Tiếng “Mẹ” mấy ai đã hiểu cho trọn, gọi cho đúng. Cũng chẳng phải ai cũng được phúc có mẹ để mà gọi. Thế mà tôi là kẻ được phúc ấy mà chẳng biết hưởng. Đã bao lần tôi làm mẹ buồn, làm mẹ rơi lệ.
Hồi còn học mẫu giáo, có lần mẹ dạy tôi học. Lúc ấy, chữ “b” và “d” sao khó quá, tôi học mãi mà chẳng thuộc. Bực mình, mẹ đánh tôi một cái. Bị đánh đau, tôi chạy lên tận nhà thờ mách bà nội. Bà nội nhẹ nhàng dỗ tôi nín bằng cây kẹo bột rồi dẫn tôi về nhà. Vừa về tới nhà, nội liền “nói to” với mẹ, trong khi tôi thản nhiên đứng nhìn, ăn kẹo bột. Mẹ ơi, con xin lỗi !
Rồi lần kia, tôi sơ ý làm vỡ cái bát. Mẹ thấy liền nói “Làm vỡ rồi thì mai ăn bát vỡ nha !”. Tôi biết mẹ chỉ có ý muốn tôi cẩn thận hơn, nhưng lúc đó tôi còn nhỏ đâu hiểu. Nước mắt cứ thế trào ra, sụt sịt. Đúng lúc nội đi đâu về, thấy tôi khóc, nội lại gần hỏi. Nội càng hỏi thì tôi càng khóc to hơn, đến độ nấc lên từng tiếng như kẻ bị vu oan vậy. Thế là mẹ lại được nội “nói to”. Mẹ ơi, là lỗi của con. Con xin lỗi mẹ.
Chưa hết, hồi tôi học lớp 4. Khi ấy, tôi sở hữu một mái tóc đen, dài và dày. Tôi xin mẹ cắt bớt đi vì nóng quá. Mẹ đồng ý liền. Thế là từng túm tóc nhỏ rơi xuống, rơi xuống. Vừa mới cắt xong, nội nhìn thấy liền giận dữ tiến lại hai mẹ con tôi. Chẳng cần hỏi gì, nội liền “nói to” mẹ vì lẽ “cái răng, cái tóc là góc con người”. Lỗi tại con mà ra, con xin lỗi.
Rồi còn bao vụ mẹ bị bà nội “nói to”, mẹ chịu chỉ vì tôi. Tôi tự hỏi : “Sao mẹ có thể chịu đựng được cơ chứ ?”. Bây giờ thì tôi hiểu, tất cả chỉ vì : Mẹ là mẹ của con.
Khi học cấp III, vào buổi chia tay ngày tốt nghiệp, tôi xin mẹ đi chơi về muộn, nhưng mẹ không cho. Tôi trách mẹ khắt khe, nên đã cố tình về muộn. Rủi thay khi về, bạn tôi bị mất tay lái nên cho xe đo đường. Nó bị gãy tay, còn tôi thì ngất tại chỗ và phải khâu bốn mũi ở chân. Khi mở mắt, nhìn thấy mẹ, tôi lo lắng, sợ hãi không biết phải đối mặt với mẹ ra sao thì nụ cười và cử chỉ dịu dàng của mẹ đã giải tỏa tất cả. Tôi rơm rớm nước mắt hỏi mẹ trọng nghẹn ngào : “Sao mẹ không mắng con?”. “Vì con là con của mẹ, còn mẹ là mẹ của con”, mẹ nhẹ nhàng trả lời.
Rồi khi học cao đẳng, tôi phải ở trọ vì từ nhà tôi cách trường cả 30 km. Lúc ấy, phương tiện đi lại rất khó khăn, chủ yếu bằng xe đạp. Nhưng không ngại mệt nhọc, hàng tháng, mẹ đều lên thăm tôi, trong khi cả năm trời tôi mới về nhà đôi lần. Vì muốn tôi chú tâm vào học tập nên mẹ tránh thông tin cho tôi những chuyện ở nhà, sợ tôi phân tâm. “Đầu xanh mà để đầu bạc đi thăm sao?”, nghĩ lại, tôi thấy mình vô tâm và bất hiếu quá. Mẹ luôn tận dụng mọi cơ hội để yêu thương, còn kẻ vô tâm này lại chẳng tôn trọng tình thương ấy cho đủ.
Giờ, con đã xa mẹ cả trăm dặm đường. Mẹ ở đầu tổ quốc, còn con mãi cuối đất nước. Mẹ vẫn nhớ ngày con chào đời, ngày con gọi tiếng “mẹ” đầu tiên, nhớ cả những lần con làm mẹ rơi lệ. Và nhớ cả khi con… không nhớ mẹ. Dù ở nơi xa, mẹ vẫn cầu nguyện và thầm mong con sống hạnh phúc, bình an. Con nhớ và thương mẹ nhiều, nhưng có bằng một phần mẹ dành cho con ? Quả đúng như một câu nói : Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.
“Nước biển mênh mong không đong đầy tình mẹ …”, mẹ ơi, ơn tình mẹ, con biết lấy chi đền đáp cho xứng ? Mẹ, con cám ơn mẹ đã đón nhận, thương yêu đứa con vô tâm và bất hiếu này. Mẹ ơi, con muốn nói lên lời xin lỗi sâu thẳm trong trái tim con : “Con xin lỗi mẹ”. Mẹ mãi mãi là người mẹ tuyệt vời nhất trong tâm hồn con. “Con … yêu … mẹ … nhiều … lắm !”.
Con gái Rô-sa Na,
Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức