“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không?”
Có lẽ với ai đó tuổi thơ là những chiều í ới gọi nhau thả diều, những buổi tắm sông, nước đục ngầu nhưng đứa nào cũng thi nhau ngụp lặn đến quên mất giờ phải về ăn cơm, là những buổi nghỉ học đi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi . . . Với nó tuổi thơ là những ngày cùng Mẹ hái rau dại mò cua bắt óc . . . là hình ảnh Cha rượu say, đập phá nhà cửa làm mấy Mẹ con sợ hãi chỉ biết ôm nhau nép vào góc nhà. Tuổi thơ của nó là hình ảnh Mẹ van xin, quỳ lạy mỗi khi người ta đến đòi nợ bạc của Cha.
Mẹ về làm vợ Cha cũng chỉ bởi nhà ông nội có điều kiện, chẳng biết sướng khổ thế nào nhưng gả vào đó Mẹ sẽ không phải lo cái ăn cái uống và nhất là được xóa món nợ của ông bà Ngoại mà hầu như trả cả đời cũng không hết . Thời thơ ấu của Mẹ đói nghèo, chỉ mong có cái gì đó bỏ vào miệng ngày 2 buổi cho đỡ dạ no lòng là quá hạnh phúc rồi. Mẹ là con dâu chịu thương chịu khó nên bà nội thương Mẹ lắm, có khi còn thương hơn cả Cha. Lúc Mẹ ra ở riêng, tháng tháng bà nội vẫn giấu ông đong cho ít gạo, có món gì ngon bà đều mang qua cho. Mẹ bảo nếu bà nội không mất sớm thì chắc Mẹ và mấy đứa sướng lắm nhưng cuộc đời làm gì có chữ ngờ . . . Bà mất sớm, ông Nội đi thêm bước nữa, rồi sinh thêm vài người con. Ai cũng vậy, có con thì phải lo cho con chứ, đấy là còn chưa kể Mẹ ghẻ con chồng mấy khi mà yêu thương nhau.
Bà nội mất, Mẹ không còn ai đùm bọc chở che, Mẹ mất đi một chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất, tưởng rằng về nhà ông nội làm dâu sẽ chẳng bao giờ phải lo nghĩ tới miếng ăn mà rồi đói vẫn hoàn đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi không tha.
Cha nó nếu không có rượu, không có cờ bạc thì sẽ là một người Cha tuyệt vời. Mỗi khi ông đi làm xa ông đều vào chỗ giường mấy đứa đang ngủ, đánh thức bọn chúng dậy, ông nhẹ nhàng hôn vào má, dúi cho chúng ít tiền rồi nói: Ở nhà ngoan nhé, cuối năm Cha về Cha sẽ mua quà cho. Ông đi làm biền biệt đến gần tết mới về, mình Mẹ nó ở nhà nuôi mấy chị em, đối nội, đối ngoại, đám ma, đám cưới, đám hỏi, đám sinh nhật, . . . đám thôi nôi, đầy tháng … cúng căn . . .cứ gọi là trăm dâu đổ đầu tằm.
Thời gian trôi qua mau . . . chị em nó đầu cắp sách đến trường . . . gánh nặng lại làm cho đôi vai Mẹ quằn thêm . . .người ta coi thường Mẹ nó. . .một người phụ nữ đi bới rác kiếm sống . . . thậm chí mấy chú mấy thiếm cũng không dám nhận bà con với gia đình nó vì sợ mất mặt. . . Gia đình chú thiếm ăn xong, đồ thừa canh cặn thì đem sang cho nhà nó xem như là bố thí cho kẻ ăn mày. . . nó thấy nước mắt Mẹ rơi nhưng vẫn cố bảo các con ăn đi ngon lắm đấy. Lúc nhỏ nó đâu biết rằng Mẹ đã phải chịu đựng sự khinh miệt và ứng xử cay độc chú bác đối với Mẹ nó. Đã vậy Mẹ phải chịu sự đau đớn của người chồng say xỉn tối ngày . . .
Cha nó ngủ thì không sao, tỉnh dậy lại hạch sách Mẹ, rượu đâu? tiền đâu? Mẹ không đưa cho thì xem Mẹ như bao cát để tập võ . . . sau khi đánh Mẹ xong thì Cha vét sạch tài sản trong nhà đem đi bán lấy tiền uống rượu đánh bài.
Khi anh em nó bị đám con nhà chú bác hà hiếp . . . nó thầm nhủ rằng khi lớn lên làm có tiền thì nó sẽ trả lại cả vốn lẫn lời cho lũ khốn nạn đó . . . Mẹ bảo ai đối xử hay khinh chê thế nào mặc họ, mình cứ sống với trời với đất con ạ, không thể lấy oán mà báo oán được.
Nhà nó có bốn chị em, đông con nhà nghèo nên chị nó phải nghỉ học sớm, nhường cái quyền được đến trường đó cho ba em. Lấy chồng, gánh vác công việc nhà chồng, chị nó rồi cũng phải làm Mẹ. Vợ chồng chị thỉnh thoảng hay cãi cọ, hục hặc với nhau, chị giận chồng bỏ về nhà Mẹ đẻ.
Mẹ đã quá khổ vì Cha giờ lại thêm chuyện con, Mẹ nhẹ nhàng khuyên răn chị: Vợ chồng chẳng bỏ được nhau đâu con ạ, tụi con đã có Phép Hôn Phối . . . huống hồ tụi con đã có con với nhau rồi . . . chồng có nóng thì vợ lời . . . cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê. . . tụi con có bỏ nhau thì chỉ thì con cái gánh lấy hậu quả thôi . . .
Mẹ là vậy, bao năm vất vả nuôi con, trả nợ cho chồng, vun vén chăm lo cho gia đình nhưng chưa bao giờ Mẹ kêu than một tiếng. Mẹ cứ làm quần quật từ sáng đến tối, có miếng gì ngon lại nhịn miệng để dành cho con.
Nó nhớ lắm cái ngày . . . anh trai nó chia tay bạn bè để lên Sài Gòn học Đại Học . . . gần một tháng trời trước đó, Mẹ hầu như không ngủ . . . lặn lội khắp nơi để moi rác lượm bịc nilông . . . lo bữa tiệc chia tay cho con … thế mà trong bữa tiệc chia tay, anh nó đòi Mẹ mua cho 5 thùng bia 333 để đãi bạn bè . . . Mẹ bảo có bao nhiêu tiền thì Mẹ đã lo hết cho buổi tiệc rồi . . . bây giờ Mẹ không còn đồng xu dính túi.
Anh nó cảm thấy mất mặt với bạn bè nên đùng đùng nổi giận . . . tuyên bố rằng mình vô phước mới đầu thai làm con trong nhà nầy . . .và thề rằng nếu không trở nên giàu có thì sẽ không bao giờ trở lại căn nhà nghèo hèn bẩn thỉu nầy. . . và bỏ nhà ra đi . . . Mẹ vội quay mặt vào trong che giấu đôi mắt đẩm lệ.
. . .
Thời gian tiếp tục trôi qua và gia đình mất hẳn liên lạc với anh nó, trong bữa chia tay gia đình chỉ vỏn vẹn có một nồi càri nhỏ theo yêu cầu của nó . . . đêm đó 2 Mẹ con hầu như không chợp mắt, ôm nó trong lòng Mẹ dặn nó: ” Sinh ra trong cái nghèo đó cũng là một may mắn, nghèo hèn chính là nấc thang cho bậc anh tài. Dù con có học nhiều hiểu rộng, làm tới ông này ông kia đi nữa thì cũng không được quên công ơn những người đã sinh thành ra con. Cha con rượu chè, bài bạc thật đấy nhưng ông vẫn là một người Cha tốt, người thương yêu con nhất. Anh con dù có thế nào đi nữa thì cũng là con của Mẹ, máu mủ từ một khúc ruột mà ra. Nếu có thời gian thì con hãy thay Mẹ tìm kiếm anh con, được như thế dù Mẹ có mất cũng ngậm cười.”
. . . Một ngày cuối năm, đang chuẩn bị về quê thăm Mẹ, thì nó nhận được tin báo: Mẹ đã qua đời trong một tai nạn giao thông và trên tay còn nắm chặt tấm hình anh nó . . .
Đứng bên quan tài của Mẹ, nó thét lên trong nước mắt: “Mẹ ơi! Nghèo không phải là cái tội. Cái tội nằm ở trong đầu những người đầu hàng với số phận. Anh Tư thật đáng tội nghiệp, anh đã tự ti về bản thân, tủi thân vì sự không may mắn của mình . . . oán trời trách đất . . . oán cả Cha Mẹ . . . để chạy tìm một thứ danh vọng hư ảo . . .mà đánh mất đi một điều rất quan trọng, dù có tiền tài danh vọng cỡ nào đi nữa cũng không mua được đó chính là giây phút ở bên Cha Mẹ. “
Rời xa gia đình sống trong cuộc sống tự lập con mới thấu nỗi vất vả của Cha Mẹ vì con đến bây giờ. Con mới thấm được những giọt mồ hôi mặn chát trên gánh vai gầy của Cha, trên đôi mắt của Mẹ. Những cái khom lưng nặng trĩu, những bàn tay chai sạn, những cái hy sinh thầm lặng… Tất cả chỉ vì chúng con.
Bút chì nhỏ