Có câu chuyện vui kể rằng: Một lần, để phát động phong trào An Toàn Giao Thông, một tổ chức thuộc Liên hiệp quốc đã tổ chức cuộc thi xã luận quốc tế với chủ đề “Con đường với cuộc sống”. Sau đây là một số bài thi được ban giám khảo đánh giá cao:
– Nước Pháp (2 bài): “Con đường tình yêu”, “Nên tỏ tình trên đoạn đường như thế nào?”.
– Nước Mỹ: “Con đường nào có thể rút lui sau khi phát động cuộc chiến tranh?”.
– Nước ý: Những con đường trong tranh trừu tượng!
– Nước Anh: “Đường đến các trường Đại học và câu lạc bộ bóng đá”!
– Nước Đức: “Luận về con đường trong triết học”!
– Nước Singapor: “Cần phải làm gì để các con đường luôn sạch sẽ?”.
– Nước Trung Quốc: “Người ta có thể làm những con đường… giả, đường nhái được không?”.
– Và… Việt Nam (3 bài): “Tại sao cần đào lấp?”, “Khi đường trở thành dòng sông”, “Những con đường cát bụi”!
Con đường thật muôn màu muôn vẻ. Có con đường vật chất để đi và cũng có con đường là hướng đi của cả một dân tộc, một đất nước. Con đường được làm tốt sẽ phục vụ tốt cho cuộc sống. Ngược lại sẽ là bất hạnh cho những ai đi trên con đường ấy.
Việt Nam đang đi trên con đường hướng tới xã hội chủ nghĩa. Có người bảo sẽ không bao giờ tới. Có người cho rằng tới mà rất chậm. Dù ai nói ngã nói nghiêng thì dân tộc Việt Nam đã đi trên con đường này suốt mấy chục năm dù vẫn xây chưa xong hạ tầng cơ sở, vẫn là bài toán nan giải để hoàn thành.
Người ta nói đường và chân là đôi bạn. Đường không có dấu chân người, sẽ không còn là con đường, chỉ là cỏ dại hoang vu phủ kín lối đi. Người không có đường sẽ không đi về đâu cả. Có khi còn mất cả hường đi. Con người và con đường. Đôi bạn làm nên cuộc đời nhau. Con người làm thành lối mòn cho con đường và con đường thành một kỷ niệm đẹp cho con người một khi đã đi qua.
Nhà văn Lộ Tấn khi 20 tuổi được cha mẹ gửi sang du học tại Nhật. Ông theo học ngành Y. Tình cờ ông được xem một đoạn phim thời sự, trong đó có cảnh một người Trung quốc bị người Nhật hành hình, điều đáng buồn là rất nhiều người Trung quốc khỏe mạnh đứng xem với vẻ mặt đần độn, không phản ứng gì. Ông lập tức bỏ học ngành Y năm thứ 2 và chuyển sang viết văn. Bởi ông nhận thấy học chữa bệnh trong lúc này không quan trọng, bởi dân mà con ngu muội, hèn nhát, thì dù thân thể có khỏe mạnh cũng chỉ là nô lệ mà thôi. Từ đó ông muốn dùng ngòi bút để chữa bệnh tật trong tính cách dân tộc. Chính chàng trai này là tác giả của câu nói nổi tiếng để khích lệ những người mở đường: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường mà thôi”.
Vâng thưa anh chị em, cuộc đời rất cần những con đường, nhưng đừng bao giờ mở đường để gây đau khổ cho nhau bằng chiến tranh, bằng hận thù. Và cũng đừng mở đường để tìm tư lợi riêng, nhưng mở đường để tạo tình liên đới giữa con người với nhau được gần gũi hơn. Và mở đường phải nhắm đến phục vụ cho nhu cầu con người chứ không phải cho một nhóm người hay một giai cấp nào.
Lời ngôn sứ Gioan vẫn đang mời gọi chúng ta mở lối đường cho Chúa ngự trị. Gioan vẫn thiết tha mời gọi chúng ta hãn san bằng núi đồi của kiêu căng. Hãy lấp đầy thung lũng của đam mê tật xấu. Hãy nắn cho ngay thẳng tính gian dối hại người. Hãy sống một cuộc đời cho xứng với lòng sám hối ăn năn để cho Con Chúa Trời giáng trần nơi cung lòng mỗi người chúng ta. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền