Mẹ Sầu Bi đứng bên Thánh Giá

272

Mẹ Sầu Bi đứng bên Thánh Giá

Trong các hình tượng Phúc Âm khắc hoạ về Đức Mẹ, có lẽ hình ảnh Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá là giàu ấn tượng nhất, không chỉ vì được ghi nhận giữa khung cảnh nhiều kịch tính oái oăm tình trời tình đời, mà còn vì được ghi dấu vào thời khắc “giờ tử nạn” của Đấng Cứu Thế. Phúc Âm thứ tư mô tả: “Khi ấy đứng gần thập giá Chúa Giêsu có mẹ Người…”. Và truyền thống phụng vụ đã gắn liền lễ Đức Mẹ sầu bi với dáng đứng đầy ý nghĩa này.

1. Một dáng đứng khiêm nhường

Không nghi ngờ gì về lòng khiêm nhường của Đức Mẹ, nhưng người ta thường nghĩ lòng khiêm nhường ấy đã được thể hiện trọn vẹn trong ngày Truyền Tin, nơi ngắm thứ nhất Mùa Vui khi Mẹ thưa “xin vâng” với thánh ý Chúa, chứ đâu phải đợi đến ngắm thứ năm Mùa Thương khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Đúng vậy. Nhưng tiếng “xin vâng” của ngày Truyền Tin dầu sao cũng reo vui và được hình dung như nốt nhạc dạo đầu của bài trường ca cứu độ, vốn chỉ thể hiện trọn vẹn khi Chúa Giêsu hiến mình trên thập giá làm lễ cứu độ cho toàn thể nhân loại, nên đứng lặng im bên thánh giá hôm nay, chính là lúc tiếng “xin vâng” kia phát huy hết ý nghĩa và lòng khiêm nhường kia cũng vì thế mà thể hiện ở mức độ thẳm sâu.

Không thể hình dung dưới chân Thánh Giá Đức Mẹ “đứng chết lặng như trời trồng”, nghĩa là biểu hiện tê liệt trước một tình huống bất ngờ từ đâu ập đến; nhưng nên coi đây như điểm đến của cả một hành trình tích cực phó thác hiến dâng. Mẹ khiêm nhường phó thác đón nhận thánh ý Chúa để cộng tác trong Mầu nhiệm Nhập thể cho Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Mẹ cũng đi đến cùng là khiêm nhường hiến dâng “con lòng Mẹ” làm của lễ trong Mầu nhiệm Cứu chuộc nhân loại theo thánh ý Chúa. Nếu tiếng “xin vâng” năm xưa thốt ra bằng lời là tâm tình khiêm nhường phó thác của người nữ chỉ dám nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, thì tiếng “xin vâng” hôm nay lặng lẽ trong lòng lại là tâm tình khiêm nhường hiến dâng của người nữ đã được hồng ân thánh hiến để trở nên Mẹ Chúa Kitô là Đầu và nên Mẹ của toàn thể nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh nữa.

Trước sau gì cũng chỉ có một lời “xin vâng” và gần xa gì cũng chỉ có một tâm tình khiêm nhường chính là dáng đứng muôn thuở của Đức Maria.

2. Một dáng đứng kiên cường

Nhưng dáng dấp của Đức Maria không phải là đứng ở bất cứ đâu, bình ổn như thục nữ thời xưa yểu điệu bên bờ giếng Giacóp hay như kiều nữ thời nay tạo dáng trên sàn catwalk, mà là đứng lặng im trên đồi Calvê trong chiều thứ sáu tím màu tử nạn, vì thế đây không chỉ là dáng đứng khiêm nhường mà còn là dáng đứng kiên cường, đậm nét hiệp thông và giàu sắc hiệp công. Khác với phản ứng tự nhiên vốn thốt ra những lời ai oán than van khóc lóc kêu trời trước cảnh “lá vàng còn treo, lá xanh đã rụng” như trong ca dao Việt Nam, ở đây tuyệt nhiên chỉ là thinh lặng. Mẹ không khóc lóc kêu than không phải vì không rung động tình mẫu tử, không phải vì không xót xa cho phận Con Chúa làm người trong cuộc cứu thế, cũng chẳng phải vì không cám cảnh trước cái chết tức tưởi cô đơn nhục nhã của Đấng mà Mẹ biết rõ nhân thân, mà thực ra vì Mẹ muốn đi đến cùng trong lựa chọn của mình là kiên cường hiệp thông với con của Mẹ trong mọi cảnh ngộ biến cố cuộc đời.

Biết con bị hành quyết, người mẹ nào chẳng bầm gan tím ruột, huống chi người mẹ được tuyển chọn, thành thử mới có hình tượng Mẹ Sầu Bi với trái tim quyện vòng gai và lưỡi gươm đâm thâu như lời tiên báo của cụ Simêon hôm nào trong dịp dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh. Con vui khoẻ, mẹ khoẻ vui; con đau khổ, mẹ cũng khổ đau không kém; và đến khi con bị đem đi giết thì trái tim mẹ nát tan dường nào, chẳng khác gì phải chết cùng với con vậy. Điều đau nhất và cũng khổ nhất ở đây chính là việc mẹ phải chứng kiến người con yêu bị đóng đinh treo trên thập giá mà không làm gì được. Chúa Giêsu đứng trên thập giá, còn Mẹ đứng dưới thập giá. Hai cõi lòng quyện hoà nên một trong tình cứu độ. Thảo nào Giáo Hội vẫn xưng tụng Mẹ là Đấng hiệp công cứu chuộc nhân loại và cũng từ đó có Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15/9) tiếp ngay sau Lễ Suy tôn Thánh Giá (14/9) với ca tiếp liên không thể quên được: “Stabat Mater dolorosa, juxta Crucem lacrimosa, dum pendebat Filius – Mẹ Sầu Bi đứng bên Thánh Giá, nhìn Con Yêu đôi mắt lệ sa”.

3. Một dáng đứng yêu thương

Và dáng dấp của Đức Maria bên thập giá sở dĩ được tôn kính mến yêu đậm đà trong truyền thống đạo đức của các tín hữu còn bởi vì đó là một dáng đứng bất hủ yêu thương. Thật vậy, giữa chiều tím hôm ấy, Chúa Giêsu đã để lại lời vàng là lời trối Thánh Gioan cho Đức Mẹ: “Đây là con bà”; và lời trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan: “Này là mẹ con”, để từ “giờ” đặc biệt ấy, Thánh Gioan đưa Đức Mẹ về nhà mình với lòng yêu mến và các tín hữu cũng hân hoan có một người mẹ trên cả tuyệt vời giữa lòng trần thế hôm nay cũng như trong cuộc sống vĩnh phúc mai ngày, để mà tin tưởng cậy trông yêu mến hoặc nũng nịu vòi vĩnh kêu xin khẩn nài.

Tôi vẫn nghĩ lẩn thẩn rằng: nếu trên núi Calvê hôm đó không có lời trăng trối linh thiêng của Chúa Giêsu trên Thập giá, chắc gì hậu thế nhắc đến dáng đứng của Mẹ với nhiều tâm huyết, chắc gì tín hữu cử hành Lễ Đức Mẹ Sầu Bi với trọn tâm tình và chắc gì chúng ta hôm nay đến được với Mẹ với tình cảm yêu thương gần gũi. Nhưng bởi vì lời trăng trối đã thành lời nối kết không thay đổi nữa, nên cuộc sống tín hữu gắn bó với Đức Maria đã trở nên ấm áp yêu thương hạnh phúc. Vấn đề không phải là Mẹ nghĩ gì về ta và đối xử thế nào với ta, mà là ta có tin tưởng đưa Mẹ về gia đình, vào tâm hồn và đời sống của ta để mà cậy trông sớm tối và yêu mến hằng ngày không.

Trả lời cho câu hỏi này tức là cùng lúc nhìn nhận dáng đứng của Đức Mẹ dưới chân thập giá, dẫu sầu bi tan nát cõi lòng hòa chung niềm thương đau cứu chuộc của Chúa Giêsu, cũng chan chứa từ bi để đón nhận tất cả chúng ta vào trong trái tim yêu thương của Mẹ. Và như thế, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi đã trở thành lễ giàu ý nghĩa: một mặt cùng với Mẹ đón nhận công ơn cứu chuộc và mặt khác cùng với thánh Gioan đón nhận Mẹ trong hạnh phúc tin mến yêu thương. Xin Mẹ thương tình thứ tha những khi ta lơ là nguội lạnh và thắp lại trong ta ngọn lửa tình yêu để biết yêu mến cậy trông Mẹ nhiều hơn.

“Lạy Mẹ Tà Pao là sức sống cho trần gian, Mẹ nên ánh sáng cho những tháng năm đời tối tăm. Chúng con phận lữ hành, đến bên Mẹ chân thành, xin Mẹ che chở và nâng đỡ dẫn đưa trên đường lành”.

Tàpao 13.09.2012

+ Gm. Giuse Vũ Duy Thống