Môi trường và tâm linh

167

Là con người, ai cũng có hai phần: thân xác và linh hồn, hoặc thể lý và tinh thần. Duy tâm hay duy vật cũng không thể chối bỏ thực tế đó. Và vì vậy, môi trường đối với con người cũng có hai dạng: môi trường tự nhiên và môi trường tâm linh.

Từ năm 1972, ngày 5 tháng 6 hàng năm được ấn định là ngày Môi Trường Thế Giới (WED – World Environment Day). Và từ năm 2015, theo lời kêu gọi của ĐGH Phanxicô, ngày 1 tháng 9 hàng năm là ngày Cầu Nguyện cho Môi Trường.

Trung tuần tháng 6-2015, ĐGH Phanxicô đã ban hành Thông điệp “Laudato sí” (Laudato sí, mí Signore! – Xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con!), được coi như “bản đồ môi trường”. Trong đó, ĐGH Phanxicô đặt vấn đề: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên? Câu hỏi này không phải chỉ liên quan riêng đến môi trường mà thôi, vì chúng ta không thể đặt câu hỏi một phần, và điều này khiến chúng ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta? Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, tôi không tin rằng các mối quan tâm của chúng ta về môi trường có thể đạt hiệu quả quan trọng”.

Hành tinh mà chúng ta sinh sống được mệnh danh là “hành tinh xanh”, thế nhưng nó dần dần mất “sạch và xanh”, nó đang từng ngày biến đổi một cách tiêu cực. Độ nóng cứ nóng dần toàn cầu, khí thải tăng dần, phá rừng quá nhiều, những vết dầu loang, môi sinh bị hủy hoại, không chỉ môi trường bị ô nhiễm mà cả âm thanh cũng bị ô nhiễm. Thiên nhiên không còn thân thiện như xưa, mưa nắng thất thường, tai họa rình rập, phần lớn là lỗi của chúng ta. Nhân tai chứ chẳng phải thiên tai, vì vô ý thức mà chúng ta đang tự hủy hoại “ngôi nhà” của mình, tức là tự hủy hoại mình, đặc biệt là tàn phá công trình sáng tạo của Thiên Chúa!

Sai lầm chưa đáng sợ, mà không biết mình sai lầm mới thực sự đáng sợ. Đối mặt với những cái tiêu cực hằng ngày ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chúng ta càng ngày càng quan ngại về môi trường, nhưng hầu như chúng ta cảm thấy vô vọng, lúng túng không biết làm sao để bảo vệ “ngôi nhà xanh” của mình. Trách nhiệm này không của riêng ai. Một người ý thức mà mười người vô ý thức thì cũng như “muối bỏ biển”. Không thể chỉ lo sạch nhà mình, còn nhà hàng xóm dơ bẩn thì mặc họ. Tất cả đều có hệ lụy với nhau. Rất cần giáo dục về môi trường và phải áp dụng nghiêm luật!

Không đâu xa, ngay tại Việt Nam, chúng ta luôn kêu gọi “giữ gìn thành phố sạch đẹp” – nói chung là “giữ gìn môi trường sạch và xanh”. Hết “tuần lễ hành động” này sang “tháng hành động” nọ, hoặc “năm hành động” khác. Thế nhưng vẫn có điều gì đó bất cập.

A. VẤN NẠN CẦN KHẮC PHỤC

  1. Quảng Cáo– Hầu như hằng ngày tại nhiều giao lộ trong nội ô TPHCM có những “nhân viên” đi phát các tờ bướm, tờ rơi quảng cáo, thậm chí còn tới “cài” vào cửa từng gia đình. Thật ra bản chất quảng cáo không xấu, nhưng quảng cáo kiểu phát các tờ bướm, tờ rơi ở khắp các ngã tư đường phố như vậy là tiêu cực, vì gián tiếp làm bẩn đường phố, làm hại môi trường, đơn giản nhất là không đẹp mắt. Nhìn những ai được phát thì thấy rõ, có người lắc đầu từ chối thì đã đành, nhưng có người nhận xong rồi vứt ngay xuống đường. Nhìn giấy bay tả tơi, bẩn cả một cung đường, vô cùng mất thẩm mỹ và phi văn hóa!

Nói chung, không ai “mặn mòi” với việc nhận các tờ bướm kia. Vả lại, những tờ quảng cáo đó chưa chắc đã đáng tin cậy. Tiền nhân nói: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Cứ hô hào cho có phong trào thì chỉ vô ích!

  1. Đám Tang– Nghĩa tử là nghĩa tận, buồn thương chất đầy, nỗi niềm khó tả khi mất đi một người thân. Tuy nhiên, từ những “chuyến xe cuối đời” đó, người ta thấy bay bay xuống đường những tờ tiền âm phủ. Điều này không chỉ là dị đoan mà còn làm bẩn đường phố. Quan trọng hơn là lãng phí. Tại sao? Vì người ta phải bỏ ra một số “tiền thật” để mua những tờ “tiền giả”. Thật là nghịch lý! Tiền giả gọi là tiền âm phủ. Người chết ở thế giới vô hình, làm gì có sinh hoạt như trần gian này mà cần xài tiền hoặc các phương tiện như chúng ta hiện nay? Thật phi lý!

Bạn thử “lưu ý” mà coi, những giao lộ nào có người phát các tờ bướm hoặc các cung đường vừa có xe tang đi qua thì bạn thấy gì? Đầy… rác! Chỉ khổ cho người phu quét đường, vì họ phải chất chồng thêm gánh nặng, tăng thêm sự mệt mỏi, họ không dừng chổi đứng nghe mà dừng chổi đứng nhìn và rồi lắc đầu ngán ngẩm “cái sự đời”!

Hô hào hết chiến dịch này đến chiến dịch nọ nhưng rồi đâu lại vào đấy, không khác kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Cứ “bình thường hóa” như vậy thì làm sao môi trường có thể sạch và đẹp?

B. THAY ĐỔI NHỎ, HIỆU QỦA TO

Ai cũng có trách nhiệm với cuộc sống, muốn sống khỏe và sống tốt thì phải có môi trường tốt, vì đó là trách nhiệm chung. Nhưng trước tiên phải thay đổi “nếp nghĩ” thì mới mong thay đổi cách sinh hoạt. Đây là vài gợi ý:

  1. Nhặt Rác– Hãy bỏ rác đúng nơi quy định, không tiện đâu vứt đó. Phân loại rác nào bỏ và rác nào có thể tái chế. Một mảnh giấy kẹo hoặc một cây tăm cũng phải được bỏ đúng nơi, đúng chỗ.
  2. Trồng Cây– Cây cối lọc không khí chúng ta hít thở, cây luôn cần cho cuộc sống. Cây có thể cải thiện đất, và cây còn làm đẹp thiên nhiên. Tiếc thay có những vùng đất bị bỏ hoang, nhất là người ta còn làm hại hệ sinh thái. Trồng cây cũng tương tự trồng người. Rất cần!
  3. Đổi Bóng Điện– Bóng đèn cũ hoặc hư, nên thay bằng loại tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là loại bóng điện huỳnh quang (CFL – compact fluorescent light), loại này chỉ tốn ¼ điện năng và tuổi thọ gấp 10 lần, đồng thời cũng là tiết kiệm tiền bạc. Lưu ý: Khi không sử dụng các thiết bị điện nữa, hãy tắt đi!
  4. Dùng Giấy– Hãy dùng giấy thay cho ni-lông. Dùng túi giấy để đựng hoặc dùng giấy để gói vừa đẹp vừa có lợi cho môi trường. Giấy luôn thân thiện với con người.
  5. Tiết Kiệm Nước– Nước rất cần cho con người, nhất là nước sạch. Hãy tắm rửa hoặc giặt giũ hợp lý, đừng lãng phí nước. Hãy sửa ngay những vòi nước rò rỉ. Tiết kiệm nước là bảo vệ cuộc sống cho chính mình.

Và còn nhiều thứ khác mà chúng ta cần tập cho quen dần. Có hệ lụy này: Lặp lại nhiều lần sẽ thành thói quen, thói quen sẽ tạo tính cách, và tính cách có thể tạo số phận!

Chúng ta không chỉ cố gắng cải thiện sai lầm vì đã làm hại thiên nhiên quá nhiều, mà chúng ta còn phải tích cực bảo vệ môi trường. Vì đó là cách chúng ta tự bảo vệ chính mình.

Nước rất mềm, lửa rất yếu, nhưng khi nước và lửa “nổi điên” thì không ai có thể cưỡng lại. Chúng ta đã “chọc giận” thiên nhiên nên thiên nhiên đang “trừng phạt” chúng ta. Hãy tạ tội với thiên nhiên bằng cách cố gắng tích cực bảo vệ môi trường!

Môi trường liên quan sự sống không chỉ của con người mà còn liên quan sự sống của mọi sinh vật – dù con người và sinh vật đó TỐT hay XẤU, LÀNH hay DỮ. Cuốn “Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo” (còn gọi là Giáo huấn Xã hội Công giáo) đã dành hẳn chương X (số 451-487) để bàn luận về vấn đề bảo vệ môi trường. Điều đó chứng tỏ Giáo hội Công giáo rất quan tâm vấn đề môi trường.

Giáo hội nhắc nhở chúng ta nên nhìn về tương lai một cách hy vọng, dựa vào giao ước mà Thiên Chúa vẫn liên tục lặp đi lặp lại. Trong Cựu ước, dân Israel sống niềm tin trong một môi trường được xem là tặng phẩm của Thiên Chúa. Chính thiên nhiên là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vì thế thiên nhiên không phải là ác thù. Ngài đặt con người lên đỉnh công trình sáng tạo và giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, nghĩa là phải quản lý và chăm sóc mọi thụ tạo cho tốt theo Tôn Ý Ngài (x. St 1:26). Thế mà con người không chỉ bất tuân mà còn ngang nhiên làm ngược lại Thiên Lệnh, cứ “vô tư” tàn phá thiên nhiên, kẻ trước người sau, không hề nương tay với thiên nhiên!

Người ta thường nói “nhân – quả”. Tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Gieo gió, gặt bão”. Đó là “hiện tượng” tự nhiên thôi. Chúng ta nói thiên tai, nhưng thực ra là nhân tai. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Ngài không thể làm điều xấu. Hậu quả chúng ta đang phải hứng chịu là do chúng ta tự gây ra. Đầm ngự nói “lỗi tại tội” cả triệu triệu lần cũng chưa sạch tội. Miệng chúng ta nói hối hận mà tay cứ phá hại thiên nhiên, không quyết tâm sửa đổi, thế thì Thiên Chúa cũng… “bó tay” mà thôi!

Thật vậy, danh nhân Mahatma Gandhi (1869-1948, Ấn Độ) xác định: “Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của con người”. Còn Aldo Leopld (1887-1947, nhà khoa họca và nhà sinh thái người Mỹ) nói: “Chúng ta xử tệ với trái đất bởi vì chúng ta coi nó là tài sản thuộc về mình. Khi nào chúng ta coi mình thuộc về trái đất thì chúng ta mới có thể bắt đầu đối xử với nó bằng tình yêu và lòng tôn trọng”.

Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu đến thế gian để khai mở một tân thế giới, trong đó mọi sự đều phục tùng Ngài. Chính Ngài tái tạo, đem lại sự hài hòa cho những mối quan hệ, và lập lại trật tự đã bị tội lỗi của chúng ta phá vỡ. Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Con người có lý khi nhận định rằng nhờ trí khôn của mình, con người vượt lên trên vũ trụ vật chất, vì được chia sẻ ánh sáng của trí khôn của Thiên Chúa”. Nhờ khoa học phát triển và công nghệ tiên tiến, con người càng ngày càng chứng tỏ vai trò chủ nhân, hầu như làm chủ trên cả thiên nhiên, và chắc hẳn còn tiến bộ thêm nữa. Ngày xưa, chuyện lên mặt trăng là động thái bất khả thi và hão huyền, không tưởng, thế nhưng ngày nay lại chỉ là “chuyện nhỏ”, và người ta còn muốn khám phá Hỏa tinh nữa. Liệu có hiện thực chăng? Được đằng chân lân đằng đầu. Người ta ảo tưởng, cứ tưởng mình làm gì cũng được, mà quên rằng trí thông minh của con người là do Thiên Chúa ban cho, chắc chắn như vậy. Chúa Giêsu đã minh định rạch ròi và dứt khoát: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

Con người có thể khai thác các tài nguyên thiên nhiên để phát triển sự sống, nhưng không được thái quá một cách vô tội vạ. Nếu không, con người chỉ tự chuốc họa vào thân. Và thật hiển nhiên, chính chúng ta đang lãnh hậu quả: Động đất, sóng thần, bão lụt, thủng tầng ô-dôn, bệnh tật tràn lan,…

Bảo vệ môi trường là bảo vệ Ngôi Nhà Chung của nhân loại, ngôi nhà của chính mình; bảo vệ môi trường là duy trì công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không bảo vệ môi trường là phá hoại công trình sáng tạo của Thiên Chúa, phá hoại thiên nhiên, hủy hoại sự sống của nhân loại, mà hủy hoại sự sống là trọng tội!

Bảo vệ môi trường thiên nhiên là điều thực sự cấp bách, nhờ đó mà con người có thể sống khỏe, sống khỏe thì sẽ sống vui, sống vui thì sẽ sống thọ. Tuy nhiên, bảo vệ tâm linh còn là điều cấp bách hơn, vì nhờ đó mà chúng ta có thể sống trong môi trường thánh thiện, chắc chắn cũng dễ nên thánh hơn.

Chúng ta đang sống trong môi trường tâm linh đặc biệt: Năm Thánh Lòng Thương Xót – từ 8-12-2015 tới 20-11-2016. Môi trường thiên nhiên cần bảo vệ và duy trì thế nào thì môi trường tâm linh cũng cần làm như vậy. Xác và hồn luôn có mối liên hệ chặt chẽ, thể lý và tinh thần cũng không thể tách rời. Xác có bình an thì hồn mới lành mạnh.

Môi trường tâm linh được nối kết bằng ba “sợi dây” kỳ diệu: Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Chúng ta gọi đó là ba nhân đức đối thần, tất nhiên cũng vẫn cần thiết rất nhiều các “nút thắt” khác mà chúng ta gọi là các nhân đức đối nhân.

Như đã nói con người có hai phần: xác và hồn. Về thể lý có 7 việc làm cụ thể, về tinh thần cũng có 7 việc làm cụ thể – tức là kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối”. Đó là Liệu Pháp Thương Xót để chúng ta bảo vệ và duy trì Môi Trường Tâm Linh. Mười bốn “mối thương” đó là:

  1. Thương Xác Bảy Mối
  • Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.
  • Thứ hai: cho kẻ khát uống.
  • Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.
  • Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
  • Thứ năm: cho khách đỗ nhà.
  • Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.
  • Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.
  1. Thương Linh Hồn Bảy Mối
  • Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.
  • Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội.
  • Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.
  • Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.
  • Thứ năm: tha kẻ dể ta.
  • Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.
  • Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Lạy Chúa, chúng con thành tâm xin lỗi Chúa, xin biến đổi chúng con từ trong tư tưởng để khả dĩ biến đổi hành động, xin tái tạo cho chúng con trái tim trong sạch và ban lại cho chúng con niềm vui Ơn Cứu Độ. Xin giúp chúng con biết thương xót tha nhân và nhân từ với bất cứ ai, nhất là với những người đối lập. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Ngày đầu tháng Chín về đây

Môi trường phải bảo vệ hoài, đừng quên!

Chung tay bảo vệ thiên nhiên

Chính là che chở tha nhân và mình

Cầu xin Thiên Chúa môi sinh

Xót thương, thánh hóa, chúc lành chúng nhân

Thiên nhiên do Chúa trao ban

Ai cũng có phần trách nhiệm chăm nom

+ + +

CHỨNG CỚ

Ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt vời

Rõ ràng chứng tỏ Chúa Trời hiển minh

Biết bao vĩ nghiệp rành rành

Nếu không có Đấng tạo thành sao nên?

Ngu si mới dám vô thần

Khôn ngoan chẳng dám phá tàn tài nguyên

Sớm khuya không thể nào quên

Quan tâm chăm sóc thiên nhiên đêm ngày

Vô tâm nên phải đắng cay

Thiên nhiên nổi giận vì tay con người

Rừng vàng, biển bạc tơi bời

Sai không chịu sửa, hỏi ai cứu mình?

Rõ ràng chứng cớ rành rành

Tội lỗi của mình mà nói thiên tai!

+ + +

ĐỪNG

Xin đừng ướp lạnh con tim

Xin đừng mặc kệ mà câm nín hoài

Xin đừng vô cảm với đời

Xin đừng hờ hững như người bàng quan

Xin đừng hóa đá con tim

Xin đừng vô giác, vô tâm, vô tình

Môi trường – nhà của chình mình

Không chăm sóc, chớ nỡ đành phá hư

Vinh quang của Chúa nhân từ

Trời xanh tường thuật bốn mùa khắp nơi

Không trung cũng chẳng ngớt lời

Loan báo việc Ngài đã tác tạo nên (*)

Nhát gan, vô cảm, vô tâm

Tội với Chúa, với tha nhân quanh mình

TRẦM THIÊN THU

(*) Tv 19:2 – “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm”.