8.”Không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.” (Cv 5, 39). Các tiêu chuẩn phân định được nhà thông thái Gamalien đề xuất.
Anh chị em thân mến!
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ. Đứng trước sự cấm đoán của người Do Thái về việc giảng dạy nhân danh Chúa Kitô, thánh Phêrô và các Tông đồ trả lời cách can đảm rằng các ngài không thể vâng phục những người muốn ngăn chặn hành trình của Tin mừng trên thế giới.
Mười hai Tông đồ cho thấy rằng sự vâng phục của họ là “vâng phục đối với đức tin”, và rồi các ngài muốn khơi dậy điều đó cho tất cả mọi người (x. Rm 1,5). Thật vậy, kể từ ngày lễ Ngũ tuần, các Tông đồ không còn là những người “lẻ loi” nữa. Họ trải nghiệm được sức mạnh tổng hợp khiến họ không tập trung về chính mình và khiến họ phải thốt lên : “Chúng tôi và Chúa Thánh Thần” (Cv 15,28). Họ cảm thấy rằng họ không thể chỉ nói “tôi” không thôi, tự nơi họ là những người bị phân quyền. Sức mạnh của liên minh này khiến cho các Tông đồ không khiếp sợ một ai. Các ngài có lòng can đảm đầy ấn tượng! Chúng ta nghĩ rằng đây là những kẻ hèn nhát : tất cả đã bỏ đi, chạy trốn khi Chúa Giêsu bị bắt. Nhưng từ sự hèn nhát như vậy các ngài đã trở thành can đảm. Tại sao? Vì Chúa Thánh Thần ở với các ngài. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện trong chúng ta : nếu trong lòng chúng ta có Thánh Thần, chúng ta sẽ can đảm tiến bước, can đảm để chiến thắng trong những cuộc chiến, tất cả không phải bởi chúng ta mà nhờ Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Các ngài không lùi bước trong cuộc chạy đua làm chứng nhân can trường của Chúa Giêsu Phục sinh, giống như các thánh tử đạo của mọi thời đại, gồm cả chúng ta. Các thánh tử đạo hiến dâng cuộc sống, họ không dấu thân phận Kitô hữu của mình. Chúng ta hãy nghĩ về một vài năm trước – [cũng như hôm nay, có rất nhiều người như vậy] – nghĩ về 4 năm trước kia, những người kitô hữu Chính thống Coptic, những công nhân đích thực, tất cả đã bị cắt cổ trên bờ biển Libia. Lời cuối cùng họ thốt ra đó là “Giêsu, Giêsu”. Họ không bán đổ đức tin, vì có Chúa Thánh Thần ở với họ. Họ là những vị tử đạo thời nay!
Các Tông đồ là “cái loa phát thanh” của Chúa Thánh Thần, được Đấng Phục sinh mời gọi truyền bá mau chóng và không ngần ngại Lời đem lại ơn cứu độ. Thật thế, quyết tâm này khiến cho “hệ thống tôn giáo” do thái phải run sợ, họ cảm thấy bị đe dọa nên phản ứng lại bằng bạo lực và kết án tử. Sự bách hại các kitô hữu luôn là như vậy : người không thích Kitô giáo cảm thấy bị đe doạ và vì thế họ đem cái chết đến cho các tín hữu. Nhưng giữa công nghị, một giọng nói khác thuộc nhóm Pharisiêu cố ngăn chặn phản ứng của dân mình : tên ông là Gamalien, một người cẩn trọng, là “tiến sĩ luật, được nhiều người quý mến”. Ở trường của ông, thánh Phaolô đã học được cách bảo vệ “lề luật của cha ông” (x. Cv 22,3). Gamalien dùng lời lẽ và chỉ ra cho các anh em của mình cách thực hành nghệ thuật phân định trước những hoàn cảnh vượt quá những mô hình thông thường.
Bằng cách trích dẫn một số nhân vật mạo xưng là Mesia, ông cho thấy mọi kế hoạch của con người, trước hết, có thể nhận được sự đồng thuận nhưng sau đó thì chìm nghỉm, trong khi tất cả mọi thứ xuất phát từ trên cao và mang lấy “chữ ký” của Thiên Chúa thì luôn tồn tại. Những kế hoạch của con người luôn bị thất bại; vì nó có thời hạn, giống như chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ đến những kế hoạch về chính trị, và cách chúng thay đổi từ nơi này sang nơi khác, trên khắp các quốc gia. Anh chị em hãy nghĩ đến những đế chế hùng mạnh, nghĩ đến các chế độ độc tài của thế kỷ trước : họ thấy mình rất quyền lực, họ nghĩ đến việc thống trị thế giới. Và rồi tất cả đều sụp đổ. Ngay cả hôm nay, anh chị em hãy nghĩ đến những đế chế thời nay : chúng sẽ sụp đổ, nếu Thiên Chúa không ở với chúng, vì sức mạnh mà con người có nơi mình không trường tồn. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới trường tồn. Chúng ta hãy nghĩ về lịch sử của các Kitô hữu, cũng như lịch sử của Giáo hội, cùng với những tội lỗi, với nhiều bê bối, nhiều điều tồi tệ trong hai thiên niên kỷ qua. Tại sao nó không bị sụp đổ? Bởi vì Thiên Chúa đang ở đó. Chúng ta là những tội nhân, rất nhiều lần chúng ta gây ra bê bối. Nhưng Thiên Chúa ở với chúng ta. Và Thiên Chúa cứu chúng ta trước, sau đó đến họ; Thiên Chúa luôn cứu độ. Sức mạnh chính là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Bằng cách trưng dẫn những nhân vật tự xưng mình là Mesia, Gamalien cho thấy rằng mọi chương trình của con người, trước hết, có thể nhận được sự đồng thuận và sau đó sẽ bị chìm nghỉm. Cho nên Gamalien kết luận rằng, nếu các môn đệ của Chúa Giêsu Nazareth đã tin vào kẻ lừa đảo, chúng sẽ tan tành theo mây khói; trái lại, nếu họ đang bước theo một người đến từ Thiên Chúa, tốt hơn hết là hãy từ bỏ việc chiến đấu chống lại họ. Và ông khuyến cáo : “quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv 5,39). Ông dạy cho chúng ta thực hiện sự phân định này.
Đó là những lời xoa dịu và có tầm nhìn xa, cho chúng ta thấy được sự kiện Kitô giáo với một ánh sáng mới và chúng đưa ra những tiêu chuẩn “nhận biết Tin mừng”, bởi vì chúng mời chúng ta nhận biết cây từ hoa quả của nó (x. Mt 7,16). Những lời ấy đụng vào con tim và đạt được hiệu quả mong muốn : các thành viên khác của Thượng Hội Đồng thuận theo quan điểm của họ và từ bỏ những ý định chết người, tức là giết chết các Tông đồ.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta, vừa riêng biệt vừa mang tính cộng đoàn, để chúng ta có thể có được thói quen phân định.
Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta luôn biết nhìn thấy tính duy nhất của lịch sử cứu độ qua các dấu chỉ của Thiên Chúa đi qua trong thời đại của mình và trên những khuôn mặt của những người xung quanh chúng ta, để chúng ta học biết rằng thời gian và khuôn mặt con người là những sứ giả của Thiên Chúa hằng sống.
Sau kinh Truyền tin, Đức Thánh cha nói :
Ngày 21 tháng 9 sắp tới là Ngày Thế giới Bệnh Alzheimer, một căn bệnh ảnh hưởng đến nhiều người nam và phụ nữ. Nguyên nhân của căn bệnh này thường là nạn nhân của bạo lực, bị bạc đãi và lạm dụng, chà đạp lên nhân phẩm của họ. Chúng ta hãy cầu cho mọi tâm hồn biến đổi và cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, cho gia đình của họ và cho những người đang yêu thương chăm sóc họ. Tôi cũng liên kết lời cầu nguyện này cho những người bị ung thư, xin cho họ ngày càng được nhiều sự hỗ trợ, trong việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.
Thứ bảy tới là lễ thánh Matthêu Tông đồ và là Thánh sử. Anh chị em hãy noi gương thánh nhân, mau mắn bước theo Chúa Giêsu. Matthêu là người dính líu đến tiền bạc và là người đã bán tổ quốc của mình vì tiền! Chúa đã gọi Matthêu và ngài đã bỏ lại tất cả tiền bạc để theo Chúa Giêsu. Sự hoán cải của thánh nhân là mẫu gương cho tất cả chúng ta, để rồi giống như ngài chúng ta có thể sống như những người môn đệ đích thực của Thiên Chúa, có thể từ bỏ những tính toán thế gian.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ