TTO – Đêm qua mẹ tôi gọi điện cho tôi, giọng trách hờn: “Tết nầy bây có dìa hôn? Tao không cần tiền bây gởi về quê để tao ăn tết. Tao cần thấy mặt tụi bây với sắp nhỏ là tao đủ vui rồi…”.
.
Chưa kịp trả lời thì mẹ tôi cúp máy. Tôi rành tánh mẹ, vẫn vậy. Giận thì giận mà thương thì thương. Tôi xa quê Bến Tre đã lâu, mỗi năm chỉ về đúng một lần vào ngày giỗ ba tôi, còn ngày tết thì luôn vắng mặt với nhiều lý do: trực cơ quan, chúc tết lãnh đạo, du lịch với vợ con…
Sáng nay tôi quyết định về quê trước tết cùng đứa con trai út tuổi lên 7. Con tôi kêu: “Sao mình về quê sớm vậy ba. Hôm nay mới 21 thôi mà?”. Tôi ậm ờ: “Về sớm để nội trông. Gần tết xe cộ nhiều dễ kẹt xe, kẹt phà lắm”. Nói cho có. Tình thật là tôi vẫn muốn đón tết Tây Đô như những năm trước. Vả lại lịch đón tết gia đình đã sẵn sàng.
Xe xuống phà Đình Khao (tỉnh Vĩnh Long). Dòng người và xe chen nhau xuống phà. Nhiều cụ già, phụ nữ mang thai, trẻ em bị xô đẩy, chen lấn rất khổ sở. Lòng chợt buồn vì lòng nhân, sự giúp đỡ người khác đã bị lãng quên vì sợ trễ chuyến phà. Con tôi hỏi: “Sao cô giáo dạy, phải biết nhường nhịn người cao tuổi, phụ nữ có thai ở nơi công cộng mà ở đây người ta không làm như vậy?” . Tôi im lặng vì mắc cỡ…
Cuộc hành trình tiếp tục. Hai bên quốc lộ 57 có rất nhiều người bán trái cây đặc sản Bến Tre: chôm chôm, sầu riêng 9 Hóa, 6 Ri, hoa kiểng, mai, bông các loại, xen lẫn với hàng trăm cơ sở kinh doanh cây giống.
Bất ngờ khi trên quốc lộ những chuyến xe ngựa du lịch trang hoàng rất đẹp mắt phát ra những tiếng leng keng từ các vòng lục lạc đeo quanh cổ những chú ngựa to, khỏe, vạm vỡ. Con tôi níu tay tôi: “Con gì vậy ba?”. Tôi đáp lời: “Con ngựa”. Tôi bỗng nghe như mình có lỗi muôn phần. Giá như tôi thường xuyên đưa con về quê thì chúng đâu có “lạc hậu” với con ngựa, con bò, cây lúa, cây rơm, cái đìa…
Dọc theo tuyến đường là những đoàn lân “nhà quê” vỏn vẹn chỉ có những người đánh trống, đánh chập chã, ông Địa, ông Lân múa may trước những ngôi nhà mùa tết. Con tôi nói: “Lân ở đây ít người và múa thấy chán không giống mấy đội lân – sư – rồng ở Cần Thơ hả ba?”. Tôi đáp: “Lân ở quê mà con. Nói như con tội cho người ta lắm”. Con tôi im lặng không nói một lời.
Dọc các tuyến đường có rất nhiều nhà làm chuối khô, bánh tráng phơi trên các vỉ tre, trong cái nắng hầm hập cuối năm đường về quê biển huyện Thạnh Phú, Bến Tre.
Nhiều xe tải đang chuẩn bị xuất bến từ các cơ sở hoa kiểng, nhiều nhất là cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, mai chậu, hoa treo, kiểng lá. Nhìn số biển kiểm soát 29…; 43…; 92…, 61….93… tôi hiểu rằng hoa kiểng quê tôi sẽ đến Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước…
Ngạc nhiên khi làng quê tôi giờ cũng có hàng chục điểm bán cũng treo bảng “giảm giá”, “xả hàng ngày tết” như ở Cần Thơ, Sài Gòn dọc quốc lộ 57, dài dài cả chục cây số với các mặt hàng như quần áo đã xài rồi (đồ siđa); quần áo chỉ vài chục ngàn/bộ; rồi xoong chảo, giày dép, dây nịt, bóp da…
Dừng chân tại một quán nước ở xã Vĩnh Thành (còn gọi là Cái Mơn), huyện Chợ Lách, Bến Tre, cô chủ quán khá xinh xắn và rất “Bến Tre” với mái tóc dài và đen cười tươi như hoa kiểng: “Năm nay bà con xứ mình chắc trúng, giá hoa kiểng tăng vù vù, chắc ăn tết “sung ba khía” quá…”.
Càng về phía biển, dòng xe và người du lịch dày đặc bởi bãi biển Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) vừa được mở rộng với nhiều thắng cảnh đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Mừng vì quê mình đổi mới, sung túc, đủ đầy. Buồn bởi thấy mình có lỗi với quê nhà, người thân bởi cứ mãi lo toan cơm, áo, gạo, tiền mà lơ lơ quê cha, đất tổ.
Điện thoại rung. Tiếng mẹ tôi vang lên như reo: “Cha con bây dìa tới đâu rồi. Mẹ đang nấu nồi thịt kho dưa giá và mấy đòn bánh lá dừa đãi tụi bây đây. Bà con tới vui lắm, muốn coi mặt cha con bây”.
…Tôi tăng ga. Đường về quê ăn tết ngắn dần, ngắn dần trong niềm rạo rực tết quê…
TRƯƠNG THANH LIÊM (tuoitreonline)