Miền Giao Thừa

37

Đêm Ba Mươi, lúc sn sàng tng cu, quyết tâm cha ti li, nguyn Chúa ban ơn tha th

Sáng Mng Mt, khi háo hc nghinh tân, th ha sng nhân lành, cu Ngài ghé mt xót thương

dgfnzaThời khắc cuối cùng của một năm được gọi là “giao thừa”. GIAO là qua lại với nhau, trước sau tiếp nhau; THỪA là tiếp nối. Giao thừa là “giao lại cái cũ, tiếp lấy cái mới” ngay thời điểm năm cũ kết thúc và năm mới khởi đầu. Đêm giao thừa là “đêm ba mươi”, còn gọi là “đêm trừ tịch” (TRỪ là bỏ đi, TỊCH là chiếu – tức là “thay chiếu”).

Giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới – thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Đó là khoảng thời gian thiêng liêng, khoảnh khắc “bản lề”, giây phút tống tiễn năm cũ với những điều không may đã qua, đồng thời nghinh đón năm mới với những điều may mắn và tốt lành sẽ đến. Chắc hẳn đó là cột mốc quan trọng của mỗi người, cột mốc này càng quan trọng hơn vì đó là “cột mốc tâm linh” của mọi Kitô hữu – những người tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa Xuân Cứu Độ.

Tác giả Thánh Vịnh đặt vấn đề và nhận định: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 9:5-7). Ai cũng đã hơn một lần kinh nghiệm về tội lỗi, và cũng từng cảm nghiệm niềm vui khi thoát khỏi ách tội lỗi, như đứa con hoang đàng tìm về với người cha nhân hậu (x. Lc 15:11-31). Đó là dạng giao thừa đặc biệt của chúng ta: Giao thừa Tâm linh. Thời khắc giao thừa cũng là lúc nhìn lại quá khứ để có kinh nghiệm, và hướng tới tương lai với niềm hy vọng mới: Bình an, hạnh phúc, hoàn thiện, mơ ước, quyết tâm,…

Cuộc sống có nhiều loại cột mốc. Ngày xưa, cây nêu được dựng từ 23 tháng Chạp tới mồng 7 tháng Giêng, với mục đích ban đầu nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Cây nêu là cột mốc để ma quỷ không được đến gần con người. Về tâm linh, trình thuật Mc 1:21-26 cho biết rằng vào ngày sa-bát, Đức Giêsu và các môn đệ vào thành Ca-phác-na-um. Ngài vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Khi đó có một người bị thần ô uế nhập, nó la lên: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng rồi xuất khỏi anh ta.

Ma quỷ có thật, vô hình mà thật, nó hiện hữu trong sự vô hình. Nó không ở xa chúng ta, thậm chí nó ở ngay trong hội đường – nơi người ta họp nhau cầu kinh và làm việc đạo đức, nghĩa là nó có ở trong nhà thờ và nó ở bên chúng ta cả khi chúng ta cầu nguyện. Nó biết nó là ai và nó cũng biết rõ Chúa Giêsu là ai, nó biết rõ hơn chúng ta, nó xác nhận Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nó vạch ranh giới khi nó đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”. Nó muốn xác định rằng người mà nó ám là của nó, thuộc quyền hạn của nó. Nhưng Chúa Giêsu có quyền trên nó nên nó phải rời xa nạn nhân. Ma quỷ cũng luôn tìm mọi dịp để cướp đoạt chúng ta, bất cứ lúc nào và nơi nào, thậm chí nó có thể cám dỗ chúng ta đạo đức. Vì thế, chúng ta phải cảnh giác cao độ, như Thánh Phêrô khuyến cáo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Và để bảo vệ chúng ta khỏi ma quỷ, Chúa Giêsu đã dựng một cây nêu tâm linh: Thánh Giá.

Giao thừa là lúc tống cựu và nghinh tân, cũng là lúc vui đón Xuân về, mừng chào Tết đến. Lời cầu chúc được sử dụng trong nhiều dịp, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán. Ngày xưa, Thiên Chúa căn dặn ông Môsê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con ông ấy rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’. Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:22-27). Chắc chắn không có lời chúc nào đẹp hơn, nhất là trong lúc khởi đầu mùa Xuân, bắt đầu năm mới. Lời chúc do chính Thiên Chúa truyền dạy thì không gì tuyệt vời hơn!

Càng tuyệt vời hơn bởi vì “ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:2). Thánh Vịnh cũng cầu chúc: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề” (Tv 121:3-5). Có Thiên Chúa chở che bênh đỡ thì chẳng còn lo sợ gì: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23:4).

Thật vậy, sự an toàn tuyệt đối: “Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:6-8). An toàn là an bình, là an thái, là hòa bình, điều mà không ai lại không mơ ước, không chỉ mong muốn mà là khao khát. Có Thiên Chúa, người ta có thể bình an ngay trong nghịch cảnh, khốn khó, vì niềm tin của họ không nao núng, không phai nhòa.

Vui khi bình an, buồn khi gian nan, đó là lẽ thường tình. Vui trong mọi hoàn cảnh mới đáng quan tâm, vui như vậy chứng tỏ tâm hồn luôn bình an. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:14-18).  Đồng thời, chúng ta cũng phải cảnh giác: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22).

Đêm giao thừa, giây phút linh thiêng, Thánh Phaolô có lời cầu nguyện thật đẹp: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó” (1 Tx 5:23-24). Cuối cùng, Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Thưa anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa. Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Tx 5:25-28). Đó cũng là cách thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.

Một hôm, khi thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Sau đó, Ngài ngồi xuống, và các môn đệ đến gần bên Ngài. Chạnh lòng thương họ, Ngài lên tiếng dạy họ Tám Mối Phúc (Bát Phúc, Mt 5:3-10):

Phúc thay ai có TÂM HỒN NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai KHÁT KHAO NÊN NGƯỜI CÔNG CHÍNH, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai XÓT THƯƠNG NGƯỜI, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI VÌ SỐNG CÔNG CHÍNH, vì Nước Trời là của họ.

Đó là bản Đệ Nhất Tuyên Ngôn, ngắn gọn nhất và súc tích nhất, là bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Trong đó có tám điều kiện ắt có và đủ, nghe chừng rất “ngược đời” nhưng lại hoàn toàn hợp lý, dạng Nghịch-Lý-Thuận. Kỳ diệu quá chừng! Mỗi người tự hoàn thiện bằng tám điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này thì chắc chắn thế giới có nền hòa bình đích thực và tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối.

Sau đó, Chúa Giêsu nói thêm như một lời giải thích và hứa hẹn: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:11-12).

Giao thừa, thời khắc tống cựu và nghinh tân, chúng ta cùng tâm niệm cho một năm mới: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5). Được như vậy thì thật diễm phúc cho chúng ta ngay từ phút giao thừa này: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

Thiên Chúa mời gọi chứ không hề bắt ép bất kỳ ai, vì Ngài hoàn toàn tôn trọng sự tự do mà Ngài đã trao ban cho chúng ta. Nhưng thế nào là tự do? Thánh LM Thomas Aquinas, Tiến Sĩ Giáo Hội, giải thích: “Tự do là một khả năng chọn làm điều thiện với một trách nhiệm”.

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Cha là Chúa Tể càn khôn! Chúng con tạ ơn Ngài đã cho chúng con sống đến giây phút này, chúng con xin lỗi Ngài về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con hoàn thiện nên giống Ngài hơn trong năm mới. Chúng con xin chúc Tết Ba Ngôi Thiên Chúa, xin giúp chúng con hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng; chúng con xin Chúa lì xì nhiều Hồng Ân để chúng con sống đúng Ý Ngài; chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin thương hướng dẫn chúng con đi đúng Thiện Lộ của Ngài.

Xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho mọi người đều có được niềm vui Xuân trọn vẹn, xin đặc biệt thương xót những người nghèo khổ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người cứu độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU