Có thể nói, mọi người dù sống trong một gia đình nhiều thế hệ, hay chỉ hai thế hệ đều mong ước có một gia đình ấm êm hạnh phúc. Đó quả thực là một mong ước chính đáng, nhưng để có được điều đó thì không phải là dễ, nhất là ở những gia đình nhiều thế hệ (Tam đại, tứ đại hay ngũ đại… đồng đường) có cả ông bà, cha mẹ và con cháu chắt…
Trong tác phẩm Đường Hy Vọng câu số 463 Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã nhận xét: “Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, tập viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? – Không có gì cả! thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân, nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân do cuộc phiêu lưu của các con.”
Tuy nhiên, ta có thể tìm thấy những phương thức dạy chuẩn bị làm cha, làm mẹ, dạy con cái khá phong phú trong nhiều loại sách vở, đạo cũng như đời ngay từ thưở xa xưa. Với mong ước thật khiêm tốn, được góp một phần nhỏ bé trong kho tàng kiến thức hiện có, trong việc tìm hiểu xây dựng một gia đình ấm êm hạnh phúc. Trong phạm vi của bài viết, tôi xin nêu mấy vấn đề:
– Ông bà, cha mẹ làm gì để mong ước của mình, nơi con cháu được thể hiện?
– Con cháu làm gì để mong ước của mình, nơi ông bà, cha mẹ được thể hiện?
– Một chút cảm nhận và chia sẻ.
Ông bà, cha mẹ làm gì để mong ước của mình, nơi con cháu được thể hiện?
Ông bà, cha mẹ mong ước gì nơi con cháu?
Nhìn chung, ông bà, cha mẹ nào cũng mong con cháu mình biết yêu thương nhau, nâng đỡ dùm bọc nhau, khuyến khích, giúp nhau học tập, tiến bộ, phát triển cả về tinh thần lẫn vật chất, hầu mang ích lợi cho mỗi người, gia đình ấm êm hạnh phúc, và góp phần làm cho xã hội mình đang sống được thịnh vượng, an lành.
Riêng những gia đình Công giáo thì ông bà, cha mẹ còn mong ước dù sống trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào của cuộc sống, con cháu mình vẫn giữ được Đức Tin. Đức Tin đó được tóm gọn trong kinh Tin Kính và thông truyền Đức Tin đó đến môi trường mình đang sống, hầu mai sau cùng anh em mình được hưởng nhan Chúa. Điều đó đúng như câu trả lời đầu tiên trong cuốn Giáo lý Công giáo cho giới trẻ “Youcat” trả lời câu hỏi: “Ta sống ở đời này để làm gì?” Thưa: “Ta sống ở đời này để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để một ngày nào đó sẽ được tới quê Trời”.
Ông bà, cha mẹ làm gì để mong ước của mình, nơi con cháu được thể hiện?
Mẹ cha đã cưu mang sinh thành ra con cái. Mẹ cha, ông bà còn chính là vú nuôi, thầy cô giáo đầu đời của con cháu, vì gia đình chính là trường học đầu tiên của con trẻ.
Con cháu được ví như một tấm vải mới, một tờ giấy trắng. Cha mẹ, ông bà là người thêu dệt trên tấm vải mới; vẽ trên tờ giấy trắng những đường nét đầu tiên. Trách nhiệm giáo dục cho con cháu nơi cha mẹ, ông bà thật là quan trọng. Trong Tam Tự Kinh đã xác định: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa. Tử bất học, phi sở nghi. Ấu bất học, lão hà vi” có nghĩa là (Nuôi mà không dạy là lỗi của cha. Dạy mà không nghiêm là quấy ở thầy. Con không học thì không phải lẽ. Còn nhỏ không học, già sẽ làm gì). Vì thế, ông bà cha mẹ có trách nhiệm dạy con cháu điều hay lẽ phải ngay từ khi các cháu còn ấu thơ: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “Dạy con từ thưở còn thơ, dạy vợ tử thưở bơ vơ mới về”.
Ông bà, cha mẹ muốn truyền lại tất cả những kinh nghiệm sống của mình có được trong cuộc sống cho con cháu, với mong ước, con cháu chính là đời sống nối dài của cha mẹ, ông bà. Con cháu phản ảnh hình ảnh ông bà không những trên khuôn mặt, mà còn trên cả cách sống. Điều đó đòi buộc ông bà cha mẹ phải là tấm gương sáng về mọi mặt trong cuộc sống cả đạo cũng như đời. Đó là sống công bằng, bác ái, tin thờ Chúa, Loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống Chứng Nhân của mình.
Để được như lòng mong ước, mẹ cha, ông bà ngày đêm thường âm thầm cầu nguyện, xin trao con cháu thân yêu cho sự quan phòng của Thiên Chúa, xin Chúa đỡ nâng, dẫn đưa con cháu trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống để con cháu mãi có được Đức Tin son sắt, lòng Cậy vững vàng, lòng Mến sốt sáng trong xã hội nhiều sóng gió này.
Con cháu làm gì để mong ước của mình, nơi ông bà, cha mẹ được thể hiện
Con cháu mong ước gì, nơi ông bà, cha mẹ?
Con cái thường mong ước mẹ cha, ông bà khỏe mạnh sống lâu, vui hưởng tuổi già với đàn con, lũ cháu “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”, tiếp tục dạy bảo, tư vấn những vấn đề hệ trọng của gia đình cho con cháu như học tập, lập nghiệp, hôn nhân… Ngoài ra, ông bà cha mẹ sẽ coi sóc nhà cửa và con cháu mỗi khi cha mẹ chúng vắng nhà “Một mẹ già bằng ba hàng dậu”.
Con cháu mong ước nơi ông bà cha mẹ mãi mãi là tấm gương sáng, yêu thương trong việc sống đạo giữa đời thường, cũng như những việc ngoài xã hội.
Con cháu làm gì để mong ước của mình, nơi ông bà, cha mẹ được thể hiện?
Con cháu phải thảo kính mẹ cha, ông bà đã là một chân lý có từ ngàn xưa và còn mãi đến mai sau trên trái đất này. Làm sao có thể kể hết những gương hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ, từ xưa tới nay ở khắp nơi trên thế giới…
Trong 10 Điều răn Chúa truyền cho Tổ Phụ Môise trên núi Sinai thì Điều răn thứ 4 Chúa dạy “Thảo kính cha mẹ và những người được Chúa trao quyền để mưu ích cho chúng ta” (câu 505 sách giáo lý hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, UBGLĐT)
Để cụ thể hơn sách giáo lý con cho biết bổn phân của con cháu với ông bà cha mẹ “Con cái có bổn phận hiếu thảo, biết ơn và vâng phục cha mẹ, đồng thời phải trợ giúp các ngài về vật chất cũng như tinh thần, khi còn sống cũng như khi qua đời” (Câu 509 sách giáo lý hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, UBGLĐT).
Thảo kính ông bà cha mẹ là nét nhân văn lung linh sắc mầu của nhân loại nói chung, và của dân tộc Việt Nam nói riêng, cần được gìn giữ và tô thắm ngày một tốt đẹp hơn. Điều đó hoàn toàn phù hợp với những điều Thiên Chúa truyền dạy ngay trong thời Cựu ước cho Tổ tiên chúng ta. Đẹp biết bao!!!
Một chút cảm nhận và chia sẻ.
Cảm tạ Chúa, gia đình tôi đã có hơn 40 năm sống thuận hòa yêu thương trong mái ấm hạnh phúc gia đình để sống đạo Chúa với ba thế hệ. Trong gần nửa thế kỷ đó có hơn mười năm mái ấm gia đình gồm bốn thế hệ (Ông, cha mẹ, con, cháu).
Cảm tạ Chúa muôn vàn, vì Chúa đã soi sáng để mỗi thành viên trong gia đình, đều ý thức góp phần tạo dựng mái ấm gia đình, bằng chính sự tự nguyện từ bỏ ý riêng của mình, biết tôn trọng nhau, biết quảng đại và sẵn sàng thông cảm, tha thứ cho nhau.
Hạnh phúc biết bao, khi mỗi buổi tối cha con ông cháu quây quần quanh căn phòng nhỏ…; những chiều thứ sáu, các cháu nội ngoại đòi ngủ trong phòng ông bà, vì thứ bảy các cháu được nghỉ học; những bữa cơm cháu nội cháu ngoại đòi cha mẹ ăn với ông bà tuần một hai lần cho vui; những câu nói: “bữa cơm thiếu ông bà, con thấy mất vui nhiều quá, nên ăn ít và không được nghe những câu chuyện thời sự, ý nghĩa của ông bà kể…” hay “nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Tật cả điều đó đã góp phần tạo nên mái âm, hạnh phúc gia đình.
Ôi! Hạnh phúc biết bao!
“Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa… Và mãi mãi con nhớ công ơn Người”
Inhaxiô Đặng Phúc Minh