GÓC TÂM TÌNH Thường huấn 2010

Thường huấn 2010

MỀM DẺO ĐỂ ĐƯỢC HUẤN LUYỆN


Ngoài những yếu tố cấu thành kế hoạch huấn luyện từ phía tổ chức,

bài sau đây giới thiệu những điều kiện nhờ đó ta có thể nói được là

“người trẻ đang được huấn luyện,” nói cách khác, là

xét đến cách mạch lạc hình thức đáp trả về phía người được gọi.

 

Quả thực, huấn luyện không phải là một hành trình từ một phía, cũng không phải là thứ việc chỉ cần làm một lần. Cũng không có nghĩa là sự áp đặt ít nhiều điều tế nhị hoặc là một liên hệ giữa người với người mà trong đó một người tích cực và người kia thụ động.

Mặt khác, không thể phủ nhận khả năng là một số người trẻ của chúng ta chỉ trải qua tiến trình huấn luyện một cách hình thức. Thực vậy, sẽ không thực tế khi nghĩ rằng tất cả các tập sinh hoặc những khấn sinh của chúng ta là đang được huấn luyện. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng một số đã trải qua suốt các giai đoạn của tiến trình huấn luyện mà không hề bị đụng chạm, họ vượt qua cách khéo léo những thách đố và các đề xuất, không chỉ cho phép họ rất ít xây xát với bất cứ sự can thiệp huấn luyện nào, nhưng lại cho thấy một tình trạng không nao núng như một vận động viên điền kinh thế giới, đôi khi họ còn được nhận xét cách chân thành của người huấn luyện, là người thanh thản và ổn định về cá tính. Đối với những ứng sinh này thì không có huấn luyện khởi đầu và cũng sẽ không có huấn luyện thường xuyên.

Không đề cập tới những trường hợp cá biệt, chúng ta nói rằng, nơi mỗi người trẻ, cùng với ước muốn chân thành dâng hiến, thì vẫn còn một khu vực u tối không cho phép ánh sáng thâm nhập vào, tính tình cứng cỏi và thói quen thâm căn cố đế gây nên sự đối kháng đối với những đề xuất của huấn luyện, làm tê liệt sức sống nơi người trẻ mà không cần biết là họ muốn hay có nhận thức về điều đó hay không. Và từ đó, chắc chắn là không có được sự sẵn sàng để cho chính mình được giáo dục, huấn luyện và đồng hành.

 

1. Từ đơn sơ (docilitas) tới  mềm dẻo (docibilitas)

Vào một thời mà sự sẵn sàng này được gọi là sự đơn sơ (docilitas), một từ có một giá trị tích cực. Thực ra, nó nói lên một thái độ nền tảng về lòng tin đối với người khác nhưng cũng có rủi ro là thái độ phong thánh cho một sự nhu nhược – thụ động nào đó. Tôi (tác giả) thích dùng một từ khác, mềm dẻo (docibilitas), mà xem ra diễn tả tốt hơn ý tưởng của một tiến trình huấn luyện mà trong đó chủ thể đóng vai trò tích cực và đặt ứng sinh trong một điều kiện “học để học” (learn to learn). Nói khác, là sống trong trạng thái huấn luyện thường xuyên. Chúng ta lưu tâm đến ba lãnh vực: cái tôi hiện tại (actual self), cái tôi lý tưởng (ideal self) và cái tôi tương quan (relational self) liên hệ với ba phương pháp sư phạm là giáo dục (education), huấn luyện (formation) và đồng hành (accompaniment). Các điều này không hoàn toàn mới lạ, nhưng chúng ta sẽ dùng những yếu tố chính xác cần được nhấn mạnh ở đây.

a) Sự thật của cái tôi hiện tại

Tiến trình huấn luyện bắt đầu từ giây phút mà ứng sinh nhận thức về thực tại con người của mình, cách riêng, các khía cạnh mạnh, yếu, tự do và không hoàn toàn tự do, từ nơi đó họ có thể đáp lại lời mời gọi với một tiếng “vâng” quảng đại, và từ nơi đó họ còn vẫn một con đường dài để tới với dự phóng của Thiên Chúa.

Điều quan trọng hơn hết là ứng sinh biết rõ được những vùng trung tâm không kiên định, nghĩa là nơi đó họ thực sự bị tổn thương và biết là không dễ kiểm soát được. Họ cần hiểu biết cái nguyên do gốc rễ của sự không kiên định đó, thường là khó thấy được ngay, vì chức năng động lực tâm lý (psychodynamic = chức năng đóng vai trò cân bằng tâm lý hoặc là nhu cầu mà người ta đáp trả và thỏa mãn) và những hậu quả trong mối tương quan với những người khác, với Chúa và với chính mình, trong đời sống cộng đoàn và tông đồ, hiện tại và tương lai. Cuối cùng và trên hết, ứng sinh sẽ phải chọn ra một số cách thức thực hành để ngày càng ít lệ thuộc với điều không kiên định đó.

Ở giai đoạn này, tiến trình giáo dục là một hành động hướng tới sự thật. Đó là, như chúng ta biết, mục tiêu của tính năng động sư phạm của giáo dục: e-ducere, lôi ra, kéo ra sự thật đang ẩn dấu trong chủ thể, nhờ đó ứng sinh có thể biết được chính mình và nhận thức chính mình rõ ràng hơn theo những khả năng, không chỉ do đơn sơ chủ quan, nhưng là sự thật khách quan, không chỉ là các khía cạnh ý thức mà cả những điều vô thức nữa.

Khi một người không biết chính mình và chưa khám phá ra phần yếu và ít tự do nơi mình, và cách thức để ra khỏi đó, thì họ vẫn còn ở trong tình trạng tiền – giáo dục, cho dù ứng sinh bày tỏ một vài điều thích hợp cơ bản để đảm nhận hành trình này. Nếu không, thì người ta chỉ làm mất thì giờ của mình và của người khác.

b) Sự tự do của cái tôi lý tưởng

Ở mức độ này huấn luyện đem lại hiệu quả nếu như, trước tiên chủ thể biết nơi bản thân mình, các mặt mạnh hơn và kiên định hơn mà họ có thể sử dụng để hướng tới mục tiêu là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Nhưng điều kiện chính yếu đem lại sự thích hợp trong huấn luyện là người trẻ nhân biết chính căn tính của mình trong con người của Đức Kitô và có được tâm tình của Ngài. Từ đây, ứng sinh bắt đầu cảm nghiệm sự quyến rủ của một ơn gọi như thế.

Vì khi người ta không cảm thấy cách tự do được lôi cuốn bởi vẻ đẹp của Đức Kitô  và vẻ đẹp được nên giống như Ngài, thì đừng nói tới chuyện huấn luyện. Thực vậy, mục đích của huấn luyện là đề nghị một kiểu mẫu, một “hình thể” sẽ tạo thành căn tính mới cho người được thánh hiến, và đương sự phải cảm nhận được điều này. Nếu hình thể đó là tâm tình của ĐK, thì có nghĩa là huấn luyện một người tới sự tự do để cho chính mình được vẻ đẹp nhiệm mầu của Người Con lôi cuốn và để vẻ đẹp đó trở thành chính mình.

Khi không có “nhiễm sắc thể nhiệm mầu” (mystical chromosome) thì người ta vẫn chưa ở trong tình trạng được huấn luyện, nhưng là một con người lệ thuộc, thực hiện những mệnh lệnh và không chút đam mê.

c) Cởi mở với cái tôi tương quan

Cuối cùng, rõ ràng là không có cái gọi là tự huấn luyện, người trẻ chỉ có thể nói được là họ đang được huấn luyện khi họ chấp nhận được đồng hành với một người anh em/chị em lớn tuổi hơn. Đây là điều kiện cơ bản của sự phát triển cái tôi trong tương quan. Nói khác, sự từ bỏ dần dần những rào cản mà mỗi người dựng nên quanh họ, như là cơ cấu phòng thủ ngăn cản người ta khỏi giao tiếp cởi mở và phó chính mình cho kẻ khác.

Thực vậy, huấn luyện là một hiện tượng về mối tương quan và do đó, hàm ý một sự giải thoát trước Thiên Chúa, Người là đấng đầu tiên, là sự thật, là Cha và là Thầy duy nhất, và trước người huấn luyện là người anh/chị được mời gọi làm trung gian cho hành động khuôn đúc thiêng liêng này, mặc dù họ bất toàn: chính do điều này mà người trẻ phải học phó mình cho kẻ khác với một hành động phát xuất từ đức tin, bằng cách chia sẻ với họ hành trình và để cho chính mình được họ xem xét kỹ càng.

Nhưng mềm dẻo (docibilitas) cũng có nghĩa là sự sẵn sàng đi vào trong cuộc gặp gỡ với thực tại và với những người khác nói chung, để tiếp tục học hỏi từ cuộc sống và từ mỗi người. Từ đó huấn luyện trở nên như một “thói quen” đồng hành với con người, và luôn làm cho họ trẻ trung.

Ai đã học để học (và cho phép mình được huấn luyện ) sẽ tiếp tục học hỏi từ nơi mỗi người và cho toàn cuộc sống của mình. Trái lại, người nào đã không “học” trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu sẽ không bao giờ học điều gì nơi người khác và từ cuộc sống.

Nhưng làm sao một người có thể nhận biết rằng họ không mềm dẻo để cho mình được huấn luyện?

 

2. Từ Sợ hãi đến Cứng cỏi (Non Docibilitas)

Chúng ta đã nói tới sự phân biệt không chỉ giữa cá nhân này với cá nhân kia, giữa người có một hệ số cao mềm dẻo để được huấn luyện và người khác không có, nhưng điều này diễn ra nơi cùng một người. Mỗi người trong chúng ta “dễ dạy, mềm dẻo” ở một số mặt của nhân cách và “cứng cỏi” ở những mặt khác.

Sâu xa, sự cứng cỏi phát xuất từ sự sợ hãi chính mình, và từ điều mà mình tìm thấy trong chính mình, sợ người khác và sợ các mối tương quan liên vị, đặc biệt là sợ Thiên Chúa và Lời của Ngài và điều mà Thiên Chúa có thể đòi hỏi hoặc ban tặng.

Chúng ta đề cập tới những nét nổi bật của việc không mềm dẻo trong giáo dục, theo ba hướng đã được nhìn nhận ngày nay.

a) Đánh mất chính mình

Có người trong tiến trình huấn luyện hình như đã đánh mất sự gặp gỡ với chính mình. Người ta nói rằng họ không biết chính mình hay chỉ biết bề ngoài của mình. Có thể họ đã không được thúc đẩy đi xa hơn, ở một mức độ sâu hơn trong việc phân tích các động lực và các ý hướng là những điều không xuất hiện rõ ràng ngay tức thời và có thể là vô thức.

Mẫu người này lẫn lộn sự thật với đơn sơ và nghĩ rằng các nhận thức chủ quan theo cảm giác là đủ. Hậu quả là họ sống xa với chính mình, và rời xa sự thật về mình. Họ không biết rõ đâu là vùng yếu nhất trong nhân cách của họ hoặc là họ bằng lòng với một bản tóm tắt của bản phân tích. Ví dụ như khi họ đi xưng tội, họ luôn lặp lại cùng một điều, và sau một thời gian, họ không còn cảm thấy cần đi xưng tội hoặc xin linh hướng nữa.

Từ quan điểm này, đây là mẫu người “không bao giờ bị khủng hoảng.” Hoặc nếu họ thực sự được thúc đẩy khám phá những “quái thần” trong họ, họ sẽ nói rằng họ không thể làm gì và rằng họ lầm lẫn trong sự chọn lựa của họ: trong bất cứ trường hợp nào thì họ đều không cho thấy một sự mềm dẻo cần thiết để thực hiện một cuộc hoán cải. Không phải vì họ minh nhiên loại trừ điều này mà vì họ bỏ qua việc gặp gỡ với cái tôi chân thật nhất của mình, họ đã loại trừ chính mình khỏi những động lực (“tại sao và thay đổi để làm gì”) và do đó, loại trừ mình khỏi nguồn năng lực quý giá.

Đôi khi mẫu người này thực sự giống như người không quyết định được, không thực sự biết điều mình muốn; giả tạo trong tương quan, không thể yêu thương, xem ra an toàn về mình, nhưng trong thực tế rất mềm yếu. Họ là con chiên lạc. Họ không để cho chính mình được tìm thấy, cũng không muốn được ở trong tay người chăn chiên; do đó, họ không để cho chính mình được sửa đổi hoặc hiểu thế nào là nhân từ.

Nếu giáo dục khởi sự với việc nhận thức giới hạn của chính mình, thì đối với mẫu người này, điều đó không bao giờ bắt đầu và sẽ trở thành chuyện hão huyền.

b) Cái tôi quay cuồng

Cái “tôi bị đánh mất” vì thiếu một khởi đầu trong tiến trình huấn luyện còn “cái tôi quay cuồng” vì thiếu một điểm tới, hoặc điểm tới không rõ ràng.

Quay cuồng không vì thiếu mềm dẻo, nhưng vì sự hiện diện của một số trở ngại, trong đời sống, làm cho họ cách quảng với sự lôi cuốn thực sự, là điều mà họ cần cảm nhận như là cái tôi lý tưởng của họ. Đặc biệt hơn, mục tiêu chính là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và với tình cảm của Ngài, đã không được cảm nhận như là căn tính mới đang thay chỗ cái căn tính cũ; cái mới và cái cũ vẫn chung sống với nhau, cách này hay cách khác trong một căn tính đôi (double identity): cái chính thức thì trừu tượng và ít được liên hệ, và cái cũ tuy ẩn dấu, lại được nuôi dưỡng và nuông chiều cách kín đáo, thu hút năng lực và sự quan tâm, làm cho đương sự xa rời với điều sẽ là mối quan tâm hàng đầu của đời sống thánh hiến.

Do đó, rõ ràng là chúng ta có những người trẻ không muốn được trở nên trẻ trung: họ lạnh lùng, cứng cõi, và nhiều thứ khác, biếng nhác trong học tập và kinh nguyện…tầm thường, sơ sài và không có khả năng nhiệt tình với những gì là tốt đẹp, bối rối và vụng về khi được yêu cầu làm chứng  cho niềm tin và ơn gọi (họ chỉ bắt chước và lặp lại những gì của người khác). Họ không hình dung được sự thật và tự do lớn lao như thế nào trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, Chúa của sự Sống. Họ sẽ là những người trẻ không có được tự do để từ bỏ chính mình, hi sinh chính mình cho người khác, nhưng bị thúc ép từ bên trong để tự phát triển chính mình cách ảo tưởng.

Hậu quả sẽ là một sự khép kín rõ ràng đối với tiến trình huấn luyện và với ân sủng để cho chính mình được thu hút bởi cái đẹp của Người Con, vì huấn luyện diễn ra vào lúc mà sự thật và tự do gặp nhau để cho phép ánh lửa thu hút của Chúa Kitô tỏa ra.

Nhưng ở đây không có gì được tỏa ra và ngược lại với sức thu hút là sự quay cuồng của một sự mâu thuẫn và một căn tính tan nát. Thay vì tự do để cho chính mình được thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa Kitô thì lại duy trì một cái tôi xa rời trọng tâm và sự thật. Đi tìm chính mình mà không bao giờ gặp được.

c) Cái tôi cứng cỏi

Ngược lại với cái tôi tương quan là cái tôi bị khép kín trong chính mình, lo sợ cởi mở tâm hồn và càng lo sợ phó mình cho người khác.

Những kinh nghiệm về các tương quan không lành mạnh và bị tổn thương trong quá khứ có thể đã tạo nên sự lo sợ này, để lại trong tâm hồn ý nghĩ cho rằng tốt hơn là bảo vệ chính mình khỏi người khác và ngay cả Chúa nữa.

Ngày nay, trong bầu khí chung của sự bất ổn tình cảm, (điều đang làm yếu đi ngay cả đời sống gia đình), không hiếm những người trẻ tìm sự an toàn bằng cách tự vệ. Họ hình như phải bảo vệ chính họ, và họ phải mệt mỏi rất nhiều khi để cho mình được người khác đồng hành và cởi mở chính mình cho người khác. Không nhất thiết họ là người hay hờn dỗi và không thể tiếp xúc. Lắm khi họ xem ra là những người có tương quan tốt nhưng thực tế họ không tin vào ai cả.

Bộ giáp cứng cỏi đó được mặc dưới nhiều hình thức. Mẫu người bình lặng, đơn độc luôn thấy mọi sự đều xuôi chảy nhưng lại không hiểu sự cần thiết được đồng hành. Mẫu người hoàn hảo, đạo đức cách lầm lạc, là người chỉ muốn cởi mở với một người hướng dẫn hoàn hảo (điều mà họ thường đi tìm ở nơi khác). Mẫu người lẫn tránh, nhút nhát, hơi giống mafia một chút, họ trốn tránh vì sợ một cuộc đối đầu. Mẫu người lữ hành, loại lanh lợi, có nhiều bạn tâm tình để trao đổi các khía cạnh của cuộc sống nhưng họ không bày tỏ hoàn toàn cho một người nào. Mẫu người không thể thấm nhập, tính cách cứng cõi, họ đến với buổi gặp gỡ vì họ phải đến nhưng không để cho mình được đào sâu bên trong và họ chống lại mọi nỗ lực như thế. Mẫu người không xao xuyến, ngược lại họ có vẻ như được làm bằng cao su. Một cách lý thuyết, họ để cho mình được xem xét kỹ lưỡng. Họ cũng đồng ý với các nhận định về họ nhưng họ hoàn trả mọi thứ cho người nhận xét mà không mảy may đụng chạm, giống như trái tim họ được làm bằng nhựa dẻo.

Rõ ràng với các mẫu người này thì không thể có huấn luyện là điều mà tự bản chất được đặt nền trên sự thỏa thuận tin tưởng lẫn nhau. Một hàng rào tự vệ nào đó đã có thể ngăn cản ngay cả mối tương quan thiêng liêng, trong những trường hợp như thế,  làm cho mối tương quan này nghèo nàn và vô nghĩa, hoặc đóng kín tâm trí của đương sự trước khơi gợi của Lời và của sự Sống.

Thực vậy, những người có tính cách này không để cho họ được đụng chạm tới và được huấn luyện bởi thực tại và bởi người khác, vì bộ giáp tự vệ cứng ngắc kia làm cho họ hoàn toàn chai lì, giống như thầy Lê-vi, hình tượng của sự cứng cỏi (non docibilitas), thấy người đi đường bị cướp hành hung bất tỉnh mà  vẫn tránh sang bên đi thẳng.

Chúng ta có thể kết luận bằng cách nói rằng hệ số của sự mềm dẻo (docibilitas) và của sự cứng cỏi (non docibilitas), là do sự đối kháng giữa thái độ của cái tôi hiện tại, cái tôi lý tưởng, và cái tôi tương quan với sự khơi gợi của giáo dục, huấn luyện và đồng hành.

 

Peter Khoan ofm

Dịch trong Amadeo Cencini,

The Sentiments of the Son, trg 199-207.

Exit mobile version