Hôm nay, lễ mừng kính Mẹ đem Con vào đền thờ dâng lên cho Thiên Chúa theo luật Maisen truyền dạy.
1-Cha Mẹ Chúa Giêsu khiêm hạ tuân thủ luật Maisen soi sáng sứ mệnh vĩnh cửu của Hài Nhi Giêsu.
Thiên Chúa xuống thế làm người để làm Lễ Vật Hiến Tế cứu độ con người đến muôn thế hệ.
Chúa đã phán với Maisen : “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con trai đầu lòng của con cái Israel, dù người hay vật, nó thuộc về Ta” (Xh. 13,1-2). Theo tục lệ dân Do Thái cũng là luật Maisen, phụ nữ sinh con trai, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày phải đem con vào đền thờ dâng cho Chúa với lễ vật chuộc lại là một con chiên đực một tuổi, hoặc một đôi chim gáy nếu hoàn cảnh nhà nghèo, và người mẹ chịu thanh tẩy theo nghi thức để được thanh sạch (Lv.12,1-8). Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội, là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ khiết trinh vẹn toàn…Mẹ không cần phải tuân giữ qui luật này, nhưng Mẹ rất khiêm hạ, luôn thầm lặng vững tin, vâng theo ý Chúa chu toàn mọi nghi thức theo luật qui định.
Qua bài Tin Mừng của Thánh sử Luca (Lc. 2, 22-40), chúng ta cứ hình dung Ông Giuse và Bà Maria bồng ẵm Hài Nhi Giêsu tiến vào Đền Thờ Jerusalem để dâng cho Thiên Chúa với lễ vật của nhà nghèo là một cặp chim gáy. Trong cảnh huống đơn sơ, lặng lẽ, bình thường như số phận của gia đình nghèo đã gợi nên trong tâm trí chúng ta nhiều cảm nghĩ xúc động trước sự khiêm tốn tuyệt vời và lòng trung thành tuân giữ lề luật của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thánh sử Luca có vẻ không quan tâm đến nghi lễ, nhưng nhấn mạnh về sự khiêm tốn và lòng trung tín giữ luật của Cha Mẹ Chúa Giêsu nhắc nhớ đến địa vị ưu tuyển của dân Israel, một dân tộc được tuyển chọn và thánh hiến (Dn. 7,6) để soi sáng về sứ mệnh muôn thuở của Hài Nhi thành Belem.
Hài nhi Giêsu là con trai đầu lòng của Mẹ thuộc dòng tộc Đavít, là Con một Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu con người, trở thành Trưởng Tử của dòng tộc mới. Trong lịch sử cứu độ, việc Mẹ dâng Con trong Đền Thờ mạc khải sứ mệnh Trung Gian siêu việt duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Càng chiêm ngắm cảnh huống này, chúng ta càng thấy vẻ đẹp rất huyền nhiệm đầy tình cảm mến, vì : Đấng Cứu Thế gắn liền với luật Maisen! Thiên Chúa nhập thế để làm Lễ Vật hiến tế! Nhờ bàn tay Mẹ, Chúa Giêsu là lễ vật muôn thuở được hiến tế dâng lên Thiên Chúa Cha tại Jerusalem. Ở đây, Thánh Thần soi sáng cụ Simeon tiên báo Con Mẹ là Đấng cứu độ muôn dân, Ánh sáng cho dân ngoại…Trong chương tình cứu chuộc, Hài Nhi Giêsu là lễ vật hiến tế muôn thuở chuộc tội nhân loại khởi đầu từ Jerusalem đến cây Thập Giá, để ngợi khen tình yêu Chúa, tạ ơn lòng Chúa thương xót và cầu xin mọi ơn lành. Vì chưng, tội loài người đáng chết muôn đời, cả thế gian hợp lại cũng không xứng đáng làm lễ vật đền tội thay. Chỉ Đấng vô cùng làm lễ vật hiến tế vô cùng mới xứng đáng kính dâng lên Thiên Chúa vô cùng . Vì thế, mọi hy tế của con người chỉ có ý nghĩa khi được kết hợp với của lễ vô cùng là Đức Kitô Con Mẹ mới xứng đáng được Thiên Chúa Cha chấp nhận. Chân lý huyền nhiệm này là nòng cốt của đời sống đức tin. Vì vậy, mọi công sức, mọi việc lành đạo đức mà xa vắng Chúa Kitô, tất cả chỉ là vô nghĩa, bất xứng trước mặt Thiên Chúa Cha.
Tuy rằng khi nghe cụ Simeon nói về sứ mệnh của Hài Nhi Giêsu, Cha Mẹ Chúa Giêsu rất ngạc nhiên vì Mẹ chỉ tin và suy gẫm trong lòng. Nhưng hơn hết mọi người, Mẹ chứng kiến tất cả và hiệp thông mật thiết vào công trình cứ chuộc với Chúa Con. Và cũng nhờ bàn tay Mẹ, lần đầu tiên Chúa Cứu Thế ngự vào đền thờ Jerusalem là nhà của Thiên Chúa, ứng nghiệm lời tiên tri Malakhia đã nói : “Bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm đi vào Thánh điện của Người… Kìa, Vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông, đang đến”.(Ml. 3,2). Tân Ước mạc khải mầu nhiệm Chúa cứu chuộc từ Jerusalem, qua các biến cố Mẹ dâng Con tại Jerusalem và khi thất lạc con năm 12 tuổi, Cha Mẹ tìm gặp Chúa Giêsu trong đền thờ Jerusalem giữa các thầy tiến sĩ (Lc. 2,42-49 ). Đến thời viên mãn, Chúa quyết định lên Jerusalem thanh tẩy đền thờ, vì “Nhà Cha Ta là Nhà cầu nguyện” (Lc.19,51). Hơn nữa, thành Jerusalem là trung tâm diễn ra cuộc khổ nạn của Con Mẹ, vì “không lẽ một tiên tri lại chết ngoài thành Jerusalem”. Sau cùng, các Tông đồ “ phải nhân Danh Người đi rao giảng ơn cứu độ cho muôn dân, bắt đầu từ Jerusalem (Lc. 24.47) cho đến tận cùng trái đất (Act. 1, 8)
2- Lễ Mẹ dâng Con là ngày Hội Vui tràn đầy Thánh Thần, hình ảnh dân tộc mới.
Ngày dâng Con trong đền thờ, Mẹ Maria cũng giới thiệu Chúa Con cho nhân loại qua sự hiện diện của ông Simeon và bà Anna. Cụ Simeon là người công chính, luôn kính sợ Thiên Chúa, hằng ước mong Đấng Cứu Thế đến. Được Thánh Thần thúc đẩy, Ông vào đền thờ cùng ngày Cha Mẹ Chúa Giêsu đem con vào đền thờ dâng cho Chúa. Ông hân hoan vui mừng bồng ẵm Hài Nhi trong tay, và được Thánh Thần soi sáng, Ông chúc tụng Chúa và tuyên bố Hài Nhi Giêsu là Đấng cứu độ muôn dân : Ánh Sáng cho dân ngoại, niềm an ủi của Israel dân Ngài (Lc.2,29-32 ). Cha Mẹ Chúa Giêsu rất kinh ngạc về những lời Ông Simeon nói. Liền sau đó, ông trực tiếp nói với Mẹ Maria tiên báo một bi kịch của Con Mẹ và sự đau khổ bao trùm Mẹ : “Trẻ này sẽ nên mục tiêu cho người ta chống đối. Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ” (Lc.2,39-40). Cụ Simeon nói về màn bi kịch của Con Mẹ là điều nghịch lý giữa lòng Israel là dân tộc đang mong đợi Đấng Cứu Thế. Cùng lúc ấy, có mặt Bà tiên tri Anna đã cao niên là người đạo đức, không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa, mong chờ ơn cứu chuộc Israel, Bà cũng đến chúc tụng Chúa và nói về Hài Nhi Giêsu.
Thời Giáo hội sơ khai, Lễ Mẹ dâng Con được gọi là “lễ gặp gỡ” tràn đầy Thánh Thần. Cụ Simeon và Bà Anna tượng trưng cho nhân loại được gặp gỡ Đấng đến cứu độ mình, là hình ảnh tiên báo một Dân tộc mới được cứu rỗi đó là Giáo Hội. Về sau lễ này lan rộng, còn gọi là Lễ Nến tượng trưng Chúa Kitô là Ánh Sáng muôn dân. Vì cây nến sáng được làm phép trước Thánh Lễ và mọi người rước nến để mô tả Hội Thánh gặp được Chúa Kitô là Ánh Sáng muôn dân, mọi người phải bước đi trong ánh sáng, đừng ai ngồi trong bóng tối. Thánh Sopronio Giám mục thành Jerusalem đã giảng : “…Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa đã bồng ẵm trong tay Ánh sáng chân thật và mang đến cho những ai chìm trong bóng tối. Hãy cầm nến sáng trong tay soi sáng cho mọi người…. hãy bước đi tỏa sáng cho trần gian…”
3- Mẹ Maria, Nữ Tử Sion với Bi kịch của Đấng Cứu thế : Mẫu gương tuyệt hảo của đời tận hiến.
Trong Thông điệp Marialis Cultus, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết : “…Lễ Mẹ dâng Con trong Đền thánh nhắc nhớ nguồn ơn sủng lớn lao của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúa Con thực hiện Mầu Nhiệm cứu chuộc. Mẹ Maria kết hiệp mật thiết với Chúa Con chịu khổ nạn để thực hiện một sứ mệnh vừa thuộc về dân Israel trong Cựu Ước, vừa là hình ảnh của đoàn Dân mới trongTân Ước luôn bị bắt bớ gian khổ, bị thử thách đức tin và lòng cậy trông…(Marialis Cultus. 7)
Cụ Simeon tiên báo cho Mẹ màn bi kịch của Con Mẹ sẽ diễn ra trong dân tộc Israel và hình ảnh một “lưỡi gươm” đâm thấu tâm hồn Mẹ : “Con trẻ này được đặt lên cho nhiều người trong Israel được đứng dậy hay sụp đổ, và là mục tiêu cho người ta chống đối. Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà…” (Lc.2,34-35). Lời tiên báo của Simeon vạch trần bóng tối tận cõi thâm u sâu thẳm của con người trần thế, diễn tả toàn bộ lịch sử Israel chứa đầy mâu thuẫn với những nổi loạn và hiệp nhất, chống đối và tuân phục, chối từ và sám hối …Trên con đường cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu là Ánh sáng muôn thuở cũng không thoát khỏi những mâu thuẫn của bóng tối trần gian, thậm chí còn bị xâu xé bi thảm đó là : Đấng Cứu Độ loài người bị loài người giết chết trên cây Thập giá. Như vậy, qua lời nói của cụ Simeon, chúng ta có thể nói : Với thân phận làm người biết rung cảm và với trái tim bằng xương bằng thịt, Mẹ đã cưu mang và đón nhận tấm bi kịch của Con Mẹ và màn thảm kịch giữa lòng dân tộc của Mẹ với mọi hy sinh xâu xé và đau khổ nhất.
Năm 1997, Đức chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã chọn ngày Lễ Mẹ dâng Con làm ngày “quốc tế đời tận hiến” để : -Tạ ơn, ngợi khen Chúa vì hồng ân thánh hiến. – để cổ võ mọi người hiểu và nhận biết chân giá trị cao đẹp của đời tận hiến, và – để mời gọi mọi người đã tận hiến cho đại cuộc loan báo Tin Mừng hãy ca ngợi mọi kỳ công Chúa đã thực hiện trong đời họ. Đức Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế muôn thuở, Trung gian siêu phàm duy nhất của Thiên Chúa và loài người đã chịu đau khổ, chịu mọi thử thách như chúng ta và đã tự hiến thân mình làm Lễ Vật toàn thiêu để chuộc tội nhân loại. Đó là đối tượng, là khuân mẫu hoàn hảo cho đời tận hiến.
Thật vậy, trên cõi đời này, nếu không có đời sống tận hiến, trần gian chỉ là một thế giới nghèo nàn vô vị. Thánh Phaolo đã nói : “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”( 2Cr.5,14-19). “Ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô?..”(Rm.8,31). “Tôi trở nên tất cả cho mọi người để cứu một số người” (1Cr.9,22). “Tôi sống không phải tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi” (Gl.2,10)…. Vài lời nói trên của Vị Sứ đồ Phaolô giúp chúng ta xác tín thế nào là con người tận hiến. Người tận hiến cho Chúa phải là dấu chỉ của một tâm hồn quảng đại, một tình yêu sung mãn vô biên với Thiên Chúa và con người, là người luôn tiến gần ngai ơn sủng của Chúa và là cây cầu dẫn đưa con người về với Chúa ..…
Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy chiêm ngắm dung nhan Mẹ Maria, Người tận hiến đầu tiên tuyệt hảo. Mẹ rất khiêm nhường, Mẹ đầy ơn phúc, Mẹ tận tụy phục vụ Thiên Chúa như nữ tỳ khiêm hạ, và phục vụ nhân loại như người Mẹ hay thương xót. Mẹ là mẫu gương thu hút mọi tâm hồn tận hiến. Hôm nay theo truyền thống, biết bao tâm hồn nam nữ cầm nến sáng trong tay cam kết được tận hiến cuộc đời để thuộc trọn về Chúa. Chúa Kitô là Ánh sáng muôn dân, những người muốn tận hiến là để chọn Chúa làm gia nghiệp cuộc đời và để trở thành ánh sáng cho trần gian. Hơn nữa, lý tưởng tận hiến thuộc trọn về Chúa cũng là ơn gọi của mọi Kitô hữu trong Hội Thánh, luôn mời gọi hết thảy mọi người phải hướng về, tìm kiếm và ngưỡng mộ. Lễ Mẹ dâng Con trong đền thờ là ngày nhắc nhớ sống động cho đời tận hiến.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con nhận biết Chúa là gia nghiệp của con, là hạnh phúc đời con. Amen.
Lm. Giuse Nguyên