Men-ki-xê-đê và Thánh Lễ

184

Người Công giáo chúng ta tin rằng Bí tích Thánh Thể thực sự là hy lễ. Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, Thiên Chúa làm cho sự hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập Giá tái hiện cho chúng ta một lần nữa, cho phép chúng ta tham dự vào hy lễ và dâng lên trong sự kết hợp với Chúa Giêsu.

Ngược lại, người Tin Lành tin rằng bánh và rượu (hoặc nước) chỉ là sự tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giêsu, chứ chúng ta không thực sự tham dự vào hy lễ đó. Để giúp giải quyết cuộc tranh luận này, chúng ta chuyển sang câu chuyện về Men-ki-xê-đê và xem cách hy lễ đó liên kết với Bữa Tiệc Ly và Bí tích Thánh Thể như thế nào.

CÂU CHUYỆN VỀ MEN-KI-XÊ-ĐÊ

Trở lại với sách Sáng Thế, chúng ta đã đọc rằng Áp-ram (sau được đổi tên thành Áp-ra-ham) đã cứu cháu trai khỏi bị giam cầm, và ngay sau đó, Men-ki-xê-đê xuất hiện dường như không có nơi xuất phát: Ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Áp-ram và nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” Rồi ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm. (St 14:18-20)

Đoạn văn này đặt ra rất nhiều câu hỏi nhưng, vì mục đích của chúng ta ở đây, tôi muốn tập trung vào chỉ một điều: tại sao Men-ki-xê-đê mang ra bánh và rượu? Bản văn không nói rõ cho chúng ta biết, nhưng cho chúng ta một gợi ý. Ngay sau khi đề cập bánh và rượu, bản văn nói rằng ông là tư tế, và điều đó rất đáng nói. Điều đó cho thấy rằng bánh và rượu bằng đó có liên quan chức tư tế của ông, vì vậy ông đã không mang chúng ra ngoài vì nghĩ rằng Áp-ram có thể đói. Vả lại, ông mang chúng ra vì ông là tư tế, vì theo định nghĩa, tư tế là người hiến tế, nên ông đã dâng bánh và rượu cho Chúa làm hy tế.

TƯ TẾ MEN-KI-XÊ-ĐÊ

Từ câu chuyện đó, chúng ta đã có thể bắt đầu hình thành một cuộc tranh luận về bản chất hy sinh của Bí tích Thánh Thể, nhưng nếu chúng ta muốn làm cho nó mạnh nhất, chúng ta có thể dừng lại ở đó. Thay vào đó, bây giờ chúng ta chuyển sang đoạn khác trong Cựu Ước có đề cập Men-ki-xê-đê, một câu quan trọng trong Thánh Vịnh: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” (Tv 110:4)

Trong bối cảnh ban đầu, Thánh Vịnh này đề cập hậu duệ hoàng gia của Vua Đa-vít, người cai trị dân Israel, nhưng Tân Ước áp dụng cho Chúa Giêsu, (Dt 7:17) vua Đa-vít mới của chúng ta. (Mt 1: 1, 9:27) Lúc đầu, có vẻ kỳ lạ khi nói rằng Chúa Giêsu là linh mục “theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” Thời cổ đại, không có phẩm trật tôn giáo như chúng ta có ngày nay trong Giáo hội Công giáo. Vậy điều đó nghĩa là gì? Nó có nghĩa vài điều, nhưng với mục đích ở đây, chúng ta hãy tập trung vào một điều duy nhất: Men-ki-xê-đê là một dạng (hoặc điềm báo) quan trọng trong Kinh Thánh về Chúa Giêsu.

BỮA TIỆC LY

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã trao bánh và rượu cho các môn đệ của Ngài, một hành động gợi nhớ bánh và rượu của Men-ki-xê-đê. Thật vậy, khi Chúa Giêsu làm điều này, Ngài đã sử dụng ngôn ngữ để mô tả bánh và rượu, làm cho mối liên hệ với Menkixêđê không thể bỏ qua. Ngài nói rằng Mình Ngài được “hiến tế vì anh em,” (Lc 22:19) Theo Hy ngữ, điều đó có nghĩa đen là “được trao nhân danh anh em,” ngụ ý rằng Chúa Giêsu hiến dâng thân mình làm hy lễ cho các môn đệ của Ngài. Tương tự, Ngài nói rằng Máu Ngài “đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26:28) Và trong Cựu Ước, các tư tế sẽ “đổ ra” máu của tế vật. (Xh 29:12; Lv 4:18)

Nếu Men-ki-xê-đê báo trước Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu dâng bánh và rượu khi dùng ngôn ngữ hiến tế, thì mối liên hệ giữa hai nhân vật này gần như buộc chúng ta phải thực hiện bước kế tiếp. Giống như Men-ki-xê-đê đã dâng bánh và rượu làm hy lễ, Chúa Giêsu cũng dâng bánh và rượu làm hy lễ. Đó không phải là phép ẩn dụ; Ngài không thiết lập một nghi thức tượng trưng. Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Ngài muốn nói đó là hy lễ thực sự.

THÁNH LỄ LÀ HY LỄ

Men-ki-xê-đê có thể không là nhân vật chính trong Kinh Thánh, nhưng ông là nhân vật quan trọng, người tiên báo chính của Chúa Giêsu. Câu chuyện của ông trong sách Sáng Thế giúp chúng ta hiểu được Chúa Giêsu sẽ làm gì khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Vì Men-ki-xê-đê dâng bánh và rượu làm hy lễ, bánh và rượu mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ cũng là hy lễ thực sự. Đó là “cách giới thiệu trước” về sự hy sinh của Ngài trên Thập Giá vào ngày hôm sau.

Vì thế, mỗi khi chúng ta đi lễ và cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng đang tham gia vào sự hy sinh đó – một cách “giới thiệu lại” hoặc tái diễn – kết hợp chính mình và cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha.

JP NUNEZ

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)