Bài huấn từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, sáng Chúa nhật 15 Thường niên tại Vatican
Anh chị em thân mến
Trong Tin mừng của Chúa nhật này (Mt 13,1-23), Chúa Giêsu kể cho đám đông dân chúng một dụ ngôn về người gieo giống, – tất cả chúng ta đều biết – người gieo hạt trên bốn loại đất khác nhau. Lời Chúa tượng trưng cho hạt giống, không phải là lời trừu tượng, nhưng chính là Chúa Kitô, Ngôi Lời của Cha, nhập thể trong cung lòng Đức Maria. Vì thế, đón nhận Lời Chúa nghĩa là đón nhận con người Chúa Kitô, là chính Chúa Kitô.
Có nhiều cách đón nhận Lời Chúa khác nhau. Chúng ta có thể thực hiện việc đón nhận như con đường, nơi chim trời ngay lập tức đến ăn hết các hạt giống. Đây chính là sự xao lãng, mối nguy lớn trong thời đại chúng ta. Bị quấy rầy bởi quá nhiều tin đồn nhảm, ý thức hệ, tiếp tục bị phân tâm từ bên trong và bên ngoài, ta có thể đánh mất đi sự im lặng, mất đi sự tập trung nội tâm, đối thoại với Thiên Chúa, có nguy cơ đánh mất đi niềm tin, không đón tiếp Lời Chúa. Chúng ta đang nhìn thấy mọi thứ, bị phân tâm bởi mọi thứ, bởi những thứ trần tục.
Một khả năng khác: chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như mảnh đất đầy đá sỏi, ít đất. Ở đó hạt giống nảy mầm, nhưng chẳng mấy chốc nó bị héo khô vì không bám rễ sâu được. Đó là hình ảnh của những người đón nhận Lời Chúa với sự nhiệt tình nhất thời, nhưng hời hợt, không biết tiêu hóa Lời Chúa. Và vì thế, khi đối diện với khó khăn, trước hết chúng ta nghĩ đến đau khổ, đến những rối loạn của cuộc sống, niềm tin non yếu đó bị tan biến, giống như những hạt giống rơi vào giữa đá sỏi khô cằn.
Khả năng thứ ba mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn, đó là chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như mảnh đất có những bụi gai mọc lên. Những cái gai là sự lừa dối về sự giàu có, thành đạt, về những lo lắng trần tục. Ở đó Lời Chúa lớn lên được một chút, nhưng vẫn bị nghẹt thở, nó không mạnh mẽ, rồi chết đi mà không đem lại hoa trái.
Cuối cùng – khả năng thứ tư – chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như mảnh đất tốt. Và chỉ nơi đây hạt giống mới bén rễ và đem lại hoa trái. Hạt giống rơi trên mảnh đất màu mỡ này đại diện cho những người biết lắng nghe Lời Chúa, đón nhận Lời Chúa, giữ gìn trong tâm hồn và đem ra thực hành trong đời sống mỗi ngày.
Dụ ngôn người gieo giống này phần nào đó là “mẹ” của tất cả các dụ ngôn, vì nó nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc cho chúng ta biết rằng Lời Chúa là hạt giống màu mỡ và hiệu quả; và Thiên Chúa phân tán nó khắp nơi với lòng quảng đại, dù có lãng phí cũng không màng. Trái tim của Chúa là thế đó! Mỗi một người trong chúng ta là mảnh đất, nơi hạt giống Lời Chúa gieo vào, không loại trừ một ai. Lời Chúa được ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: tôi là loại đất nào? Mảnh đất đời tôi giống như con đường, nơi sỏi đá hay bụi rậm? Nếu chúng ta muốn, nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể trở thành mảnh đất tốt, được chăm sóc và canh tác cẩn thận, để làm cho hạt giống lời Chúa được lớn lên. Hạt giống Lời Chúa đang hiện diện trong tâm hồn chúng ta, nhưng làm cho nó sinh hoa kết trái tùy thuộc vào chúng ta, tùy thuộc vào việc đón nhận mà chúng ta dành cho hạt giống này. Chúng ta thường bị phân tán bởi quá nhiều mối bận tâm, những quyến rũ, thật khó mà phân biệt được giữa âm thanh và lời nói, là Lời Chúa, lời duy nhất giải thoát chúng ta. Vì vậy, làm quen với việc lắng nghe và đọc Lời Chúa thật quan trọng. Và nhiều lần tôi lặp lại lời khuyên: thường xuyên mang sách Tin mừng, ấn bản bỏ túi, trong giỏ xách hoặc trong túi của mình.. Và rồi anh chị em hãy đọc một đoạn mỗi ngày, vì khi có được thói quen đọc Lời Chúa, anh chị em có thể hiểu rõ hơn đâu là hạt giống Thiên Chúa ban cho mình, và tôi là mảnh đất nào khi đón nhận Lời Chúa.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương hoàn hảo của mảnh đất tốt và màu mỡ, giúp chúng ta bằng lời cầu nguyện của Mẹ, để chúng ta trở nên mảnh đất tốt không gai góc và không đá sỏi, để nhờ đó chúng ta có thể đem lại hoa trái tốt lành cho chúng ta và cho anh chị em của chúng ta.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ