Một chi tiết nhỏ mà các nhà viết tiểu sử về Mẹ Têrêsa đôi khi bỏ qua, đó là biến cố lên 7 tuổi, bé Têrêsa phải đối diện với việc một người đã sát hại cha mình. Có thể nói, đây là vết thương của tuổi thơ mà Mẹ phải đối diện, và nó ảnh hưởng suốt cả đời của Mẹ. Chúng ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực, điều này tùy thuộc vào việc bản thân đối diện và chấp nhận thực tại ấy. Nếu vết thương ấy không được chữa lành, nó sẽ mưng mủ và nhiễm trùng làm ảnh hưởng toàn thân và có thể lây nhiễm sang người khác cách nào đó. Cũng vậy, nỗi đau nếu không được chủ thể hóa giải và chữa lành sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hiện tại, nếu không muốn nói, dần dà nó hủy hoại chính những gì cao đẹp nhất nơi lý tưởng một người. Còn Mẹ Têrêsa thì sao ? Bài viết sẽ cố gắng làm sáng tỏ vấn đề hệ trọng này hầu nêu bật tấm gương của một nhân đức anh hùng dám đối diến với những nỗi đau của mình và trở thành chứng nhân của lòng thương xót Chúa.
10 năm sau, tức năm 17 tuổi, thiếu nữ Têrêsa đã quyết định bước vào đời tu, với một hội dòng chuyên lo giáo dục các thiếu nữ. Ở Ấn độ biết bao đối tượng cần phục vụ, tại sao mẹ lại chọn việc giáo dục các thiếu nữ ? Phải chăng tuổi thơ của Mẹ bất hạnh nên Mẹ không muốn để cho một ai khác chịu đựng sự bất hạnh như Mẹ ? Tuổi thơ bất hạnh đã đem lại cho Mẹ một sự tế nhị và nhạy cảm đối với niềm đau nỗi khổ của người khác.
Nhưng rồi nỗi thao thức mà Chúa đã đặt để trong tâm hồn Mẹ quá lớn lao và mạnh mẽ, nó vượt khỏi biên giới của bốn bức tường nhà dòng để đến bên từng mảnh đời bất hạnh. Mẹ quyết định chuyển dòng theo lời mời gọi của Chúa. Mẹ phải trả giá với chọn lựa này bằng sự bất thuận của cha linh hướng và sự bất bình của chị em trong dòng. Nhưng Chúa có cách thức hành động khiến mọi người phải ủng hộ và chấp thuận nguyện vọng của Mẹ hầu thực hiện chương trình của Ngài.
Trong khi những nhà lãnh đạo quốc gia đang đi tìm giải pháp vĩ mô cho một số đông những người bất hạnh tại nước này thì một con người nhỏ bé đã bắt đầu bắt tay vào việc phục vụ trực tiếp những người cùng khổ. Mẹ đã phục vụ với một ý thức đơn sơ: “Đừng chờ đợi các nhà lãnh đạo; hãy một mình thực hiện điều đó, người này đến người khác.” Có thể nói, việc làm của Mẹ như giọt nước chẳng thấm vào đâu với đại dương mênh mông. Thế mà Mẹ đã hành động vì biết rằng không có những giọt nước này đại dương sẽ thiếu một điều gì đó. Và con người nhỏ bé ấy đã chiến thắng chính mình và đã thay đổi thế giới bằng tình yêu và lòng trắc ẩn đặt để trong từng hành động phục vụ. Quả thật, chỉ có những người đã từng bị tổn thương mới biết cách chữa lành những vết thương của nhân loại.
Bước khởi đầu của Mẹ thật khiêm tốn: chỉ mong cho những người bất hạnh tại khu ổ chuột Calcutta có một cái chết của một con người thật sự. Nếu như cả đời người họ bị chà đạp nhân phẩm thì ít ra, họ cũng được chết với tất cả sự trân trọng và trìu mến của một con người mang hình ảnh Thiên Chúa. Chính câu nói của người đàn ông kia đã là động lực cho Mẹ tiếp tục dấn thân vì phẩm giá của con người: Tôi sống như một con vật nhưng chết đi như một thiên thần. Có người hỏi Mẹ rằng Mẹ có hoạch định gì cho tương lai không. Mẹ trả lời: tôi không có hoạch định gì nhưng sẽ phục vụ tùy theo mức độ nỗi đau của người cùng khổ. Như thế chúng ta mới thấy sự dấn thân không ngơi nghỉ của Mẹ. Mẹ đã để cho cảm xúc dâng trào, con tim lên tiếng và ân sủng dẫn dắt mình từng bước phục vụ thay vì hoạch định những chương trình xem ra nhằm khuếch trương cái tôi của bản thân. Để đến ngày nay, gần 5000 cơ sở trên khắp thế giới đã phục vụ theo tinh thần của Mẹ.
Với một người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới như thế, không ai nghĩ rằng Mẹ phải chịu gần 50 năm đêm tối tinh thần. Một người đã từng khuyên người khác cười với mọi người lại không được cuộc sống mỉm cười. Có thể nói, đây là thử thách Thiên Chúa dùng để tôi luyện người tôi trung không bị sa lầy trong vinh quang mà thế gian ban tặng. Trong khi nhân loại đang phải trải qua nỗi thống khổ lớn lao của sự nghèo nàn tâm linh thì Chúa đã khiến cho tâm hồn thánh thiện này đi qua đường hầm đêm tối để khả dĩ thắp lên một ánh sáng hy vọng cho con người thời đại. Điều này càng được sáng tỏ khi Mẹ nói: “Nếu tôi có là thánh, tôi sẽ là vị thánh của tối tăm, và tôi sẽ xin Trời cho tôi làm ánh sáng cho những người sống trong tối tăm trần gian.”
Người phụ nữ ấy chưa một lần chuyển dạ, đã khấn giữ đồng trinh, thế mà đã làm mẹ của biết bao người cùng khổ, vì sao ? Thưa vì Mẹ đã quặn đau sinh ra họ trong ân sủng Chúa. Quả thật, bao người đã nhờ Mẹ mà được tìm về Đạo Chúa và bao người đã nhờ Mẹ mà đã tìm được sự chữa lành nơi Đức Giêsu của lòng thương xót.
Khi còn sống, Mẹ đã được thế giới ngưỡng mộ và trao tặng giải Nobel Hòa bình, thì nay một lần nữa Mẹ được Đức Phanxicô trao tặng giải Nobel lòng thương xót. Mẹ được nhận giải này vì Mẹ là người đã từng bị tổn thương và đã được lòng thương xót Chúa chạm đến. Mẹ không hề nghĩ đến vết thương của mình nhưng khi Mẹ băng bó và chữa lành nỗi đau người khác, chính Mẹ lại được chữa lành. Mẹ đã từng chạm đến những người cùng khổ mang hình ảnh của Chúa Giêsu và như thế, đồng nghĩa với việc Mẹ chạm đến lòng thương xót Người. Và Mẹ đáng được mọi người tuyên dương là vị thánh của Lòng Thương Xót.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.