Một bài học về lão hóa

84

Ronald Rolheiser, 2019-08-26

Chúng ta sống trong một nền văn hóa lý tưởng hóa tuổi trẻ và gạt ra bên lề người lớn tuổi. Như tâm lý gia người Mỹ James Hillman đã nói, người lớn tuổi không dễ dàng để bị mình truất ngôi cũng như bỏ đi động lực đã đưa họ đến đó. Tôi biết điều này, tôi đã già.

Trong phần lớn cuộc đời, tôi luôn xem mình là người trẻ. Vì sinh vào tháng 10 nên tôi luôn là học sinh nhỏ hơn các bạn cùng lớp, tốt nghiệp trung học ở tuổi mười bảy, vào chủng viện ở tuổi êm đềm đó, chịu chức linh mục ở tuổi hai mươi lăm, năm sau tốt nghiệp cao học, hai mươi sáu tuổi dạy thần học đệ tam cấp, tôi là người trẻ nhất phân khoa. Tôi tự hào về điều này vì đã thực hiện những chuyện này sớm trong đời. Và vì vậy tôi luôn nghĩ mình trẻ, dù năm tháng chồng chất, dù cơ thể tôi bắt đầu phản bội bản thân tôi.

Hơn nữa trong hầu hết những năm tháng cuộc đời, tôi luôn giữ đầu óc trẻ trung, gần với văn hóa trẻ, xem phim của họ, nghe các bài hát nổi tiếng, dùng chữ lóng của họ. Trong những năm ở chủng viện và nhiều năm sau khi chịu chức, tôi phục vụ giới trẻ, giúp họ tổ chức các buổi tĩnh tâm cho các bạn trẻ ở nhiều trường trung học và cao đẳng khác nhau. Vào thời đó, tôi thuộc các bài hát phổ thông, biết các cuốn phim được nhắc đến, các xu hướng đương thời, nói ngôn ngữ của người trẻ và tôi tự cho mình trẻ.

Nhưng tự nhiên không có luật trừ. Không ai trẻ mãi bao giờ. Hơn nữa, thường thường tiến trình lão hóa không báo trước. Bạn mù quáng cho tới ngày bạn thấy mình trong gương, bạn thấy bức ảnh mình chụp gần đây, hay bạn nghe bác sĩ chẩn đoán và bạn nhận ra bạn không còn trẻ. “Cái già nó thì xồng xộc đến.” Chung chung lão hóa thể hiện qua cách bạn phủ nhận nó, bạn chiến đấu với nó, và bạn chỉ chấp nhận từng phần với ít nhiều cay đắng.

Nhưng tới ngày, ngày này đến với tất cả mọi người, bạn sững sờ nhận ra những gì bạn nhìn trong gương thì khác với cách bạn hình dung và bạn tự hỏi: đây là mình thật sao? Tôi già như thế sao? Tôi trông giống gì đây? Thêm nữa bạn bắt đầu thấy những người trẻ tuổi đang đang tạo ‘nhóm của họ’, họ quan tâm đến những người giống họ, và bạn không có trong số đó, bạn cảm thấy ngớ ngẩn, lạc lõng khi bạn cố gắng ăn mặc, hành động và nói như họ. Cho đến ngày bạn chấp nhận bạn không còn trẻ trung dưới mắt họ, chứ không phải dưới mắt bạn.

Hơn nữa, trọng lực không những chỉ tác động đến cơ thể bạn, nó kéo mọi thứ đi xuống, kể cả tâm hồn. Nó kéo xuống theo cơ thể, dù lão hóa có nghĩa là có một cái gì rất khác. Tâm hồn không già, nó chín chắn. Tâm hồn mình có thể trẻ lâu dài dù thể xác phản bội mình. Thật vậy, chúng tôi luôn cảm thấy mình trẻ trung trong đầu óc. Tâm hồn mang sự sống khác với sự sống của cơ thể vì cơ thể được dựng ra để chết. Bên trong mỗi cơ thể sống, nguyên lý sự sống có một chiến lược để ra đi. Và tâm hồn không có chiến lược này, tâm hồn chỉ có một chiến lược là làm sâu sắc hơn, ngày càng phong phú hơn và kết cấu hơn. Lão hóa buộc chúng ta, chủ yếu chống lại ý chí chúng ta, lắng nghe tâm hồn chúng ta sâu đậm hơn, trung thực hơn để rút ra từ những nguồn sâu hơn và bắt đầu làm hòa với sự phức tạp của nó, cái bóng của nó và các xu hướng sâu xa nhất của nó – và lão hóa cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc này. Một ẩn dụ của tâm lý gia James Hillman như sau: Các loại rượu vang ngon nhất phải được ủ trong các thùng cũ bị nứt. Cũng vậy với tâm hồn: tiến trình lão hóa được Thiên Chúa và tự nhiên dựng lên để rèn luyện tâm hồn, dù chúng ta muốn hay không, để luôn đào sâu hơn trong huyền bí của sự sống, của cộng đoàn, của Chúa và của chính sự sống. Tâm hồn chúng ta không có tuổi, nó cũng như rượu, nó chín muồi và chúng ta có thể giữ tinh thần trẻ trung. Niềm say mê của chúng ta, lửa của chúng ta, háo hức của chúng ta, dí dỏm của chúng ta, tinh thần của chúng ta không thể mờ đi với tuổi tác. Thật vậy nó mang màu sắc của một tâm hồn trưởng thành.

Vì vậy, xét tận cùng, lão hóa là một món quà, ngay cả khi mình không muốn. Lão hóa đưa chúng ta đến một nơi sâu hơn, cho dù chúng ta có muốn đi đến đó hay không.

Như hầu hết mọi người, tôi vẫn không tìm được bình an, tôi vẫn nghĩ mình trẻ. Nhưng tôi thật sự hạnh phúc khi mừng sinh nhật 70 cách đây hai năm, không phải vì tôi hạnh phúc ở tuổi này nhưng vì sau hai lần ung thư nặng trong những năm gần đây, tôi hạnh phúc được còn sống trên đời và tôi đủ khôn ngoan để biết ơn một chút về những gì lão hóa và bệnh ung thư đã dạy tôi. Nhà văn John Updike viết, có một vài bí mật ẩn giấu trong sức khỏe. Và lão hóa phát hiện ra rất nhiều, vì như ngạn ngữ Thụy Điển đã nói, “buổi chiều biết những gì buổi sáng không bao giờ ngờ tới”.

Marta An Nguyễn dịch