Mẹ Maria – Lắng nghe và vâng phục

149

“Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38)

Ngày lễ Đức Mẹ được truyền tin thực chất mừng hai sự kiện: Thiên Chúa sủng ái đặc biệt và mặc khải sứ điệp mầu nhiệm Nhập Thể.

Quyền năng Thiên Chúa gìn giữ Maria ngay trong cung lòng bà Anna. Thiên Chúa trên cao nhìn xuống hài nhi bé nhỏ ấy – một ngày kia sẽ được tuyển chọn làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể.

Thiên Chúa sủng ái đặc tuyển trinh nữ Maria, thánh Luca thuật lại là Thiên Thần Gabriel gặp một trinh nữ mà không phải là một thiếu nữ hay thiếu phụ. Thiên Chúa đã chịu đựng những tội bất trung của dân Người mà Người đã tha thứ cho họ hết; không những thế, Người còn sai chính Con Một của mình xuống thế làm người để đền tội thay cho nhân loại và để chuẩn bị cho Đấng Cứu Độ ở giữa con người.

Thiên Chúa đã chọn một cô trinh nữ ở giữa một làng quê Nadarét bé nhỏ, trinh nữ ấy tên là Maria. Khi nghe sứ thần truyền tin, Maria rất ngỡ ngàng, nhưng Mẹ vẫn can đảm thưa “xin vâng” và khi cảm nhận ơn tuyển chọn lớn lao Chúa dành cho mình, Mẹ đã thốt lên:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa

thần trí tôi hớn hở vui mừng

Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”

(Lc 1, 46-47)

Chính Mẹ đã cảm nhận ơn cứu độ đến cho mình, Mẹ có biết đó là ơn cứu độ cho toàn dân? Mẹ đã để cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Người ngang qua cuộc đời Mẹ. Chiêm ngắm mầu nhiệm ơn gọi của Mẹ Maria, tôi được mời gọi nhìn lại ơn gọi của mình. Khám phá đời sống Thánh hiến trong thời gian ở Nhà Tập, từng ngày ở lại với Chúa, tôi nghiệm thấy tôi đã được cứu độ nhờ Bí tích Thánh Tẩy. Từ hư vô Chúa đã tác thành nên tôi làm sứ giả Tin Mừng, điều ấy mời gọi tôi vui lên loan báo Tin Mừng qua đời sống thường ngày của tôi.

Mẹ ơi ! Mẹ thật là người nữ diễm phúc và mãi cho đến hôm nay, Giáo hội vẫn nhắc nhớ Mẹ như ngôi sao Mai chiếu sáng trên vòm trời đêm nhân loại.

Sự kiện thứ hai đánh dấu sự cộng tác cách cụ thể của Mẹ trong công trình cứu độ là Mẹ đã “xin vâng” khi thiên thần Gabriel truyền tin “ và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 31).

Tôi tưởng chừng khi Thiên Chúa chẳng quan tâm đến thân thế của Mẹ, của bà Anna, ông Gioakim và còn cả Giuse thuộc dòng dõi vua Đavít  bạn đời trăm năm của Mẹ. Chúa cắt ngang dự tính của Mẹ và Thánh Giuse. Bằng lời mời cộng tác vào công trinh cứu độ của Thiên Chúa.

Theo lối các tiên tri loan báo trong Sách Thánh: Đấng Cứu Độ muôn dân sẽ xuất thân từ dòng dõi vua Đa vít:

“ Này đây từ gốc tổ Giêse

sẽ đâm ra một nhánh nhỏ

từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”

(Is 11, 1)

Cuộc đời của trinh nữ Maria và Giuse nằm gọn trong vòng kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể hiểu biến cố này qua cái nhìn đức tin, chính Giuse cũng khó hiểu ý định của Thiên Chúa nên Thiên thần cũng báo mộng cho Giuse (Mt 1, 18-25) vì Giuse thật quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa, Ngài sẽ là trụ cột của gia đình thánh.

       Và trong sách Mikha 5, 1 – 4a

“Đức Chúa phán thế này:

Phần ngươi hỡi Bêlem Ephatha, ngươi nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giu đa, từ nơi ngươi ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”.

Như thế giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại giờ đây mới được thể hiện ngang qua tiếng “Xin vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, Mẹ Maria cảm nhận được sự lớn lao Thiên Chúa dành cho Mẹ như lời Mẹ hát trong bài Magnificat “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48). Công trình này của Thiên Chúa không làm mất thanh danh một ai nhưng làm vinh danh Chúa “danh Người thật chí thánh chí tôn””(Lc 1, 49).

Những người cộng tác với ơn Chúa được Chúa thưởng công cách xứng hợp, nhưng để nhận ra và đáp lại lời mời gọi của Chúa, đó quả là một quá trình lắng nghe và phân định. Mẹ Maria cũng không ngoại lệ khi nghe lời chào của sứ thần “mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy bà rất bối rối” (Lc 1, 28-29). Sao Mẹ lại bối rối, đó chẳng phải là lời chào đẹp nhất sao?

Cũng là con người, Mẹ có suy nghĩ và thắc mắc như vậy có ý nghĩa gì? điều này cũng chứng tỏ rằng Mẹ không nói tiếng “xin vâng” cách mù quáng. “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào? ”(Lc 1, 34). Đây cũng là một cách thắc mắc để Mẹ có thể lãnh trách nhiệm cách đúng đắn.

Sứ thần đã tỏ cho Mẹ thấy một dấu chỉ về hoạt động của Thiên Chúa: “Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà vẫn đang cưu mang một ngời con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”(Lc 1, 36). Một câu kết thúc mạnh mẽ của Thiên Thần Gabriel “vì đối với Thiên chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Lời truyền đạt sự hiểu biết và ý muốn cho Mẹ chỉ sau giai đoạn này Mẹ nói lên sự tự do chọn lựa dấn thân của Mẹ: “vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Tôi nhận thấy Mẹ đã không dễ dàng hiểu ngay được ý Chúa nhưng là nhờ sự hiểu biết được tác động nhờ ơn soi sáng.

Trong hành trình đi theo Chúa và nhất là trong đời sống cầu nguyện, nhiều lúc tôi vẫn đi tìm hết câu trả lời này đến thắc mắc kia mà không đưa ra kết luận nào phù hợp với mục tiêu tôi đặt từ ban đầu, những suy nghĩ những thắc mắc ấy dẫn tôi đi lòng vòng cho đến lúc hết giờ cầu nguyện và sau đó là nối tiếc vì bỏ lỡ mất thời gian ở lại với Chúa.

Qua đời sống thường ngày Chúa không nói với tôi như Thiên thần gặp Mẹ Maria nhưng Chúa nói với tôi qua các biến cố, qua Lời Chúa, qua trung gian. Noi gương Mẹ Maria, tôi được mời gọi luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành ý Chúa, dù nhiều lúc những điều Chúa mời gọi với lý trí tự nhiên tôi không thể hiểu được, nhưng tôi tin vào ý định tốt đẹp mà Thiên Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời tôi. Như Mẹ Maria đã bước đi trong niềm tin, cũng như tổ phụ Abraham là cha của những kẻ tin. Xin Chúa cũng cho tôi mỗi ngày xác tin vào tình yêu quan phòng đầy yêu thương của Chúa hơn, để nhờ đó tôi an tâm bước đi trên con đường mà Chúa luôn mời gọi tôi.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin Chúa cho con đừng cố tìm sự hiểu biết mà quên mất Chúa  mới là sự khôn ngoan đích thực, đừng cho con mải miết đi theo thói đời mà luôn muốn làm chủ cuộc đời và luôn muốn mọi sự theo ý mình, làm chủ thể giới này nhưng biết đặt cuộc sống con trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa để suốt đời con biết nói tiếng “xin vâng” như Mẹ.

Elisabeth: K’ Niêr, Tập Sinh MTG. Thủ Đức