, Huấn thị Musicam Sacram đưa ra những nguyên tắc rõ ràng hơn cho các lễ nghi phụng vụ khi được “cử hành kèm theo ca hát […] và khi có dân chúng tham dự (x. số 5). Đặc biệt trong số 16, huấn thị nói:
“Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Bởi vậy, sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát phải được triển khai kỹ lưỡng theo thứ tự sau đây:
a/ Việc tham gia này trước hết gồm có những lời tung hô, những câu đáp lại lời chào của linh mục hay thừa tác viên hoặc đáp lại lời kinh dưới hình thức đối đáp, ngoài ra lại có những câu đối ca và những thánh vịnh cũng như những câu xướng xen kẽ, hoặc những điệp ca, những thánh thi và thánh ca.
b/ Nhờ một nền huấn giáo thích hợp và những buổi thực tập dần dần sẽ đưa giáo dân tới chỗ hát những bài dành cho họ, cho đến khi họ tham dự hoàn toàn.
c/ Tuy nhiên, nếu giáo dân chưa được tập luyện đủ, và nếu dùng những bài hát nhiều bè, thì có thể giao một số bài hát của cộng đoàn cho nguyên ca đoàn thôi, miễn là không loại họ ra, không cho hát những phần dành cho họ. Nhưng không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát Phần Riêng và Phần Thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát”.
Trở lại với các bài thánh ca. Bài Ca Nhập lễ, Ca Tiến lễ và Ca Hiệp lễ (đừng nhầm lẫn với bài ca sau hiệp lễ x. SLRM số 88) là những bài ca mà từ ban đầu được hát bởi ca đoàn (chẳng hạn như Ca Tiến cấp (Graduale) mà bây giờ là Thánh vịnh đáp ca, Tratto, Ca Tiếp liên và Allêluia).
Qui chế Tổng quát sách lễ Rôma hiện nay, trong khi tiếp tục công nhận đầy đủ tính hợp lý đối với thực hành dành riêng cho ca đoàn, cũng quy định rằng các bài thánh ca trong cuộc rước có thể “được hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc giữa một ca viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hay ca đoàn hát[2]”. Sự cởi mở này liên quan đến các bài hát vừa kể trên, là kết quả của việc áp dụng ý muốn của các nghị phụ công đồng trong Hiến Chế Phụng Vụ, số 121, được diễn tả bằng những từ sau:
“Các nhạc sĩ […] hãy soạn tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ và giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu có thể tham dự một cánh linh động”[3].
Khi nói rằng cần khích lệ sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đoàn và nói rằng các tín hữu luôn phải hát tất cả những gì được tiên liệu để hát, cả hai hoàn toàn khác nhau, mệnh đề thứ hai không có trong Hiến chế Phụng vụ thánh. Ngay cả trong huấn thị Musicam Sacram, với ý muốn áp dụng Hiến chế Công đồng, đào sâu chủ đề về việc tham dự của cộng đoàn đối với bài ca phụng vụ, đòi hỏi “việc tham dự tích cực của giáo dân, được thể hiện qua việc ca hát, cần được khích lệ”, đồng thời “không chấp nhận thói quen ủy thác toàn bộ cho một mình ca đoàn hát phần Riêng lễ và phần Thường lễ, mà loại hẳn cộng đoàn khỏi việc ca hát”[4]. Tuy nhiên, liên quan đến những bài hát phần Riêng lễ[5], huấn thị nói rằng “Thật tuyệt vời khi cộng đoàn tham gia, càng nhiều càng tốt, vào các bài hát Riêng; cách đặc biệt với những điệp khúc dễ hát hay những hình thức âm nhạc thích hợp”[6]. Mục đích của huấn thị Musicam Sacram là khuyến khích việc tham gia của cộng đoàn vào các bài thánh ca có cuộc rước, nhưng không bắt buộc phải làm như vậy bằng cách đưa ra nguyên tắc cho rằng tất cả các bài hát nhất thiết phải được hát bởi cộng đoàn[7].
Tóm lại, một mặt các văn kiện đề cao tầm quan trọng của sự hiện diện và vai trò không thể thiếu của ca đoàn trong các buổi cử hành phụng vụ; mặt khác lại hạn chế việc ủy thác toàn bộ cho ca đoàn hát trong thánh lễ để tránh lạm dụng, biến giáo dân thành những thính giả bất đắc dĩ.
Vậy làm sao có thể tạo ra sự cân bằng để mọi người có thể tham dự “tích cực, trọn vẹn và có ý thức”? Sự tham gia tích cực và trọn vẹn có nghĩa là các thành viên đều tham gia vào cùng một hành vi thờ phượng, bằng cử chỉ, lời nói, ca hát và phục vụ. Tuy nhiên sự tham gia tích cực không loại trừ sự im lặng, tĩnh lặng và lắng nghe. Chẳng hạn khi nghe những bài đọc, bài giảng, hiệp với lời nguyện của chủ tế. Vì lý do này, trong Phần Riêng lễ, cụ thể những bài hát thuộc về cuộc rước (Bài Ca Nhập lễ, Ca Tiến lễ và Ca Hiệp lễ) cộng đoàn được mời gọi tham gia càng nhiều càng tốt, nhưng cộng đoàn cũng được mời gọi dành những giây phút tĩnh lặng để lắng nghe, để suy nguyện khi ca đoàn hát một mình mà không cần phải ca thán hoặc lên án họ.
Dù sao nữa, khi thi hành đúng phận vụ của mình, ca đoàn cũng phải ý thức vai trò được Giáo hội trao phó là nâng đỡ cộng đoàn, giúp họ nâng tâm hồn lên tới vẻ đẹp siêu phàm của Thiên Chúa, thúc đẩy các hành động ca ngợi, chúc lành, tôn vinh và tạ ơn.
Võ Tá Hoàng
——————–
[1] Một số giáo xứ ở Châu âu không còn bóng dáng của ca đoàn
[2] Và do đó, những bài Ca Nhập Lễ, Ca Dâng Lễ, và Ca Hiệp Lễ, không nhất thiết phải được hát bởi cộng đoàn.
[3] Hiến chế Phụng vụ, số121
[4] Musicam Sacram số 16
[5] Nên nhớ rằng, các bài hát trong cuộc rước là một phần của các bài hát lễ Riêng
[6] Musicam Sacram số 33.
[7] Huấn thị nói về các bài hát thuộc về cộng đoàn ở số 16b và c. Rõ ràng chỉ có những bài dành riêng cho cộng đoàn và do đó có những bài khác không thuộc về họ, hay nói đúng hơn, chúng có thể không do cộng đoàn hát và trong đó chúng ta thấy có những bài thuộc cuộc rước.